2.12.13

Chiều Nhạc Trần Duy Đức: Thơ Lên Tiếng Hát


Con đường nhỏ giống như một hương lộ nào đó ở quê nhà, nằm gần góc Harbor và Hazard, đi qua một đám ruộng dâu trước khi dẫn đến một lối xóm dưới tàng cây xanh. Hồi ấy nhà của Trần Duy Đức ở đó. Lần đầu tôi đến đây theo lời nhắn của anh Phạm Công Thiện. Nhà của Đức là nơi anh tạm dừng chân, cũng giống như không biết bao nhiêu nhà và ngôi chùa trước đó trong kiếp đời lang bạt của anh. Mới đó mà đã ba mươi năm có lẽ.

Gặp lại Đức lần mới đây, hai đứa nhắc lại chuyện Santa Ana ngày cũ. Lúc ấy anh vừa sang Mỹ không lâu, còn tôi từ giã con đường La Fayette ở LA, và anh Thiện rời chùa của thầy Mãn Giác ở đường Berendo về đây. Trong cái lịch sử còn khá sớm của đám người Việt lưu vong, những khuôn mặt, những hàng quán cũ trộn lẫn trong ống hình vạn hoa quá khứ.

Một đêm năm 1982, tại quán Tay Trái của Lê, một người khách ngỏ ý muốn được lên hát. Người khách hát một lúc 3 bài do mình sáng tác. Hai bài phổ thơ Du Tử Lê và một bài phổ thơ Cung Trầm Tưởng. Kể từ đó, người ta mới biết tới Trần Duy Đức, một người viết nhạc tinh khôi từ tập thể người Việt lưu vong. Từ ngôi nhà của Đức và Hạnh đi qua khu vườn dâu, những sáng tác hay nhất của Đức lần lượt ra đời. Những bài thơ hay nhất của Du Tử Lê được viết vào thời kỳ này. Dĩ nhiên đêm đêm được trình bày tại quán cà phê Tay Trái. Về sau Lê Uyên Phương mở lại quán Lục Huyền Cầm như dời cả đồi sương Hàm Nghi Đà Lạt sang cùng tiếng hát buốt lạnh của Uyên. Ôi con đường Hàm Nghi dẫn xuống đầu phố chợ có quán cà phê Domino thân yêu của lũ nam sinh viên Đà Lạt chúng tôi bấy giờ. Suốt cả hai năm trời, sáng nào cũng có mặt Nguyễn Nguyên Phương và Thanh Tâm Tuyền.

Tiếng nói Việt nghe như tiếng chim. Người Âu Tây lần đầu đến xứ Việt, cũng giống như người Hán phương bắc trước đó hàng ngàn năm đều thuật lại như thế. Thơ và tiếng nói Việt với âm bằng trắc cung bậc thấp cao nói nghe như hát. m ngữ Việt, nhạc là thơ. Nhưng thơ sẽ vẫn mãi là thơ trong trang giấy cất đâu đó, trong tủ sách hay trí nhớ sẽ mai một của con người, nếu không có một ngày thơ lên tiếng hát, được nhạc đến chở thơ đi trên trên đôi cánh giai điệu, bay qua được cả thời gian lẫn không gian. Thơ là tinh thể tâm hồn dân tộc. Trần Duy Đức là một người yêu thơ, kẻ đi tìm nhạc cho thơ, để cùng ta nghe tiếng thơ trong nhạc, một nghệ sĩ tài hoa tiêu biểu cho thế hệ lưu vong biết gìn vàng giữ ngọc, biết trân quý thơ Việt, phần tinh thể của tâm hồn Việt Nam.

Chiều tối thứ Bảy ngày 7 tháng 12 tới đây, sẽ có một chiều nhạc thính phòng Trần Duy Đức do một nhóm các bạn trẻ yêu nhạc Việt tổ chức với sự đồng ý của tác giả. Đây là một chương trình đặc sắc gồm 20 sáng tác chọn lọc của nhạc sĩ Trần Duy Đức. Nhiều ca khúc lần đầu tiên được trình diễn trước sân khấu, phổ thơ Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Ngô Tịnh Yên, Cẩm Vân, Hà Nguyên Du, Nguyễn Nam An, Nguyễn Dũng Tiến, Trần Thiện Hiệp. Riêng với thơ Du Tử Lê, chương trình sẽ trình diễn một số các bài hát tiêu biểu nhất phổ thơ tác giả này. Ngoài ra đây là lần đầu tiên khán thính giả sẽ được thưởng thức các bài hát phổ thơ của các tác giả nêu trên chưa hề thâu âm hay trình diễn lần nào.

