9.12.13

Âm nhạc “đỉnh cao” mà như âm nhạc sinh viên!


Hội Nhạc sĩ Việt Nam[HNSVN] được xem như hội tụ tinh hoa sáng tác âm nhạc của cả nước và đó cũng là nơi tập trung của những nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nhưng nơi này chưa bao giờ đưa ra nhiều những tác phẩm đi vào đời sống của cả nước cũng như trong tâm trí của ít nhiều người nghe nhạc cả bề rộng lẫn chiều sâu của cảm xúc và nghệ thuật và ngay cả…kỹ thuật nữa !. Hằng năm với giải thưởng thường niên của mình, Hội đã tôn vinh không biết bao nhiêu sáng tác từ ca khúc cho đến khí nhạc nhưng sức sống của chúng rất èo uột và chỉ nằm trong phạm vi của Hội và trên sóng truyền thông của những chương trình “cúng cụ” mà thôi.

Hãy thử đọc qua một vài trích đoạn bản báo cáo của Hội đồng nghệ thuật HNSVN về chất lượng của các tác phẩm âm nhạc năm nay mà không khỏi sững sờ cho cái Hội tập trung hầu hết những nhạc sĩ chuyên nghiệp có bằng cấp chuyên môn cao:


“Một số nhạc sĩ dựa vào âm hưởng dân ca các vùng miền, nhưng thủ pháp mô phỏng, giai điệu, tiết tấu, phụ thuộc vào dân ca hơi nhiều nên thiếu tính sáng tạo, chưa tạo được sự khác biệt độc đáo, mang dấu ấn cá nhân. Nhiều bài hát viết ra còn thiếu sự rung động của thực tế đời sống, mới chỉ dừng lại ở những ca khúc mang tính địa phương, tính phong trào mà chưa thật chú trọng tới chất lượng nghệ thuật.Một số ít bản Romance “ca khúc nghệ thuật” nhưng thực chất cũng chỉ là những giai điệu ca khúc bình thường có thêm phần đệm Piano sơ sài không đúng thể loại. Nhiều nhạc sĩ chọn phương án phối khí chưa hiệu quả, lạm dụng âm sắc điện tử và tiết tấu tự động (máy), người phối khí không hiểu sâu tác phẩm nên làm giảm hiệu quả của tác phẩm…
…Mảng Hợp xướng chỉ có 04 tác phẩm, nhưng nhìn chung không đúng thể loại và các tác giả chưa thật hiểu sâu về thể loại hợp xướng, nhất là nghệ thuật phối bè cho hợp xướng 4 bè…Các tác phẩm hòa tấu viết cho dàn nhạc dân tộc vẫn theo lối mòn cũ, về ngôn ngữ và phong cách hòa tấu chưa có gì mới."

Những tác phẩm của “đỉnh cao” và chuyên nghiệp nhưng lại như phong trào là một điều khó chấp nhận, nhưng khó hiểu hơn là về khía cạnh thuần chuyên môn học thuật mà một sinh viên âm nhạc ra trường phải nắm vững như : thế nào là một phần đệm cho loại hình Romance, thế nào là hòa âm, phối giọng cho hợp xướng 4 bè…lại là lỗi xuất hiện rãi rác trong các tác phẩm của các nhạc sĩ đã được công nhận về trình độ học thuật qua qua cái bằng…Hội viên HNSVN! Chắc chắn đây là hệ quả nhãn tiền cho việc ngày càng dễ dãi[và cả…tham nhũng,hối lộ] trong việc kết nạp hội viên của HNS đã làm cho HNSVN ngày càng mang dáng vẻ và chất lượng của một hội nghiệp dư hay phong trào [ Như trong bài”Vài nhát mổ HNSVN” đã đăng trong blog này]

Như vậy, chưa cần nói về tính nghệ thuật của một số tác phẩm mà chỉ bàn đến yếu tố kỹ thuật thôi thì những tác phẩm này chỉ như một bài tập của sinh viên nộp lại cho giảng viên trên ghế nhà trường, mà đó là những sinh viên…kém!

Còn về mặt nghệ thuật?

Như một căn bệnh nan y, đó là những hình tượng âm nhạc, những biểu cảm hay tư tưởng cũ kỹ được nhai đi nhai lại như vô thức. Về chủ đề và cảm xúc âm nhạc thì vô cảm và vô hồn. Một sự lãng tránh hiện thực lẫn nội tâm do bất tài và lười biếng tư duy mở, mà bài đánh giá trên cũng có đề cập đến. Thật vậy, cứ nghe những bài của HNSVN là nghe những bài địa phương ca hay công ty, xí nghiệp ca hoặc công trình ca mà người ta bảo đó là tình yêu quê hương và “dấn thân” vào những “thay đổi diệu kỳ của đất nước”! Một sự vô cảm của máy móc nên họ cũng mượn luôn ngôn ngữ hòa âm phối khí từ máy móc làm hộ cho tư duy và cảm xúc của mình.

Cuộc sống và xã hội VN hiện nay đang phơi bày ra nhiều hiện tượng, vấn đề cũng như những trăn trở, ám ảnh với những ấn tượng mang hơi thở nóng của hiện thực nhưng lại bị nhiều nhạc sĩ bỏ qua hoặc ngại dấn thân vào. Họ lười biếng, dễ dãi thỏa hiệp hoặc tự xóa mình đi để làm những động tác nhai đi nhai lại những bả nghệ thuật đã trở thành xơ cứng và vô tâm. Chắc họ nghĩ rằng họ vẫn đang là những sinh viên đang làm bài tập chỉ để lấy điểm của một nhà trường là HNSVN - cũng là môi trường âm nhạc đang ngày trở nên lạc hậu và thiếu sức sống của nghệ thuật sáng tạo?

Nhưng làm một sinh viên họ cũng chưa đủ sức để là một sinh viên giỏi trong một ngôi trường nghệ thuật đang xanh rêu…


T.M.P
Back To Top