25.11.13

Trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc về phong trào nhạc trẻ thập niên 60-70[Phần 2]


Bài này do Khôi An ghi lại từ chương trình “Câu Chuyện Âm Nhạc” của Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi - Houston - do Hoàng Lan Chi phụ trách và đã được nghệ sĩ Nam Lộc hiệu đính lại. Các hình ảnh trong bài cũng do nghệ sĩ Nam Lộc cung cấp. 

LC: Xin hỏi một vài câu liên quan nhóm quý ông. Nhắc đến nhạc trẻ thập niên 60-70 là nhắc đến (Trường Kỳ- Tùng Giang và Nam Lộc). Xin ông vui lòng cho biết mối quan hệ của bộ ba quý ông, xuất phát từ đâu, thời gian nào và từ khi nào ý tuởng thành lập nhóm nhạc trẻ thành hình?
NL: Thưa cô, thực sự công lao để phát triển nhạc trẻ VN thì gồm có nhiều người lắm, nhưng theo tôi, một trong những người có công lao rất lớn là nam ca sĩ Jo Marcel. Ông là người tổ chức các phòng trà đầu tiên để các bạn trẻ có nơi trình diễn hoặc thi thố tài nghệ Lúc đó phong trào trình diễn nhạc ngoại quốc ở các câu lạc bộ (club) của Mỹ cũng đang phát triển. Chắc cô còn nhớ là khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đến VN khoảng năm 1963 thì nhu cầu sinh hoạt về âm nhạc cuả họ đã tăng lên rất nhiều, vì thế các câu lạc bộ ở những nơi đóng quân cần nhiều ban nhạc để trình diễn cho những người lính viễn chinh giải trí. Một trong những người đầu tiên đứng ra lập ra các ban nhạc như thế là nhạc sĩ Tùng Giang và sau đó các bạn trẻ cũng tự lập ra các ban nhạc và đi trình diễn khắp nơi.


(Hình 1: Tùng Giang, Trường Kỳ & Jo Marcel - 1967) 

Nhưng người gom góp các ban nhạc trẻ lại để cùng sinh hoạt lại là nhạc sĩ Trường Kỳ. Với tâm hồn yêu văn nghệ cùng các sinh hoạt nhạc trẻ, Trường Kỳ nghĩ rằng ngoài những lúc chơi nhạc cho các clubs ngoại quốc thì cũng nên họp lại để có những buổi trình diễn cho khán giả VN, nhất là giới trẻ. Anh Trường Kỳ đã dùng phòng trà cuả ca sĩ Jo Marcel để tổ chức những buổi nhạc Hippy-AGoGo với mục đích phục vụ khán giả VN. Anh Tùng Giang cũng là một nhạc sĩ, và khi tán thành ý định cuả anh Trường Kỳ thì anh Tùng Giang đã mời các ban nhạc trẻ cùng cộng tác với chương trình cuả anh Trường Kỳ.




(Hình 2_Tùng Giang-Tuấn Ngọc-Minh Phúc_1966) 

Sau khi Tùng Giang và Trường Kỳ cộng tác đuợc một năm thì cá nhân tôi đã đi tìm đến hai anh đó vì tôi nhìn thấy cả hai anh đều là những người có khả năng, đồng thời vào thời điểm đó, nhu cầu phổ biến nhạc trẻ đòi hỏi rất mạnh mẽ, do đó nếu chỉ trình diễn trong phòng trà cuả anh Jo Marcel hay các night club khác mỗi tuần một lần thì chắc không thể nào đủ để thỏa mãn nhu cầu cuả khán giả.

Tôi là người có được bộ óc tổ chức, tôi rất thích tổ chức từ khi tôi còn trẻ, ngay từ thời trung học tôi đã thích và đã làm việc xã hội. Chính động lực đó đã đưa đẩy tôi đã đến gặp các anh TK, TG cũng như JM, trước hết để đề nghị, nên tổ chức rộng rãi hơn ở những điạ điểm rộng lớn hơn; Thứ hai, nên tạo cơ hội để các bạn trẻ được đóng góp vào các hoạt động xã hội, vô vụ lợi nhằm phục vụ cho người dân cũng như cho quân đội. Vì thế, anh em chúng tôi đã gặp nhau vào cuối thập niên 60, chính xác là vào năm 1967.

