23.10.13

Lại bàn về nhạc ngoại lời Việt

               Nam Lộc- một trong những người mở đầu cho việc Việt hóa nhạc Pop nước ngoài.

Gần đây, bên cạnh trào lưu quay về dĩ vãng bằng các bài nhạc xưa là một khuynh hướng làm sống lại phương thức Việt hóa những bài hát nước ngoài, nghĩa là chuyển soạn lời Việt cho nó. Cần nhớ lại sự ra đời tân nhạc cũng bắt đầu bằng việc làm như trên.

Trước năm 75, ở miền Nam có rất nhiều bài hát nước ngoài chuyển soạn lời Việt rất thành công. Chúng đã được Việt hóa một cách trơn tru và tự nhiên mà cho đến tận bây giờ các tác phẩm đó vẫn còn sức sống mãnh liệt và không ai dám nghĩ là sẽ đặt lời lại những kiệt tác đó để có thành công tương tự.

Có thể kể đến 2 ông vua soạn lời Việt còn trong tâm trí tôi rõ nhất là Phạm Duy và Nam Lộc(Tất nhiên là còn một số tác giả thành công nữa). Ví dụ, đây là một danh sách nhạc ngoại lời Việt của Nam Lộc mà thuở đi học tôi còn chép cẩn thận trên những trang giấy tái sinh kẻ ô rẻ tiền:

Trưng Vương khung cửa mùa thu ( "Tell Laura I Love her")
Mây Lang thang ("The Cowboy's Work Is Never Done")
Dĩ vãng buồn ("I’ll Never Fall In Love Again")
Tình ca cho em ("Goodbye To Love")
Như mùa thu lá bay ("Ben"),
Chỉ là giấc mơ qua ("Yellow Bird")
Một thời để yêu ( "Les Amoureux Qui Passent")
Phút bên em ("L’Amour Avec Toi")

Những bài đấy mà những ai bây giờ từ U4O trở lên hầu như đều biết hoặc ít nhiều cũng thuộc lòng nội dung.
Còn Phạm Duy thì số lượng rất nhiều và rất đa dạng từ nhạc pop đến cổ điển, bán cổ điển. Nhạc dân ca nước ngoài cũng có. Nhạc Anh, Pháp, Nhật gì cũng đủ. Và tất nhiên cũng là những tác phẩm tương xứng với nguyên bản và nổi tiếng dài lâu. Đây là những cái tên chắc ai cũng nhớ:

-Nhạc cổ điển và bán cổ điển: Khúc Hát Thanh Xuân- When We Were Young, Chiều Tà- Sérénata, Vũ Nữ Thân Gầy- La Cumparsita, Dạ Khúc- Sérénade, Dòng Sông Xanh- Le Beau Danube Bleu, Trở Về Mái Nhà Xưa- Back To Sorriento, Sầu- Tristesse, Mơ mòng- Rêverie, Ave Maria Schubert, Ave Maria Gounod…

-Dân ca các nước: Clê Măng Tai-Clementine, Chú Bé Ðánh Trống- The Little Drummer Boy, Vai Áo Mầu Xanh- Green Sleeves, Nhớ Thương- Arirang, Hoa Ðào Ca- Sakura…

-Nhạc Nhật: Nắng Xuân- Solenzara, Dòng Sông Quê Cũ- La Playa, Ru Em Qua Ðời, Người Ði Trong Ðêm-Xin lỗi không còn nhớ tên bài gốc. Còn khá nhiều.

