19.12.13

Đôi điều suy nghĩ về những bài hát chống tiêu cực xã hội

Bất cứ ở đâu, vào thời đại nào và thể chế quân chủ hay dân chủ thì trong đời sống của xã hội vẫn cứ tồn tại hai mặt đối lập nhau đó là cái thiện và cái ác.

Chức năng của văn học nghệ thuật đều bằng ngôn ngữ đặc trưng của mình để ca ngợi tôn vinh các thiện và phê phán, đấu tranh với các ác nhằm góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Dòng âm nhạc dân gian cũng như âm nhạc nhà nghề ở nước ta, bên cạnh kho tàng những bài ca điệu nhạc ca ngợi cái đẹp cũng đã có không ít những câu hò điệu hát phê phán đấu tranh với mặt trái xã hội nghệ thuật những bài ca đó từ bóng gió xa xôi đến phê phán bộc trực. Từ nỉ non đơn lẻ đến ca vang nơi hội hè, đình đám.Ví dụ điệu ru con của người chinh phu trên miền Nam Bộ xưa kia. Lời ru như sau:

“Khóc mà chi hài nhi con hỡi

Cha con rày bạc ngãi thì thôi

Hỡi chồng chồng ơi

Chi tệ mấy chồng, chi bạc mấy chồng

Bỏ con khờ, vợ ngóng trông!”


Đây là bài Chinh phụ ca của một thi nhân viết theo thể thơ thất ngôn, được người xưa phổ nhạc thành điệu ru con. Điệu ru này nhanh chóng được lan rộng khắp không gian và xuyên suốt thời gian từ xưa tới nay.

Xét về ca từ như: khóc mà chi, cha con rày là ngữ âm của người có quê gốc từ vùng Bắc miền Trung. Họ di cư vào miền Nam từ thời mở cõi rồi tiếp đến trải qua cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh, huynh đệ tương tàn, mà nạn nhân là những người chinh phụ bị những ông chồng khi công thành danh toại đã ruồng bỏ vợ con để kết hôn với tiểu thư nơi đài các cao sang.

Bài ru này được cấu trúc trên điệu thức năm cung nhưng lại xuất hiện âm bậc bảy tăng và sử dụng đôi chỗ nghịch phách rất nghệ thuật làm cho điệu ru có màu xám xịt của buổi chiều đông và thể hiện được tiếng nghẹ ngào uất ức của người chinh phụ trước hoàn cảnh bị người chồng phụ bạc.

Bài hát chống tiêu cực còn được nhà nước phong kiến khích lệ để họ hát vang lên trước công chúng nơi hội hè đình đám.

Ví dụ như điệu hát “Chèo sâu” trong trò Xuân Phả mà tiền thân là điệu nhạc múa “chư hầu lai triều” do vua Lê Thái Tông ngự chế thời Hậu Lê. Điệu hát này có ca từ như sau:

Tu lại đi tu

Phen này anh quyết đi tu

Ăn chay nằm mộng ở chùa hồ sen

Anh thấy cô mình má phấn răng đen

Nam mô di phật bỏ quên mất chùa

Ai mua tiu cảnh thì mua

Còn cái mõ mít treo chùa tam quan

… Trống chùa ai gõ thì thùng

Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng.


Nội dung bài hát chống những kẻ chốn việc quan ở chùa.

Nguyên do vào khoảng cuối thời nhà Trần, Phật giáo ở nước ta khá phát triển, chùa chiền mọc lên khắp nên, nhiều chàng chai lợi dụng vào chùa đi tu để chốn việc dân việc nước. Họ đã gây ra nhiều phiền hà nhũng nhiễu, chùa có nhiều nhà sư thì phải dành nhiều công điền, công thổ để làm tự điền. Người dân xứ Thanh dùng bài ca để đấu tranh với kẻ tu hành giả hiệu đó.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vua Lê Thái Tổ đã hạ chiếu bắt tất cả các nhà sư phải qua kỳ sát hạch, từ đó đã loại khỏi chùa nhiều vị sư giả danh.

Âm nhạc được dùng để đấu tranh đòi bình đẳng giới tính.

Từ khi Nho giáo chiếm lĩnh hệ tư tưởng ở nước ta, nữ giới phải tuân theo “tứ đức, tam tòng”. Người phụ nữ tuân theo tứ đức: “công, dung, ngôn, hạnh” nhưng họ bất tuân tam tòng: buộc người phụ nữ khi chồng bị chết thì phải ở lại theo con nhất thiết không được xuất giá. Trong lúc nam giới trương khẩu hiệu: trai làm nên lấy năm bảy vợ, gái chính chuyên chỉ lấy một đời chồng. Cuộc đấu tranh này được thể hiện qua điệu hò “làn ai” trong hệ thống hò Sông Mã

Dô tả á dô ta à

Thiếp sắm cho chường tiểu đại hoa chanh

Hai đầu chữ thọ chung quanh văn hồi

Đã về kiếp ấy thì thôi

Mời chàng ngồi dậy ăn xôi nghe kèn

Đã về kiếp ấy xin chàng đừng ghen

Thiếp lấy người khác cầm quyền thay anh

Giàu thời thịt cá có cả cơm canh

Nghèo thời lưng cơm đĩa muối cúng anh thiếp đi lấy chồng.


Âm nhạc điệu hò được lấy từ chất liệu bài Lâm khốc trong nhạc lễ tang nhưng pha chất trào phúng thành điệu hò rất đặc trưng trong hệ thống điệu Hò Sông Mã.