Như vậỵ cách đây 42 năm, anh em chúng tôi đã gặp nhau. Riêng lý do khiến cho chúng tôi thân thiết hoặc gần gũi và cũng làm cho người ta hay nhắc đến “bộ ba” Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang hơn là các bạn khác là bởi vì các bạn khác thuờng là nhạc sĩ, chẳng hạn các anh Đức Huy, Tuấn Ngọc, Paolo hay Elvis Phương v.v. họ bận đi hát hay chơi đàn, còn anh Jo Marcel thì bận kinh doanh, làm phòng trà, thu âm v.v., chỉ có ba đứa chúng tôi cùng hợp tác với nhau để đứng ra tổ chức các buổi đại hội nhạc trẻ ngoài trời có tính cách rộng lớn và khá vĩ đại, có lẽ vì thế việc nên nguơì ta thường nhắc tới tên của ba anh em chúng tôi, chứ thật ra thì nhạc trẻ có sự đóng góp công sức cuả rất nhiều người.



(Hình 4: Jo Marcel-Tùng Giang-Trường Kỳ-Nam Lộc - 1995) 

LC: Thưa ông, những điều ông vưà nói có giải đáp một phần sự tò mò cuả tôi, nhưng tôi vẫn chưa rõ vì sao chỉ Truờng Kỳ được xưng tụng là “vua nhạc trẻ” trong khi TK không biết đàn và cũng không biết hát?

NL: Người ta thường gọi anh Trường Kỳ là “vua nhạc trẻ” bởi vì anh sinh hoạt với giới yêu nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc, nhạc kích động, từ khi anh còn rất trẻ, từ khi anh còn học trung học ở truờng Taberd. Mặc dù không đàn guitar và cũng không lên sân khấu trình diễn, nhưng anh TK không những sinh hoạt với các ban nhạc mà còn có các Teenagers’ Clubs hoặc các Fans Club. Có thể anh TK đã rập khuôn cuả các bạn trẻ ngoại quốc thời đó. Theo tôi, anh TK là người duy nhất đã đứng ra cổ vũ phong trào với các sinh hoạt liên quan tới nhạc trẻ. Từ trường Taberd, Marie Curie hoặc Jean Jackques Rousseau đến Gia Long, Trưng Vương ... đều có những Teenagers’s Club, mỗi club có một người trưởng nhóm để kêu gọi các bạn trẻ. Từ khi Trường Kỳ kêu gọi như thế thì anh đã có nhiều fans ở khắp nơi, không hẳn là fans của TK mà là fans của các ban nhạc, các ca sĩ ngoại quốc, v.v…




(Hình 5+6: Trường Kỳ & Fans Club)

Anh TK là ngươì có công phát triển phong trào đó cũng như gom góp những fan yêu nhạc. Có thể nói anh TK là người đi tiên phong trong lãnh vực sinh hoạt này. Bên cạnh đó anh cũng là người viết các bài tuờng thuật trên báo chí VN thời đó về những sinh hoạt của giới trẻ. Do đó, mỗi khi nhắc đến nhạc trẻ là người ta nghĩ ngay đến TK.


(Hình 7: “Vua Hippy” Trường Kỳ) 

Thêm vào đó, anh TK có hình ảnh rất đặc biệt: một người đeo cặp kính rất dầy, da ngăm đen, đầu tóc lúc nào cũng dài, một người mà khi nhìn thấy nguơì ta nghĩ ngay đến một nhân vật biểu tuợng cho giới Hippy. Tôi và anh Tùng Giang thì không có đuợc hình ảnh đó, cho nên khi nhắc đến nhạc trẻ, đến Hippy thì ngươì nghĩ ngay đến ông vua nhạc trẻ, ông vua Hippy Trường Kỳ. Những tên đó có tính cách như một thứ danh xưng mà ngươì ta đặt cho TK, chứ con ngươì thật cuả anh ấy cũng không Hippy lắm đâu (cười). Đó chính là lý do mà anh TK dù không phải là Hippy thực thụ, không phải là người đàn nhạc trẻ hay ca sĩ nhạc trẻ nhưng đuợc gọi là “vua nhạc trẻ”. Có thể nói đó là kết qủa của những sinh hoạt cùng sự đóng góp lớn lao mà anh TK đã thực hiện, và đã cống hiến cho nền nhạc trẻ VN, thưa cô.