Chương trình được mở màn bài hát thể điệu swing vui tươi được phổ biến nhất của Trần Duy Đức: "Nếu Có Yêu Tôi" qua tiếng hát Nguyễn Cao Nam Trân, một giọng hát trẻ tài năng vừa cộng tác với giàn nhạc The Vietnamese - American Philharmonic. Theo lời Ngô Tịnh Yên, tác giả bài thơ này, ý thơ dựa theo danh ngôn của Lord Chesterfield: "Đừng để đến ngày mai những gì bạn có thể làm được ngày hôm nay".

Tiếp theo là giọng hát của Hồ Kim Hiếu, người bạn đời của nhạc sĩ Sỹ Dự, chủ nhân quán nhạc Lạc Cầm, tham gia với chương trình qua nhạc phẩm "Tan Theo Ngày Nắng Vội" phổ thơ Du Tử Lê, vì đây là một trong những bài Hiếu hát được khán giả Lạc Cầm ưa thích, và đặc biệt phần hoà âm dương cầm do Sỹ Dư Đảm trách. Dòng thơ Du Tử Lê được tiếp tục giới thiệu đến khán thính giả qua các tình khúc thơ 7 chữ "Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi"; "Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời"; "Dòng Suối Trăm Năm"; "Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau".


                                  Một số nghệ sĩ sẽ hát Đêm Nhạc Trần Duy Đức.

Thơ Du Tử Lê độc đáo ở cách cấu tạo âm ngữ, nối kết thành hình ảnh siêu thực bất ngờ từ những con chữ hiện thực. Tiêu biểu qua bài thơ phổ nhạc "Dòng Suối Trăm Năm":

Chẻ đôi sông núi đêm bưng mặt
Mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ
Chẻ đôi thân thế: mù tăm tích
Ta nghĩa trang nào? chôn, cất nhau!?...
(tiếng hát Thế Khải)

Nhưng còn ở lại rất lâu trong tâm trí người đọc là những câu thơ rất hay… đến bình thường, như trong bài có nhan đề "Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời":

Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
Nói gì kiếp khgác với đời sau.

(tiếng hát Ái Phương)

Hay trong bài "Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau":

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi với người chung một trái tim.

(tiếng hát Hoàng Duy)

Nhà văn hàng đầu của chúng ta là Mai Thảo, cuối đời mới bắt đầu làm thơ. Thơ ông làm không nhiều nhưng được bè bạn và văn giới ngợi khen. Như nhà văn Viên Linh viết trong một bài báo trên tờ Người Việt: "Riêng tôi thì tôi thích thơ của Mai Thảo hơn là văn của ông". "Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền" là một bài thơ tiêu biểu nhất của Mai Thảo, phổ nhạc bởi Trần Duy Đức, trong ấy ta tìm thấy triết lý Hiện Sinh tây phương gặp gỡ kinh Phật Giáo. "Địa ngục ngươi là kẻ khác thôi" ở đây chính là câu thời danh "L'enfer c'est l'autre" của Sartre; "Sao không hạt cát sông hồng ấy, còn chứa trong lòng cả đại dương". Tức là trong Tiểu Ngã có cả Đại Ngã, trong hạt sương chứa cả cái mênh mông. Trong đêm nhạc hôm nay, cái di sản nghệ thuật triết lý của thế hệ người đã nằm xuống ấy được trao lại cho thế hệ thứ hai, qua giọng hát trầm ấm sâu lắng của một người rất trẻ Hàn Phúc.

