18.10.13

Phòng thu âm chuyên nghiệp và phòng thu âm vi tính


Thời kỹ thuật âm thanh analog, muốn kinh doanh trong lãnh vực thu âm thì phải đầu tư rất nhiều tiền cho các "phần cứng":

- phòng ốc phải được thiết kế đúng chuẩn về âm thanh (acoustics): phòng thu (cách âm, tiêu âm “tuyệt đối” với nhiều micro, tấm ngăn âm, buồng ngăn âm...), phòng cân chỉnh âm thanh (cũng được cách âm và tiêu âm “tuyệt đối”)

- trang thiết bị "cứng" thật chuyên nghiệp để thu âm, cân chỉnh âm thanh phải đầy đủ và có chất lượng: micro, console, preamp, compressor, equalizer, các bộ sound effects, đầu ghi âm băng từ nhiều tracks, ít nhất 3 cặp loa kiểm âm với kích cở near-field, mid-field và speakers + tăng âm (amplifier) hoặc bộ công suất (power amplifier), vân vân và vân vân. Không biết sao cho đủ!

Phải đạt đủ những “qui định kỹ thuật chuyên môn” về âm thanh như trên mới được xem là phòng thu âm đủ chuẩn chuyên nghiệp.

Vì vậy, số lượng phòng thu âm...có thể đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay.

17.10.13

Tìm thấy bản Bolero duy nhất của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn


Thuở trâm cài, một sáng tác của Đoàn Chuẩn vừa được tìm lại bởi người cháu họ Đoàn Quỳnh Hoa sau mấy chục năm lưu lạc.

Thuở trâm cài được Đoàn Chuẩn sáng tác năm 1965 với bút danh Việt Tử. Nghệ sỹ Đoàn Đính khẳng định đây chính là nét chữ của bố mình. Nét chữ viết ngang theo kiểu chữ Pháp rất khó có thể bắt chước.

Đoàn Đính kể, anh đã nhìn thấy bút danh Việt Tử được cha mình ký trên một vài cuốn sách dạy ghitar Hawaii nhưng Thuở trâm cài là tác phẩm duy nhất Đoàn Chuẩn ký bút danh này.

Chia sẻ với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, ông cũng nói, chỉ cần đọc những nét nhạc đầu tiên cũng có thể khẳng định, tác phẩm mới tìm thấy là của Đoàn Chuẩn, phong cách sáng tác không thể lẫn vào người khác.

Đong đưa cùng Nhạc Muồi



Không thể có một áng văn hay, không thể có một lời nhạc bay bổng mà thiếu tự do trong đó... Đó là sự thật, chí ít 38 năm qua, kể từ ngày "đảng đã cho em cuộc đời mới", "đảng chỉ cho em đường đi tới" (!) Chính thể cộng sản đã bóp nát tâm hồn và tính sáng tạo của tuổi trẻ ngay từ những bài học đầu đời, trước khi họ trở thành một nhà soạn nhạc tự do đúng nghĩa của nó. Trong số các nhạc sĩ, ca sĩ hiện nay, quá khó để tìm ra một người nghệ sĩ của nhân dân, chứ không phải loại "nghệ sĩ nhân dân" của tư tưởng bố thí!...


Tôi không muốn gọi dòng nhạc mà chúng ta bàn luận ở đây với cái chữ "nhạc sến". Nó trở nên miệt thị một cách thiếu hiểu biết về âm nhạc nói riêng và nền văn hóa - nghệ thuật nói chung của Việt Nam. Do vậy, tôi xin phép gọi dòng nhạc này là: Nhạc Muồi - như nhiều người hay gọi.

Chữ "Muồi" thường gắn liền với trái cây chín. Chín một cách ngọt ngào, thơm mát tới tận ruột gan người dùng và nó chín một cách tự nhiên theo quy luật tạo hóa, không phải là "chín ép" (trong miền Nam gọi là chín "dú") hay dùng hóa chất như ngày nay chúng ta thấy vì mục đích lợi nhuận trên hết.

Cũng nên phân biệt "chín muồi" với "chín rục".

Nhạc cổ điển có gì hỏng?




Mỗi ngày trên đường đi làm tôi đều qua ga tàu điện ngầm phố Bathurst ở Toronto. Đôi khi, vào những ngày không đi trễ, tôi dừng lại để lắng nghe nhạc cổ điển do Sở Giao Thông Công Cộng Toronto (SGTCCT) mở trong nhà ga. Tuy nhiên, trong khi được bắt đầu ngày làm việc của mình một cách nhẹ nhàng bằng một bản giao hưởng của Mozart hay một concerto Vivaldi, tôi cũng hiểu rằng SGTCCT không hẳn đã nhằm thỏa mãn thị hiếu âm nhạc đặc biệt của tôi. Họ làm như vậy vì một động cơ khác.

Ga tàu điện ngầm phố Bathurst là một ngã tư đa văn hóa tại trung tâm thành phố, và gần đó có một số trường phổ thông cấp ba. Trong số những người đi tàu điện ngầm qua ga này có hàng ngàn thanh niên nguồn gốc khác nhau — một sự pha trộn biến động liên tục, luôn có nguy cơ sôi trào lên. SGTCCT đối phó với mối đe dọa này bằng cách mở nhạc cổ điển.

Việc mở nhạc cổ điển ở những địa điểm công cộng đang ngày càng phổ biến tại các trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, và những nơi khác, những chỗ mà đám đông và những kẻ vô công dồi nghề có thể gây chuyện. SGTCCT hoàn toàn không phải là hãng giao thông công cộng duy nhất sử dụng kỹ thuật này: Vào năm 2005, sau khi nhạc cổ điển được phát trong đường tàu điện ngầm London, số vụ cướp bóc, tấn công, và phá phách đã giảm đi đáng kể. Những kết quả tương tự cũng đã được ghi nhận từ Phần Lan tới New Zealand. Ý tưởng này có thể là một sự cách tân phát xuất từ Canada. Vào năm 1985, một cửa hàng 7-Eleven ở Vancouver đã đề xuất kỹ thuật này, và sau đó các nơi khác đã nhanh chóng áp dụng. Ngày nay, khoảng 150 cửa hiệu 7-Eleven trên khắp Bắc Mỹ mở nhạc cổ điển bên ngoài cửa hiệu của họ.

Nên bỏ chữ 'nhạc sến'



Tôi được nghe đến tên gọi “nhạc sến” lần đầu tiên năm 1995 lúc xếp hàng trước khi vào thính phòng nghe một chương trình nhạc truyền thống Việt Nam ở San Francisco. Tôi đứng cạnh một người đàn ông đứng tuổi lúc đang đợi chương trình bắt đầu. Điều thú vị cho tôi, ông là một người Hà Nội chính gốc sinh năm 1921 và đã suốt đời kiếm sống bằng nghề chơi nhạc.
Chúng tôi chuyện trò về nhạc Việt một cách rất thân mật và thoải mái. Tôi tỏ ý rằng rất thích các ca khúc bolero của miền Nam.   Ông ấy đáp - “À, nhạc sến.  Anh có biết chữ “nhạc sến” không?”,  tôi trả lời “không”.  Ông rằng: “Nhạc ấy cũng gọi là nhạc máy nước”. Ông ấy giải thích: Ngày xưa, trước khi có ống nước vào các nhà, các con sen, con ở phải xếp hàng ở máy nước công cộng để lấy nước mang về nhà. Các cô gái trẻ từ nhà quê ra tập trung chờ đợi lượt của mình thì được nghe như một đàn chim hót líu lo - này là chuyện trêu trọc, ngồi lê mách lẻo. Một nhu cầu nữa là ca hát cho vui, cho giải trí.

Công ty âm nhạc phá sản hàng loạt



Kinh tế suy thoái, thị trường ca nhạc cũng rơi vào tình trạng xuống dốc. Năng lực ca sĩ không xuất sắc và các ông bầu hoạt động không chuyên nghiệp đã khiến các công ty kinh doanh âm nhạc phá sản.
Ồ ạt thành lập và lặng lẽ đóng cửa. Đó là thực trạng của những công ty âm nhạc ra đời với mục tiêu đào tạo, lăng xê ca sĩ theo công nghệ, do chính những người trong giới xây dựng ở thị trường nhạc Việt thời gian qua.


