8.12.13

Xã hội vô cảm thì âm nhạc vô hồn


Viện Gallup thống kê về chỉ số vô cảm[ ít cảm xúc, thờ ơ, bàng quan ]cho người dân ở 150 vùng, quốc gia và lãnh thổ trên thế giới vào năm ngoái đã xếp Việt Nam vào thứ hạng 13. Một chỉ số tương đối cao về sự vô cảm của người Việt. Mà không chỉ con số, những hiện tượng, những vấn nạn xã hội, những đối nhân xử thế hàng ngày đã cho mọi người thấy ngày nay người ta càng lúc càng sống ít tình cảm đi, thay vào đó là sự thực dụng, ích kỷ và vô tâm. Nó chứng minh ngược thống kê trên không phải là tào lao.

Âm nhạc Việt Nam thì không thấy có thống kê cho thấy nó vô hồn ở thứ hạng mấy. Nhưng điều đó không cần con số thống kê vì ai cũng biết nghệ thuật trong đó có âm nhạc trước hết là một thông điệp và là tiếng vọng của tâm hồn. Một thứ âm nhạc không hoặc ít cảm xúc thì cho dù có được điểm trang bằng “dao kéo” kỹ thuật hay kỹ xảo bao nhiêu thì thông điệp hay tiếng vọng đó sẽ câm nín hay thều thào lạnh nhạt. Kết cục là thứ âm nhạc đó trở nên nghèo nàn, rẻ tiền hay xa lạ, trơ trẽn, tạm bợ.


Các giải thưởng âm nhạc cuối năm dội bom rất khủng khiếp về số lượng từ thượng vàng cho đến hạ cám. Từ những tổ chức kiếm tiền, phong trào cho đến hội chuyên môn với hàng trăm, hàng lũ âm nhạc xếp hàng duyệt binh để tôn vinh như những cái xác vô hồn đang khoác nhiều y trang lòe loẹt , sặc sỡ không làm tươi thêm cái xác rỗng của vô cảm đó. Đến nỗi người ta lo lắng vì sao nên cơ sự này và bảo nhau về những nguyên nhân xa gần về việc tổ chức những  giải thưởng càng nhiều thì sự tôn vinh càng bị lạm phát.

Nhưng có một lý do chính, chủ đạo và rất đơn giản đó chính là do chất lượng tinh thần và tâm hồn của nghệ sĩ trong một xã hội vô cảm thì tất yếu cũng vô cảm. Vô cảm giết chết nghệ thuật như con nhện giăng tơ diệt mồi vậy.

Vô cảm truyền đi ngẫu hứng vô cảm về cái đẹp và thiện và chân thành nhưng lại rất nhạy cảm về sự nhạy cảm của lòng tham , khát vọng về tiền bạc và vật chất và danh tiếng. Tất cả điều đó trở nên là mục tiêu và cứu cánh chính của người làm nghệ thuật hiện nay. “Hoa thường héo, cỏ thường xanh tươi”[Nguyễn Trãi]. Điều này thể hiện rất rõ trong môi trường âm nhạc hiện nay. Những giá trị tầm thường như cỏ rác thì vô số và được ưu thế khoác áo tươi mới của kẻ trị vì và thống trị.

Sự vô cảm không chỉ đẻ ra sự vô hồn cho tác phẩm mà còn tạo ra sự vô ý thức của sáng tạo và sự vô tâm về lương tâm nghệ sĩ. Nó tạo ra môi trường nảy nở của những nhân cách nghệ sĩ rẻ tiền thích trộm ý tưởng, lắp ghép những mảnh rời sáng tác của người khác, lười biếng tư duy sáng tạo nhưng lại cao cường về thực dụng, chai lì và ảo tưởng. Cho nên “hình hài nghệ thuật “ đó, may mà có tạo ra cái đẹp hay cảm hứng  nào đó thì chỉ hướng người ta đến dục vọng xác thịt hơn là khát vọng của tâm hồn. Một người cha-tác giả như vậy làm sao tạo nên những đứa con-tác phẩm tốt hơn?

Có hoa thì phải diệt cỏ. Có cỏ thì không có hoa. Khi con người chọn thứ âm nhạc vì đồng tiền và lòng tham về danh lợi, sung sướng về vật chất và danh tiếng thì sự vô cảm sẽ xanh như cỏ dại tràn lan tranh dành và làm chết héo những bông hoa đẹp của tâm hồn.


T.M.P
Back To Top