21.10.13

Vin vào công chúng, nhạc Việt tuột dốc?


Để có một công chúng cao cấp trong thưởng thức âm nhạc, phải thay đổi nhiều thứ, trong đó có giáo dục (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Vụ việc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét về các ca sĩ đương thời chưa tạm lắng, dư luận tiếp tục bùng lên cuộc cãi vã dữ dội với nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn vì những phát ngôn không hay của họ về nhạc sến. Hai cuộc cãi vã này khiến cho nhiều người giật mình khi nó vô tình phản ánh một nền nhạc Việt đang loạn chuẩn. Vậy công chúng Việt đang thưởng thức, nói chính xác hơn là đang "nghe nhạc" như thế nào? Xu hướng chọn nhạc của họ là gì?


Công chúng Việt chọn nhạc để nghe hoàn toàn theo cảm tính. Cái gì lặp đi lặp lại nhiều lần, lải nhải bên tai cả ngày hoặc làm họ "nổi da gà" thì nghe và khen hay. NSƯT Tạ Minh Tâm cho rằng: "Chỉ cần nghe tiết tấu âm thanh, những điệu bộ thời trang thật là hào nhoáng sôi động trên sân khấu để người ta quên đi mệt nhọc thường ngày, người ta chẳng cần suy nghĩ gì hết, thế là đủ". Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi giới trẻ "như điên, như dại" nhún nhảy theo các nhóm nhạc Hàn Quốc mà đại đa số họ không hiểu các thần tượng của mình đang hát gì vì một chữ Hàn bẻ đôi cũng không biết.
Cách nghe nhạc của công chúng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Tại sao Phương Mỹ Chi và Bùi Anh Tuấn, hay như Yasuy lại khiến khán giả "phát cuồng" đến vậy? Những bài dân ca đâu phải đến giờ công chúng mới được nghe? "Nơi tình yêu bắt đầu" đâu phải bây giờ công chúng mới được cảm? Các ca sĩ gạo cội như Hương Lan, Cẩm Ly hay Bằng Kiều đâu tạo ra được hiệu ứng dữ dội như vậy. Cái hấp dẫn, có lẽ nhờ câu dân ca ngọt lịm kia đặt vào vành môi của một cô bé 10 tuổi, câu tình yêu lãng mạn kia đặt vào cổ họng của một cậu trai đẹp mã hay anh chàng ngô nghê vùng sơn cước. Những yếu tố lạ thu hút cả đám đông hò hét, la ó dù giọng ca chưa thật sự quá xuất sắc.



Nền âm nhạc công chúng đang nghe hiện nay là âm nhạc thị trường, giải trí đơn thuần. Nói không ngoa khi các giải thưởng âm nhạc và các chương trình truyền hình thực tế ca hát là màu chủ đạo tô vẽ nên đời sống của nhạc Việt hiện nay. Trong khi các giải thưởng của Hội Nhạc sĩ mang tính chất hàn lâm, kinh viện, hầu như ít gây chú ý thì các chương trình truyền hình thực tế lại phụ thuộc nhiều vào thị hiếu khán giả. Vì vậy, chất lượng nghệ thuật ở những chương trình này không cao, chủ yếu là chiêu trò để nhà sản xuất hốt bạc và người đi thi chỉ mong được sớm nổi tiếng để hét cát-xê. Các chương trình âm nhạc được đánh giá cao như "Cửa sổ âm nhạc" hay "Bài hát Việt", "Sao Mai", "Giai điệu mùa thu" lại bị lép vế trước độ hot của những chương trình lắm chiêu trò chiếm sóng giờ vàng nói trên.


Hiện tại, ở nhiều nước, để đánh giá trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng, người ta thường căn cứ vào khả năng cảm thụ nhạc không lời. 

       Trong ảnh: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong một lần biểu diễn tại Tp HCM.


Chiếm chủ đạo trong nhạc Việt vẫn là những ca khúc (nhạc có lời). Nhạc không lời (ở nhiều nước, đánh giá một nền âm nhạc cao hay thấp người ta thường dựa vào loại âm nhạc này) chiếm vị trí vô cùng khiêm tốn. Trong số các ca khúc, người nghe chọn những ca khúc có lời dễ hiểu để đỡ mất công suy nghĩ. Hiển nhiên nhạc không lời chẳng mấy ai chọn, vì đơn giản nghe không đã mắt, đã tai, dù có thể nghe mà không cần suy nghĩ. Với nhiều người, khi đã phát chán lời bài hát nhạt nhẽo, vô duyên, âm nhạc sôi động thì họ tìm về nhạc sến để lắng lại tâm hồn. Họ thấy bản nhạc hay, chạm vào cảm xúc của mình vì nó "lỡ" phù hợp hoàn cảnh hay đánh thức kỉ niệm quá khứ mà không hề hay biết. Cách nghe này nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng đó là nghe nhạc một cách thụ động. Nghĩa là công chúng không phải thưởng thức cái hay cái đẹp của âm nhạc mà chỉ nghe vì nhu cầu giải tỏa cảm xúc tiềm thức.

Cũng có người lý luận rằng tôi nghe nhạc để giải trí, hà cớ gì phải nghe những bản nhạc cao siêu, làm thêm nhức đầu mệt óc. Nếu biết nghe nhạc chủ động, có kiến thức về âm nhạc nó sẽ đi vào như một phản xạ có điều kiện, giúp người nghe cảm nhận trọn vẹn chất tình, chất nghệ thuật và giá trị của bài hát chứ không căng thẳng như người mới đầu tập lái xe, cương cứng với những kỹ thuật khô khan.

