18.10.13

Thứ lỗi cho tôi nếu ai đó buồn lòng.


Trả lời Nguyệt san Thế giới Nghệ sĩ

Sau làn sóng của thế hệ nhạc trẻ lớp trước như Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... thị trường âm nhạc Sài Gòn lắng xuống một thời gian dài. Mãi đến đầu thập niên 90, nó mới cựa quậy đứng dậy một lần nữa và lớn mạnh, chủ yếu về lượng. Trần Minh Phi là một nhạc sĩ có đủ chất và lượng cũng như phong độ để theo kịp thị trường. Thế nhưng gần đây, anh hoàn toàn im lặng.

- Vì sao anh lại im hơi lặng tiếng như thế?

- Im lặng là một điều bình thường vì người sáng tác có nhiều giai đoạn khác nhau, lúc này tôi vẫn viết nhưng không còn sung như trước. Bây giờ, tôi không thể nhắm mắt chạy theo thị hiếu mãi dù viết vẫn được. Có những đơn đặt hàng rất quái đản, tôi không nhận, vì viết như thế thì sẽ không còn bản sắc của mình. Đời người như dòng sông, lúc lên lúc xuống, đã tới lúc tôi muốn nghĩ về mình nhiều hơn.

- Anh không luyến tiếc những hào quang mà mình đã có sao?

- Làm văn nghệ ai không thích hào quang, ai không thích sự nổi tiếng. Nhưng khi đạt được nó rồi, biết được cảm giác ồn ào biết được nhiều khẽ, biết được những mặt trái, người ta lại thích sự yên lặng.

