Xin được cải biên câu thơ của Bùi Thanh Tuấn do nhạc sĩ Trương Qúy Hải phổ nhạc để nói về một hiện trạng đang xảy ra trong làng nhạc Việt. Cuối năm, hàng loạt liveshow từ hoành tráng đến nhỏ lẻ thi nhau diễn ra. Mặc dù bị lỗ vốn, bão hòa vì "show trùng show" nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn "cắn răng" bỏ tiền tỷ thực hiện đêm diễn cho riêng mình. Nên mừng hay lo trước cơn sốt này khi trong suốt năm qua, nền nhạc Việt ảm đạm, thiếu vắng những sản phẩm đỉnh cao?
Biết lỗ vẫn đổ xô làmPhát súng mở màn cho mùa liveshow cuối năm là liveshow kỷ niệm 10 năm "Nam tiến" của ca sĩ Quang Hà được tổ chức ở cả hai thành phố lớn là Tp HCM và Hà Nội. Cuối tháng 10, "Mùa thu của Phương" của ca sĩ hải ngoại Thu Phương tổng kết lại chặng đường 25 năm ca hát diễn ra sâu lắng tại Hà Nội. Mở màn tháng 11, đêm nhạc "Bằng Kiều Impression in Viet Nam 2013" tiếp tục mang đến cho khán giả Hà Nội những bài ca quen thuộc đã gắn liền với tên tuổi anh.
Chị em ca sĩ Cẩm Ly, Minh Tuyết tiếp tục "Tự tình quê hương" kỷ niệm 20 năm ca hát, tri ân khán giả tại Nhà hát Hòa Bình. Sau "Những chuyến đi" (2011), "Hát tình ca" (2012), ca sĩ Tùng Dương đánh dấu cá tính của mình bằng đêm diễn "Tùng Dương - Nguyên Lê: Độc đạo" vào ngày 24/11 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô nhân dịp phát hành album "Độc đạo". Những ngày này, Lệ Quyên đang gấp rút chuẩn bị cho hai đêm Q show kỷ niệm 15 năm ca hát được đầu tư hoành tráng tại Nhà hát Hòa Bình đêm 7/12 và Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội vào ngày 14/12. Cô hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những dòng nhạc khác nhau, kết hợp với các giọng ca nam nổi tiếng như Quang Lê, Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ…
Ngày 12/12, ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh cũng đánh dấu sự trở lại bằng liveshow tại sân khấu Lan Anh, Tp HCM và dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra ở Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang. Chốt lại năm 2013, Đàm Vĩnh Hưng sẽ thực hiện chương trình "Dạ tiệc trắng" tại Hà Nội sau những liveshow tại Tp HCM trong năm. Không kém cạnh, ông bầu của Đan Trường hứa hẹn sẽ biến sân khấu Cầu Vồng 126 thành nhà hát để "anh Bo" cất giọng vào ngày 11/1/2014. Ngoài ra, hàng loạt những đêm nhạc nhỏ lẻ (minishow) của các ca sĩ có tiếng lẫn mới nổi (đặc biệt là các ca sĩ xuất phát từ các chương trình truyền hình thực tế như The Voice, Vietnam Idol…) liên tục sáng đèn tại các phòng trà ca nhạc, quán bar.
Ca sĩ nào có tiềm lực kinh tế cũng đều cố gắng tổ chức liveshow trong Nam, ngoài Bắc hoặc xuyên Việt cho vẹn toàn. "Bắc ngược" đang là xu hướng chứng tỏ thị trường miền Nam đang dần bão hòa, trong lúc mà miền Bắc trở thành mảnh đất màu mỡ khi nhiều năm qua khan hiếm những đêm nhạc của các ca sĩ trẻ. Nhà sản xuất âm nhạc Quang Cường - ông bầu của Quang Hà cho biết trong khi liveshow của Quang Hà ở phía Nam bị lỗ thì khi đưa ra Hà Nội, lập tức được cứu nguy.
Nếu không có lời hứa "sẵn sàng bù lỗ" với công ty Kim Lợi, liveshow của Cẩm Ly - Minh Tuyết đã phải hủy.
Cơn sốt liveshow có thể được xem như tiếng kèn trống rộn rã tạm xua đi không khí ảm đạm của nhạc Việt một năm qua. Mặc dù theo Quang Cường: "Làm liveshow bây giờ chủ yếu là do đam mê, làm để kỷ niệm chứ kiểu nào cũng lỗ. Bây giờ khán giả không có thời gian và tiền bạc để kiên nhẫn đến xem liveshow khi các chương trình truyền hình thực tế quá nhiều, chưa kể các liveshow được xem miễn phí, tường thuật trực tiếp trên truyền hình như chuỗi chương trình "Dấu ấn một tháng một ca sĩ" khiến các đêm nhạc không bán được vé. Chưa kể cuối năm, tình trạng bội thực liveshow ca nhạc và hàng loạt các loại hình giải trí khác khiến khán giả trở nên khó tính hơn khi chọn lựa. Hòa vốn đã là rất may.
Liveshow của Quang Hà có được cái may mắn ấy chủ yếu nhờ vận động được nhà tài trợ. Nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, chuyện vận động được nhà tài trợ không phải là dễ". Còn ca sĩ Lệ Quyên thì tếu táo: "Cầm chắc phần lỗ nên có lẽ sau liveshow tôi phải chạy show thật nhiều để bù lỗ". "Q show" được Lệ Quyên đầu tư 7 tỷ đồng nhưng giá vé lại rất bình dân.
