31.10.13

Không được “làm giàu trên lưng” trẻ em (!)



                                   
Bước ra từ những cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí các em đã rơi vào tầm ngắm của những ông bầu, chạy sô kiếm tiền dù đang tuổi ăn, tuổi học. Nhưng suy cho cùng thì đáng trách là người lớn, cụ thể là các phương tiện truyền thông đã tung hô các em quá đà, các công ty tổ chức sự kiện đang “làm giàu trên lưng” các em!

Vài năm gần đây, các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí đang nở rộ theo cùng với trào lưu của các chương trình truyền hình thực tế khác. Có thể điểm qua các sân chơi dành cho các em nhỏ đang được chú ý nhất hiện nay như: “Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnams got talent”, “Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids”, “Đồ-rê-mí”… Từ các cuộc thi này, ngày càng nhiều “ngôi sao” nhí xuất hiện mỗi năm, với rất nhiều ồn ào, thị phi.

Thật ra thì không phải đợi đến khi có các cuộc thi tài năng này xuất hiện thì các tài năng nhí mới có cơ hội “ra đời”, trước đó showbiz Việt cũng đã chứng kiến làn sóng của những tài năng nhí. Đó là Hùng Thuận trong phim “Đất phương Nam”, Phương Trinh với phim “Kính vạn hoa”, “Bà mẹ nhí” và những ca sĩ nhí Xuân Mai, Xuân Nghi… họ trở thành thần tượng không chỉ của thiếu nhi trong cả nước mà còn với nhiều bậc phụ huynh. Không những thế, các ngôi sao nhí thời đó có chất lượng hơn rất nhiều so với những “sao” nhí bây giờ. Đa số họ đều trở thành “sao” qua những sản phẩm phim ảnh hay âm nhạc chứ không phải chỉ sau một vài tiết mục trong một gameshow nào đó mà phần lớn sự ồn ào thuộc về chiêu trò và sức mạnh của truyền thông.


Có thể nói các em nhỏ hiện nay có lợi thế hơn rất nhiều so với các anh chị thời trước về mọi mặt. Từ chuyện sản xuất sản phẩm cho đến cách tiếp cận công chúng, cách quảng bá hình ảnh… Nhưng rõ ràng là “lợi bất cập hại”. Có quá nhiều những tung hô, những ca tụng từ truyền thông; thậm chí họ gọi các em bước ra từ cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí này là những “thần đồng”. Và chính sự tung hô có phần thái quá đó đã vô tình phủ lên tâm trí non dại các của em những ánh hào quang ảo; có khi, các em nghĩ mình là một ngôi sao thật sự. Điều đó thật tai hại!


Với các em nhỏ, được cho kẹo thì vui, tặng quà thì mừng rỡ chứ ở độ tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học, tuổi lớn như các em thì làm gì có thể hình dung về cái gọi là vinh quang, là sự nghiệp, là chạy sô!? Nên khi các “sao” nhí bước ra từ các cuộc thi rồi tranh thủ sự ồn ào đang có để tất bật chạy sô, vội vàng ra đĩa đến mức bỏ bê cả việc học thì đó là lỗi từ người lớn, còn các em chỉ là đáng thương hơn đáng trách. Không những thế, các “sao” nhí của chúng ta đáng được cảm thông ngay từ khi các em bước chân vào cuộc thi, bởi những người lớn trong các gameshow đó đã thẳng tay biến các em thành những quân cờ để thu hút sự chú ý của dư luận, truyền thông và mục đích cuối cùng là doanh thu từ quảng cáo. Rồi khi bước ra khỏi cuộc thi, nhiều công ty tổ chức sự kiện, bầu sô săn đón các em với những hứa hẹn về một tương lai rực rỡ. Nhưng thật ra, họ đang tìm mọi cách “làm giàu trên lưng” các em thì nhiều!


Mới đây, trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, ca sĩ Lan Anh, giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia đã thẳng thắn nói rằng, chị không phản đối những sân chơi dành cho các bé nhưng những sân chơi này đang có sự định hướng lệch lạc. Điển hình như chương trình “The Voice Kids” vừa qua. Những gì cuộc thi để lại đã khiến chị rất thất vọng. Đó là chuyện thí sinh phải chọn bài theo định hướng của các huấn luyện viên, nhưng đó lại là những ca khúc quá tuổi, thành ra phản cảm. Và cuộc thi chẳng khác gì một sân chơi cho người lớn thu nhỏ trong khi không hề thiếu những ca khúc thiếu nhi, phù hợp dành cho các em. Còn về phía truyền thông, ca sĩ Lan Anh cho biết đã mắc lỗi là tung hô các bé quá nhiều, vượt qua sự thật nên rất dễ đem đến mối ảo tưởng dành cho các em!