Cáo chung


Là một trong những công ty âm nhạc đình đám nhất khi lăng xê thành công ca sĩ Phương Vy, Hồ Ngọc Hà…, Music Face mà người đứng đầu là nhạc sĩ Đức Trí càng tăng thêm uy tín và tiếng tăm trên thị trường nhạc Việt với một danh sách ca sĩ đầu quân dài dằng dặc: Phạm Anh Khoa, Lê Hiếu, Hoàng Bách, Suboi, Quốc Thiên, Anh Khang…,

Chuyện ít biết về số phận bi tráng của Quốc ca Việt Nam


Từ khi được đích thân Bác Hồ chọn cho đến năm 1955, Quốc ca giữ nguyên lời của bài Tiến quân ca. Sau năm 1955, Quốc hội mời nhạc sĩ Văn Cao tham gia sửa chữa một số chỗ về phần lời và trở thành bài Quốc ca như hiện nay.

Đích thân Bác Hồ chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân chọn Quốc ca cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 16/8/1945, trong dịp Đại hội Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa. Giữa 3 ca khúc: Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Minh (sau đổi thành chiến sĩ Việt Nam) của nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi; Bác Hồ đã chọn Tiến quân ca.

Bài hát có thể làm chết người?

Có thể nào một bài hát làm cho người nghe nó phải chết không? Nghe có vẻ phi lý, nhưng đó là sự thật đối với một bài hát mang tên Gloomy Sunday.



 “Gloomy Sunday” là tên của một bài hát kể về 1 tình yêu đã mất. Thật đúng như tựa đề của nó, bài hát được viết vào một ngày Chúa Nhật thật ảm đạm của tháng 12 năm 1932 bởi 1 nhà soạn nhạc tên là Reszo Seress.
Reszo thường nằm nguyên ngày trong căn phòng của mình ở thủ đô Paris. Người phụ nữ anh yêu vừa cự tuyệt tình yêu cao thượng của anh. Reszo luôn luôn tôn thờ tình yêu của mình, nên vì vậy anh đã phải đau khổ thật nhiều khi tình yêu của anh bị từ chối. Trong nỗi thất vọng, anh đã sáng tác ra bài hát sầu thảm nhất trong đời. Khi bài nhạc được hoàn thành, Reszo cảm thấy nhẹ nhàng hơn đôi chút trong lòng. Tuy nó không bù vào nỗi mất mát tình yêu to lớn kia, nhưng bài hát của anh ta thật hay – đủ hay để được đưa vào dĩa nhạc thời bấy giờ.

Những Mảnh Vụn Phù Sa




Suy nghĩ là phù sa bồi đắp cho bờ bãi tâm hồn


1/ Cách tốt nhất để chạy trốn cô đơn là ở lại với cô đơn.

2/ Trong căn phòng nhỏ tối tăm, tôi thấy cả thế giới bao la trong suy nghĩ. Giữa đám đông và trời đất hào nhoáng, tôi thấy trần gian hạn hẹp ngoài nghĩ suy.

3/ Ngày sáng và đêm tối nối tiếp nhau. Có bao giờ ngày và đêm ganh tị nhau? Có đêm tối của người này là để có ngày sáng của người kia, và ngược lại.

4/ Người ta có thể có hàng ngàn người yêu nhưng chỉ có một tình yêu.

Nhật ký buồn

Trích đoạn những trang buồn nhất trong nhật ký thuở thanh xuân 

  Mỗi đêm trước khi ngủ tôi mong ước tôi sẽ không bao giờ thức dậy. Mỗi sáng sớm tỉnh giấc tôi mong đây chỉ là giấc mơ thôi.


          Nụ cười tôi đang ở mùa xuân nhưng sao lòng tôi ở cuối mùa thu rồi.


           Nụ cười sẽ giữ lại trên môi. Nó sẽ khép đi những giọt lệ rơi vụng về, những giọt lệ ở trên cao cuối cùng cũng rơi hẫng xuống đáy sâu hy vọng. Nụ cười sẽ trường cửu, một loài hoa của bốn mùa.Tôi chỉ hết cười khi không còn  đủ sức để nhoẻn  một nụ cười mỉm, một nụ cười nhẹ thênh gần như hơi thở cuối, nhưng người ta sẽ thấy trong mắt tôi đang khép đi vẫn là một hình bóng nụ cười.

NS Trần Minh Phi trao cả "gia tài" cho Nhạc Việt


Trong sự cẩn thận, nhạc sĩ Trần Minh Phi đã giao cho Nhạc Việt hơn 70 bài hát anh đã phổ biến từ trước đến nay.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi tốt nghiệp khoa Quản lý kinh tế của trường ĐH Tổng hợp TP.HCM cũ (Nay là ĐH Khoa học - Xã hội & Nhân Văn TP.HCM) và Lý luận điện ảnh Trường Điện ảnh Việt Nam (Nay sáp nhập thành trường Cao đẳng Sân khấu - Điện Ảnh). Nếu không có âm nhạc, chắc anh sẽ trở thành một nhà lý luận điện ảnh hoặc nhảy vào kinh doanh.

Trở thành nhạc sĩ, anh nhanh chóng được biết đến qua ca khúc: Hôn môi xa, Góc phố dịu dàng, Sông ngân êm đềm, Cổ tích chuyện tình... Phương châm sáng tác của anh: "Đơn giản, chân thật không màu mè, kiểu cách, khoe khoang học thuật nhưng không tầm thường và phải có cá tính, bản sắc riêng. Nhạc của tôi lấy trái tim làm cứu cánh chứ không phải sợi dây thanh quản".

Hoạt động nghề nghiệp: Bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1988. Ca khúc đầu tay “Góc phố dịu dàng”(Tháng 1/1988). Bài báo được đăng đầu tiên trên báo Tuổi Trẻ năm 1988 là một bài phê bình điện ảnh. Từ năm 1991-1997 làm báo tại báo Khăn Quàng Đỏ và là Hội viên Hội nhà Báo Việt Nam. Năm 1997, xin thôi việc. Từ đó đến nay hoạt động âm nhạc và viết báo tự do. Năm 2000 VAFACO sản xuất và phát hành album “Sông Ngân Êm Đềm”(10 ca khúc: Gửi Đôi Mắt Nai, Hôn Môi Xa, Tình Yêu Long Lanh, Hè Muộn, Thiên Nhiên, Sông Ngân Êm Đềm, Phố Biển Tình Hè, Sài Gòn Tôi Với Tôi, Bồ Câu Phương Xa, Góc Phố Dịu Dàng.

16.10.13

CHÚNG TA ĐANG “SÁNG TẠO”HAY ĐANG “BUỒN NÔN”?


Sáng tạo hay tạo tác là một khái niệm bao trùm nghệ thuật như khí quyển bao trùm trái đất. Nó luôn là phương châm, là cứu cánh, là mục tiêu tối thượng của nghệ sĩ chân chính. Sáng tạo ra tác phẩm hướng tới tính duy nhất- chối bỏ tính lặp lại. Tạo tác nhằm tìm ra độc bản- khước từ nhân bản. Cho dù với lý do gì: vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, giải trí hay trí tuệ…đã nói đến sáng tạo là nói đến những yếu tính trên cho dù có thể chấp nhận ở những mức độ đậm- nhạt, đặc- loãng khác nhau.

Có câu ngạn ngữ-Người đầu tiên nói: em đẹp như một bông hồng, đó là một thi sĩ. Người thứ hai nói: em đẹp như một bông hồng, đó là một người bình thường. Người thứ ba nói: em đẹp như một bông hồng, đó là một con lừa!

Trong sáng tạo khi đã làm cái thứ hai như cái thứ nhất thì đã là sao chép rồi, và tiếp cái thứ ba, thứ tư, thứ n là thuộc tầng cấp tầm thường. Khi đó nó không chỉ không phải là tạo tác mà là: một - ấu trĩ nghệ thuật, hai- muốn thể hiện,khoe mẽ hơn là khai phóng tâm hồn, ba- lái buôn, nghĩa như mượn danh sáng tác để sống bằng thương mại.