Phải thừa nhận rằng kiến thức, thẩm mỹ âm nhạc của công chúng Việt còn nhiều hạn chế, rất cần sự định hướng của các nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp. Nhưng họ ở đâu? Nói như nhạc sĩ Trần Minh Phi, một cây bút phê bình từng đón nhận không ít tai bay vạ gió vì những phân tích sắc sảo của mình thì: "Nhà phê bình phải trả giá rất đắt cho việc phê bình của mình. Nếu vấn đề họ đưa ra được nhìn nhận và thu về những thay đổi tốt đẹp và tích cực cho xã hội hay cộng đồng thì họ ít ra cũng được có một phần thưởng tinh thần quý báu. Nhưng chua xót thay, có khi vấn đề vẫn như cũ và người bị phê có khi lại được tôn vinh còn người phê thì bị hoài nghi! Thế nhưng, thỉnh thoảng xã hội lại gào lên lúc gặp phải sự bê bối nào đó trong nghệ thuật: Nhà phê bình ở đâu?". Đến đây, nhạc sĩ Trần Minh Phi trả lời thẳng thừng: "Nhà phê bình đang bị chà đạp dưới chân xã hội!".

Người hướng dẫn công chúng bị đối xử phũ phàng như vậy, trong khi đó người được công chúng thần tượng lại luôn đem công chúng ra làm bức bình phong hòng che chắn khi bị người khác vạch yếu, chỉ sai. Trở lại trận đấu khẩu kịch liệt của Đàm Vĩnh Hưng với vị nhạc sĩ lão thành Nguyễn Ánh 9.  Đàm Vĩnh Hưng xem ra có vẻ thắng thế khi vin vào fan hâm mộ đông đảo của mình. Người ta vẫn khăng khăng khẳng định mình là ca sĩ có đẳng cấp căn cứ vào lượng fan ít hay nhiều. Bị chê trách về chuyên môn thì họ dễ dàng chống chế rằng giọng ca của tôi vẫn được khối người nghe đó thôi. Tôi có chỗ đứng trong lòng khán giả là được rồi.

Nhà báo Hữu Trịnh đánh giá: "Trong nghệ thuật, số đông công chúng không phải lúc nào cũng đại diện cho xu hướng nghệ thuật tiến bộ hoặc thể hiện một thẩm mỹ nghệ thuật cao. Các buổi biểu diễn nhạc cổ điển hiện nay vẫn thưa thớt khán giả, nhưng không ai dám nói các tác phẩm của Mozart, Beethoven, Tchaikovsky… là dở cũng như không ai dám phủ nhận những tài năng âm nhạc như Đặng Thái Sơn hoặc các nghệ sĩ Việt Nam thành danh ở nước ngoài. Nói điều đó để thấy rằng, số đông công chúng chưa phải là điều tiên quyết để thông qua đó mà đánh giá nghệ thuật".

Sự dễ dãi của công chúng là điều kiện thuận lợi cho những giọng ca "thảm họa", những bài hát nhố nhăng ra đời mà vẫn có đất dung thân. Đến khi dư luận kêu gào vì không chịu nổi những giọng ca như bò rống, vịt kêu, không chấp nhận nổi nền nhạc Việt hỗn loạn thì ca sĩ, nhạc sĩ khi xưa o bế công chúng sẵn sàng quay ngoắt 180 độ bảo rằng: Tại khán giả dốt!

Công chúng không được trang bị kỹ năng chọn nhạc và thưởng thức, ai cho gì nghe nấy, đó có phải là cái tội? Nói như nhà báo Hữu Trịnh thì thị hiếu của công chúng hiện nay do điều kiện khách quan. Không thể yêu cầu công chúng có gu thẩm mỹ cao cấp khi những kiến thức trang bị ở nhà trường chỉ hời hợt trong bảy nốt nhạc; việc dạy cách thưởng thức tác phẩm âm nhạc bị bỏ ngỏ. Các chương trình âm nhạc chỉ dừng lại ở việc trình diễn chứ việc bình luận về bài hát rất ít. Thêm nữa, nhiều nhạc sĩ cho rằng khoa lý luận, phê bình âm nhạc ở các nhạc viện chủ yếu tập trung vào nhạc kinh viện, hàn lâm, riêng nhạc nhẹ gần như bỏ ngỏ. Thế nên việc phê bình nhạc nhẹ bây giờ (đa số là nhà báo kiêm nhà phê bình), chủ yếu ăn may theo ý kiến công chúng…

Đồng ý rằng nghệ thuật là vì công chúng, phục vụ công chúng nhưng không thể vì đó mà tạo ra những thứ rác rưởi. Khi nhạc nghệ thuật vẫn quá xa rời công chúng thì chẳng thể đòi hỏi lớn lao hơn ở âm nhạc giải trí, chỉ mong ít nhất những người sáng tác hãy vì công chúng mà tạo ra những sản phẩm tử tế. Tử tế trong cách làm, cách sẻ chia và cách thể hiện với cái tâm nghệ thuật trong sáng. Chỉ cần tử tế thôi, thế là đủ, còn chuyện sáng tạo hãy bàn sau, bởi đó là một vấn đề rất dài…


Nguyễn Trang - Văn nghệ Công an nhân dân
Back To Top