Cung Trầm Tưởng (cùng với Thanh Tâm Tuyền) đi hàng đầu trong việc làm mới nền thi ca hậu chiến 1955 tại miền nam VN. Thơ mới của ông đã được Phạm Duy đưa vào nhạc mình rất sớm, vào hậu bán thập niên 50. Phạm Duy đánh bạn cùng Cung Trầm Tưởng và hoạ sĩ Nguyễn Cao Uyên trong lúc du học tại Paris, trở thành nhóm bộ ba nhạc thơ hoạ. Đó là thời kỳ "Kiếp Sau", của "Tiễn Em", "Bên Ni Bên Nớ" (Bài thơ có nhan đề "Tương Phản") với lời thơ rất sốc, lần đầu tiên thử nghiệm trong nhạc Việt: "Giai nhân nằm khoe loã thể" và "Ăn mày sáng lạn ngày mai". Ra đời đã hơn sáu mươi năm, đến nay nghe ra vẫn còn rất… tân kỳ!

"Trong Tời Anh Xanh Vút" phổ thơ Cung Trầm Tưởng được trình bày bởi Uy Vũ, một tài năng tiêu biểu của thế hệ thứ hai. Là con trai của nhà thơ nữ Vũ Thùy Nhân, sinh ra trong một dòng họ có các dì trong ban hợp ca Thùy Dương, các cậu là các nhạc sĩ hoà âm tài ba. Vũ tốt nghiệp khoa âm nhạc Mỹ, hiện là giám đốc một trường dạy nhạc tại quận Cam. Chàng nhạc sĩ trẻ, con trai của một nhà thơ này, sẽ đại diện thế hệ mình diễn tả tâm tình và nghệ thuật của bậc cha ông, qua giọng hát và đệm dương cầm cho ca khúc phổ thơ Tô Thùy Yên, bài "Đãng Tử":

Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn.
Đi, đi đâu chèo chống mỏi mê?
Đến ngã ba, đành theo một lối,
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia…

Bài ca ta hát đến đâu rồi?
Xin hát nốt còn đi kẻo muộn.
Thuận tay, ta ngắt một cành sậy
Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu
Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau.


Bài thơ đẹp như tâm hồn một tráng sĩ choáng hơi men, tất cả như căng rộng cùng với tiếng hát và bầu không gian một chiều đồng bằng nam bộ, có tiếng "bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn". Rồi hành động thuận tay ngắt một cành sậy làm cây sáo thổi cạn hồn sầu, tưa như chàng tráng sĩ ấy hoá thân ra từ một bài thơ cổ phong.

Thi sĩ là kẻ đi lạc đường. Lạc đường vào quá khứ hay vào lịch sử. Một kẻ hoài hương (nostalgia) ở thế kỷ này mà nhớ về thế kỷ trước; ở trần gian mà nhớ thiên đàng.

Thế hệ Tô Thùy Yên là một thế hệ đau khổ. Lên tiếng hỏi han những ân sũng hạnh phúc của kiếp trước. Cầu mong chúng tái sinh:

Ở đâu còn bóng chim huyền diệu
Hót gọi tiền thân ta tái sinh,
Hót gọi vô vàn mơ ước cũ
Bay lên trời lớn đọ mông mênh.

Ở đâu còn trận gió thênh thang
Thổi mới trần gian mùa rộn ràng
Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang.

(Tiếng hát Nguyễn Cao Nam Trân - Bài "Còn Ở Đâu - Ở Đâu Còn" trích đoạn trong bài thơ dài "Mùa Hạn" của Tô Thùy Yên).

Sự xuất hiện gần đây của ca nhạc sĩ Minh Phượng mà giới yêu nhạc đánh giá như một "hiện tượng" bằng những show nhạc cá nhân cô thành công mấy nơi tiểu bang California với hình ảnh một nữ ca sĩ vừa đàn piano vừa hát những nhạc phẩm nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam. Sở hữu chất giọng sâu trầm alto, mà độc đáo ở lối nhả chữ tròn đầy, Minh Phượng được huấn luyện trường ốc âm nhạc từ thuở bé bởi thân sinh là hai vị giáo sư âm nhạc tại Nhạc Viện Huế. Nhận lời mời tham gia chương trình nhạc Trần Duy Đức, cô chọn trình bày một bài phổ thơ Hà Nguyên Du, nhan đề "Em Có Về Như Những Cơn Mưa"; một bài phổ thơ Ngô Tịnh Yên "Lẻ Loi". Khi chọn bài này cô tạo một phản ứng khá bất ngờ cho tác giả Trần Duy Đức, vì chính từ lâu tác giả quên bẵng nó, như lạc mất một đứa con. Và nó ra đời từ 5 năm (1990) trước khi bài nổi tiếng "Nếu Có Yêu Tôi", thơ cũng của Ngô Tịnh Yên ra đời (1995). Với thể điệu slow rock, trầm lắng, ca từ là lời thơ buồn và đẹp. Cũng là nói về nỗi buồn lẻ loi một con người, hay kiếp người, cũng giống nỗi buồn một con chim, một cánh bướm nở từ cái kén muộn phiền, một cụm mây, lẻ loi như một con ve khan tiếng gọi mùa.