Bản thân ca sĩ bị lỗ vốn nhưng cái họ thu về là danh tiếng, để khán giả không quên mình và mở ra bước ngoặt sự nghiệp. "Liveshow cũng là cách để khẳng định sức sống, chân giá trị của những nhạc phẩm gắn với giọng ca đi cùng năm tháng. Các bản phối mới trên nền bài hát cũ cũng là sự đổi mới làm cho nền âm nhạc phong phú" - nhạc sĩ Hà Chương nhận định.
Liveshow đang bị "rẻ hóa"?
Nhưng dẫu sao, những dấu hiệu tích cực đó chỉ như đốm sáng le lói trong tình trạng liveshow quá xô bồ hiện nay. Theo nhạc sĩ Trần Minh Phi, mùa liveshow cuối năm chỉ là sự ồn ào của cái vỏ hình thức, sự xôm tụ bề mặt cho thị trường âm nhạc. Về mặt kinh tế, trào lưu này đang tạo nguồn thu béo bở cho các sân khấu, tụ điểm ca nhạc, đạo diễn, biên tập âm nhạc, ban nhạc… Song về chất lượng nghệ thuật, nó chưa đóng góp đáng kể cho nền nhạc Việt vốn đã rất èo uột.
"Liveshow thể hiện những gì đẳng cấp, là dấu mốc quan trọng của người nghệ sĩ. Do đó, liveshow đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài việc phải có thực lực nhất định để hát xuyên suốt trong đêm nhạc còn phải có sự đột phá thật sự trong giọng hát, trong cách thể hiện. Đạo diễn phải có những ý tưởng mới mẻ trong thiết kế sân khấu, kịch bản… Để đầu tư cho một liveshow là cả một lộ trình tư duy chu đáo chuẩn bị trong thời gian dài chứ không phải hứng lên là làm. Đáng tiếc, hiện nay từ liveshow đang bị lạm dụng quá đà và rẻ hóa" - nhạc sĩ Trần Minh Phi đánh giá.
Cũng theo ông, có ca sĩ cả năm không có sản phẩm âm nhạc nào mới hoặc mới mà như cũ nhưng cứ một năm tổ chức liveshow một lần, thậm chí một năm có hai, ba liveshow. Điều này chứng tỏ quá trình chuẩn bị quá ngắn ngủi và hời hợt.
Trần Minh Phi ví von, đây như một cuộc đốt tiền mua danh đầy tốn kém và làm bát nháo thêm bộ mặt của ca nhạc vốn đã lộn xộn. Nhưng dù có đầu tư tiền tỷ mà không có sự đầu tư chuyên môn, lắm show vẫn nhạt nhòa. Đa số họ thường bắt chước chiêu trò của nước ngoài rồi biến tấu, lắp ghép thành cái của mình và cho đó là sáng tạo. Chẳng hạn như trò từ dưới đất chui lên hay phun lửa mù mịt thì có thể thay bằng trên trời rơi xuống hoặc thổi bong bóng, làm mưa, gió… Thay vì nước ngoài người ta cho trực thăng thì mình chơi ôtô hay môtô chạy vèo vèo trên sân khấu.
Mấy năm trước khán giả còn thích thú. Còn bây giờ chưa diễn mọi người đã đoán ra chiêu trò gì. Vậy nên, bị chỉ trích nhiều quá, gần đây nhiều show chỉ tập trung vào giọng hát. Mà cách này lại "chống chỉ định" với những ca sĩ thường thường bậc trung, hát mà như hết hơi. Số khác thể hiện mình đẳng cấp bằng cách bê nguyên dàn nhạc giao hưởng hoặc chọn những giọng ca đẳng cấp khác để vô tình "dìm hàng" mình ngay trên sân khấu.
Theo dõi các liveshow gần đây, nhà sản xuất âm nhạc Quang Cường thấy rằng nhiều show liên tục bị lỗi âm thanh, giọng hát không đủ thực lực nên thường bị chênh phô khi hát live. Hát trong liveshow nghĩa là thường hát lại bài "tủ" trong những giai đoạn rất sung mãn của ca sĩ đó. Đó không hẳn là một lợi thế mà thường là một áp lực với nghệ sĩ. Bởi khán giả muốn nghe họ hát bằng hoặc hơn phong độ trước đây chứ không được phép hát dở hơn. Cũng vì áp lực phải "vượt mình", làm mới mình, nhiều nghệ sĩ đã biến liveshow của mình thành một nồi lẩu thập cẩm, không có điểm nhấn. Họ trổ tài diễn hài, làm người mẫu, đóng kịch và đủ tài lẻ khác. Thế nên mới sinh chuyện liveshow đẳng cấp của ca sĩ hải ngoại danh tiếng nọ vé bán chưa được một nửa, mới hát mở màn mấy bài thì khán giả bỏ về.
Cơn sốt liveshow này thể hiện thói quen phong trào, theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy". Người ta làm thì mình cũng phải làm cho bằng chị bằng em. Vậy là tiền cứ vung mà không đoái hoài tới sự tiếp nhận của khán giả. Có ý kiến cho rằng liveshow nhạc Việt nên tổ chức rải rác trong năm, và đầu tư chất lượng kỹ lưỡng. Chứ tổ chức theo kiểu "no dồn đói góp" ấy khiến khán giả nhanh chóng bội thực mà đến tận năm sau, nhắc lại còn thấy ám ảnh.
Phan Thi Uyên-cand.com