2.12.13

Bảo tàng Violon trên quê hương 'vua vĩ cầm'


Bảo tàng Violon mới được khai trương ở Cremona (Italia).

Giovanni Arvedi, ông trùm thép đồng thời là nhà bảo trợ nghệ thuật ở thành phố Cremona, miền Bắc Italia, vừa gây chú ý khi khai trương bảo tàng trưng bày bộ sưu tập đàn violon vô giá.

Trong khoảng 250 năm, từ giữa thế kỷ 16 đến cuối những năm 1700, thành phố nhỏ Cremona nằm trên bờ sông Po được xem là “kinh đô” làm đàn violon. Đây không chỉ là quê hương của nghệ nhân làm đàn bậc thầy Antonio Stradivari, mà còn là nơi xuất thân của nhiều nghệ nhân khác, từng làm ra những nhạc cụ đàn dây có âm thanh tuyệt hảo.


Vẫn chiều lòng những khách hàng khó tính nhất

Đến nay, Cremona vẫn là một trung tâm sản xuất nhạc cụ nổi tiếng, với khoảng 200 nghệ nhân làm ra nhiều nhạc cụ mới phục vụ những khách hàng khó tính nhất thế giới. Năm 2012, nghề làm đàn ở Cremona đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Giờ đây, sau nhiều năm chờ đợi, Cremona đã có nơi để phô trương di sản nổi tiếng của mình. Tại khuôn viên từng là trung tâm nghệ thuật trong thời phát xít, ông Arvedi đã khai trương bảo tàng mới, trưng bày những cây đàn violon tinh xảo nhất được làm ở Cremona.

Arvedi là chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Cremonese, song ông chưa thấy toại nguyện. Năm 2009, ông quyết định đầu tư xây dựng bảo tàng để tôn vinh truyền thống âm nhạc của thành phố, trong quá khứ và hiện tại.

Dưới sự bảo trợ của Tổ chức Arvedi-Buschini, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và nhiều nhà bảo trợ khác, Trung tâm Nghệ thuật Palazzo vốn bị bỏ hoang, đã được cải tạo lại thành một quần thể với nhiều phòng trưng bày các cây đàn violon vô giá.


Trong số này có cả cây đàn được Andrea Amati làm vào năm 1566. Amati được coi là nhà phát minh của cây đàn violon hiện đại. Ngoài ra, còn phải kể tới một cây đàn Stradivarius quý, được làm vào năm 1727.

Bảo tàng “độc nhất vô nhị”

Bảo tàng trưng bày nhiều cây đàn lịch sử bên cạnh những cây đàn mới. Tới dây, du khách còn có thể xem trình diễn nghề làm đàn tại một studio nằm trong khuôn viên. Và nếu may mắn, du khách còn có thể được thưởng thức một màn biểu diễn độc tấu tại thính phòng có sức chứa 460 ghế.



Những cây đàn violon quý giá được trưng bày trong Bảo tàng.

Ông Paolo Bodini, phụ trách mảng làm đàn violon đồng thời là chủ tịch mạng lưới Friends of Stradivari quốc tế, cho biết bộ sưu tập của bảo tàng “độc nhất vô nhị” trên thế giới.

“Thế giới có nhiều bộ sưu tập đàn violon Cremona đẹp, như bộ sưu tập ở Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia London. Nhưng không có bộ sưu tập nào giống như ở Cremona. Chúng tôi chú trọng tới việc mô tả lịch sử, không chỉ của những cây đàn, mà còn cả nghề làm đàn đã hình thành ở Cremona như thế nào, phát triển ra sao trong những thế kỷ qua” – ông Bodini nói.

Nghĩa cử của ông Arvedi đã nhận được sự biết ơn của giới nghệ thuật ở Italia, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, khi nguồn kinh phí rót cho ngành văn hóa đã bị cắt giảm mạnh.

“Cremona luôn duy trì di sản của mình, song để có một dự án như thế này cần phải có người tâm huyết. Hiện nay, các nhà chức trách không thể tổ chức được những dự án như thế nếu không có sự hỗ trợ. Mặc dù chính quyền thành phố còn phải lo lắng tới những dự án dân sinh như tu sửa đường sá, nâng cao dịch vụ sức khỏe, bệnh viện…, nhưng theo quan điểm của tôi, dự án xây dựng bảo tàng violon nên được coi là một ưu tiên, bởi nó nuôi dưỡng sự đam mê văn hóa của công chúng” - Virginia Villa, Giám đốc Bảo tàng Violon, nói.

Bộ sưu tập đàn của Bảo tàng Violon được đánh giá là cực kỳ quý giá. Khi vận chuyển tới bảo tàng cây đàn vẫn được biết tới với tên Il Cremonese, vốn được nghệ nhân Stradivarius làm vào năm 1715, người ta đã phải dùng một đoàn cảnh sát đi hộ tống và phải chặn giao thông ở mọi ngả đường cây đàn đi qua.


VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Back To Top