9.10.13

ĐÔI ĐIỀU VỀ IDOSING - NHẠC MA TÚY SỐ

Gần đây rộ lên về một mốt nghe nhạc mới trong giới trẻ với cái nhãn Idosing mà ở Việt Nam được gọi bằng cái tên đáng sợ: Ma túy số! Vậy thực chất đây là loại nhạc gì và vì sao gọi nó gắn liền với “cái chết trắng”? qua những sự mô tả nghe thật khiếp: gây ảo giác , gây nghiện, làm tê liệt thần kinh…và cuối cùng có thể dẫn người nghe rơi vào vòng ma túy thật.

                                               John Cage - phù thủy của âm nhạc tiếng ồn

Từ âm thanh của John Cage…

Tìm được gần một chục bài idosing này để tìm hiểu, theo người nghe trên mạng cho là những “liều ma túy nhạc số” tiêu biểu, tôi nhận thấy đây không phải một loại âm nhạc gì qúa mới - mà nhiều người thích cổ điển cho đó là tiếng ồn trần tục chứ không phải là âm nhạc- vì nó đã được một nhạc sĩ người Mỹ định nghĩa lại về âm nhạc từ thập niên năm mươi của thế kỷ trước. Người đó là John Cage. Ông này rất nổi tiếng và gây tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong âm nhạc đương đại mà còn còn hắt bóng sáng tạo của mình qua các nghệ thuật thị giác , thi ca và cả nhảy múa nữa.

7.10.13

NHẠC VIỆT VỚI VẤN ĐỀ VÀ TÂM LÝ AO LÀNG



Đầu tiên, chúng ta phải xác định chính danh để mọi chuyện không trở nên nhập nhằng và gây hiểu lầm. Bất kỳ một nền âm nhạc nào cũng vậy, đều có 2 phạm trù-đó là nhạc giải trí và nhạc nghệ thuật.

2 đại lộ của âm nhạc
Trong lịch sử âm nhạc loài người chỉ có 2 giai đoạn âm nhạc có duy nhất một phạm trù thống trị. Đó là thời kỳ Nguyên thủy và thời kỳ Trung cổ. Thời kỳ nguyên thủy là thời kỳ hồng hoang và sơ khai của âm nhạc. Nó chỉ xuất hiện bên đống lửa sau một ngày săn bắt và hái lượm, được người ta hú hét và nhảy nhót kết hợp với nhạc cụ  làm bằng những hòn đá, cành cây hay những vật dụng tương tự để gõ nên những tiết tấu phụ trợ. Đó là tiền thân của bộ gõ và cũng là những nhạc cụ  đầu tiên của loài người. Có thể hiểu đây là nhạc giải trí của tổ tiên nhân loại. Thời Trung cổ sau đó,âm nhạc phát triển hơn nhưng chỉ tồn tại trong nhà thờ, dùng để phục vụ cho nghi lễ tôn giáo và tụng ca thượng đế. Như vậy âm nhạc bây giờ không còn là giải trí nữa. Nó ở một cấp bậc cao hơn, chỉ để phục vụ cho giai cấp cao của xã hội như vua chúa và tăng lữ.

6.10.13

NHẠC VIỆT VỚI HỌC THUYẾT”BẮT CHƯỚC ĐỂ SÁNG TẠO”


Học thuyết ”Bắt chước để sáng tạo” khởi nguồn từ điện ảnh Hàn quốc của đầu thập niên chín mươi. Thoạt  tiên, họ chấp nhận làm phim rập khuôn Âu-Mỹ rồi sau đó đủ nội lực và điều kiện thì họ bắt đầu xây dựng bản sắc riêng cho phim ảnh của mình. Sau sự thành công này, đến lượt nhạc pop xứ kim chi vào cuộc, nghĩa là cũng khởi đi từ một phong cách âm nhạc là nhân bản của Tây phương và một phần của Hồng Kông và Đài Loan để rồi sau đó lột xác thành một K-pop hãnh tiến gây mê tạo nên hiện tượng toàn Á.

                  Tứ đại thiên vương - Four Heaven Kings- từng tạo nhiều bản sao trong V-pop trước đây

VN cũng mau mắn tiếp thu thứ học thuyết thực dụng và đi tắt đón đầu này của điện ảnh Hàn quốc nhằm áp dụng cho nhạc pop thị trường nội địa. Ban đầu, nhạc pop VN chọn CantoPop của xứ Hồng Kông làm mẫu. Thời đó bắt đầu cách nay khoảng hơn hai thập niên. C-pop là loại nhạc đại chúng của Hồng Kông hát bằng tiếng Quảng Đông, nó là sự hòa trộn của âm nhạc Trung Hoa và nhạc pop Âu-Mỹ, đủ thể loại từ thứ nhạc cao cấp là jazz cho đến đại chúng là pop-rock, nhạc điện tử…. Thời gian này đi đâu cũng nghe canto-pop, và lúc ấy Tứ đại thiên vương của HK là thần tượng của giới trẻ VN; các ca sĩ nữ được mến mộ là Vương Phi, Trịnh Tú Văn, Trần Tuệ Lâm…cùng các nhóm Beyon, Thái Cực…Sau đó là trào lưu của MandoPop, đây cũng là một dòng nhạc nhạc đại chúng kết hợp giữa nhạc pop phương tây với nhạc Trung Hoa nhưng được hát bằng tiếng Quan Thoại thay vì Quảng đông, và cái nôi của nó  là Đài Loan. Những ca sĩ gây ảnh hưởng cho VN nhiều nhất là Lâm Chí Dĩnh, Vương Lực Hoành

4.10.13

NHẠC VIỆT VÀ BÀI TOÁN CUNG-CẦU


     Đưa giáo dục âm nhạc cộng đồng thành quốc sách là nâng cấp nhu cầu âm nhạc của quần chúng

Để tìm ra phần nào đáp số cho vấn đề loạn phát âm nhạc giải trí và nghệ thuật hiện nay của nhạc Việt có lẽ tối ưu nhất là dựa trên bài toán cung-cầu.Thật vậy, chỉ có lý thuyết kinh tế này may ra mới phù hợp trong một xã hội tiêu thụ và khi mọi thứ đã trở thành thị trường-dù đó chỉ mới là một thị trường hoang sơ.

Hãy thử nhìn lại vấn đề nổi trội nhất là dư luận kêu ca về sự nhiễu loạn cũng như sự rẻ tiền và cả suy đồi trong biểu diễn và sáng tác của hầu hết nhạc thương mại hiện nay. Nhưng trớ trêu là, người ta cứ chỉ trích, cứ than phiền thì thiên hạ cứ vô tư xem và sẵn sang mở hầu bao nuôi sống nó và cả làm phồn thực cho nó, mặc kệ lạm phát vẫn nhảy múa phụ họa cho bài ca kinh tế suy thoái! Nếu chúng ta cứ tiếp tục chỉa mũi dùi duy nhất phê phán vào một showbiz hỗn độn và nhiễu nhương thì e rằng quá bất công và giáo điều,kinh viện. Vì thực tế là đã tồn tại một nhu cầu giải khát thị hiếu tầm phào đó cho nên nó mới nảy sinh cái nguồn cung cấp và đáp ứng tào lao hoàn toàn theo đúng quy luật thị trường.

3.10.13

THẦN ĐỒNG ÂM NHẠC VỚI HỌC THUYẾT"CHO ĐI &LẤY LẠI"

Người ta nói Thượng đế rất công bằng, nếu tay phải Người ban cho ta một vưu vật gì đó thì tay trái Người lại lấy đi của ta một báu vật khác. Người cho tất cả thiên hạ một năng lượng nội tại như nhau, ai dùng trước thì hết trước. Dùng sau thì hết sau. Dùng  nhiều thì mau hết. Bạo phát , bạo tàn.Vậy thôi! Chỉ may ra có những ngoại lệ, đó là những người đặc biệt có ân sủng của Tạo hóa, mà người đời gọi là thiên tài nhưng họ cũng phải chịu sự “tịch thu” từ bàn tay trái của Chúa!

