16.7.14

Nhạc sĩ Trần Minh Phi: Cần cẩn thận với “bẫy văn hóa”

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động ngày 16/7/2014

http://laodong.com.vn/van-hoa/vi-pham-ban-quyen-am-nhac-nhac-si-tran-minh-phi-can-can-than-voi-bay-van-hoa-225389.bld

1.Việc Sơn Tùng MTP bị báo chí Hàn Quốc tố đạo nhạc, đạo hình ảnh, phong cách là nỗi xấu hổ cho thị trường âm nhạc Việt. Tuy nhiên, thầy của Sơn Tùng- nhạc sĩ Huy Tuấn cũng từng bị tố sáng tác trên nền beat của nước ngoài. Theo anh, đã đến lúc báo động về tình trạng Hàn hóa nhạc Việt hiện nay?

Tôi và một số người từng lên tiếng báo động điều đó cách đây đã lâu lắm rồi, khi đó sự Hàn hóa nhạc Việt chưa lên đỉnh điểm như bây giờ nhưng đã hàm chứa nguy cơ nhân-quả, với ý thức là”Phòng bệnh hơn chữa bệnh”nhưng nó đã từng bị coi là lạc lõng và bi quan lẫn chủ quan. Bây giờ báo động là đã muộn, bệnh đã nhiễm nặng.

Bây giờ chỉ có 2 lựa chọn: Một là quyết liệt đại phẫu thuật nó, cứng rắn cắt bỏ hết những phần nhiễm bệnh. Hai là chấp nhận sống chung với bệnh. Nhưng theo những gì đã xảy ra trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề mang tính nửa vời, nông cạn và cảm tính của nhạc Việt hiện nay, tôi chắc là chúng ta sẽ chọn cách sống chung với bệnh,không phải tuyên bố công khai nhưng ngấm ngầm là như thế.

Thị trường nhạc Việt không lấy đó làm xấu hổ đâu. Nó chỉ quan tâm là lượng fan và lợi ích kinh tế thu về nhiều hay ít. Sự “xấu hổ dùm” thuộc về những người không liên quan đến thị trường đó thôi.


2.Việc đạo nhạc đã trở thành tinh vi hơn, khi chỉ đạo bản beat. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng bản beat làm nền cho sáng tác của mình đã trở nên phổ biến đến mức, những nhạc sĩ gạo cội cũng “nhầm tưởng” đó là “chuyện người ta từng làm”. Anh có thể nói về điều ngộ nhận nguy hiểm này?

Tôi nghĩ đa phần họ không ngộ nhận đâu mà đó là quan niệm sáng tác của họ. Nó còn nguy hiểm hơn ngộ nhận. Vì là quan điểm nên họ quyết liệt bảo vệ nhận thức này tới cùng không bằng cách này cũng bằng cách khác. Vì nếu ngộ nhận họ phải hiểu vấn đề đạo bản hòa thanh là đúng hay sai về mặt bản quyền từ lâu vì chuyện này đã từng xảy ra những năm đầu thế kỷ này. Cụ thể là khoảng những năm 2003,2004 với sự kiện Quốc Bảo với bản “Tình ca” được viết trên bản bản phối của Jimmy Jam và Terry Lewis mà chỉ ghi tên Quốc Bảo.

Ngoài ra, cách ứng xử mang tính vô pháp với hiên tượng đạo nhạc trước đây khiến nhiều người cho rằng không có hành vi đạo nhạc-theo kiểu ngụy biện hình thức,đại loại như: “Họ có tên tuổi rồi không ai đi lấy của người khác làm gì” hoặc”Tôi có khả năng sáng tác đâu cần phải lấy cắp” . Như vậy với nhiều người, hiện tượng đạo nhạc chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, tai nạn nghề nghiệp nên dễ dàng thông cảm, bỏ qua và xí xóa với nhau nên nó tiếp tục dung dưỡng và khuyến khích kiểu sáng tác đi theo từng cấp độ: mô phỏng-sắp đặt-ăn cắp. Rồi khi đến ăn cắp thì trở thành hiệu ứng chai lỳ với người viết và người nghe luôn.