LC: Cám ơn ông đã giải thích rất cặn kẽ, rõ ràng. Qua những điều ông vưà kể, tôi không ngạc nhiên khi biết rằng mấy chục năm sau cố nhạc sĩ Truờng Kỳ đã bay từ Canada sang Houston để tham dự buổi gặp gỡ cuả nhóm CTY do chị Hồng Vân của báo Thế Gìới Nghệ Sĩ tổ chức. Xin cám ơn ông đã nhắc tới một thời vưà qua mà các vị thính giả cuả chúng ta được gợi nhớ lại, tức là thời phong trào nhạc trẻ đã bắt đầu từ các trường Tây và lan qua các trường Việt như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Gia Long, Trưng Vương v.v.

Bây gìờ xin phép hỏi một câu không vui lắm, Thưa ông nhạc trẻ thời đó điển hình là nhóm quý ông đã thường bị chỉ trích. Ông có thể cho biết ai đã chỉ trích và vì sao?

NL: Thưa cô, những lời mà cô gọi là “chỉ trích” thì phải nói rằng cũng là những điều hợp lý mà thôi. Lúc đó đất nước đang trong thời chinh chiến, nhiều người trẻ đã phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Trong khi đó có “một lũ” thanh niên thiếu nữ khác lúc nào cũng “hoa hoè hoa sói”, tóc dài, đi “gào thét” âm nhạc trong hoàn cảnh như vậy thì cũng quả là hơi…. khó coi. Nhưng đó chỉ là nhìn từ bề ngoài, và những người chỉ trích có lẽ họ không hiểu, hay không biết! Họ quên rằng trong “đám nhạc trẻ” cuả anh em chúng có rất nhiều người đến tuổi nhập ngũ đều gia nhập quân đội. Ngay cá nhân tôi cũng như anh Đức Huy, Tiến Chỉnh, Elvis Phương, hay Jo Marcel v.v. đều là những người đi lính. Có thể mỗi người phục vụ ở một đơn vị khác nhau, như chúng tôi thì theo đơn vị Báo Chí sau đó chuyển sang ngành Chính Huấn.





(Hình 9+10: Nhạc trẻ gia nhập quân đội) 

Cũng có những người khác (trong Tâm Lý Chiến) như anh Lê Hựu Hà, anh Nhật Trưòng, thì viết nhạc... Nói chung tôi tin rằng nếu chúng ta xử dụng những nguời nghệ sĩ trong đúng vị trí thì họ cũng là những người chiến sĩ can trường và chiến đấu rất hữu hiệu. Thay vì cầm súng họ có thể cất tiếng hát, lời ca hoặc cầm bút sáng tác những lời nhạc sắc bén và tôi nghĩ rằng hành động của họ cũng có giá trị không thua gì người cầm súng.


(Hình 11: Trường Kỳ-Nam Lộc & nghệ sĩ tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh) 

Thế nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thì rất dễ tạo ra sự hiểu lầm, và như tôi vừa nói, thật ra chúng tôi cũng là những nguơì trẻ, cũng đáp lời sông núi và làm tròn bổn phận cuả người thanh niên trong thời chiến. Tuy nhiên, những lời chỉ trích - nếu có - về việc tóc dài hay nghe nhạc ngoại quốc thì tôi cũng không thấy có gì đáng buồn phiền cả. Thực sự những lời chỉ trich nặng nề nhất mà cô LC cũng như quý vị thính giả có thể đã nghe qua, thí dụ như “đây là bọn Hippy, phản chiến, vô trách nhiệm với quê hương, đất nước v.v.”, những lời phê phán nặng nề đó thuờng phát xuất từ các động lực chính trị. Bởi vì trên nguyên tắc thì không có lý do nào để chỉ trích khi chúng tôi chơi nhạc và có đông đảo nguời tham dự, chúng tôi đóng góp công sức, tiền bạc, và những số tiền đó đều do các sĩ quan cao cấp thuộc cục Tâm Lý Chiến điều hành và quản thủ.