Cẩm Vân, một nhà thơ từ xứ lạnh Na Uy xa xôi, có ba bài thơ phổ nhạc trong chương trình hôm nay. Bài "Cũng Đâu Gì Lạ" và bài "Giả Vờ", được trình bày bởi đôi song ca Mạnh Cương và Hoàng Nhung, cặp Special Guests của chương trình, gợi nhắc lại hình ảnh cặp Lê Uyên Phương ngày nào. Đây là hai bài tình ca của lứa đôi tuổi trẻ.

"Chàng Nhạc Sĩ Và Con Chim Nhỏ" là bài thơ phổ nhạc thứ ba của Cẩm Vân giới thiệu trong chiều nhạc. Đây là bài thơ kể về chuyện tình có thật (mà cũng không có thật) giữa một chàng nhạc sĩ và cô ca sĩ. Lần đầu được trình diễn trên sân khấu bởi ca sĩ Bích Huyền, là giọng hát rất kén chọn với show nhạc đời, nhưng rất quen thuộc với các chương trình âm nhạc Thánh Lễ lớn Công Giáo ở nam California, cùng với người bạn đời là nhạc sĩ dương cầm Quốc Vũ. Như thế, khó có giọng hát nào thích hợp hơn để diễn tả một ca khúc mới của Trần Duy Đức phổ từ thơ Cung Trầm Tưởng: "Chủ Nhật Niềm Tin Mầu Huệ Trắng".

Đang khi lưu đày tại núi rừng Việt Bắc, một sáng Chủ Nhật kia, bỗng chợt thấy hình dáng một người con gái nhỏ, mặc áo dài trắng đi lễ nhà thờ tại một thôn xóm hoang vu, con người Tưởng, thơ của Tưởng, và cả Sài Gòn của Tương, bừng sống lại:

"Sớm nay chủ nhật thơm thương quá
Vì có Sài Gòn trong dáng em".


Lời thơ vẫn còn rất… Cung Trầm Tưởng:

"Chủ nhật niềm tin mầu huệ trắng
Hiền từ soạt áo như lời kinh
Em đi lễ nhất trời trên ngõ
Rẩy tóc đen mềm ánh sao xanh".


Kết thúc chương trình là nhạc phẩm "Khúc Mưa Sầu", được song ca bởi Ái Phương và Vương Lan. Đây là một nhạc phẩm đầu tay, nổi tiếng nhất của Trần Duy Đức, viết từ hồi rất trẻ (1972), thấm đẫm nỗi buồn mùa mưa cao nguyên. Nỗi buồn đông phương, rất ngũ cung, như cuồn cuộn khói sương quanh đỉnh non cao trong tranh cổ hoạ.

Khi mời Nguyễn Đức Cường làm người điều dẫn cho chương trình chiều nhạc Trần Duy Đức, ban tổ chức cho rằng khó có người nào khác thích hợp vai trò bằng anh. Ngoài nghề y, anh vốn là một nhạc sĩ, và là một thi sĩ, viết lời nhạc cho một số các tuyệt phẩm của nhạc sĩ Quốc Dũng như: Đường Xưa, Hạt Mưa Và Nỗi Nhớ, Cõi Buồn, Chỉ Là Mùa Thu Rơi… Và người nữ MC đứng chung sân khấu với anh là Đặng Tuyết Mai, một nhân dáng biểu tượng cho một thời đại… Và cái quý hoá còn đến hôm nay nơi tấm lòng ấy là sự say đắm với văn chương và âm nhạc.

Phan Lang- Việt báo
Back To Top