23.12.13

Chỉ còn chân dài nhún nhảy?

Đậm nét nhất trên bức tranh showbiz vẫn là hình ảnh những cô gái chân dài nhún nhảy giữa lộng lẫy phấn son.

Giá cả trên thị trường đã có dấu hiệu bình ổn, nhưng giá vé ở sân khấu dù không tăng vẫn chưa thể kích cầu khán giả. Đó là một thực trạng khiến đời sống âm nhạc năm 2013 chia thành hai thái cực: chương trình ca nhạc tại các tụ điểm ngày càng thu hẹp mà các cuộc thi ca hát lên sóng truyền hình ngày càng phô trương...
Hàng ngàn gương mặt trẻ nuôi mộng ca sĩ đã chen nhau ứng thí, nhưng để tìm ra tài năng thật sự vẫn đầy hồi hộp, mà không nhà tài trợ hay nhà tổ chức nào đủ tự tin để khẳng định bất cứ điều gì. Chịu khó quan sát sẽ dễ dàng nhận ra, không ít thí sinh cứ nháo nhào nhảy từ cuộc thi này sang cuộc thi khác với ước mong một bước thành người nổi tiếng. Hệ lụy ấy giúp công chúng rút ra được kinh nghiệm đau xót rằng, số lượng giọng ca mới giống như một hồ nước nhỏ, còn mỗi cuộc thi luôn triệt để vận dụng mọi cách để múc nước, thì làm sao tránh khỏi cảnh tranh giành của nhau cả sự lạnh lẽo lẫn sự tù đọng.

Có lẽ đã đến lúc phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi, nên chăng tạm ngưng các cuộc thi ca hát để những giọng ca tiềm ẩn có thời gian bồi đắp và rèn luyện tử tế hơn?

Hoạt động âm nhạc đang chậm lại do nhiều nguyên nhân, nhưng không thể không kể đến dấu hiệu mệt mỏi của các tài danh như Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Dũng… Lác đác vài tên tuổi tạo chú ý cho công chúng vì yếu tố ngoài nghệ thuật như Mỹ Linh xây biệt thự trên đất rừng phòng hộ, Mỹ Tâm tích cực quảng bá thương hiệu thời trang cá nhân hay Đàm Vĩnh Hưng hết gây vụ thị phi này lại đến vụ ồn ào khác…

Dĩ nhiên, cùng tắc biến, những bầu show láu lỉnh chuyển hướng khai thác thực đơn món lạ thay cho món ngon. Hàng loạt ca sĩ hải ngoại được mời về nước làm live show như Minh Tuyết, Chế Linh, Quang Lê…Ngoài chi phí đi lại và ăn ở hạng sang, ca sĩ hải ngoại cũng đòi hỏi một mức thù lao ngất ngưởng.

Tổng đầu tư cho một live show của ca sĩ hải ngoại tại Hà Nội hoặc Tp HCM khoảng 2 tỷ đồng, nếu không có tài trợ thì bầu show cầm chắc nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, giới bầu show chấp nhận sự phiêu lưu ấy, vì dù sao sức hút của ca sĩ hải ngoại cũng phần nào kích cầu khán giả hơn các ngôi sao trong nước vốn đang nhạt nhòa dần! Và thực tế, sự hoan hỉ của công chúng đã giúp không khí quầy bán vé được một phen nhộn nhịp!

Một thời các giải thưởng như Làn Sóng Xanh, Mai Vàng, Cống Hiến được xem như "nhiệt kế văn hóa" và có tác động trực tiếp đến vị trí của ca sĩ, thì giờ đây ca sĩ chọn cách thu hút dư luận theo kiểu…nóng bỏng. Nghệ danh hao hao Tây, từa tựa Tàu như Kiwi Ngô Mai Trang hay Noo Phước Thịnh chẳng còn giá trị gì, nên kỹ nghệ tạo scandal phát triển vượt bậc. Nếu không cố ý "khoe ngực" thì cũng vô tình "lộ hàng" để mong các diễn đàn người hâm mộ nhắc đến liên tục.

Không cần chất giọng quá nổi trội, Hoàng Thùy Linh hay Yến Trang chỉ cần tiểu xảo cũng có thể che khuất được các đàn chị như Hiền Thục hay Đoan Trang. Phương châm "không hở hang không ăn khách" được mang ra làm cứu cánh càng ngày càng làm cho thị hiếu âm nhạc nhuốm màu rẻ rúng thêm!

Khi các ca sĩ trẻ không còn kiên nhẫn để luyện thanh và khi các tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhạc sĩ hoặc Hiệp hội Ghi âm thờ ơ đứng ngoài cuộc, thì những manager cự phách cũng rửa tay gác kiếm. Bằng nguồn tài chính dồi dào và khả năng nhạy bén nắm bắt sở thích khán giả, các manager lừng lẫy như Hoàng Tuấn, Thủy Nguyễn hay Quang Huy không còn mặn mà trong việc xây dựng hình tượng âm nhạc mới.

