Vào khoảng năm 1970 cơ duyên giữa ns Phạm Duy và thi sĩ Phạm Thiên Thư, lúc đó cũng là thiền sư Tuệ Không đã cho ra những ca khúc phổ thơ nổi tiếng như: Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này...rất được thanh niên thời đó ưa chuộng.Nhưng chắc chắn điều ý nghĩa nhất mà vị thiền sư kiêm thi sĩ này đã tạo nên cho Phạm Duy chính là ông đã thổi một tinh thần Phật pháp và Đạo pháp vào trong một giai đoạn sáng tạo của Phạm Duy- một nhạc sĩ lãng mạn, đa tình và hâm hấp những ám ảnh nhục thể lại có thể tạo nên những sắc màu âm nhạc thoát tục như dẫn ta vào cõi thiền của âm thanh dung dị và sâu lắng.
Thú vị hơn, là sự gắn kết giữa thơ và nhạc như thể là một linh hồn và thể xác cho ra một sinh linh hàm ẩn những triết lý, chân lý, cả siêu nhiên lẫn thiên nhiên và niềm hoan ca cũng như bi ca của kiếp người.
Có lẽ vì thế nó là thứ âm nhạc khó nghe. Nhưng đã nghe được thì khó quên dù ít ra người nghe cũng phải là người đã trải qua bể dâu và bắt đầu biết buông bỏ những bụi trần vướng lụy
Hãy nghe nó trong bóng tối hay trong sự yên tĩnh của ngoại cảnh và nội tâm, và ta chợt nhận ra nó chính là: THỀN NHẠC
TMP sưu tầm và giới thiệu