Có thể nói công nghệ, kỹ xảo, hợp đồng, PR... tất cả các quá trình mà một giọng ca nhí đang trải qua chẳng khác nào cho một ca sĩ chuyên nghiệp. Và thay vì tham gia vào chương trình phù hợp với lứa tuổi thì các “sao” nhí lại miệt mài chạy sô với mục đích kiếm tiền. Đương nhiên là kiếm tiền cho người lớn chứ không phải cho riêng các em. Phương Mỹ Chi - một hiện tượng của “Giọng hát Việt nhí” vừa qua đang là tâm điểm chú ý của dư luận về vấn đề này. Sau cuộc thi, gia đình em luôn miệng nói rằng sẽ ưu tiên tối đa việc học chứ không lo chạy sô, ca hát. Nhưng rồi mẹ và dì của “sao” nhí này cũng bỏ cả hàng xôi chè đang đắt khách để cùng con ngược xuôi Nam - Bắc chạy sô. Rồi gia đình em nói là chỉ tranh thủ đi hát vào những ngày cuối tuần, nhưng có những sô giữa tuần cũng không bỏ qua!


Thật ra, săm soi chuyện người khác kiếm tiền chân chính, dẫu với lý do gì đi nữa thì đó cũng là một hành động kém duyên. Nhưng, ở đây người đang tất bật chạy sô là Phương Mỹ Chi, một tiềm năng 10 tuổi thì có nhiều điều cần bàn! Như ca sĩ Lan Anh chia sẻ với chúng tôi, việc chạy sô, dẫu được sắp xếp thế nào cũng ảnh hưởng lớn đến việc học. Đó là điều chắc chắn, bởi không phải chỉ đợi đến giờ rồi lên sân khấu hát là xong mà trước đó là cả một quá trình chuẩn bị từ việc chọn bài hát, thu âm, tập dợt… Đó là chưa kể đến việc cho các bé sớm bước chân vào showbiz sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé sau này.


Huấn luyện viên Thanh Bùi của “The Voice Kids” cũng cho biết, anh đã nhìn thấy rất nhiều em nhỏ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài, việc bắt đầu quá sớm đến lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Các em nhỏ bắt đầu sự nghiệp quá sớm thường có cuộc sống không bình thường, tâm lý không bình thường và khi lớn lên sẽ gặp những vấn đề về tâm lý. Là một thầy giáo dạy thanh nhạc cho các em, Thanh Bùi vẫn khẳng định: Với các bé, không gì quan trọng hơn việc học cả.


Và thực tế, showbiz cũng đã có một “tấm gương” đó là Angela Phương Trinh. Phương Trinh của “Kính vạn hoa” ngày nào giờ đã trở thành nhân vật scandal bậc nhất nhì trong làng giải trí, từ những phát ngôn gây sốc đến ăn mặc phản cảm, thậm chí lột đồ khoe thân. Angela Phương Trinh chính là bài học mà nhiều bậc phụ phải xem lại quyết định có nên “quăng” con nhỏ vào showbiz hay không?!


Chưa kể là, người lớn hay ngộ nhận các em bước ra từ các cuộc thi đều là những tài năng thật sự, dạng thần đồng. Nhưng đó là một sự ngộ nhận hết sức tai hại. Ca sĩ Lan Anh cũng như ca sĩ Thanh Bùi đều khẳng định, các bé chỉ mới dừng lại ở dạng tiềm năng, có năng khiếu mà thôi. Chính vì thế nếu các bé không được chăm chút rèn luyện, trau dồi thêm mà chỉ chăm chăm vào việc khai thác giọng hát hiện tại ở các sô diễn thì việc đó chẳng khác nào đem “bán lúa non”. Và kết quả là rất dễ mang đến những hệ lụy đáng tiếc, nghệ thuật sẽ mất đi những gương mặt nhiều tiềm năng bởi sự lũng đoạn về văn hóa cũng như giọng hát của các em khi lớn lên. Bài học từ Angela Phương Trinh đang còn đó!


Vì thế, thay vì “ném đá” các em nhỏ sao lại “tham”, lại mê nổi tiếng mà sao nhãng việc học thì hãy đặt câu hỏi cho người lớn, những công ty tổ chức sự kiện, những bầu sô rằng: có hợp lý không khi cho các em chạy sô thay vì vui chơi, học tập? Có bất nhẫn không khi “làm giàu trên lưng” những đứa trẻ?! Và đó cũng chính là câu hỏi dành cho cả bậc phụ huynh và những người đang đóng vai trò định hướng cho các em!


Trúc Vân-petrotimes.vn



Back To Top