           Mozart hay Jackson và hàng ngàn thần đồng to nhỏ khác đều không có hoặc thiếu tuổi thơ

Lấy học thuyết”cho đi và lấy lại” đó, ta dễ dàng hiểu chuyện thần đồng mà thiên hạ đang rộn rã lên về những thần đồng âm nhạc ở VN nhân cái hậu The Voice Kids mới đây. Mà thần đồng cũng có ba bảy hạng. Như sản phẩm của The Voice Kids thì chỉ tài năng hạng trung. Cỡ như Mozart của âm nhạc cổ điển hay Michael Jackson của nhạc Pop hiện đại, vân vân... thì thuộc thiên tài và ngoại hạng mang tầm cỡ nhân loại và tần suất xuất hiện phải tính bằng thế kỷ .Còn thần đồng âm nhạc thường thường bậc trung như trên thì nước nào cũng có, một hai năm lại thấy dăm bảy bé và năm mười năm thì chấm dứt tài hoa. Chuyện này như một tất định, dù cái lý thuyết tất định đã được thay thế bằng lý thuyết hỗn độn-Theory Chaos- ra đời từ sự phát hiện “Hiệu ứng cánh bướm” vào khoảng hơn nửa thế kỷ rồi. Nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ thuộc sai số hi hữu của tạo hóa và phần nào của môi trường và yếu tố lịch sử.

2.10.13

HỒN NHIÊN NHƯ BÁO CHÍ VIỆT


Người ta hay nói: hồn nhiên như trẻ con, nhưng  thật ra phải nói: hồn nhiên như báo chí Việt mới đúng!

Cái sự hồn nhiên này dễ thấy trong báo chí dành cho showbiz Việt. Mà khỏi phải nói dông dài, cái showbiz này là nguồn cảm hứng vô tận và là thực phẩm nuôi sống hằng hà bao trang báo bình dân và báo mạng hạ lưu và một phần trung lưu. Không có scandal hay chuyện khoe hàng, không có chuyện khoe của, khoe con hay khoe bồ bịch, cùng những chuyện phòng the, toilet của giới showbiz cho phóng viên đi rình rập hay chực chờ đánh mùi thì mấy tờ báo nói trên có nước mà húp cháo loãng. Ngược lại, để không khỏi bất công, phải nói rằng- không có mấy anh,chị ký giả tò mò, tọc mạch và hay tám trên báo thì giới showbiz cũng chả có đầu ra và cái loa phóng đại để mà rao tên bán tuổi mình. Cho nên, phải nói báo chí và showbiz như hai kẻ dựa vào nhau mà sống và ký sinh lẫn nhau. Một dạng sống đặc biệt gần như nấm cố định đạm trong một số loài rễ cây vậy.

TRIẾT LÝ “HAY HÁT” CỦA NGƯỜI VIỆT


                                           Nhạc Việt đang bao trùm một âm quyển karaoke?

Người Việt có câu cửa miệng: Hát hay không bằng hay hát. Trải qua thời gian cho đến hôm nay dường như nó đã nghiễm nhiên thành một thứ triết lý âm nhạc bất thành văn ăn sâu vào gốc rễ quan niệm cùng tập quán văn hóa của đại chúng.

Có thể cho rằng câu nói này hình thành trên cơ sở lý luận “kim tự tháp” mà người ta đã áp dụng cho mọi mô hình phát  triển từ thấp đến nâng cao, nghĩa là có mặt bằng rộng mới xây nên đỉnh cao- tức là phải phát  triển tính phong trào, nghiệp dư rộng rãi mới có thể tạo nên một tầm cao chuyên nghiệp - điều này hoàn toàn logic về mặt phát triển.

28.9.13

TRÀO LƯU “PHỐI NGẪU DỊ CHỦNG” TRONG NHẠC VIỆT HIỆN NAY


Gần đây, có trào lưu kết hợp các loại hình âm nhạc với nhau trong nhạc Việt để tạo nên một loại hình mới. Dễ thấy nhất là sự phối ngẫu giữa cổ điển với âm nhạc đương đại như nhạc cổ điển với nhạc pop hay dance, technic, rock… hoặc “bác học hóa” nhạc nhẹ dưới hình thức trình diễn ca khúc với dàn nhạc giao hưởng, hay là sự hợp hôn giữa dân gian với phương tây như cho chèo đứng chung với jazz…

      Hãy chơi jazz cho đạt...

  ...Rồi hãy nghĩ đến kết hợp với chèo!

 Những sự kết hợp này thật ra chẳng phải là avant garde - tiên phong  gì ghê gớm đâu vì trên thế giới những sự phối màu âm nhạc này đã được thực hiện từ lâu, từ Âu sang Á; nó là một sự mở đường cũng như là mở rộng thêm không gian sáng tạo từ ít nhất là  4,5 thập niên rồi và hình như đã gợi ý cho thể loại worldmusic ra đời trong thập niên tám mươi của thế kỷ trước thì phải: Kết hợp tất cả phần còn lại của âm nhạc thế giới - ngoài trừ nhạc pop Âu-Mỹ, nhạc cổ điển - với nhạc dân gian bản địa.

25.9.13

SỰ PHÁ CÁCH HAY PHÁ NÁT DÂN CA?


Thật ngạc nhiên khi nghe thí sinh Hà Linh hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong The Voice : Người ơi, người ở đừng về. Và càng kinh ngạc hơn khi nghe được những lời tụng ca của báo giới và cả những vị giám khảo.

HLV The Voice nói bằng lương tâm nghề nghiệp hay vì cái gì khác ngoài lương tâm trong trường hợp Hà Linh đã phá nát dân ca Quan họ Bắc Ninh?!

Đó là những lời ca như : Nghe nổi da gà, đẳng cấp Diva, một sự phá cách sáng tạo…nói chung đó là những lời khen mà có lẽ những Diva hàng đầu thế giới mới xứng đáng nhưng lại được dành cho một thí sinh chưa có khẳng định bề dày và cống hiến nghệ thuật nào nổi trội ngoài sự phát hiện bình thường trong một cuộc thi. Nhưng thật sự cô ấy đã hát như thế nào?

NHẠC TỬ TẾ: CÓ TÂM NGHỆ THUẬT NHƯNG CHƯA ĐỦ TẦM SÁNG TẠO


Nhạc tử tế không có nghĩa là nhạc hay về chất lượng nghệ thuật. Nó tử tế là vì được đánh giá cao về cách làm , cách sẻ chia, cách thể hiện vì một mục đích tốt đẹp nào đó của nghệ thuật thôi. Cho nên, đừng nghĩ mình làm một tác phẩm hay một chương trình tử tế là tất nhiên mình đạt được một tầm sáng tạo nghệ thuật cao. Đừng ngây thơ ngộ nhận hay đánh đồng hai khái niệm đó như vậy. Nghĩa là ta có cái tâm nhưng có khi chưa đủ tầm. Tử tế chỉ là yếu tố”cần” chứ không phải là yếu tố "đủ" để tạo nên phẩm chất nghệ thuật.

Trên nguyên lý đó, những chương trình âm nhạc nghiêm túc và tử tế gần đây được thực hiện mới được ghi nhận ở cái tâm chứ không được đánh giá cao về cái tầm nghệ thuật mà người nghe sành điệu mong muốn.

Mong cửa sổ 3 sẽ được mở ra với chất lượng nghệ thuật đáng ghi nhận hơn ngoài cái tâm tử tế

20.9.13

ĐỐI THOẠI GIỮA MỘT NGƯỜI NGHE VÀ MỘT NHẠC SĨ.

                           Âm nhạc bản chất là một nghệ thuật trừu tượng

Người nghe(NN): Với tư cách là người nghe tôi không muốn các nhạc sĩ bảo rằng tôi phải nâng cấp dân trí hay thị hiếu của mình để nghe các tác phẩm âm nhạc có trí tuệ hay những ca khúc nghệ thuật có sáng tạo cao. Tôi chỉ cần bài hát làm tôi cảm xúc là được rồi, chẳng cần lý tính gì ở đây cả!

Nhạc sĩ(NS): Cái đầu tiên chúng ta có nên khoanh vùng âm nhạc lại không?

NN: Nghĩa là sao?

NS: Thì âm nhạc là một khái niệm mênh mông lắm, như đại dương vậy. Tôi tin rằng khi anh nói đến chuyện nghe nhạc thì dường như anh chỉ nghĩ đến việc nghe những ca sĩ hát những ca khúc trên băng đĩa, trên internet hay trên trên các đài truyền thông phải không?

NN: Đúng vậy!

NS: Thế điều gì làm anh thích ở một bài hát?

