18.10.13

Phòng thu âm chuyên nghiệp và phòng thu âm vi tính


Thời kỹ thuật âm thanh analog, muốn kinh doanh trong lãnh vực thu âm thì phải đầu tư rất nhiều tiền cho các "phần cứng":

- phòng ốc phải được thiết kế đúng chuẩn về âm thanh (acoustics): phòng thu (cách âm, tiêu âm “tuyệt đối” với nhiều micro, tấm ngăn âm, buồng ngăn âm...), phòng cân chỉnh âm thanh (cũng được cách âm và tiêu âm “tuyệt đối”)

- trang thiết bị "cứng" thật chuyên nghiệp để thu âm, cân chỉnh âm thanh phải đầy đủ và có chất lượng: micro, console, preamp, compressor, equalizer, các bộ sound effects, đầu ghi âm băng từ nhiều tracks, ít nhất 3 cặp loa kiểm âm với kích cở near-field, mid-field và speakers + tăng âm (amplifier) hoặc bộ công suất (power amplifier), vân vân và vân vân. Không biết sao cho đủ!

Phải đạt đủ những “qui định kỹ thuật chuyên môn” về âm thanh như trên mới được xem là phòng thu âm đủ chuẩn chuyên nghiệp.

Vì vậy, số lượng phòng thu âm...có thể đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay.

Đến thời kỹ thuật âm thanh digital, tức từ năm 1990 cho đến nay, kỹ thuật thu âm và cân chỉnh âm thanh digital phát triển với tốc độ ngày càng nhanh theo sự phát triển của kỹ thuật vi tính nhưng...nếp suy nghĩ về kỹ thuật âm thanh vẫn còn "vương vấn và lưu luyến" với thời vàng son analog vì thời này, các phòng thu gần như độc quyền kinh doanh trong lãnh vực thu âm.

Cho nên, theo quan niệm “analog” này, để có thể được xem là “phòng thu âm chuyên nghiệp” thì phải có console hoành tráng hàng hiệu (càng lớn, càng nhiều kênh, càng chuyên nghiệp!), phải có các thiết bị âm thanh cứng hàng hiệu: preamp, compressor, EQ, reverb, delay (càng nhiều càng chuyên nghiệp!), phải có thiết bị cứng cũng hàng hiệu để master audio CD, vân vân và vân vân... Chưa kể đến phòng thu và phòng cân chỉnh âm thanh phải được cách âm và tiêu âm với các vật liệu nhập ngoại mới đạt chuẩn chuyên nghiệp về âm thanh.

Nhưng rốt cục, âm thanh này cũng được xử lý qua máy vi tính nên lại sinh ra việc chuộng phần mềm âm thanh Pro Tools, không phải vì tính năng và hiệu quả của nó mà vì...nó là phổ biến tại các phòng thu âm ở Mỹ! Và chơi với Pro Tools thì quả thật...chỉ có dân âm thanh có nhiều tiền mới đụng tới. Nhưng cuối cùng rồi, hiệu quả âm thanh cũng không hơn gì các phần mềm âm thanh khác (Cubase, Nuendo, Samplitude) được quen sử dụng ở Châu Âu và ngay cả tại Mỹ.

Đầu tư một phòng thu âm digital theo cách trên rất tốn tiền với hiệu quả...hầu như là “0” (con số “không”) vì không có ai biết sử dụng và tận dụng các thiết bị âm thanh vừa analog, vừa digital này.

Sự thật về chuẩn của “phòng thu âm chuyên nghiệp” digital

Ngược lại với quan điểm “chuộng” và “sắm” thật nhiều thiết bị âm thanh hàng hiệu chuyên nghiệp của những người kinh doanh phòng thu âm còn “vương vấn” thời vàng son analog, sự chuyên nghiệp của phòng thu âm digital là ở “cái đầu” và 2 tai của người sử dụng máy vi tính để làm âm thanh.

Thiết bị rất đơn giản, vẫn chuyên nghiệp nhưng rẻ tiền hơn hàng hiệu chuyên nghiệp:

- không cần phải có analog console vì console này hoàn toàn vô dụng. Nếu phòng thu vi tính nào “trưng bày” đồ cổ này là chỉ nhằm “lòe” người không hiểu âm thanh mà thôi.

- audio interface hoặc digital console, với sampling rate tối thiểu: 48kHz, bit depth: 24bit (muốn có bit depth cao hơn như 32bit hoặc 64bit cũng không thể có được, ít ra là đến hiện nay). Digital console cũng là audio interface nhưng phức tạp hơn do được tích hợp thêm nhiều effects như: compressor, gate, EQ, reverb, delay...

- một preamp

- một cặp loa kiểm âm near-field tích hợp tăng âm (active near-field monitors).

- micro.

Nên có nhiều loại: dynamic, condenser. Nhiều tính năng: cardiod, figure 8 và omni.

Các thiết bị trên cùng với bộ máy vi tính với tốc độ xử lý CPU cao là đủ để thu âm và cân chỉnh âm thanh ngang ngửa với phòng thu âm digital kiểu analog nói trên.

Còn về phần phòng ốc? Phòng ốc cho âm thanh digital cũng có chuẩn kỹ thuật về âm thanh như phòng ốc thời analog nhưng đơn giản và gọn hơn. Cần nhất là không gian rộng cho phòng micro thu âm để không ngộp người và ngộp tiếng và phòng này cần được cách âm và xử lý tiêu âm nhưng không quá “triệt để” theo chuẩn phòng micro thu âm thời analog. Không cần phải có vật liệu tiêu âm nhập ngoại vì những vật liệu mềm, xốp (mousse, chăn màn dầy, vải bố dầy, mốp cách nhiệt, tấm đệm cao su) cũng đủ để tiêu âm và cách âm.

Điều tôi muốn nhấn mạnh qua bài viết này: tai nghe tinh tế, kiến thức âm học, kiến thức vi tính, kiến thức sử dụng phần mềm âm thanh và kỹ năng tinh chỉnh các plugins là những yếu tố quyết định cho chất lượng âm thanh. Không như thời analog là cần phải có thêm nhiều thiết bị âm thanh cứng chuyên nghiệp vì các plugins cũng có chất lượng cao để cho ra hiệu quả âm thanh tương tự như thiết bị cứng cùng tính năng.


Đắc Tâm - giai điệu xanh
Back To Top