Viết được nhạc buôn bán, viết nhạc theo đặt hàng... cũng giống như người làm thuê rẻ mạt, có bài nào lóe lên một chút, thì ca sĩ hưởng chứ mình có được gì đâu. Chưa nói, có chút hư danh, đời tư mình hay bị moi móc, thổi phồng...
- Nói vậy, anh có vẻ khó tính và thẳng thừng quá, anh thấy sao?
- Bây giờ nhìn lại những việc mình đã làm, nhất là những vụ lật tẩy chuyện đạo nhạc, tôi vẫn không hối hận. Tôn trọng sự thật là tính cách của tôi, nếu bây giờ phải làm lại từ đâu, tôi cũng sẽ làm y như vậy. Nhiều người ghét tôi, vì cứ ngỡ việc tôi phê bình tác phẩm cũng là phê bình con người họ. Nhưng không, trong một giới hạn nào đó, tác phẩm là tác phẩm, con người là con người, thà bị ghét chứ không để bị khinh. Tôi bị rất nhiều người ghét.
- Bây giờ anh im lặng, ngay cả với việc viết phê bình, vì sao vậy?
- Chúng ta không thiếu những người biết phê bình, nhưng thiếu cái tâm nên chịu nhiều sự o ép, không viết được. Mình tôi nói hoài cũng đâm ra nhàm chán, kiểu như mình quá già mồm nên tôi cũng không muốn nói nữa. Tôi rất buồn trước thái độ bàng quan, đạo nhạc vẫn nhan nhản nhưng người ta đã xem nó là bình thường rồi. Cái tốt dị biệt thành cái xấu, cái xấu phổ biến thành cái bình thường. Các giá trị vàng thau lẫn lộn. Nền âm nhạc thì luôn có bài này bài kia, tác giả này tác giả khác, nhưng bây giờ thau đã thành vàng nhiều quá. Vàng bị tuột mất giá trị.
- Nghe anh nói, có cảm giác anh đã già và không còn muốn xuất hiện trở lại, anh sẽ im lặng mãi sao?
- Tôi vẫn thích viết cho tuổi trẻ vì tôi sống tương đối lạc quan, yêu đời, trẻ trung và biết chia sẻ với người khác. Còn sự trở lại? Ai mà không muốn góp một phần tinh tế của mình vào cục diện chung. Nhưng tôi có cảm hứng với môi trường âm nhạc như hiện nay, tôi không còn thích hợp, những câu chuyện tình trong sáng đã được thay bằng những chuyện tình éo le, chia ly, mất mát, đau thương... Nói thật, nếu tôi không còn làm được nữa thì cũng không một chút hối tiếc, vì công bằng mà nói thì tôi cũng đã có góp một chút sức mọn của mình vào cục diện chung. Tuy nhiên, tôi vẫn làm việc, nếu sau này môi trường tốt hơn, tôi sẽ trở lại.
- Chẳng lẽ sau hơn 15 năm theo đuổi nhạc thị trường, anh không nhận ra được quy luật của nhạc trẻ hiện nay?
- Nhiều người nói sao tôi không biết thức thời. Nhưng họ đâu biết tôi luôn thích nghi. Tôi đâu phải là kỳ nhông cứ đổi màu liên tục. Làm thợ nhạc, tôi không làm được, là nhạc sĩ phải biết giữ bản lĩnh, không thể cứ mãi chạy theo đuôi quần chúng, mà đôi khi phải biết, sớm nở tối tàn, cứ thay đổi xoành xoạch, tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm với nó. Nhưng nền âm nhạc nào cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, trong một đống hàng chợ, rồi cũng sẽ có một vài viên kim cương lấp lánh, chúng ta rất cần một khoảng thời gian dài để sàng lọc. Không phải căn cứ vào hàng chợ đánh giá, để qua đó cứ lăng xê rùm beng thì thành công đâu.
- Phê phán vậy nhưng anh có hiểu thủ thuật lăng xê?
- Bạn nghĩ bây giờ một bài báo viết về giới nghệ thế nào thì được đọc nhiều? Đầu tiên là phải chú trọng vào hình thức, kế tiếp là dòm xem họ có bao nhiêu fan, kế nữa xem chuyện đời tư có gì hấp dẫn và cuối cùng là phải gây sốc. Bên âm nhạc cũng thế. Cứ cho rằng tôi không biết thủ thuật lăng xê đi nhưng tôi biết để làm một bài hát nổi tiếng thời bấy giờ thì không khó. Đầu tiên ca từ phải hơi "thấp thấp", hơi thô thiển, phải ăn theo một hiệu ứng xã hội nào đó để gây sốc, kế đến lựa ca sĩ đang hot để nhờ họ hát, cuối cùng là chiến dịch tổng tiến công trên các mặt trận từ báo chí, truyền hình, sân khấu... cho đến poster, tờ rơi, và ra đĩa... lậu. Với công nghệ "chuyên nghiệp" ngày nay, tất cả điều này đều có thể làm đồng bộ, logic và hoàn toàn có vẻ khách quan, hợp lý.
- Nếu nhìn từ thời nhạc tiền chiến đến giờ, sơ đồ tân nhạc mà anh vẽ ra sẽ thế nào?
- Tôi không vẽ sơ đồ để làm gì vì như vậy người ta sẽ nói tôi chủ quan duy ý chí. Nhưng có một quy luật, là tuổi thọ của tác phẩm ngày càng ngắn lại. Có lẽ do ngày càng có nhiều phương tiện để phổ biến, cộng với nhịp sống công nghiệp nên nhạc trở thành một thứ để nghe giải trí, nghe để tạo phông trong đời sống tiêu dùng, chứ không phải để bâng khuâng, nghĩ ngợi như ngày trước.
- Vậy anh nghĩ rồi âm nhạc sẽ đi đến đâu?
- Chắc là nó không mất đi nhưng sẽ tồn tại trong các diện mạo khác, không như hình dung của mình lúc này. Bây giờ sân chơi nhiều, người viết có tay nghề cao, nhưng không có được tác phẩm tốt là do lỗi ở người viết. Với quan niệm sống cuồng vội, hời hợt... thì chắc chắn tác phẩm cũng sẽ giống như vậy thôi. Kỹ học được dễ nhưng kỹ có mà nhân không có thì cũng vứt đi.
- Băn khoăn đủ thứ chuyện, Trần Minh Phi bây giờ như thế nào?

- Thư thái và vui vẻ. Thứ lỗi cho tôi nếu ai đó buồn lòng.


(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ) - Việt Báo (Theo-Ngoisao)
Back To Top