4.12.13

Về ba bài Giáng Sinh Việt Nam

Ảnh: Quốc Toản

Nhạc về mùa Giáng sinh của VN không nhiều. Nhất là mức độ nổi tiếng và yêu thích của chúng. Chỉ có thể đếm được hơn năm ngón tay là đáng nghe hoặc được mọi người hay nghe thôi. Trong đó, có ba bài thú vị dưới đây và đáng để lạm bàn trong thời điểm này.

Bài Giáng sinh thuộc hàng cổ nhất của VN

Nó ra đời cách đây… 106 năm, nghĩa là hơn 40 năm so với lịch sử ra đời bài tân nhạc Việt đầu tiên. “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” là một bài thánh ca của linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt, với nghệ danh là Phaolô Đạt. Nó cũng là một trong những bài thánh ca VN thời gian đầu tiên mà Công Giáo vừa du nhập vào nước Việt và được xem là bài Giáng sinh thuộc hàng cổ nhất VN. Gọi là thuộc hàng cổ nhất mà chưa dám khẳng định là bài đầu tiên là do thận trọng tôn trọng tính lịch sử khi chưa được chính thức xác nhận, tuy nhiên người ta cũng chưa thấy có ai tìm ra bài Giáng sinh nào có trước bài này cho đến thời điểm hiện tại.


“Nửa đêm mừng Chúa ra đời” chỉ nằm trong khuôn khổ nhà thờ mà không bước ra đời sống xã hội rộng lớn hơn như trường hợp những bài thánh ca nước ngoài như : Silent night, Jingle bell…Một phần cũng do nó là một bài hợp xướng phức tạp và hơi dài [Không có đoạn nhắc lại, không có điệp khúc, cứ như vậy nó đi một hơi từ đầu đến cuối] so với sự đơn sơ và ngắn gọn của một ca khúc mang tính phổ cập hơn. Bài này còn tồn tại đến bây giờ nghe nói đã bị tam sao dị bổn so với nguyên bản ban đầu và thật ra là được viết chung với một người nữa nhưng có lẽ đóng vai trò phụ trợ nên ít được nhắc đến sau hơn một thế kỷ, đó là cha giáo sư Gabriel Long. Nó ít được Xã hội biết đến nhưng trong giới Công giáo người ta vẫn cho nó là một bài thánh ca Giáng sinh bất hủ và mang tính dân tộc, phù hợp với người Việt.

Nửa đêm, mừng Chúa ra đời.
Bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa.
Nửa đêm, mừng Chúa ra đời.
Cỏ rơm trải lót bơ thờ.
Cỏ rơm trải lót bơ thờ.
Mượn ấm bò lừa quỳ thở dâng hơi,.
quỳ thở dâng hơi
Kiểng tinh soi sáng thâu đêm.
Kiểng tinh soi sáng thâu đêm.
Chói lói giữa trời nhỏ xuống Bê Lem.
Thiên thần chín đẳng chầu quanh
Thiên thần chín đẳng chầu quanh
Tấu nhạc rập ràng đàn hát, đàn hát xướng ca.
Vậy có ca rằng, rằng ca Thiên Chúa
Ớ loài người, ấy phúc lành bình an cho người
Vì cửa Thiên Đàng rộng mở
Tang tình tình tang Thiên Đàng rộng mở
Tang tình tình tang Thiên Đàng rộng mở


Chúa Cả ra ơn, ơn cả chữa đời
Rằng: Ớ chúng nhân tới xem điềm lạ
Kìa trong hang đá nọ, trước lều tranh
Rằng tính tình tinh Thánh Tiểu Hài Sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình,
Là tình Thiên Chúa,
Nằm trong máng cỏ, bó bức khăn đơn
Rằng: Báo chúng nhân tơi xem thì biết
Tiêu thiều nhạc thiết,
Tiêu thiều tấu cách vô biên
Rằng: Tính tình tinh Thánh Tiểu Hài Sinh
Thật Ngôi Linh tính tang tình là tình Thiên Chúa.
Thiên thần vô số, nhạc thổi tung hô!
Thiên thần vô số, nhạc thổi tung hô!