Những bài chống tiêu cực cũng có nhiều trong hát ca trù, vì dụ bài Ông Phỗng đá và bài Anh chàng già điếc của Nguyễn Khuyễn.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, giới hoạt động âm nhạc nước ta thực hiện khẩu hiệu “âm nhạc phụng sự tổ quốc” bên cạnh những bài hát ca ngợi cổ vũ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, còn có không ít những bài hát phê phán đấu tranh với mặt trái xã hội như bài “Cô Tú” trong phong trào Bình dân học vụ, bài “Bà rí” chống tệ tảo hôn.

“Con Kiến chống làm ăn cá thể trong phong trào hợp tác nông nghiệp”, “Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau”, “Tây chạy bạt tê chế giễu giặc Pháp thua trận”… và nhiều bài khác được ưa thích bây giờ nhắc lại chắc nhiều người vẫn còn nhớ.

Từ ngày nước ta thực hiện đổi mới tư duy, kinh tế theo cơ chế thị trường nền kinh tế phát triển nhanh nhưng mặt trái xã hội nảy sinh ra nhiều tiêu cực.

Như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhận định đại ý: tệ tham nhũng đã trở thành quốc nạn, phải tự cứu mình trước khi trời cứu.

Trên mặt trận văn học nghê thuật đã xuất hiện nhiều tác phẩm hưởng ứng lên án tệ nạn tiêu cực nhưng lĩnh vực âm nhạc thì hầu như quá ít bài chống tiêu cực.

Tôi băn khoăn ngửa mặt lên trời suy nghĩ và bật ra ý nghĩ viết một chùm bài ca lấy tên là “Hỏi các vì sao” lời ca như sau:

Bài thứ nhất: “Hỏi cụ thần nông”

Tôi xin kính hỏi cụ Thần nông

Cụ dạy dân vun trồng gặt hái

Sách có chữ “Nông suy bách nghệ bại”

Thế mà hợp tác nghề nông chốn quê tôi bao phen xóa đi lập lại

… Để theo phong trào đổi mới tư duy

Không biết thần nông ngài nghĩ suy gì?

Chỉ thấy cụ lom khom cùng năm tháng!

Bài thứ hai: “Hỏi sao Bắc đẩu”

Tôi xin hỏi ông sao Bắc đẩu

Tiểu hùng tinh ngài đã ngồi rồi

Còn đại hùng tinh ngài dành để cho ai?

Phải chăng đó là miếng mồi

Để hạ giới lắm kẻ đua đòi

Cứ tấp tễnh hòng leo lên ghế ông Bắc đẩu ơi!

Bài thứ ba: “Hỏi sao Nam tào”

Tôi xin kính hỏi ông sao Nam tào

Ngọc Hoàng giao ngài cầm sổ tử sổ sinh

Cớ sao sinh tử chẳng phân minh

Bao người ngay đang chịu nỗi oan khiên

Kẻ đáng chết thì ngang nhiên còn sống đó

Cụ Nam tào ơi!


Bài ca này ra đời đã cách vài chục năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự

… Nào là nông dân phải bỏ ruộng

Nào là các vụ án oan sai…v..v…!

Tiếp đến là cuộc chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết 4 khóa XI của Trung ương Đảng đã tiến hành cuộn đấu tranh chống tiêu cực. Cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm âm nhạc nào tham gia chống tiêu cực, vì sao? Ngày nay Hội nhạc sĩ chúng ta có số lượng hội viên hàng ngàn người được trang bị học thuật âm nhạc bậc đại học, trên đại học đã sáng tác một khối lượng đồ sộ những bài hát ca ngợi: như tỉnh ca, huyện ca, xã ca, ngành ca, tình ca và cả tình dục ca nhưng bài ca chống tiêu cực thì hầu như vắng bóng.

Phải chăng vì loại bài hát chống tiêu cực dù có viết ra cũng khó được các cơ quan chức năng sử dụng.

Tôi mạnh dạn viết bài: “Nhắn nhủ đôi câu” theo thể hát nói ca trù:

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Ngẫm thế sự dở hay hay dở

Hát đôi câu nhắn nhủ gần xa:

Đời người rồi sẽ đi qua

“Trâu chết để da người ta để tiếng”

Nhân đức thủy chung tiếng thơm muôn thuở

Gian tham tráo trở bia miệng cười chê

Tham tiền bán rẻ lương tri

Nhân tâm để mất còn gì nghĩa nhân

Lưới trời giăng tránh đâu cho thoát

Đừng hòng che tai mắt thế gian

Khổ nào bằng nỗi cô đơn

Nhục nào bằng nỗi người thân tủi sầu

Thể tình nhắn nhủ đôi câu.


Bài hát gửi đi không được cơ quan chức năng nào sử dụng, tôi kiên trì tự hát rồi bỏ tiền túi để thuê thu tiếng thu hình đưa lên mạng. Được bạn bè tiếp nhận và ưa thích.

Sáng tác chống tiêu cực vừa khó nhọc tốn công lại tốn tiền mà không được cơ quan chức năng sử dụng, kể cũng chán nản, chắc không ít các nhạc sĩ đã gặp cảnh ngộ như tôi nên xã hội ta vẫn thiếu những bài ca chống tiêu cực chăng?

Theo hoinhacsi.org- Ns Văn Hòe 
Back To Top