-Nhạc Pop Âu-Mỹ: Hai Khía Cạnh Cuộc Ðời- Both Sides Now, Hè 42- Summer '42, Chuyện Tình - Love Story, Hỡi Người Tình Lara- Dr Jivago, Người Yêu Nếu Ra Ði- If You Go Away, Không Cần Nói Anh Yêu- You Don't Have To Say You Love Me, Những Mùa Nắng Ðẹp- Seasons In The Sun, Chủ Nhật Tươi Hồng- Beautiful Sunday, Khi Xưa Ta Bé- Bang Bang, Em Ðẹp Nhất Ðêm Nay- La Plus Belle Pour Aller Danser, Trong Nắng Trong Gió- Dans Le Soleil Et Dans Le Vent, Ôi Giàn Thiên Lý Ðã Xa- Chèvrefeuille Que Tu Es Loin, Chỉ Cần Một Giọt Lệ- Rien Qu'une Larme, Tiễn Em Nơi Phi Trường- Adieu Jolie Candy, Gọi Tên Người Yêu- Aline, Người Ðẹp- Lady Belle, Cơn Ðau Tình Ái- Mal…Còn rất nhiều,kể ra phải mất thêm cả trang, đó chỉ là những bài tôi thích nhất nên tất nhiên còn nhớ.

Quay lại với khoảng thập niên chín mươi trở lại đây thì khoảng thời gian nhạc ngoại lời Việt bùng nổ là khoảng từ năm chín bảy đến khoảng sau năm hai ngàn một vài năm. Có điều chất lượng bài gốc lúc đó thấp hơn những tuyệt phẩm kể trên và tệ hơn là lời Việt hóa quá kém. Nhạc phần lớn là nhạc thị trường xí xa xí xồ của Canto-Pop và Mando-Pop, rồi nhạc Thái xí xa xí xọn. Nghĩ lại thấy mà quê vì tôi lúc đó chơi dại cũng bon chen tham gia dăm bảy bài vô duyên tệ. Ơn trời là cũng có bài của tôi khá rẻ tiền mà cũng giúp một cô ca sĩ trở nên nổi tiếng!?

[Tôi quên nói đến trước đó nữa, ở miền Bắc cũng có những bài nhạc ngoại lời Việt cũng đi vào lòng người, đó là các bài hát Nga, phải kể đến như: Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Ngôi sao ban chiều, triệu đoá hoa hồng...cũng một thời ám ảnh tôi và nhiều thế hệ người nghe]

Sau này tôi có viết trên báo Thanh niên về trào lưu này. Xin trích lại vài nhận xét khi đó:

“Nói đặt lời thì chính xác hơn là dịch lời hoặc chuyển soạn lời,vì hầu hết đều là viết lời mới cho các giai điệu nước ngoài.Vì vậy chuyện“phản phé”nhau giữa âm nhạc và lời ca là chuyện tất nhiên.(Thật ra nếu có sự nhạy cảm tinh tế ta cũng có thể viết được một ca từ phù hợp với giai điệu mà không cần biết nội dung của nó,nhưng bây giờ giữa trào lưu thực dụng thì sự nhạy cảm của tâm hồn như thế hiếm lắm).Âm nhạc nước ngoài thì không phải lúc nào cũng được chọn lựa kỹ càng.Nhiều bài hát bình thường thôi nhưng xem ra thị hiếu người nghe có vẻ ưa chuộng hơn,nhưng chỉ với loại bài như thế các nhạc sĩ trong nước còn phải hụt hơi chạy theo bắt chước để sáng tác cho kịp với thời đại.Và phần lớn các nhạc sĩ không được chọn bài viết lời.Hầu hết họ viết theo đơn đặt hàng của ca sĩ(đưa bài cho nhạc sĩ và yêu cầu đặt lời,có khi còn ra cả đề tài cụ thể).Sự hấp dẫn của đồng tiền dễ kiếm cộng với mặt bằng văn chương không khá lắm đã đẻ ra những ca từ ba xu.

Sự lố bịch của loại ca từ ho hen đó thể hiện rõ hơn khi một số tác giả bạo gan viết lại lời cho một số ca khúc nước ngoài với những ca từ nổi tiếng nhiều thập niên trước(như”Giàn thiên lý đã xa”,”Ngày Tân hôn”…).Không hiểu họ nuôi tham vọng”cách mạng”gì hay chỉ là làm theo sự”nhõng nhẽo”của ca sĩ?

