17.12.13

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Qùy: Tài năng và những chuyện nghịch lý

Đọc bài này mới thấy ngậm ngùi cho những viên ngọc thật lấp lánh trong âm thầm giữa bao nhiêu hào quang sặc sỡ của vô vàn viên kim cương giả trên bề nổi của âm nhạc Việt. Một phần đâu đó là sự đố kỵ, thiên kiến, bè phái, quan - dân và một phần đâu phải ai cũng đủ sức phân biệt sự lóng lánh long lanh nào là phản quang của thật - giả.
==========================
Dân tộc mình không hiếm tài năng, không hiếm người kiệt xuất. Vấn đề là ta có biết khơi đúng mạch, biết nâng niu, bảo vệ hay không mà thôi.

Nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ là một trường hợp thật đặc biệt. Ông sinh năm 1925, nguyên là giảng viên khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, là hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Thật hiếm có một nhạc sĩ nào vừa thành công trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, lại vừa thành công trong sự nghiệp sáng tác Sonate - một thể loại âm nhạc cổ điển, rất khó, ngay cả đối với người sáng tác chuyên nghiệp.

Ông có một trí thông minh, sự bền bỉ và niềm đam mê âm nhạc hơn người. Nhiều ca khúc của ông được công chúng yêu mến, điển hình là bài hát "Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu", từ khi ra đời đến nay đã như là một bài hát truyền thống của ngành sư phạm nước ta. Trong một thời gian dài (khoảng 40 năm, từ năm 1963 đến 2003) chuyên tâm sáng tác Sonate, ông đã cho ra đời 9 bản Sonate cho đàn piano và violon (Beethoven viết 10 bản). 9 bản Sonate như 9 viên ngọc quý đóng góp vào kho tàng khiêm tốn của nền nhạc giao hưởng, thính phòng nước ta.

Ai đã từng biểu diễn các tác phẩm này như các nghệ sĩ: Ngô Văn Thành, Nguyễn Mỹ Hương - violon; Hoàng Mi, Trần Thu Hà, Nguyễn Hoàng Phương - piano... ở trong nước hay nghệ sĩ Isabelle Durin - cây violon số một của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Ile- de - France, ở ngoài nước đều ca ngợi và gọi đó là sản phẩm của một tài năng hiếm có. Thế mà, chỉ có hai lần ông mang Sonate đi dự thi: Bản Sonate số 4 vào năm 1995 và Sonate số 8 vào năm 2005, thì cả hai lần ông đều "giật" giải nhì (không có giải nhất) cho thể loại cổ điển, thính phòng. Lạ nhỉ. Tôi chắc nếu ông có mang Sonate đi dự thi nữa thì Hội đồng nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ cũng lại chỉ cho ông giải nhì mà thôi (mặc dù cuộc thi sẽ không có giải nhất).

May mắn thay, tiếng tăm về một ông nhạc sĩ già Việt Nam sáng tác theo dòng cổ điển cứ loang ra, được người nước ngoài chú ý. Họ tìm đến ông, xin nghe nhạc của ông và họ ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước ông. Đó là các tùy viên văn hóa, nhạc sĩ, giáo sư, thậm chí chỉ là nhà kinh doanh ở Đức, Anh, Pháp, Mỹ… Nhạc sĩ Đức Dominic Jehle khi nghe bản Sonate số 5 và số 8 với tổng phổ trên tay đã hai lần kêu lên: "Cái này là thiên tài… Cái này là thiên tài…" (génial). Nhạc sĩ Pháp Paulette Kappweller sau khi nghe hai bản sonate 8 và 9 của Nguyễn Văn Quỳ và nghiên cứu tổng phổ đã nói: "Âm nhạc của ông thật cao siêu" (sublime).

Năm 1993, bà Bertile Fournier, Giáo sư Nhạc viện Trung tâm Paris, là Chủ tịch Hiệp hội Âm nhạc Lily Luskine, đồng thời là Chủ tịch giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế tại châu Âu, đã mời Nguyễn Văn Quỳ sang Pháp để giới thiệu ông với giới âm nhạc Pháp và cho họ được thưởng thức các tác phẩm của ông. Ông còn được sang Pháp hai lần nữa, vào năm 1994 và 1996, ở đây ông đã làm cho giới âm nhạc Pháp phải trầm trồ, ca tụng.