NHẠC THƯƠNG MẠI VÀ NHẠC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM ĐỀU LÀ NHẠC CỦA VÙNG TRŨNG


    Tuy là nhạc thương mại nhưng K-pop vẫn có đẳng cấp thương trường của nó chứ                                                                                                              
                                          không phải là cái chợ trời hay chồm hổm  

Hiện nay trên thế giới, một nền âm nhạc luôn có 2 bộ mặt song hành với nhau, đó là nhạc thương mại(hay còn gọi là nhạc Pop thị trường) và nhạc nghệ thuật (bao gồm nhạc Pop cao cấp và nhạc cổ điển đương đại).
Có thể hình dung chúng như một kim tự tháp, với cái đáy là nhạc thương mại và phần đỉnh là nhạc nghệ thuật. Nhạc thương mại(NTM) mang tính đại trà và có phân khúc khán giả cực lớn, gần như hầu hết các khán giả trẻ lẫn một phần trung niên. Trong khi nhạc nghệ thuật(NNT) có phân khúc hẹp hơn, nó chiếm một tỷ lệ nhỏ trong giới trẻ có học thức cao và lớn hơn trong tầng lớp trung niên và có tuổi.

18.9.13

BOLERO SẼ LÀ MỘT ÂM QUYỂN (*) DÂN CA KHÔNG KHUYẾT DANH.


Cho dù mọi đánh giá về bolero Việt có khác nhau hay trái ngược nhau của mọi tầng lớp xã hội VN thế nào thì chắc chắn bolero vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng và không thể thiếu của âm nhạc Việt từ xa xưa, bây giờ và sau này. Nó đã , đang và sẽ tạo nên một âm quyển bolero trong không gian sống của người Việt. Đó là điều ai cũng thống nhất.

Nền âm nhạc VN là nền âm nhạc của ca khúc làm chủ đạo, dù từ lâu chúng ta đã dày công xây dựng một nền âm nhạc bác học song hành với nó. Nhưng do yếu tố lịch sử, thói quen văn hóa và nhất là thông lệ giáo dục ở VN chưa bao giờ đưa được nhạc bác học vào nếp nghe nhạc của người Việt hoặc tạo nên một âm quyển cao cấp.  Nó chỉ tồn tại trong một nhóm rất thiểu số mà nhóm đó trong chỉ số cảm thụ loại nhạc này cũng cho thấy chưa rộng và sâu như các nước phát triển khác.

17.9.13

ĐỪNG ĐU DÂY VỚI BOLERO


             Không phải ai cũng hát bolero Việt ra bolero Việt như Chế Linh được

Tiếp mạch bài về bolero, chúng ta thử xem xét hiện tượng dựa vào tính chất bình dân, dễ cảm và tính quảng đại quần chúng của nó để một số ca , nhạc sĩ lạm dụng hoặc ngộ nhận khiến bức tranh ca nhạc đương đại Việt méo mó rất tội nghiệp trong thời điểm hiện nay.

1/Không phải ai hát bolero cũng được.

Đừng tưởng bolero dễ hát, dễ nghe mà ai cũng có thể hát đạt. Sai lầm!

Sự đơn giản đôi khi lại khó thực hiện cho nó thật… giản đơn. Nhiều người vẫn nói đùa rằng hát cho ra sến, tức sến khiến gạch đá chảy nước luôn như Chế Linh từng đóng dấu thương hiệu là điều không phải dễ. Ta có thể nói ca sĩ bolero còn lâu mới hát như ca sĩ opera được thì cũng có một thực tế là ca sĩ opera cũng bất khả thi để hát cho ra chất bolero!

Mỗi loại hình âm nhạc có đặc trưng riêng vì thế cũng sẽ có những yêu cầu kỹ thuật cũng như diễn đạt riêng. Không hiểu, không phù hợp, không nắm bắt được thần thái biểu cảm điển hình thì không thể nào thể hiện đúng chất nhạc riêng được.

BOLERO: NHẠC TÂY THUẦN VIỆT NHẤT


Nhạc Bolero xuất hiện ở Việt Nam vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, như vậy nó đã có tuổi đời khoảng hơn 60 năm, nghĩa là ra đời sau Tân nhạc Việt (1938) hơn 2 thập niên. Gọi là nhạc bolero vì nó được viết theo tiết điệu bolero của Mỹ latin. Gốc rễ của nó chính là từ Tây Ban Nha đã lan tỏa sang các nước nam Mỹ rồi sau đó thâm nhập toàn thế giới. Điều đặc biệt là khi du nhập vào VN và tuôn chảy khi ào ạt lúc thâm trầm thì dòng nhạc này không bao giờ…lạc hậu trong thú nghe nhạc của người Việt! và điều thú vị hơn hết nó chứng minh được một điều vô địch của nó so với tất cả các thể loại nhạc phương tây khi đặt chân vào VN: Việt hóa thành công để có dân tộc tính cao nhất.
         
                                                Soạn giả Viễn Châu, người sáng tạo ra phong cách tân cổ giao duyên 

Vì sao như vậy?

Hãy bắt đầu từ bản chất của bolero. Nó đơn giản thế này: tiết điệu êm đềm dễ chịu như sự mơn trớn. Giai điệu dễ nhớ dễ nghe theo dòng chảy thính giác của cảm xúc từ man mác đến thật buồn. Nó là sự lãng mạn đơn sơ cho nên gần gũi với tất cả mọi người.

16.9.13

LÂU ĐÀI TRÊN CÁT

Khoảng 15 năm trước khi tôi viết bài cho báo âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam về sự giống nhau giữa ca khúc “Tình thôi xót xa” của nhạc sĩ Bảo Chấn và ca khúc I’ve been to me của Charlene người Mỹ (viết năm 1982). Sau khi phân tích tôi đã kết luận Bảo Chấn đã “đạo” ca khúc này.

Điều làm tôi kinh ngạc là cách làm báo rừng rú của họ lúc đó! Chuyện gì đã xảy ra?

Họ đã đưa bài viết của tôi (chưa đăng báo-đang còn viết trên tờ giấy A4 của tôi) cho Bảo Chấn xem rồi bảo: Ông viết bài đánh lại đi!

Thế là một chuyên cực kỳ cục và cực hi hữu đã xảy ra là số báo sau đó đã đăng cùng lúc cả 2 bài của tôi và Bảo Chấn, mà lẽ ra nó phải đăng ở 2 số báo khác nhau.

Điều đó nói lên văn hóa làm báo và tiếp nhận phê bình rất thấp qua 2 sự việc:

1 - Đưa bài phê bình của tôi cho người bị phê khi chưa đăng rồi kích động đánh lại.

2 - Bảo Chấn phản biện lại bằng cách đánh giá tôi là : ngu dốt không biết gì về âm nhạc! Ngựa non háu đá!


(Và cũng trong số báo đó có đăng thêm một bài có vẻ như bênh vực cho B.C với nội dung là phân tích một vài sự giống nhau giữa 2 bài hát không phải là “đạo” nhạc. Như vậy, là bài của tôi khi chưa đăng có thể đã đến tay một người khác nữa!)

Khoảng 3 năm sau thì xảy ra vụ kiện của tác giả Keiko Matsui về việc Bảo Chấn đạo bài “Frontier” của họ. Sự kiện này đã thực sự gây chấn động làng nhạc. Mặc dù, tiếp theo đó lại nổi lên một vấn đề là cả 3 bài “TTXX”, “I’ve been to me” (Tác giả Charlene) và “Frontier” lại giống nhau đến 90%! Việc này dẫn đến vấn đề thực sự là ai ăn cắp của ai?

Sau khi phân tích và tìm kiếm chứng cứ cũng như tư liệu về bản thảo thì hội đồng thẩm định của Hội NSVN chứng minh được Bảo Chấn viết ca khúc này sau rất nhiều năm khi 2 bài hát trên được phổ biến.

Chưa cần phải chứng minh được ai là người thật sự sáng tác chứ không bắt chước giữa Charlene và Matsui, nhưng người ta đã kết luận được Bảo Chấn đã đạo một trong hai bài hát kia.

Kết luận đó là của Hội nhạc sĩ Việt Nam vào tháng 5/2004, và Bảo chấn đã thừa nhận và phát biểu: “thực sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc”.