Có một vài nhạc sĩ chuyên tâm và chủ động viết lời cho nhạc nước ngoài.Nhưng họ cũng chỉ chọn được bài có giá trị thương phẩm(vì bản thân họ cũng chỉ sáng tác nhạc thương phẩm mà không phải là loại thương phẩm hàng hiệu,chỉ là hàng chợ mà thôi).Vì vậy một nhạc sĩ trẻ kia đã từng tự hào tuyên bố trên báo chí rằng anh đã viết được lời cho nhạc nước ngoài(chủ yếu là nhạc Hoa)hơn cả trăm bài trong vòng hơn một năm!?(Nhưng chẳng có bài nào ra hồn,chỉ nhờ ăn theo giai điệu).Cuối cùng các sáng tác của anh cũng nhiễm Tàu luôn.Kết quả người ta khó phân biệt bài nào của anh và bài nào của người ta.Kết quả nhiều bài của nước ngoài được khán giả gán luôn cho anh,và anh cũng không cần nhiệt tình đi đính chính làm gì,mà còn ỡm ờ đánh trống lãng vì nó hoàn toàn có lợi cho việc đánh bóng tên tuổi của anh.Và anh không phải là một trường hợp duy nhất”

Mới đây nhất, Dương Thụ cũng theo cách Phạm Duy để soạn lời cho những bài cổ điển và bán cổ điển, trong đó có làm lại những nhạc phẩm đã nổi tiếng nhưng xem ra ông này đã thất bại khi cố gắng Việt hóa nó như những nhạc sĩ trước đây. Nghe mấy bài chuyển ngữ của ông thấy như chứng kiến một cuộc cưỡng hôn!

Với tình hình nhạc mới trong nước không cảm và ít nghe được thì thiên hạ tìm an ủi ở nhạc xưa và nhạc nước ngoài Việt hóa là đúng. Và hiện nay cũng còn khá nhiều bài nước ngoài hay và giá trị chưa được Việt hóa. Nhưng rút kinh nghiệm, chúng ta nên học tiền nhân về nghệ thuật soạn lời sao cho nó có máu thịt với nhau, tạo nên những cuộc hợp hôn lý tưởng.

Nếu cần, chúng ta nên tham khảo tài liệu: The SongWriters Idea Book của bà Sheila Davis. Đây là lý thuyết về việc viết lời cho một bản nhạc. Bản dịch này là của một nick Học Trò trên blog cá nhân của mình. Nó đây:

Tổng quan về Lý thuyết viết lời cho một bản nhạc
The SongWriters Idea Book của bà Sheila Davis
  Lược dịch: Học Trò (hoctroviet.blogspot.com)

1. Một cấu trúc thiết yếu của ca từ


Phải làm sao cho ca từ chứa đựng:

Một ý tưởng đặc sắc, không vay mượn

- Về "người thật việc thật", trong hoàn cảnh có thể tin được,
- Trình bày rõ nét một thái độ hay một xúc cảm mà thôi,
- Đủ kha khá nội dung để có thể viết thành nhạc,
- Dung hòa với lối suy nghĩ của quảng đại quần chúng,
- Viết sao cho người nghe thông cảm được với người hát,
- Viết sao cho hàng triệu người cứ muốn nghe đi nghe lại hoài.

Một cái tựa đáng nhớ:

- Nghe một lần là nhớ tên bài liền,
- Tóm tắt được tinh thần của bản nhạc,
- Độc nhất vô nhị (đừng trùng tên với bài của người khác).

Lôi cuốn ngay từ đầu

- Lôi kéo người nghe vào bài nhạc,
- Thiết lập không gian, thời gian, hoàn cảnh, nhân vật chính chỉ trong vài câu đầu.

Một sự phát triển hợp lý

- Trình bày các yếu tố trong bài nhạc theo một thứ tự hợp lý,
- Phát triển một ý tưởng từ điều này, sang điều khác, để đi đến một cái gì đó rõ rệt,
- Phải có kết luận cho bài, dù nói rõ ra hay không.