Bà Bertile Fournier đã thốt lên với ông: "Quỳ thân mến ạ! Ông đã thành công khi tìm ra được một ngôn ngữ mới trong âm nhạc đấy, nhưng nó quá khó với nhiều biến âm". Thậm chí có người còn cho rằng ông đã mở ra một trường phái mới - trường phái Tân lãng mạn. Từ đó các bạn Pháp thân mật gọi ông là "Beethoven Việt Nam". Việc ông được trao Giải thưởng Patrimoenia 2009 (Văn hóa di sản bảo tồn) của Thụy Sĩ cũng rất bất ngờ với ông.

Nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ cho một người bạn nước ngoài mượn đĩa ghi bản Sonate số 8 về nghe. Ông này nghe xong rất thích đã khoe với bạn thân của mình là ông Jean Hubert Lebet - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam. Ông Đại sứ nghe thích quá đã ngỏ ý mời nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ đến ăn trưa tại nhà ông và đề nghị mang đến cho ông mượn cả 9 bản Sonate để nghe. Trong bữa trưa đó, ông Đại sứ xin nghe thêm một Sonate nữa nhưng nhạc sĩ chỉ cho ông nghe Chương II của bản số 5 vì thời gian ít. Ông Đại sứ rất thích và nói với nhạc sĩ rằng ông sắp về Thụy Sĩ công tác, ông muốn mang theo 9 bản Sonate này về giới thiệu cho giới nhạc Thụy Sĩ cùng nghe. Khi ông trở lại Việt Nam thì câu chuyện như chúng ta đã biết: Vào ngày 1/12 năm 2009, Đại sứ Thụy Sĩ tại Hà Nội và tổ chức Patrimoine & Gestion SA (Di sản và Bảo tồn có trụ sở tại Geneve) đã tổ chức một buổi lễ trang trọng phong tặng Giải thưởng Văn hóa di sản bảo tồn năm 2009 (Patrimoenia 2009) cho bậc thầy (Maitre) Nguyễn Văn Quỳ, nhà soạn nhạc Việt Nam, để "tôn vinh toàn bộ tác phẩm của ông".

Rất đáng tự hào cho một nước châu Á như Việt Nam lại có một nhà soạn nhạc cổ điển được châu Âu - cái nôi của nhạc cổ điển - phát hiện và tôn vinh. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tham dự buổi lễ tôn vinh nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ đã xúc động ghi vào sổ cảm tưởng của Đại sứ quán Thụy Sĩ: "Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là tấm gương về lao động sáng tạo, là tấm gương về tình yêu với nghệ thuật âm nhạc. Ông là nghệ sĩ LỚN với nghĩa viết hoa. Giới nghệ sĩ Việt Nam ghi nhận cống hiến của ông suốt đời vì âm nhạc dân tộc".

Cho dù vậy, các tác phẩm của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ hầu như không được công chúng Việt Nam biết đến rộng rãi, trong khi Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam nghèo nàn tác phẩm biểu diễn đến mức phải cải biên dân ca Quan họ Bắc Ninh như bài "Hoa thơm bướm lượn" hay bài "Xe chỉ luồn kim" dùng cho thanh nhạc để giao cho dàn nhạc giao hưởng diễn tấu.

Thế mới biết, lao động sáng tác nhạc thính phòng, cổ điển đối với phần đông các nhạc sĩ chuyên nghiệp luôn luôn là sự thử thách rất nghiệt ngã. Nếu tôi không nhầm thì 9 bản Sonate viết cho đàn violon và piano của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ chưa bao giờ được "vinh dự" nằm trong chương trình biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Viết đến đây lại nhớ đến trường hợp cha đẻ của thuyết "Công nghệ giáo dục" nổi tiếng - GSTS Hồ Ngọc Đại, cũng là một tài năng trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta. Ông muốn dạy học sinh cấp I với lý thuyết "học trò làm trung tâm, thay vì thầy giáo làm trung tâm; học là chơi, chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ; học không có chấm điểm, không có thi cử…". Ông là người thành lập Trường thực nghiệm giáo dục tiểu học từ 35 năm trước và cho đến nay trường này vẫn phải mang tên "Thực nghiệm", mặc dù trường của ông từng có nhiều học trò sau này thành danh như GS Ngô Bảo Châu… và trên thực tế, lý thuyết về "Công nghệ giáo dục" và phương pháp dạy học của ông đã được cuộc sống chấp nhận.