Một lời xin lỗi muộn màng sau khi đã bị vạch rõ sự thật bằng cứ liệu. Nhưng không thấy B.C xin lỗi người mà mình phê là :” ngu dốt, ngựa non háu đá” cũng như BBT báo âm nhạc lúc đó của Hội nhạc sĩ VN không biết có thấy áy náy đã hành xử với người phê bình bài hát trên khoảng 2,3 năm về trước rất thô thiển và thiếu văn hóa. Hình như động cơ của họ lúc đó là mượn người phê bình để tạo nên sự kiện để PR cho tờ báo ( lúc đó bắt đầu có chủ trương kinh doanh lấy lãi chứ không chỉ lưu hành nội bộ như xưa).Tiếc hơn nữa đó là một hội chuyên ngành!

Tưởng đã xong thì khoảng năm 2011, trên báo Thể thao-Văn hóa lại bất ngờ đăng bài báo bênh vực lại B.C như một nhạc sĩ tài hoa bị oan và người phê bình ông này đạo nhạc là sai và có lẽ xuất phát từ sự ngộ nhận thấp kém nào đó hoặc là động cơ cá nhân. Và cho rằng B.C là một tượng đài âm nhạc đã bị bôi đen và đánh sập vì một sự ấu trĩ hay đố kỵ nào đó! Đặc biệt, bài này nằm trong loạt bài xét lại một giai đoạn âm nhạc VN từ lúc lên ngôi và đánh giá những thành quả cũng như tôn vinh một số gương mặt. Dĩ nhiên, trong đó B.C là bài được tô đậm nhất! Có thể nói B.C có đạo nhạc mấy bài đi chăng nữa thì vẫn có những bài chắc là sáng tác thuần của ông và vẫn được công bằng nhìn nhận nếu nó có giá trị. Tuy nhiên, vấn đề đã dược đẩy lệch sang việc nhấn mạnh ông bị hàm oan bất chấp những minh chứng rành rành ra đó. Họ chỉ dựa trên cơ sở duy linh: chắc một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong lịch sử âm nhạc!

Có lẽ loạt bài này dựa vào sự kiện Trịnh Công Sơn bị quy kết bài “Con mắt còn lại” của ông đạo bài "The Syncopated Clock" của Leroy Anderson để lật lại sự kiện B.C nhưng lại thiếu ý thức với hành động duy linh đó đã vô tình bênh vực luôn cho các trường hợp đạo nhạc khác đã phát hiện hoặc chưa phát hiện.

Có thể nói sự kiện này như cái phao cứu sinh cho trào lưu đạo nhạc ở VN. Người ta lý luận rằng T.C.S mà còn bị quy là đạo nhạc thì còn ai mà không bị!

Thế là sự ngẫu nhiên vô hình trung đã được xem là kết luận khả dĩ cho vấn đề đạo nhạc. Nhưng, sự ngẫu nhiên nếu có thì đó chỉ là sự việc rất hiếm và không thể xảy ra thường xuyên. Còn ở VN và ở bản thân một số tác giả thì sự ngẫu nhiên đó là phổ biến và lặp lại như một bản chất thì có còn là ngẫu nhiên?!

Nhưng xét thật kỹ về ca khúc “Con mắt còn lại” thì dễ dàng nhận thấy cái tội thuộc về người làm hòa âm chứ không phải chỉ riêng bản thân bài hát. Nhưng có lẽ đó sẽ là một bài phân tích chi tiết khác sẽ đề cập đến trong bài viết sau.

Những hồi ức nhỏ này cho thấy, ở Việt Nam người ta thường nhìn nhận vấn đề không phải trên khoa học và logic mà là dựa vào cảm tính cũng như sự thân sơ. Nó cũng hàm chứa sự cuồng tín, nghĩa là ai mà đã được thần tượng thì không thể phạm lỗi lầm. Đó là biểu hiện của văn minh phê bình kém cũng như quán tính nô lệ trong tư duy và cả sự duy tâm mù quáng theo kiểu nước cứ chảy theo khe.
Phê bình cũng như là Luật pháp : bất vị thân. Không ai có ngoại lệ cho dù đó là một tượng đài vĩ đại. Cho dù đó là...Thánh!

Một nền phê bình nếu có trên cơ sở đó thì chẳng khác nào xây lâu đài trên cát!

T.M.P

13.9.13

CHÉN ĐẮNG PHÊ BÌNH AI DÁM UỐNG?


Nhà phê bình phải chấp nhận mình là một người cô đơn và ít ai ưa, và càng chân chính họ càng không được ưa.

                                   Nhà phê bình chân chính là một chiến binh đơn độc

Có ai trên đời này lại thích chê, hoặc bị chê mà thấy vui trong lòng? Không thấy buồn là đã một người bản lĩnh và đáng nể rồi,mà đó là với lời chê đúng! Dù người ta nói: Ai chê đúng là thầy của ta.

Cho nên người bản lĩnh và có văn hóa thì tuy buồn nhưng họ lại cho đó là dịp may để nhận ra gót chân Achilles của mình, và nếu lời phê không chính xác thì họ sẽ phản biện trong tinh thần tranh luận lành mạnh có khoa học và logic của sự việc. Nhất là tôn trọng con người của nhau.

12.9.13

ĐI TÌM SỰ BẮT TAY GIỮA NGHỆ THUẬT VÀ THƯƠNG MẠI


Giữa thời đại thị trường thì nghệ thuật khó thoát được số phận của hàng hóa. Hoặc ít ra nó cũng phải thỏa mãn cái tiêu chí tìm đi tìm được đồng tiền để tái sản xuất ra nghệ thuật. Vậy tìm được sự bắt tay này có khả thi không và biên độ giao thoa của cái bắt tay đó có thể tối đa hóa đến tỷ lệ là bao nhiêu hạn mức? Âm nhạc là nghệ thuật nên cũng phải đối diện với bài toán khó đó.


                                     Cưa đổ kim tiền hay cuốn theo dòng nuớc tiền bạc?

Bản chất của nghệ thuật và thương mại rõ ràng từ khởi thủy đã không ăn nhập gì nhau nên tìm cho nó một sự đồng điệu quả là nan giải mà có người còn cho rằng bất khả thi.

Nghệ thuật là thế giới của cái Tôi lẻ loi,nó có hướng đến xã hội thì cũng thông qua lăng kính chủ quan và không hề bị áp lực bởi đám đông. Còn thương mại thì ngược lại, mục tiêu tối thượng là đám đông nhu cầu khách quan sau đó mới tính đến cái nội tại tự nó.

7.9.13

Thực trạng Phê bình âm nhạc Việt: Góc nhìn từ sự kiện Ns. Nguyễn Ánh 9 & C.s Đàm Vĩnh Hưng

                                      Phê bình âm nhạc thấy gì sau ánh hào quang sân khấu?

Nếu không có ngòi nổ từ sự kiện trên thì PBAN Việt vẫn ngậm tăm và ngậm bồ hòn.
Bắt đầu(hay tái hồi thì đúng hơn)những kêu gọi và cổ xúy của báo chí và dư luận để vực dậy phê bình.
Nhưng hậu sự kiện trên là gì?
Sẽ trở lại như xưa!
Bởi vì bản chất của nó khó thay đổi.
Hãy thử phân tích.

1/ 4 "có" và 3 "không".

Khoa học và nghệ thuật phê bình VN còn kém nhận thức về bản chất tự do. Đó là tự do của cánh diều chứ không phải là tự do của cánh chim trời. Nó còn quán tính của tập quán Nho và Khổng giáo cho nên dẫn đến sự ràng buộc của những vấn đề sau:

-4 “Có”:

Xã hội và cộng đồng thường chỉ tin tưởng và công nhận 4 tiêu chuẩn: trọng quyền, trọng thế, trọng bằng và trọng niên.

Người ta chỉ muốn nghe lời phê của người đang có quyền lực hay ít ra là đã từng có quyền. Sau đó là họ tin vào những người có thân có thế (địa vị xã hội và mối quan hệ tốt). Rồi đến người có bằng cấp hay hàm học vị. Cuối cùng là lão niên(Vì người già nói đúng sai gì cũng như cha như bác mình nói mà thôi!)
Còn ngược lại, họ dành sự khả nghi và kỳ thị với sự chụp mũ trên quan điểm đánh giá: “trục trặc tư tưởng hoặc động cơ cá nhân”. Cho nên hệ quả vô tình dẫn đến:

6.9.13

NHẠC ĐỂ NGHE: NGHE BẰNG GÌ?