Thể loại nhạc phù hợp

- bổ sung và thăng hoa mục đích của nhạc phẩm,
- Chuyển tải thành công những kỹ xảo mình mong muốn.

2. Ba loại cốt truyện

Có ba loại cốt truyện của một bài nhạc với độ phức tạp khác nhau:

1. Thái độ: viết về một tình cảm hoặc một thái độ, như bài Unforgettable.(Chẳng quên được em)

2. Tình huống: trong đó thái độ hay tình cảm được lồng vào trong một tình huống làm nó phức tạp thêm, như trong bài Torn between two lovers (Giằng xé giữa hai người tình)

3. Đầy đủ câu chuyện: trong đó các sự kiện được diễn tiến mạch lạc, có lúc khởi đầu, diễn tiến, và chung cuộc, như trong bài Coward of the county (tên hèn nhát của tỉnh.)

3. Các kỹ thuật chính để phát triển một bài nhạc

- Tạo một chuỗi sự kiện có chủ đích ( thí dụ như bài "The First Time I Ever Saw Your Face" - lần đầu anh nhìn thấy dung nhan của em): tường thuật các chi tiết theo thứ tự gia tăng của sự quan trọng của chúng.

- Báo trước ( thí dụ như bài "Class Reunion" - họp mặt bạn học cũ): khơi gợi một cốt truyện hấp dẫn trước khi sự kiện sẽ xảy ra.

- Tạo một hình tượng: ( như trong "Gentle on my mind" - nhẹ nhàng trong trí em): sắp xếp các hình ảnh sao cho chúng tạo nên một khung cảnh nhất định, theo ý tác giả.

- Trở về chủ đề ( như trong "In The Ghetto" - xóm của người da đen) : đem về cuối câu những chữ chính, câu chính, dòng hay đoạn chính đã dùng trước ở phần đầu của đoạn nhạc.

- Tạo mâu thuẫn ( như trong "Coming in and out of your life" - đến và đi khỏi đời em): tạo cho người hát có tâm trạng lạc lõng với các tâm trạng nội tại cũng như ngoại cảnh.

- Tạo căng thẳng có tính cách châm biếm, chõi ( như trong "Send in the Clowns" - gửi tới đây mấy thằng hề): tương phản những điều dường như, hay đã thường xảy ra trong quá khứ để tương phản một cách mỉa mai với hiện tại.

- Tạo ngạc nhiên (như trong "Harper Valley PTA") tạo cho người nghe sự ngạc nhiên ở phần cuối đoạn bằng cách dùng các kỹ thuật như "khám phá", "làm méo đi (ý nghĩa thường)", hay "quay vòng lại khởi thủy".

- Chơi chữ (như trong bài "On the Other Hand" -mặt khác): khai thác một câu hay chữ có nhiều nghĩa. (thí dụ như on the other hand, cả thành ngữ nghĩa là "mặt khác" nhưng chữ hand cũng là bàn tay, có thể dùng cho một nghĩa khác, cụ thể hơn, như đếm từng ngón tay, v.v. - 

- Tạo cảnh trí (như trong "It was a very good year" - đó là một năm rất thành công) tạo ra các bức tranh vẽ phác, tượng trưng nhằm biểu tượng hóa ý nghĩa bài hát.

- Tạo cốt truyện như là một câu hỏi ( như trong "Guess who I saw today, my Dear?" - đố em hôm nay anh vừa gặp ai?): tạo ra một câu hỏi (chưa có câu trả lời) trong phiên khúc đầu, cho tới phiên khúc cuối mới biết lời giải.

- Tạo một đối thoại có tính tranh luận ( như trong "Baby, it's cold outside" Em cưng, ngoài kia trời lạnh lắm): dùng một cặp ca sĩ hát đôi để kịch hóa giữa những ý tưởng chọi nhau.


4. Sườn cốt truyện

Bốn thành tố chính của một cốt truyện bao gồm góc nhìn, suy tư (giọng), thời gian, và khung cảnh - quyện vào nhau để tạo nên xương sống của cốt truyện. Mỗi thành tố phải thật rõ ràng và xuyên suốt để tạo cho giai điệu một cái cột xương sống vững chãi.