Bài Giáng sinh đầu tiên của thời kỳ tân nhạc Việt

Nguyễn Thiện Tơ viết bài “Giáo đường im bóng” năm ông mới 17 tuổi. Đây có lẽ cũng thuộc sáng tác của một nhạc sĩ trẻ nhất lúc bấy giờ. Trái với nhạc Giáng sinh thường được viết bởi người trong đạo, Nguyễn Thiện Tơ là người ngoại đạo nhưng đã viết bài Giáng sinh này rất hay và được nhiều người yêu thích đến tận bây giờ. Có lẽ nhờ nó được viết nên bởi con tim thổn thức của mối tình đầu sâu sắc và bay bổng dành cho người yêu 16 tuổi tên là Vũ Hà Tiên và sau này thành vợ của ông.

Một bài hát thật đẹp và một kết thúc tình yêu cũng đẹp, thật xứng đáng tính nhân bản của đêm Noel

Thật ra, phần lời bài này còn một đồng tác giả nữa là nhà thơ Phi Tâm Yến. Nhưng cũng có người cho rằng hoàn toàn là lời của nhà thơ.

Nhớ tới đêm đầy ánh sáng
Hương trong gió tràn mênh mang
Giây phút như ngừng thôi trôi
Tiếng kinh muôn đời
Dáng xinh xinh bao tiên kiều
Quỳ ngân Thánh kinh ban chiều
Trong giáo đường đêm Noel ấy
ngàn đời tôi mến yêu

Tiếng Amen đều âm u
Hòa theo gió vàng đêm thu
làm xao xuyến tâm hồn quá
Thời khắc mơ

Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân
Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm
Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng
Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ



Bài Giáng sinh phổ biến nhất

Không biết có ai phản đối không, riêng tôi thấy noel năm nào ca khúc “Bài thánh ca buồn” đi đâu cũng nghe nhiều nhất trong số các bài về Giáng sinh của VN mà chẳng cần có bảng xếp hạng nào cả.

Bài này của Nguyễn Vũ được viết năm 1972, năm có “Mùa hè đỏ lửa” loạn lạc vô cùng. Nguyên nhân ra đời bài này nghe nói cũng có một giai thoại tình yêu như một kịch bản mặc định là có một anh chàng ngoại đạo phải lòng một con chiên là một thiếu nữ dễ thương tương tự như “Giáo đường im bóng”của Nguyễn Thiện Tơ. Bối cảnh của nó là nhà thờ Con Gà nên thơ và nổi tiếng ở Đà Lạt. Có điều kết thúc nó không có hậu vì chàng nhạc sĩ trồng cây si không dám ngỏ lời với người đẹp hơn mình 2 tuổi.

Nguyễn Vũ có người cháu họ và cũng là học trò, người rất nổi tiếng là nhạc sĩ Đức Huy.

Hãy nghe một tuyệt phẩm của trái tim được viết nên chỉ sau 2 tiếng như đã có sẵn đâu đó trong thinh không của đêm thanh bình.

Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn...

ĐK :

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi ...

Bài thánh ca buồn  được vô số ca sĩ hát từ khi Thái Châu ghi âm lần đầu tiên nhưng nó hình như rất phù hợp với giọng tenor khoáng đạt và đầy ánh kim của Elvis Phương. Tôi nghĩ thế.



Người ta nghiệm ra rằng, ngoài tài năng, nếu người nghệ sĩ xuất thần trong một tình cảm chân thành và tinh khôi thì dễ tạo nên một tác phẩm để đời, dẫu nhiều khi về mặt kỹ thuật nó quá bình thường và chẳng có hù ai được. Có lẽ nghệ thuật chỉ chạm được trái tim người ta một cách trường cửu khi nó rất tự nhiên đạt đến sự chân phương và chân thật.

T.M.P



Back To Top