                                 Trình diễn ca nhạc thế này thì xem chứ không thể nghe được

Câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn phải không?
Nghe bằng tai chứ nghe bằng gì!

Nhưng không. Nghe bằng tai chỉ mới là nghe để nhận thông tin. Mà nghe nhạc đâu chỉ nhận thông tin mà chủ yếu là nghe để cảm xúc, để phiêu linh. Nó là khoái cảm thẩm mỹ của trái tim. Vì vậy, nghe nhạc là nghe bằng trái tim!

Lâu nay chúng ta vẫn thường than thở rằng nhạc hiện đại dường như chỉ để nhìn. Người  ta quen dùng cụm từ “xem nhạc” hơn là “nghe nhạc”. Có lẽ nhạc từ vai trò là nghệ thuật của thính giác đã nhường chỗ cho những khoái cảm về thị giác. Mà buồn hơn không phải là khoái cảm thẩm mỹ gì cho cam, mà hầu hết là khoái cảm về…nhục cảm( ca sĩ ăn mặc gợi cảm, động tác mời gọi, lắc lư. Còn phụ thêm dàn vũ công cũng hết sức hấp dẫn, gần như là những đoàn thoát y vũ. Rồi ánh sáng, phông màn sặc sỡ, khói màu mê muội kèm theo những chiêu trò giật gân rất bắt mắt!). Thế là người ta tập trung cho đôi mắt thỏa mãn thị giác còn lỗ tai thì lấp đầy bằng thứ âm thanh gì cũng được, miễn là có âm thanh!

                   

Nhưng  xem nhạc hoài cũng chán. Ai đó thích nghe nhạc thuần túy bỗng thấy mình thèm được nghe. Nên họ quay sang đáp ứng nhu cầu đó bằng  thứ nhạc hoài niệm của ngày xưa. Nhạc xưa đúng là nghe mà thấm trong tim. Nghe mà nhắm mắt càng thấy hay( chứ nhạc bây giờ nghe mà nhắm mắt thì đúng là điên!)
Nhưng chả lẽ cứ nghe nhạc xưa hoài?

5.9.13

Đạo nhạc: Bất thường đã thành Bình thường



Chống đạo nhạc như Don Quixote chống cối xay gió

.
Con người ta có hàng tỷ người như nhau. Dù màu da , chủng tộc khác nhau đều có tay chân, mắt mũi như nhau . Nhưng đó là nhìn tổng thể, khi đi vào cái cụ thể , cái chi tiết thì khác nhau. Chủng tộc này khác chủng tộc kia. Dân tộc kia khác dân tộc nọ. Thậm chí anh em một nhà cũng phân biệt rõ sự khác nhau.

“Một vài nốt giống nhau, vòng hoà âm giống nhau, cảm giác (ambience, feeling) giống nhau không có nghĩa là bài hát giống nhau”.

Dựa trên lý luận này nhiều người viết nhạc thiếu lương tâm lại thừa khôn ngoan biến cái người khác thành của mình với một kỹ thuật thông thường trong âm nhạc là biến tấu (Variation). Đây là sự ăn cắp tinh vi kiểu như lấy chiếc xe người khác về sơn phết lại màu khác, thay một vài phụ tùng khác rồi nhận là của mình, người ta nhìn qua có cảm giác quen quen nhưng rõ ràng nó có màu khác từ cái vỏ xe cho đến yên xe, hoặc mấy con decal dán lên xe thì khác nhau kia mà(!?). Nếu thật thà thì nhận là mình PHÓNG TÁC. Nhưng gọi là SÁNG TÁC thì kiêu hãnh hơn nhất là khi mình là người có bằng cấp cao về âm nhạc. Thà dối trá mà được tôn vinh còn hơn thật thà mà mất giá ( giá thị trường)!

4.9.13

”CÁI BÁNH VẼ”&”ÔNG NGHỊ GIẤY”

Hiện nay,trên cả nước ta có 3 hội chuyên ngành lớn về âm nhạc:Hội nhạc sĩ Việt Nam,Hội âm nhạc Hà Nội và Hội âm nhạc TpHCM.Ngoài ra, ở các tỉnh thành khác thì có các chi hội âm nhạc nằm trong Hội văn nghệ của các tỉnh thành(bao gồm nhiều chi hội nghệ thuật khác).Trong 3 Hội chuyên ngành lớn kể trên đều có tiểu ban phê bình lý luận(TBPBLL),cho thấy các hội đều thấy rõ tầm quan trọng của PBLLAN trong việc thúc đẩy và kích thích sáng tác phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là trên mặt văn bản trong việc đề ra chức trách và phân công cụ thể cho tiểu ban này.Trên thực tế,khi nhìn vào dòng chảy sôi nổi và những biến động của sáng tác ca khúc đương đại thì vai trò của các TBPBLL này hết sức mờ phai,nặng tính hình thức và đầy sức ì thụ động.Thậm chí có khi làm kẻ ngoại cuộc.(Trong đó vị trí của TBLLPB của Hội âm nhạc TpHCM quan trọng nhất vì nó nằm ở trung tâm âm nhạc lớn nhất nước.)

NHÀ PHÊ BÌNH ÂM NHẠC: HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ?


Dường như thuật ngữ phê bình âm nhạc (PBAN)chỉ còn như ông đồ ngày xưa. Và bây giờ thay thế cho PBAN là những khái niệm PBAN… mới.
Chân dung của họ đây:

1/ Phê bình bầy đàn của đám đông:

Đây là sản phẩm của fan và mạng xã hội.
Các fan và mạng XH hầu như nắm quyền sinh sát việc giọng ca hoặc bài hát đó có hay không có giá trị?có được tồn tại và vinh danh trong đời sống âm nhạc đương đại này không. Vì lẽ số đông đó là nguồn tiếp thị và điều tra khả năng đầu tư và kinh doanh cho thương mại âm nhạc. Một giọng ca, bài hát mà có nhiều fan và gây hot trên mạng XH là coi như con gà đẻ trứng vàng cho các bầu sô,các sân chơi âm nhạc cùng các hình thức ăn theo: nhạc chuông, nhạc chờ…Còn không? Ca sĩ hết thời, nhạc sĩ về vườn!

Tiếc một điều đám đông đó là một đám đông ô hợp, tập trung hết 99,99% một mức dân trí và thị hiếu thấp kém. Chứ đừng nói gì một trình độ kiến thức về nghệ thuật và mỹ học nhất định. Đám đông phê bình theo kiểu bầy đàn này chưa bao giờ đứng trên cái nền học thuật mà phê bình. Chỗ đứng của nó được đặt trên sự cảm tính, chuộng xa hoa hình thức và nhất là a dua.

Chưa kể , đám đông còn bị ru ngủ bởi sự mua chuộc của của các “sao”  và trở thành một tín đồ rồi bị lợi dụng để làm bình phong và nơi bệ phóng cho các “sao” này bay đến các mỏ vàng phù hoa, nhung lụa. Nơi không có chút gì bóng dáng nghệ thuật chân chính.

“PROTEST SONG”: NHỮNG CHIẾN SĨ HOÀ BÌNH TRONG ÂM NHẠC



WPMA(World Peace Music Adward)được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 22/6/2004 có lẽ vì trong danh sách 5 nhân vật được trao giải,nước ta vinh dự có tên Trịnh Công Sơn.Đây là giải thưởng tôn vinh những nhạc sĩ-bằng tác phẩm và hoạt động nghệ thuật của mình-đã đấu tranh không mệt mõi cho hoà bình thế giới.Họ đã tạo nên một dòng nhạc nổi tiếng chống chiến tranh vào thập niên 60 thường được gọi dưới cái tên Protest Song(Nhạc phản kháng-Nó chống lại mọi hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống như bất công xã hội,phân biệt chủng tộc,phân biệt đối xử nam-nữ…trong đó phản chiến là một nội dung lớn).Ở Việt Nam,Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ tham gia mạnh mẽ nhất phong trào này trong loạt bài được đặt tên là”Ca khúc da vàng”.