Sau đây là 4 thành tố 

Góc nhìn:  Ngôi thứ nhất (Tôi, chúng ta) - Ngôi thứ nhì (em hay anh) - Ngôi thứ ba (anh ấy/cô ta/ họ)

Giọng văn: suy nghĩ - nói chuyện.

Thời gian: quá khứ - hiện tại - tương lai - đang liên tục diễn ra.

Khung cảnh: không có - một chốn nhất định - một chốn không rõ rệt như "đang ở đây" - các cảnh trí thay đổi - một cái xe đang chạy.

Sau đây là khái quát về những chọn lựa bạn có thể thực hiện.

Vì đa số các bài nhạc phổ thông đều thuộc loại bày tỏ thái độ hoặc một tình huống, đại đa số góc nhìn đều dùng ngôi thứ nhất và thứ nhì số ít: "tôi" và "em/anh". Dùng ngôi thứ ba số ít "nó, anh ấy, cô ta" khi muốn dẫn chuyện. Đa số lời nhạc để ca sĩ làm "tiếng nói suy nghĩ" - hoặc suy ngẫm về một kinh nghiệm hay một trạng thái tình cảm, hoặc nói về một người hiện vắng mặt, về một nơi chốn nào đó, hay về một điều gì đang diễn ra trong tâm tưởng. Lời nhạc cũng có thể thuộc dạng "đối thoại", trong đó ca sĩ mặt đối mặt và trò chuyện với nhân vật đối diện mà cô/anh đang muốn bày tỏ. Cái phương cách bạn xử lý một trong 4 yếu tố đã đề cập sẽ ảnh hưởng đến 3 yếu tố còn lại. Mục tiêu là dung hòa hết 4 yếu tố để tạo thành một lời nhạc xuyên suốt và mạch lạc. Tóm lại:

a.Để ý đến góc nhìn, suy tư, thời gian, và khung cảnh,
b. khi đã quyết định dùng cái gì thì đừng quên nó,
c. Nếu phải thay đổi, nhớ kể ra trong bài nhạc để người nghe hiểu rõ.

5. Khái quát về vần điệu

Vần điệu: định nghĩa: hai hay ba từ (hoặc cụm từ) được coi là có vần với nhau khi trong mỗi từ chứa một nguyên âm cuối  và phụ âm cuối giống nhau, trong khi phụ âm trước âm cuối thì khác với phụ âm của âm cuối. Có ba loại vần: hoàn toàn - với dấu trọng âm chính, hoàn toàn - với dấu trọng âm phụ, và gần như hoàn toàn.

(Vì lối phân loại này theo Anh ngữ nên với tiếng Việt mình không áp dụng hoàn toàn được - tiếng Việt mỗi chữ chỉ có một âm tiết, thay vì một, hai, hay nhiều hơn như trong tiếng Anh. Xin xem kỹ hơn hình phần tiếng Anh để xem bà Davis phân loại ra sao. - hoctro)

6. Mười Nguyên Tắc Chính Để Viết Lời Nhạc

 1. Đơn giản: giữ sao cho chỉ có một ý tưởng chính thôi, dẹp bỏ hết các chuyện phụ. Ta có thể tóm tắt được cốt chuyện của một bản nhạc viết giỏi chỉ trong một câu ngắn.

 2. Sáng sủa: dùng những đại từ chỉ định để chỉ ra ai đang kể chuyện hay suy nghĩ những gì. Với những đại từ như anh ấy, cô ta, họ, hoặc nó, phải kê ra rõ ràng chúng ám chỉ ai. Nếu cốt chuyện thay đổi không gian, thời gian, hay góc nhìn, phải viết xuống thành lời để diễn tả sự thay đổi này.

