21.12.13

Nhạc sĩ Venezuela Jose Antonio Abreu: Người cứu rỗi hàng triệu đứa trẻ bằng âm nhạc

Trong bất kỳ đất nước nào, việc một quan chức có thể làm việc liên tục qua 9 chính quyền, trước khi nghỉ hưu không tì vết là điều rất khó tin. Và càng khó tin hơn nữa khi ông để lại di sản là một lực lượng thanh thiếu niên khổng lồ được đào tạo âm nhạc.

Nhưng Jose Antonio Abreu lại là một người như thế. Và hiển nhiên ông không phải một quan chức bình thường.

Dùng âm nhạc gieo hy vọngLà một nhạc sĩ, một nhà kinh tế học và cựu bộ trưởng trong nội các Venezuela, Abreu được thế giới biết tới nhiều hơn với tư cách người sáng lập chương trình âm nhạc El Sistema.

El Sistema hiện quản lý hơn 150 dàn nhạc thanh niên và 70 dàn nhạc thiếu niên. Trong 38 năm qua, chương trình đã cung cấp hoạt động giáo dục âm nhạc miễn phí cho 3 triệu đứa trẻ, với phần đông là con em các gia đình nghèo. Thành tích đó của ông khiến cả thế giới nể phục.

"Những gì Abreu và El Sistema đã làm là thông qua âm nhạc để mang tới hy vọng cho hàng trăm ngàn cuộc đời, vốn đã có thể bị ma túy và bạo lực cướp đi" - Simon Rattle, giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Berlin đã phát biểu như thế để ca ngợi thành tựu của Abreu, khi đề cử ông nhận giải Nobel Hòa bình 2010.

Mặc dù đã nhận vô số giải thưởng quốc tế, Abreu vẫn hết sức khiêm tốn. "Dàn nhạc giao hưởng chứa trong nó khả năng tồn tại, tiếp tục sống và trường tồn" - ông từng nói với BBC trong chuyến lưu diễn của một dàn nhạc trẻ thuộc El Sistema tới Nhật Bản, từ chối nhận những lời khen tặng người ta dành cho ông.

Tin chắc sẽ thành công

Âm nhạc có gốc rất sâu trong gia đình Abreu. Ông bà nội của ông đã dọn từ Italia tới Venezuela sống trong thế kỷ 19. Ở vùng đất mới, ông nội đã mở một dàn nhạc giao hưởng tại địa phương.

Bà nội ông là một người đam mê cuồng nhiệt opera, đã dịch rất nhiều bản opera tiếng Italia cho ông nghe. Tuổi thơ của ông cũng đắm chìm trong những đĩa nhạc của Puccini và Verdi. Chưa hết, mẹ ông là một nghệ sĩ piano còn cha ông là một nghệ sĩ guitar.

Nền tảng đó khiến Abreu đã sớm đi theo con đường nghệ thuật. Năm lên 9 tuổi ông bắt đầu tập đàn piano. Đó cũng là cây đàn duy nhất có tại vùng dân cư nơi ông sống ở thành phố Barquisimeto, phía Tây Venezuela.

Lớn lên Abreu dành nhiều thời gian nghiên cứu âm nhạc. Nhưng sau đó ông dọn tới Caracas và theo học một trường kinh tế để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ra trường với tư cách một nhà kinh tế học, ông đã làm việc cho chính quyền và được bầu vào Quốc hội trong những năm 1960. Nhưng tình yêu với âm nhạc chưa bao giờ tắt trong tâm trí Abreu.

"Tôi cảm thấy rất thất vọng vì sống ở một đất nước có duy nhất một dàn nhạc giao hưởng, với 70% nhạc sĩ là người ngoại quốc. Trong khi đó các nước khác như Argentina, Brazil hay Mexico đều đã đạt được sự phát triển rất lớn về âm nhạc. Đó là khi (tôi) hình thành ý tưởng về việc thành lập một hệ thống, có khả năng tạo ra ít nhất một dàn nhạc giao hưởng lớn với các nghệ sĩ sinh ra từ Venezuela" - ông nói.