(Hình 12: Phu nhân tướng Trần Văn Trung & Đại tá Cao Tiêu
chủ tọa một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời)

Tuy nhiên, thời gian đó đất nước chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chính trị rất nhiễu nhương – tôi phải dùng chữ đó – giữa hai vị nguyên thủ lãnh đạo quốc gia là ông Nguyễn Cao Kỳ và ông Nguyễn Văn Thiệu. Lúc đó ông NCK đang có khuynh huớng ra tranh cử chức tổng thống với ông NVT, vì thế phe ông NVT và phe ông NCK tìm đủ mọi cách để triệt hạ nhau. Chúng tôi lúc đó đuợc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị hỗ trợ mà tổng cục này ở dưới quyền chỉ huy cuả tổng thống đuơng thời là ông NVT nên được chính phủ NVT yểm trợ. Phiá ông NCK tìm cách chống đối, công kích và nêu lên lý do rằng chúng tôi là “bọn” Hippy, phản chiến. Ông NCK đã nhờ các thanh niên trong một nhóm tên là Thanh Niên Trừ Gian đi xé các bản poster quảng cáo đại nhạc hội, đồng thời có một số người viết báo, lên án chỉ trích việc làm cuả anh em chúng tôi. Ngoài ra cảnh sát quốc gia dưới sự chỉ huy của tướng Không Quân Nguyễn Ngọc Loan (đàn em của tướng Kỳ) còn được lệnh “hớt tóc” tất cả các thanh niên để tóc dài! Nói tóm lại, chúng tôi là nạn nhân cuả cuộc tranh dành chính trị giữa phe ông NCK và phe ông NVT.


Bản Tin: nhạc trẻ bị “cạo đầu”

Cho tới nay, chưa bao giờ tôi nhắc đến điều này một cách công khai, nhưng hôm nay nhân buổi phỏng vấn cuả cô Hoàng Lan Chi, và những sự kiện này đã trở thành lịch sử nên tôi cũng xin công khai trình bày. Tôi tin chắc rằng có một số rất đông nhân chứng còn sống, có những nguơì hiện đang làm việc trong lãnh vực báo chí, truyền thông, truyền thanh cũng đã từng tham dự phong trào Thanh Niên Trừ Gian, cũng có người đã từng lên án hoặc chỉ trích chúng tôi. Bây giờ, thỉnh thoảng anh em chúng tôi ngồi lại với nhau, gặp nhau ôn lại những sự kiện đó rồi ôm bụng cuời vì nhìn thấy cả một hậu trường chính trị ở miền Nam thời đó mà chúng tôi, ở cả nhóm nhạc trẻ hay nhóm “Thanh Niên Trừ Gian”, có thể nói là chỉ những người bị kẹt giữa hai lằn đạn, thưa cô (cuời)!


(Hình 15: Nam Lộc-Trường Kỳ & Thiếu tá Hà Huyền Chi,
Đại Hội Nhạc Trẻ Cuối Cùng)


LC: Vâng, xin ông cho hỏi sau khi nghe những lời chỉ trích, hẳn là quý ông đã ngồi lại với nhau để đề ra cách giải quyết. Lúc đó chỉ có quý ông bàn thảo hay là có sự hỗ trợ cuả cấp trên, chẳng hạn như là từ nội các của TT Thiệu thời đó, thưa ông?

