24.6.19

VÀI SUY NGHĨ VỀ “NHẠC SĨ” & “ THỢ NHẠC”


Phần lớn những người học sáng tác từ nhạc viện ra hay những trường lớp tương tự họ đều trở thành những người thợ viết nhạc vững tay nghề. Sau bao năm học “phép viết nhạc” họ đều được đóng khung trong cái khuôn vàng thước ngọc mà nhà trường đã định sẵn cho họ. Thế là họ chỉ “sáng tạo” trong cái “cá chậu chim lồng” đó mà thôi. Nghĩa là cũng giống như người thợ chăm chỉ và tinh xảo tay nghề cứ làm theo những thiết kế có sẵn rồi thêm chút “mắm muối” và gọi đó là sáng tạo.
Những “nhạc sĩ thợ” này có thể soạn khí nhạc, viết nhạc phim, sân khấu, hoà âm phối khí...và tay nghề họ thì quá chuẩn theo học thuật nhà trường. Cái này khỏi bàn rồi. Nhưng nghe qua thì chúng như sản xuất hàng loạt hoặc...khó ngửi. “Khó ngửi” này là từ mượn của J.K. Namurti, một trong những nhà hiền triết tâm linh nổi bật của Ấn Độ hiện đại. Khó ngửi tức là chúng đi từ tai này qua tai kia, hay đi vào mắt này ra mắt kia. Chả có cái nào đi tới được trái tim người nghe cả. Hay ngay cả khi chúng món men đến được trái tim, nhưng cái đầu minh mẫn của người nghe sâu sắc nào đó sẽ nhận ra sự vay mượn của loài khỉ.

J.K. Namurti nói thế này:
“Có lắm khuôn mặt xấu xí mà ngắm tới thấy dễ ưa, lại có lắm khuôn mặt không ngắm được mặc dầu cũng chẳng có gì xấu xí. Có lắm tác phẩm khêu gợi cảm tình, mặc dù nó sai mẹo luật và lắm tác phẩm viết rất đúng văn phạm, thế mà nó khó ngửi.”
Như thế, ông cho rằng bản thân những tác phẩm chuyên nghiệp, lành nghề nó thường vô cảm vì nó chuộng khoe khoang học thức và trình độ. Vô tình, những tác phẩm không chuyên lắm khi tuy không thấy dấu ấn tay nghề nhưng lại chứa chan tình cảm. Và cứu cánh tận cùng của nghệ thuật là nằm ở đây.
Tương tự thế, Osho, một triết gia tâm linh đồng hương của J.K. Namurti cũng cho là như vậy. Osho tuy gây ra tranh cãi, cuồng mê và đả kích tương tự như Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump nhưng ông cùng Namurti là hai cây cột trụ chính của toà nhà tư tưởng và tâm linh của Ấn Độ hiện đại.
Osho nói toẹt, không ví von, sự sáng tạo thường chỉ đến với người nghiệp dư trong khi sự sáng tạo bị bào mòn trong giới chuyên nghiệp. Bởi công việc của họ cứ lặp đi lặp lại như một lập trình khuôn thước.
Nghe có vẻ hơi đau cho những nhạc sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, nhưng thật sự là vậy khi nghe tác phẩm của họ. Đúng là những người thợ nhạc giàu kỹ năng nhưng không có chất nghệ sĩ đượm tình cảm nồng sâu.
Có những người viết nhạc khi bắt đầu sáng tác, họ có những tác phẩm cá tính và đầy rung cảm. Rồi dần dần để nâng cao tay nghề, họ đi học. Sau khi ra trường, họ viết những tác phẩm rất kiêu hãnh về học thuật, nhưng người nghe chỉ muốn nghe những tác phẩm khiêm tốn về học thuật của họ trước khi họ “tầm sư học đạo”. Nghĩa là từ nghệ sĩ họ trở thành thợ chuyên môn giỏi.
Nhưng như thế không có nghĩa là ai không chuyên đều là sáng tạo và nghệ sĩ cả. Cái này thuộc về thiên phú. Phần đông trong giới không chuyên thường cũng là thợ viết nhạc cả. Có điều họ là thợ tay nghề thấp vì không có học hay chỉ học mót. Họ hay viết nhạc theo kiểu ăn cắp thụ động, nghĩa là viết theo tiềm thức của mình đã in dấu những bài nhạc hay của người khác mà mình quên hẳn. Khác với thợ nhạc tay nghề cao, là họ dùng học thức của mình mà chủ động ăn cắp sáng tác của người khác rồi biến hoá chút ít rồi tự lừa mình và lừa nhau là sáng tạo của bản thân.
Viết một hai ba bài hát, người đời ưu ái gọi là nhạc sĩ cũng được thôi. Tự sướng cũng không sao. Nhưng với ngôi đền nghệ thuật thì những nhạc sĩ như thế chỉ là kẻ đứng ngoài mà thôi. Và đó là số đông vô cùng đông.
Ảnh: Những giai điệu của “nhạc sĩ chim”
Trần Minh Phi

Back To Top