Khi bị phát hiện ăn cắp thì họ viện dẫn sự trùng hợp ngẫu nhiên của 7 nốt nhạc. Ở mức độ thấp hơn thì đó là sự học hỏi, tiếp thu bằng những sự ngụy biện đánh đồng khái niệm như: Không cho thể nghiệm, bắt chước thì làm sao có sáng tạo(?!)Nói như thế thì cả làng nhạc ai cũng đạo hết(?!).

Thông thường sự ngụy biện đó dựa trên lý luận rất khoa học để lợi dụng cho những hành vi đạo nhạc từ cố tình cho đến vô thức: “Một vài nốt giống nhau, vòng hoà âm giống nhau, cảm giác (ambience, feeling) giống nhau không có nghĩa là bài hát giống nhau”. Do đó rất dễ dàng và an toàn khi dựa trên một bài nhạc hay để phóng tác thành tác phẩm của mình một cách tinh vi.

Sự thực là trong lịch sử âm nhạc thế giới vẫn có vài trường hợp ngẫu nhiên nhưng không phải là phổ biến. Nhưng ở VN, nếu đó là ngẫu nhiên mà xảy ra thường xuyên và phổ biến thì có còn là ngẫu nhiên không?

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại cho rõ, việc viết nhạc trên bản hòa thanh có sẵn-Phải nói là bản hòa thanh, vì nói bản beat là chưa đủ vì nó chỉ chứa những tổ chức về tiết tấu(rhythm) chứ không phải đầy đủ cả 2 là rhythm và hòa âm- không phải là đạo nếu đó là một hình thức hợp tác sáng tác theo nhóm mà hiện nay cũng là một trào lưu nhưng nó chỉ thích hợp với loại nhạc chạy theo thị trường, nhạc công nghiệp. Và thành quả và giá trị của nó là thành quả và giá trị của nhóm chứ không phải cá nhân nào. Nó chỉ là đạo khi tự ý lấy bản hòa thanh của ai đó và một nơi nào đó mà không xin phép và không ghi tên nguồn rõ ràng, minh bạch như đã từng xảy ra trong quá khứ và hiện nay trong nhạc Việt. Song, việc này chỉ hợp pháp thôi, chứ đứng về mặt ý nghĩa sáng tác thì nó là một việc làm rất tầm thường không nên lạm dụng.

Tôi xin nói thêm, có một cách lấy bản hòa thanh xuất sắccủa người khác một cách khôn lanh là sau khi viết xong giai điệu, thì người viết sẽ làm hòa âm lại, sửa đi đôi chút theo kiểu của anh thợ khéo tay gia công xào nấu..Việc làm này càng phổ biến hơn khi ngày nay đa số người ta sáng tác hoàn toàn trên vi tính và dựa trên những phần mềm và sample nhạc có sẵn tràn lan trên mạng. Khó ai nhận ra nếu không có nghề, hoặc có nhận ra cũng khó bắt bẻ về mặt lý. Điều này chỉ tùy thuộc vào cái tình và lương tâm nghệ sĩ của người viết nhạc, khi họ đối diện với chính mình mà có thấy tự xấu hổ hay không mà thôi. Rất tiếc, nghe nhiều bài nhạc Việt hiện nay, dù thị trường hay đang gắn mác nghệ thuật tôi thấy nó đang xảy ra phổ biến mất rồi.Mà không chỉ mình tôi, rất nhiều người đều thấy thế nhưng họ không nói ra mà chọn:dĩ hòa vi quý; hoặc do công việc kiếm tiền mưu sinh, duy trì quan hệ làm ăn buộc họ phải thỏa hiệp với tiêu cực, hạ thấp sáng tạo xuống ngang hàng sao chép và sắp xếp lại những sáng tạo của người khác.


3. Việc ca sĩ Việt nhái hình tượng, âm nhạc Kpop nhưng lại được giới trẻ đẩy lên thành đỉnh điểm thần tượng cho thấy có một lớp khán giả có vấn đề về thẩm mỹ, hay như anh nói, rơi vào “bẫy dân trí”. Làm sao để giúp công chúng trẻ “tỉnh” ra khỏi cơn mê cuồng này?