NL: Thưa cô, phải nói một cách thành thật là chắc chắn phải có sự can thiệp cuả những người trong chính quyền ông NVT thời đó. Bởi vì có những chuyện chúng tôi không thể làm được như ngăn cản nhóm Thanh Niên Trừ Gian hay những nguời được thuê đi xé các posters. Chỉ có quân cảnh hay cục Tâm Lý Chiến mới có thể phản lại những việc này, chứ chúng tôi đâu dám xuất hiện, vì lạng quạng có thể bị bắt, không biết phe nào là ủng hộ, phe nào là chống đối (cười). Cho nên, có thể nói chúng tôi chỉ là những người phụ trách chương trình mà thôi, còn những vấn đền giao tế, public relation hay đối phó với dư luận thì hoàn toàn do cục Tâm Lý Chiến đảm nhiệm, chúng tôi không can dự vào những việc đó, ngoại trừ đưa ra một số ý kiến. Tuy nhiên, dù muốn dù không, tinh thần chúng tôi cũng bị xao động và thường phải ngồi lại với nhau đề bàn thảo, theo dõi tình hình để ứng phó tùy theo thời thế (thế thời ... phải thế!).

Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng rất hãnh diện là lúc đó các anh em nhạc trẻ đã biết ngồi lại với nhau và cùng quan niệm rằng “Nếu chúng ta làm một công việc trong sạch, có ý nghĩa thì chúng ta không sợ gì cả. Khi nguời ta bảo chúng ta phản chiến mà chúng ta không phản chiến thì chúng ta không sợ. Khi người ta bảo chúng ta là kẻ gian dối mà chúng ta không gian dối thì chúng ta không sợ. Chúng ta chỉ sợ khi chúng ta thực sự là nguơì gian dối. Nếu không thì ai có nói gì chúng ta cũng đừng bận tâm”. Đó chính là lý do mà chúng tôi vững lòng tiến tới, chứ không phải chúng tôi vì sợ hãi nên phải làm hay vì bị ép buộc mà phải làm. Chúng tôi làm chỉ vì luơng tâm và ý nghĩa cuả công việc. Đó là quan niệm mà chúng tôi vẫn áp dụng cho tới sau này. Bây giờ thì tôi đã trưỏng thành và còn vững chãi hơn, cho nên những lời nào nói không đúng về mình, nhất là trong hoàn cảnh tự do phát ngôn hiện nay thì mình lại càng nghe nhiều điều bịa đặt hơn nữa. Nhưng tiêu chuẩn vẫn là: mình làm những điều ý nghĩa, đúng với luơng tâm và lý tuởng của mình thì chẳng có gì để sợ cả, thưa cô.

LC: Tôi muốn đuợc hỏi cụ thể, rõ ràng hơn. Ý tôi muốn hỏi là về các đại nhạc hội nhạc trẻ gây quỹ cho Cây Muà Xuân Chiến Sĩ thì mục đích gây qũy đã có ngay từ đầu hay chỉ có sau khi bị chỉ trích, thưa ông?

NL: Thưa cô, chúng tôi có mục đích gây quỹ cho các việc làm có tính cách từ thiện ngay từ đầu, ngay từ khi bắt đầu tổ chức là đã nhằm vào các mục đích đó, nhưng những người chỉ trích thì họ có thể dùng bất cứ lời nào hoặc luận cứ nào để tấn công. Nói tóm lại mục đích gây quỹ giúp cây mùa Xuân chiến sĩ và cô nhi quả phụ là mục đích từ những ngày khởi đầu tiên. Chính vì mục đích đó nên chúng tôi mới làm, nếu không có mục đích đó thì chúng tôi đã không cộng tác. Thế nhưng nhóm chỉ trích lại bảo là chúng tôi lợi dụng quả phụ tử sĩ để tổ chức đại hội nhạc trẻ, họ có thể dùng bất cứ lời nào, và noí thế nào cũng được! Tôi nghĩ rằng đôi khi vì động lực chính trị làm cho người ta có thể bỏ qua bất cứ ý nghĩa nào, dù đó là những việc làm có tính cách từ thiện để yểm trợ QLVNCH.


Câu Chuyện Âm Nhạc được lưu trữ tại đây:

http://www.thegioinguoiviet.net/forumdisplay.php?f=134
Back To Top