Thời điểm là vào năm 1975 và Abreu 35 tuổi. Tại cuộc gặp gỡ đầu tiên, chỉ có 11 học sinh xuất hiện tại một gara xe, nơi ông đã sắp xếp 25 giá nhạc. "Lũ trẻ vô cùng quyết tâm và đam mê, tới mức tôi hiểu ngay từ khoảnh khắc đó rằng thành công là điều được đảm bảo chắc chắn" - ông Abreu nhớ lại.


Edicson Ruiz (phải), nói rằng Abreu giống như cha của cậu

Hiện tượng được thế giới học theo

Hoạt động thử nghiệm ban đầu đó nhanh chóng biến thành một chương trình đào tạo âm nhạc thành công và được ca ngợi nhất thế giới, với hàng loạt nước đã học theo Venezuela.

Ở Venezuela, El Sistema hiện là một trong những chương trình công được cấp vốn nhiều nhất. Ý tưởng của chương trình hết sức đơn giản. Trẻ em được dạy học nhạc miễn phí từ tuổi lên 3, trong các lớp học vào buổi chiều, với trọng tâm hướng các em tới chỗ biểu diễn tại dàn nhạc giao hưởng.

Tới nay đã có 285 trung tâm đào tạo âm nhạc công thuộc El Sistemamọc lên trên cả nước, thường là ở các vùng nghèo khó và nhiều bạo lực. BBC cho biết 3 triệu đứa trẻ Venezuela đã tham gia El Sistema.

Nhiều người nói rằng các mối quan hệ tốt của Abreu, cũng như hiểu biết của ông về kinh tế và chính trị là yếu tốt mấu chốt giúp chương trình được chính quyền đầu tư ngay từ đầu, qua đó giúp nó lớn mạnh nhanh chóng.

Frank Di Polo, một trong những người đồng sáng lập El Sistema đánh giá: "El Sistema có thể duy trì là nhờ Abreu, người đã thương thảo với tất cả các chính quyền trong 38 năm để họ rót vốn cho chương trình. Chính ông là người có sự dai dẳng, sức mạnh ý chí và tầm nhìn xa để biến một dàn nhạc thiếu niên nhỏ thành một đế chế âm nhạc bao phủ cả nước".

Cũng theo Di Polo, Abreu là người có cuộc sống liêm khiết và khi về hưu, tài sản ông mang về nhà chỉ là những cuốn sách. El Sistema, vì thế, đã giống như cuộc đời của ông.

Ở tuổi 74, sức khỏe của Abreu đang yếu đi nhanh. Nhưng ông không hề lo ngại cho tương lai của El Sistema, khi không còn mình ở bên cạnh. "El Sistema sẽ tiếp tục sống tốt bởi nó đã giáo dục hàng trăm ngàn thanh niên, tất cả đều có thiên hướng âm nhạc tốt, có ý chí sẵn sàng lao động chăm chỉ, nhận thức rõ về nhiệm vụ của họ và khả năng thực hiện nhiệm vụ ấy" - ông nói.
=====================================================================

Edicson Ruiz là một trong nhiều câu chuyện thành công của El Sistema. Chàng trai này tới từ một gia đình nghèo khó ở Caracas và nhờ ông Abreu mà Ruiz mới tiếp tục được học nhạc. Ông đã mang tới cho cậu một cây đàn contrebass và dạy cậu chơi nhạc cụ này. Ông còn giúp cậu kiếm sống bằng cách bố trí công việc tại một trong các dàn nhạc của El Sistema. Năm 2002, ở tuổi 17, Ruiz đã trở thành nhạc công trẻ nhất gia nhập Dàn nhạc giao hưởng Berlin. "Tôi lớn lên mà không có cha, vì thế ông như cha tôi và cũng là thầy của tôi. Không có ông, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội tạo ra âm nhạc" - Ruiz nói.

Theo TT&VH
Back To Top