Vẫn biết rằng mọi so sánh chỉ là tương đối, có khi rất khập khiễng, nhất là đối với nhà soạn nhạc của chúng ta. Tôi kể câu chuyện nhỏ dưới đây về ông Ban Ki - moon, vị Tổng thư ký Liên hiệp quốc để những nhà quản lý nhà nước rút ra điều gì chăng. Chỉ mới năm ngoái thôi, khi mà điệu nhảy "phi ngựa" Gangnam Style "đốt nóng" giới trẻ trên khắp thế giới, đến cuối tháng 12/2012, video Gangnam Style đã được xem hơn 1 tỷ lần, trở thành video được xem nhiều nhất và được yêu thích nhất tại Youtube, được Sách Kỷ lục Guinness công nhận là "Video được nhiều người thích nhất trong lịch sử Youtube".

Khi anh chàng ca sĩ PSY, Hàn quốc sang Mỹ, anh được vị Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki - moon mời vào thăm trụ sở Liên hợp quốc và trước ống kính camera, máy ảnh của rất nhiều phóng viên, ông tươi cười nhờ ca sĩ PSY dạy ông cách nhảy Gangnam Style. Cuộc gặp ấy diễn ra chắc chỉ vài phút thôi nhưng đã gây được ấn tượng mạnh trong công chúng, nhất là khi họ chứng kiến cảnh ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc thường ngày đạo mạo trên các diễn đàn toàn cầu đang cố ngọ nguậy cái tay, đánh cái hông làm theo anh ca sĩ Hàn Quốc nhảy Gangnam Style, cả hai người đều cười vui hết cỡ vì cái sự vụng về của ông Ban Ki - moon.

Thật là khéo léo, ông Ban Ki- moon đã tặng cho người ca sĩ đồng hương một chiêu quảng cáo tuyệt đỉnh rất tự nhiên. Tôi chợt hiểu ra vì sao chừng hai chục năm nay, những "làn sóng Hàn Quốc" về phim ảnh, thời trang… chiếm lĩnh sân chơi thế giới. Từ lãnh đạo nhà nước cho đến từng người dân đã rất nhất quán trong việc làm cho thương hiệu Hàn Quốc nổi lên "như cồn" trên trường quốc tế. Và tôi lẩn thẩn nghĩ rằng, ở cái nước Hàn nhỏ bé kia, chắc nghệ sĩ của họ, nhất là những người thực sự tài năng không bao giờ phải chép miệng nói cái câu buông xuôi: "Thôi kệ! Cái nước mình nó thế"…

"Cái nước mình" yêu thương và nghịch lý ơi! Thử hỏi cứ đối xử với người tài như thế thì đến bao giờ con rồng Việt Nam mới bay cao, mới "sánh vai được với các cường quốc năm châu…" như lời Bác Hồ dạy các cháu thiếu nhi? Các tác phẩm Sonate cho violon và piano của nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ cho dù được châu Âu nâng niu bằng Giải thưởng "Văn hóa di sản bảo tồn"… thì có ý nghĩa gì nếu các nhà quản lý đầy quyền thế không lưu ý tới việc phải phổ biến cái hay, cái đẹp đó cho công chúng trong nước được thụ hưởng? Chúng ta cần làm gì thay đổi tình trạng này, hay lại chỉ biết nhìn nhau cười buồn và đọc thầm trong đầu câu nói của cố GS Hoàng Ngọc Hiến: "Cái nước mình nó thế"…

Dương Minh-cand.com
Back To Top