Bẫy dân trí khiến giới trẻ dễ dãi trong việc nghe nhạc và chọn thần tượng của mình. Đối với họ vui là chính, có bắt chước xào nấu cũng không sao miễn làm họ thỏa mãn cái thị hiếu đó. Họ không đủ sức phân biệt đâu là nghệ thuật và giải trí, đâu là giải trí có ý thức và giải trí vô ý thức.Có khi họ thừa biết đó là sự ăn theo, bắt chước nhưng với họ ăn theo và bắt chước mà giống y chang thì cũng đủ là một tài năng đáng thần tượng rồi! Sự nghèo nàn và rẻ tiền về dân trí đến mức tội nghiệp đó chung quy cũng do hệ quả của giáo dục VN mà ra. Bạn hỏi tôi làm sao giúp công chúng trẻ “tỉnh” ra khỏi cơn mê thì nó quá sức giải quyết của tôi rồi. Nói đơn giản mà làm rất phức tạp là làm sao nâng cấp dân trí lên. Theo bạn, việc này thuộc trách nhiệm cao nhất của ai thì hãy đặt vấn đề với người đó?

4.Nền ca nhạc thị trường đang copy Kpop, với nhiều ngôi sao Việt cố ý Hàn hóa, liệu có phải vì VN đang ở trong vùng trũng về âm nhạc hay không? Có cách nào thoát khỏi vùng trũng này không?

Đích thị nó đang ở trong vùng trũng. Hàn hóa theo 2 cách cố ý và vô thức mà ra. Người cố ý thì thấy thương hiệu K-pop đang ăn khách thì nghiên cứu tìm cách hóa thân vào nó và ăn theo. Người vô thức thì bị nhiễm K-pop từ trong máu mà sức đề kháng yếu nên hành động theo định luật phản xạ có điều kiện của Pavlov (được diễn giải ở khía cạnh tinh thần chứ không phải sinh lý). Bản ngã yếu tất nhiên sẽ bị xâm thực về tinh thần. Sự giao thoa hay hòa nhập về văn hóa chỉ diễn ra giữa 2 bản ngã văn hóa có sức mạnh tương đồng. Còn một bên yếu bên mạnh thì chỉ là sự hòa tan của kẻ yếu trong kẻ mạnh, hay kẻ mạnh nuốt chửng kẻ yếu mà thôi.Thoát trũng trong âm nhạc là tổng hợp của cả một hệ thống xã hội, văn hóa, giáo dục, kinh tế phải cùng thoát trũng. Trong đó, đầu tàu là kinh tế và giáo dục

5.Ngược lại, ca sĩ Campuchia, Lào lại nhái nhạc Việt. Điều đó càng cho thấy nơi nào là vùng trũng, thì nơi đó không đủ sức đề kháng, để nhạc ngoại nhái tràn vào. Như anh từng nói, việc Kpop hóa nhạc Việt gây tổn thương cho Kpop, vậy trong tình thế này, nhạc Vpop bị tổn hại như thế nào?

Câu hỏi này đã có phần giải thích sơ qua ở câu trả lời trên. Tôi nghĩ nhạc Việt không có gì tổn thương lắm vì tương tác giữa Campuchia,Lào và VN chỉ là phiên bản của phiên bản. Nghĩa là ta F1, họ là F2. Sự tổn thương ở đây tôi nghĩ chỉ là vấn đề bản quyền, nó liên quan đến lợi ích kinh tế. Còn đứng về mặt văn hóa sự tổn thương là thuộc về kẻ bị đồng hóa văn hóa chứ người tạo ra lây nhiễm văn hóa họ lại cảm thấy tự hào. Nếu ta đi ăn cắp văn hóa người khác để được lợi về kinh tế thì ta phải trả giá đắt về mặt bản ngã văn hóa, chưa kể là thể diện quốc gia và cái thuyết nhân quả sẽ không buông tha cho chúng ta và cả những thế hệ sau này. Cái quả nhãn tiền đã hiển hiện rất rõ mà dường như nhiều người vẫn vô cảm. Có vô vàn “cái giàn khoan” K-pop trong lãnh hải V-pop thì ai tổn thương hơn ai?Mà rồi sau K-pop sẽ còn những thứ khác nếu chúng ta không thay đổi tư duy và hành động.

Xin cảm ơn anh.

Minh Thi thực hiện-Báo Lao Động
Tựa bài do báo Lao Động đặt

Link:
http://laodong.com.vn/van-hoa/vi-pham-ban-quyen-am-nhac-nhac-si-tran-minh-phi-can-can-than-voi-bay-van-hoa-225389.bld
Back To Top