“Do những vụ lùm xùm đạo nhạc vừa qua mà tôi là người lên tiếng trước
và mạnh mẽ nhất, nên tôi bị nhiều người trong giới tẩy chay...”, nhạc sĩ Trần
Minh Phi tâm sự.
Thời gian vừa qua,
anh "biến" đi đâu vậy?
Nói chung là ở nhà và làm những
việc bình thường của một nhạc sĩ. Vẫn sáng tác, nhưng không thấy có điều kiện
cũng như thời điểm thích hợp để phổ biến tác phẩm. Tôi phải đi dạy nhạc và làm
những việc linh tinh khác nên không có thì giờ tụ bạn.
Vậy như thế nào mới
là đủ điều kiện và thời điểm thích hợp để phổ biến tác phẩm?
Thứ nhất là thẩm mỹ của đa số người
nghe bây giờ không phù hợp với cách viết nhạc của tôi. Thứ hai là do những vụ
lùm xum đạo nhạc thời gian qua mà tôi là người lên tiếng trước và mạnh mẽ nhất,
nên tôi bị giới showbiz hầu như tẩy chay, các nhà sản xuất cũng không muốn cộng
tác với mình vì họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận cũng như sự đòi hỏi nhất thời của
thị trường.
Anh vốn là một nhạc
sĩ đồng thời cũng là một nhà báo, sao anh không viết báo nữa?
Với tôi làm nghề báo phải trung
thực 100%, nếu vậy thì phải sống khổ sở với nó, nhưng kể cả những người thân của
mình cũng không chia sẻ được, họ bảo mình dại. Có lẽ tôi cực đoan quá chăng?
Theo anh, tình trạng
đạo nhạc bây giờ ra sao?
Trong ý thức mỗi người, tôi nghĩ là các nhạc sĩ đã dè dặt
hơn. Thậm chí có một số nhạc sĩ trẻ đã nói rằng họ trở nên nhát tay hơn trong
khi viết nhạc. Tôi nghĩ điều này rất tốt, vì họ đã trải qua cái giai đoạn “điếc
không sợ súng”.
Anh có nhận xét gì về
diện mạo âm nhạc của thế hệ nhạc sĩ trẻ bây giờ?
Ở góc độ giải trí thì âm nhạc hiện tại cũng có lợi ích của
nó. Nói kiểu triết học thì cái gì tồn tại có ý nghĩa của nó. Âm nhạc bây giờ
mang đến sự thư giãn vui chơi cho đại bộ phận lớp trẻ hiện nay. Nếu không có nó
thì họ nghe cái gì? Còn nếu so sánh giữa các thế hệ nhạc sĩ thì các nhạc sĩ bây
giờ chuyên nghiệp hơn. Do thời đại bùng nổ thông tin, sự cập nhật kiến thức âm
nhạc thế giới đương đại được họ nắm bắt rất nhanh. Họ đa năng hơn, vừa có thể
sáng tác, vừa chơi đàn, vừa hoà âm... Nhưng rất tiếc là họ lại có một lỗ hổng
là văn hoá nền hơi thấp, ý thức sáng tạo kém, cảm xúc nghèo nàn.
Theo anh, có
"mafia" trong làng nhạc hay không?
Có đấy. Ở đâu cũng có bè cánh. Do yếu tố thị trường và đồng
tiền chi phối lại càng bè cánh hơn nữa.
Theo Thể Thao Ngày Nay
Việt Báo (Theo DânTrí)