3. Cô đọng: mỗi chữ trong bài đều phải có mục đích. Dẹp bỏ các từ sáo rỗng (rất, chỉ) các trợ động từ như chậm đi, buồn hơn hay những từ không cần thiết (mặt trời mọc buổi sáng)

4. Nhấn mạnh: dùng những chữ ngắn, chỉ có một âm. Để những chữ quan trọng vào cuối câu. Nên dùng những động từ thể chủ động chứ không ở thể bị động: viết "nụ hôn của em làm anh bị lừa" chứ không viết "anh bị lừa bởi nụ hôn của em"

5. Nhất quán: dùng tinh thần diễn đạt và văn phong như nhau từ đầu đến cuối bài. Dùng những chữ chính của đề tài như chữ "mưa" lúc nào cũng là "mưa" như mưa rơi thật, hay là luôn dùng như là một hình tượng (mưa  = phiền muộn), đừng cho nghĩa này chạy qua nghĩa kia trong cùng bài nhạc. Luôn để lời nhạc có một nghĩa em (hay anh). Thí dụ như rtong bài Moon River, thì con sông là nghĩa "em" xuyên suốt bài hát.

6. Chặt chẽ, mạch lạc: mỗi phản ứng đều phải có lý do xảy ra trước đó. Giữ một trình tự thời gian hợp lý xuyên suốt bài hát: sáng-trưa-tối, cũng như một tình cảm tăng dần hay giảm dần hợp lý, thí dụ như "mỗi phút trong một giờ, mỗi giờ trong một ngày, mỗi ngày của một tuần"

7. Rõ rệt, đặc trưng: chọn một thứ đặc trưng như quả táo so với chung chung như trái cây; rõ rệt (những đóa hồng anh mang đến) thay vì trừu tượng (những điều nho nhỏ anh làm). Bày tỏ tình cảm rõ rệt bằng hành động thay vì kể về nó. Thí dụ như thay vì nó về một tình cảm là e thẹn, bẽn lẽn (shy), ta nên viết rằng "bỗng dưng em thích nhìn đôi giày em" (You take a sudden interest in your shoes.)

8. Lặp lại: để thỏa mãn nhu cầu của người nghe là họ cần ghi nhận lại những gì quen thuộc, lặp đi lặp lại các chữ hay câu quan trọng để nhấn mạnh chủ đề - nhất là nên lặp đi rồi lại lặp lại tựa bài.

9. Đồng nhất: trưng bày các phần tử của bài dựa theo sự quan trọng của các phần tử đó. Đặt các phần tử này vào trong không gian, thời gian, và hành động sao cho chúng hài hòa như một vật thể chung, nhằm tạo ra một ấn tượng nhất định. 

10. Cảm giác thành thật: viết về nhữngi ình huống hay tình cảm bạn hiểu được. Không gì thay thế được tính chân thật: phải chân thật mới làm người ta tin được.

7. Các quyết định chính phải làm

Chọn giới tính: những tình cảm biểu lộ trong bài nhạc thuộc về phái nam hay phái nữ? Với một số đề tài thì việc chọn giới tính rất quan trọng (như kiểu "đêm nay ai đưa ANH về" nghe không lọt tai chút nào - hoctro.) Tất nhiên sẽ có những lời nhạc mà phái nào dùng cũng được. Nên chú tâm vào chuyện này trước khi viết lời.

Chọn góc nhìn (quan điểm): nhạc sẽ dùng ngôi thứ nhất và chú tâm vào chữ "tôi"? dùng ngôi thứ hai với chú tâm vào "em" hay "anh"? Hay sẽ dùng ngôi thứ ba, nhấn mạnh vào "anh ta", "cô ấy", hay "họ"? Nếu lời nhạc thay đổi ngôi trong bài (điều hiếm khi xảy ra), nhớ phải làm rõ cũng như có chủ đích rõ rệt tại sao phải làm vậy.