Phía sau Đan Trường, Nguyễn Phi Hùng hay Ưng Hoàng Phúc là một khoảng trống của công nghệ lăng-xê đã có lúc tưởng chừng có thể thay đổi diện mạo sân khấu biểu diễn Việt Nam. Dường như chính các ca sĩ cũng đã quá sốt ruột khi phải đặt bút ký vào cái hợp đồng độc quyền. Phân khúc của thị trường âm nhạc thay đổi quá nhanh, khiến cho bất kỳ kế hoạch dài hạn nào giữa manager và ca sĩ cũng trở nên vô vọng. Dăm sản phẩm nửa chừng của công nghệ lăng-xê như Khánh Ngọc, Nhật Tinh Anh hay Khánh Phương đều chưa chứng minh được dấu vết gì rõ nét. Khái niệm manager chỉ còn là người giúp việc cho ca sĩ nhận show, lên lịch diễn hoặc thỏa thuận cát-xê. Và khi ý tưởng manager không còn điều kiện tồn tại, thì triển vọng chinh phục đám đông của các tín hiệu sôi động như Trà My, Cao Thái Sơn hoặc Dương Triệu Vũ cũng phập phồng hơn!

Vì sao đời sống ca nhạc lâm vào hoàn cảnh manh mún như vậy? Không ai phủ nhận sự có mặt của không ít giọng ca được người nghe chấp nhận, nhưng, tiêu chí mạnh ai nấy làm đã tỏ ra không còn phù hợp với công nghệ biểu diễn hiện đại. Các ca sĩ cam chịu bỏ tiền phát hành album nhỏ lẻ dưới dạng MV (music video) chỉ tạm thời chống lại sự lãng quên của khán giả, chứ không thể tạo nên phong cách riêng.

Hiện tại ca sĩ có rất nhiều tiền cũng không thể vươn tới ngôi sao, vì sự chông chênh tư duy thẩm mỹ. Từ cách chọn ca khúc, cách chọn trang phục cho đến cách chọn đối tượng phục vụ của ca sĩ đều theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”. Sự ngộ nhận đáng sợ nhất là đua nhau bám theo dòng nhạc teen và tiếp thị trên mạng internet như một thứ thức ăn nhanh. Chính yếu tố triệt tiêu cá tính sáng tạo mà công chúng không thể nào phân biệt được Đông Nhi với Bảo Thy như trước đây đã từng phân biệt Phương Thanh và Siu Black.

Chứng kiến những live show lắp ghép vụng về, bỗng thấm thía showbiz Việt chưa bao giờ cần đạo diễn ca nhạc như bây giờ. Tuy nhiên, sự thiếu thốn phải ái ngại trước hết là ca khúc. Những nhạc sĩ từng le lói tin cậy như Trần Minh Phi, Nguyễn Nhất Huy, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Quốc Bảo, Lê Minh Sơn… đã từ từ lùi vào im lặng. Vài sáng tác mới của Vũ Quốc Việt, Trương Lê Sơn, Sỹ Luân, Nguyễn Hồng Thuận… không đủ cung bậc để tạo đột phá cho trào lưu ca nhạc đang nảy nở theo nhiều chiều kích khác nhau. Còn chuyện tự biên tự diễn như Lương Bằng Quang hay Lê Cát Trọng Lý chỉ là những điểm xuyến ngộ nghĩnh mà thôi.

Hãy nhớ rằng, cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI bừng lên nhiều ngôi sao ca nhạc vì giai đoạn này được hỗ trợ bởi dòng âm thanh hưng phấn của Bảo Chấn, Dương Thụ, Trọng Đài, Việt Anh, Lê Quang… Chưa biết đến bao giờ hoạt động sáng tác ca khúc có may mắn khởi sắc trở lại, các ca sĩ không thể ngồi chờ. Không những các ca sĩ quen thuộc với phòng trà như Xuân Phú hay Quang Minh, mà nhiều ca sĩ khôn ngoan cũng quay sang khai thác những ca khúc xa xưa.

Một sự hồi sinh ngoạn mục, những ca khúc có tuổi đời gấp hai, gấp ba lần ca sĩ đột ngột vang lên như hân hoan, như chia sẻ và cũng như cảnh tỉnh. Khi giai điệu của Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Trần Thiện Thanh… vang lên ngây ngất, thì những người thiết tha với sự tiến bộ của âm nhạc Việt Nam chỉ nên dành một nửa tâm hồn cho chốc lát niềm vui, còn một nửa tâm hồn kia phải dành cho xao xác nỗi buồn. Không ngậm ngùi sao đành, khi vẻ đẹp của người Việt hăm hở hội nhập lại không được phô diễn trong những khúc ca bất tận và đắm say!

Đậm nét nhất trên bức tranh showbiz vẫn là hình ảnh những cô gái chân dài nhún nhảy giữa lộng lẫy phấn son. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của Hồ Ngọc Hà chẳng khác gì lời mời gọi đầy quyến rũ để những người mẫu lẫn diễn viên nhón gót ngọc sang lĩnh vực âm nhạc. Bài toán mau thấy đáp số nhất là dùng nhan sắc từ sàn catwalk hoặc màn bạc làm đòn bẩy cho nghề ca hát. Vài mỹ nhân tạo được thương hiệu qua mấy bộ phim truyền hình như Ngân Khánh, Nhật Kim Anh hoặc được chú ý qua dăm chương trình thời trang như Trang Nhung, Hà Anh đều không quá khó khăn để có vị trí trong các đại nhạc hội. Thậm chí ưu điểm nhìn chi phối toàn bộ khuyết điểm nghe. Trước đây dù có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ đến thời ca sĩ không cần giọng hát, vậy mà những bản tình ca chân dài vẫn cứ xôn xao.

LÊ THIẾU NHƠN (CÔNG AN NHÂN DÂN)
Back To Top