Cha đẻ của trào lưu này là ca-nhạc sĩ người Mỹ Bob Dylan.Ông cũng là một nghệ sĩ chơi đản guitar và harmonica rất tuyệt vời.Bằng thể loại nhạc Folk(Nhạc dân gian),Dyland bắt đầu nổi tiếng vào năm 1963,với một giọng hát đặc biệt nhờ âm sắc đục và khàn.Ông hát những bài hát do mình sáng tác có ca từ rất bình dân nhưng không rơi vào chỗ rẻ tiền được chuyển tải bởi những dòng nhạc thường đứt đoạn trên nền guitar và harmonica với một gõ đều đặn.Album The Time They Are A-changing giúp anh trở thành người tiên phong của Protest Song.

NHỮNG VẤN ĐỀ “TOP HIT” CỦA PHÊ BÌNH ÂM NHẠC ĐƯƠNG ĐẠI



Dân tộc đóng băng hay dân tộc dịch chuyển?Tính hiện đại đang xoá mờ biên giới bản sắc dân tộc(như World music)thì cớ gì ta phải bám vào mãi dân tộc tính?Tại sao Tây viết như Ta thì khen mà Ta viết như Tây thì chê?vân vân và vân vân.Đó là ba vấn đề tạm coi là ”Hit” nhất mà tôi đã tổng hợp được từ sự trăn trở của các nhạc sĩ trẻ hiện nay cũng như từ các diễn đàn về âm nhạc của các trang web trên mạng,điển hình là từ Giai điệu xanh -một tờ báo điện tử về âm nhạc tương đối nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Tôi xin được thay mặt họ đặt chúng lên bàn của cuộc hội thảo này.Và mong các nhà phê bình âm nhạc quan tâm đến và biện giải chúng với một tinh thần trách nhiệm và tính  chân xác khoa học của một nhà phê bình chân chính.

Dân tộc đóng băng hay dịch chuyển?

Nhạc dân tộc hình thành trong một thời điểm lịch sử nhất định trong khi sáng tác thỉ biến dịch theo thời gian.Dân tộc tính ngủ yên trong một giai đoạn nào đó thì chỉ còn  giá trị chứng nghiệm của bảo tàng do đó sẽ khộng có giá trị sáng tác theo thời đại nghệ thuật đòi hỏi.

                                                Đàn tranh cũng được cải tiến đôi phần

Chúng ta vẫn có phương châm dân tộc-hiện đại,như thế đã khẳng định dân tộc tính là yếu tố không thể đóng băng mà phải là sự dịch chuyển để bổ sung thêm những giá trị mới và đưa chúng vào đời sống ngập tràn tương lai của âm nhạc.Như vậy cũng có nghĩa những giá trị dân tộc nào không còn phù hợp nữa sẽ dần dần mất đi và chỉ còn một giá trị biên khảo như một dấu vết của lịch sử dân tộc nhạc.

Nhưng tại sao hầu hết các sáng tác âm nhạc của chúng ta gọi là dân tộc lại thiếu vắng tính hiện đại,có khi tính hiện đại chỉ như cái áo hình thức chứ không phải hiện đại tự thân trong nội tại của sáng tác đó?Kết cục dẫn đến các sáng tác dân tộc tính đó thiếu sức hấp dẫn với thị hiếu đương đại vì phải chăng những nhạc ngữ của chúng mãi mãi thuộc về ngày hôm qua?Như thế ngay cả những nhạc sĩ tự hào mình đang bám sát linh hồn dân tộc cũng cảm thấy hổ thẹn khi ít hoặc không mang đến cho chúng sức sống của đương đại và hơi thở của ngày mai?

Những câu hỏi đó đang dày vò chúng ta mà không tìm được sự lý giải nào ngoài hai chữ”tài năng”,hay còn những lý do nào khác?

Tính hiện đại đang xoá mờ bản sắc dân tộc?

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đã chứng kiến sự ra đời của trào lưu âm nhạc lớn:Nhạc thế giới(World music).Chẳng phải nó tự trên trời rơi xuống hay là sự cố tình báng bổ của ai đó vào ranh giới sắc tộc trong sáng tạo.Nó là sản phẩm tất nhiên của một nền văn hoá toàn cầu mà kỹ nghệ thông tin đã bao quát lấy và tác động vào tất cả những biên giới địa lý dân tộc để trở nên một hệ thống liên thông và từ đó ảnh hưởng cả đến biên giới văn hoá.Vì thế nhạc thế giới là nhạc của đa sắc tộc,trong đó sắc tộc của thế giới thứ ba là chất liệu màu mỡ nhất để khai thác trong sự hoà trộn với các quốc gia còn lại.

Ở Việt Nam đã có một số nhạc sĩ mon men đến với trào lưu sáng tác này.Vậy thì sự đề cao dân tộc tính trong âm nhạc đóng vai trò gì trong ngôi nhà thế giới này bất chấp những luỹ tre làng và cổng đình an phận đã trở nên tiểu tiết?

                                          Nhạc cụ dân tộc kết hơp với nhạc cụ phương tây.

Hay đó cũng chỉ là sự vươn tới của dân tộc tính như một sự hoà quyện và thẩm thấu vào nhau như một sự chọn lọc tự nhiên trong sáng tạo?Và ở ta đã có một thứ Nhạc thế giới đúng nghĩa chưa?Và sự biến thái nào gọi là lai căng(Từ lai căng có ý nghĩa gì trong Nhạc thế giới?) khi mượn cái vỏ của nhạc thế giới?Chúng ta sẽ đón nhận nó như thế nào?

Nhạc Tây,nhạc ta và những hệ lụy cần chứng giải

Phương Đông trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo và chất liệu sáng tác hấp dẫn cho nghệ thuật từ thế kỷ 19.Một phần là do cái ”exotic” hương xa đã đánh vào tính hiếu kỳ,tạo thành cả một chủ nghĩa phương đông trong các loại hình nghệ thuật của phương Tây kiêu hãnh..Trong âm nhạc cũng đã có nhiều nhạc sĩ lớn của thế giới đã du hành về đông phương chói chan và huyền bí trong âm nhạc của mình như Olivier Massiaen,Claude Debussy…,các nghệ sĩ thế giới khác trong nhạc phổ thông(Pop) như Sting trong một vài tác phẩm của mình cũng thế.

Vậy thì tại sao ta không có cái quyền tìm đến một cái exotic khác để tạo thành một chủ nghĩa phương Tây trong âm nhạc?Vậy thì yêu cầu sáng tác phải mang dân tộc tính có còn là qui chuẩn bắt buộc để sáng tạo và phê bình?Từ đó cũng đã dẫn đến quan niệm:Tây hay ta gì cũng được miễn nó hay.Hay đây là về mặt cảm tính hay lý tính?Hay bao hàm cả hai?

Gía trị của nhạc học Ta và Tây như thế nào mà Tây luôn là người khai phá còn Ta thường là kẻ đi học?Chẳng hạn với một hệ thống nhạc học đơn giản và không hệ thống tìm thấy lác đác trong Vũ Trung Tuỳ Bút của Phạm Đình Hổ hoặc Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn khi so sánh với một nền nhạc học đồ sộ,có một hệ thống khoa học như các nước châu Âu phải chăng đã không cho phép ta có một thứ chủ nghĩa phương Tây máy móc như thế?

                                                   ***********

Cả một sự bừa bộn những vấn đề về lý luận mà thực tiễn sáng tác âm nhạc đương đại đang cần sự khai thông một cách thấu đáo của lý luận phê bình.Không chỉ cần đến sự tâm huyết của phê bình, những khuynh hướng sáng tác trẻ còn muốn nhận được một cái nhìn rất đương đại của lý luận phê bình chứ không phải những giáo điều đã đóng băng,những bảo thủ dân tộc tính hay sự bốc đồng của sáng tạo muốn cắt rời với quá khứ văn hoá dân tộc(Hai thái cực đối kháng cần phải dè chừng).

Khi đó phê bình âm nhạc của chúng ta sẽ đứng trên qui chuẩn nào:lịch sử,cổ điển,hàn lâm,ý thức hệ,nhân sinh hay nghệ thuật,tuyên truyền,quảng cáo hay…còn gì nữa?Đã đến lúc phê bình phải trả lời sau nhiều tháng năm ít nói và im lặng.

T,M.P

Back To Top