 Chọn giọng văn: người ca sĩ sẽ độc thoại (suy nghĩ và nói với chính mình) hay đối thoại (nói với người khác)? Nếu độc thoại thì ca sĩ có thể sẽ 1)ngồi một mình và suy nghĩ, 2)hay có người khác ngồi bên cạnh và suy nghĩ, hay 3)nói về một người vắng mặt, về nơi chốn nay một điều gì đó, và 4)nói về cái "tôi", cái bản ngã của chính mình. Nếu đối thoại thì nghĩa là lời bài nhạc sẽ là cuộc nói chuyện với người thứ hai đang có mặt. Phải lưu ý chọn giọng văn và giữ trọn bài như vậy.

Chọn thời gian: các hành động trong bài có 1) diễn ra trong một thời điểm không xác định, hay 2)hiện tại - một vấn đề đang diễn ra, một tình cảm thường xuyên nghĩ đến, hay là 3) một khoảnh khắc xảy ra chỉ một lần trong hiện tại, hay 4) quá khứ, 5)  một quá khứ nhưng dùng động từ ở thể hiện tại, 6) tương lai? Phải chọn một thứ thôi và luôn xem chừng, nếu đổi từ quá khứ sang hiện tại thì phải viết xuống thành lời.

Chọn khung cảnh: ca sĩ độc thoại hay đối thoại ở đâu? trong quán ăn, phòng ngủ, hay trong phòng họp ở công sở? Ngay cả khi lời nhạc không viết xuống là khung cảnh ở đâu, là người soạn lời bạn phải nắm rõ điều này. Khi khung cảnh thay đổi thì phải viết xuống rõ ràng.

Chọn lối diễn đạt: thái độ của ca sĩ về các sự kiện xảy ra trong bài: bâng khuâng, nuối tiếc, thù hận, biết ơn, v.v.) Quan trọng nhất là phải diễn đạt một cách nhất quán, giữ một thái độ xuên suốt bài hát.

Chọn từ vựng: nhân vật trong bài có học thức hay không? hay chỉ khôn vặt nhờ giao tiếp ngoài xã hội? là nhà thơ? Nắm rõ tính cách nhân vật và chọn từ vựng thích hợp để thể hiện xuyên suốt cả bài nhạc.

Chọn cấu trúc bài: bạn muốn người nghe có cảm giác về bài hát ra sao? Cấu trúc bài giúp tạo một hiệu quả nhất định. Một trong ba cấu trúc chính nào sẽ diễn tả đạt nhất tình cãm bạn muốn truyền đạt ?(Ba loại cấu trúc chính là AB: phiên khúc [pk]/điệp khúc [đk]; AABA: pk/pk/đk/pk; và AAA: ba khúc nhạc giống nhau - hoctro). Chọn cấu trúc bài trước khi viết lời xuống.

Sống trọn vẹn như nhân vật: Bạn có thật sự tin vào nhân vật và tình huống bạn đang viết không? Chỉ khi nào bạn thật sự tin, thì khán giả mới tin theo được.

Hiểu tâm lý khán giả: Mỗi loại nhạc đều có khán giả riêng. Các thể loại nhạc thời nay lại càng ngày càng khác biệt nhau. Hiểu và đồng quan điểm với loại khán giả bạn đang viết về - pop, hip-hop, rock, rap v.v.Chọn đúng thể loại nhạc để viết sẽ có tác dụng xâu xa đến từ vựng và phong cách của lời nhạc cũng như âm thanh của bài nhạc.
=======================================================================
Bài dịch trên hy vọng  sẽ giúp ích không chỉ cho việc soạn lời nhạc ngoại để Việt hóa mà còn giúp các nhạc sĩ viết lời cho nhạc mình hay hơn và đáng nhớ hơn. Tất nhiên, nó chỉ đơn thuần là kỹ thuật, chỉ là yếu tố cần. Yếu tố đủ chính là khả năng văn học, văn chương cũng như là sự nhạy cảm và tâm hồn phong phú của người nghệ sĩ sẽ quyết định đến những ca từ tuyệt vời. Mong nhạc Việt đương đại sẽ có thêm những bản Việt hóa tuyệt phẩm để lại cho đời sau.

T.M.P
Back To Top