16.12.13

Kỉ niệm 243 năm ngày sinh Beethoven[16/12]

Tôi muốn chứng mình rằng bất cứ ai hành động đúng đắn và cao thượng đều có thể tự mình đương đầu với bất hạnh. (BEETHOVEN gửi hội đồng thị chính Vienna, ngày 1 tháng 2 năm 1819)

Không khí quanh chúng ta thật nặng nề. Châu Âu già cỗi đờ đẫn trong một bầu không khí ngột ngạt và ô nhiễm. Một thứ chủ nghĩa vật chất tầm thường đè nặng lên tâm trí và ngăn trở hành động của các chính quyền cũng như các cá nhân. Nhiều người chết ngạt trong thứ chủ nghĩa vị kỉ và đê hèn của mình. Nhiều người nghẹt thở. Chúng ta hãy mở tung các cửa sổ. Hãy để cho không khí tự do tràn vào. Hãy hít thở khí thế của các bậc anh hùng.
Cuộc sống cam go. Nó là trận chiến diễn ra hàng ngày với những ai không cam chịu cái tầm thường nhạt nhẽo của tâm hồn, với số đông hơn nó là một trận chiến buồn bã, một trận chiến không chất cao quý, không niềm hạnh phúc, giao chiến một mình trong lặng lẽ. Bị đè bẹp bởi cái khốn khó, bởi những nỗi lo lắng nội tại, bởi những nghĩa vụ nặng nề và xuẩn ngốc khiến các sức mạnh tan biến một cách vô ích, không hi vọng, không mảy may vui thích, những tâm hồn bị tách biệt với nhau mà cũng không có cả niềm an ủi đủ sức chìa tay cho những người anh em đang bất hạnh, những người phớt lờ họ và cũng bị họ phớt lờ. Họ buộc phải dựa vào chính bản thân mình mà thôi; và có những lúc kẻ mạnh hơn cũng oằn xuống dưới nỗi đau của mình. Họ kêu gọi một sự cứu giúp, một người bạn.

Để tới giúp họ mà tôi tiến hành tập hợp quanh họ những Người bạn anh hùng, những tâm hồn lớn chịu khổ đau vì cái thiện. Cuộc đời của những Con Người nổi tiếng này được viết ra không để tự hào hay để tham vọng; chúng được hiến tặng cho những người bất hạnh. Mà thực ra ai là người không bất hạnh? Với những người khổ đau, chúng ta hãy dâng tặng niềm an ủi từ nỗi thống khổ thiêng liêng. Chúng ta không đơn độc trong trận chiến. Bóng đêm của nhân loại được rọi chiếu bằng ánh sáng thánh thần. Ngày hôm nay cũng vậy, bên cạnh mình chúng ta vừa thấy bừng lên hai ngọn lửa sáng rực, ngọn lửa Công lý và ngọn lửa Tự do: đại tá Picquart và dân Boer. Nếu không thành công trong việc xua tan bóng đêm dày đặc thì họ cũng chỉ cho chúng ta con đường sáng. Chúng ta hãy tiếp bước họ, tiếp bước những ai đấu tranh như họ, đơn độc, rải rác trong mọi xứ sở và trong mọi thế kỉ. Hãy phá tan những rào cản thời đại. Hãy phục sinh cho dân tộc của những bậc anh hùng.

Tôi không gọi những người thắng lợi bằng tinh thần hay bằng vũ lực là anh hùng. Tôi gọi là anh hùng tâm hồn của những người có tấm lòng cao cả. Như một người trong số họ, người mà chúng ta kể cho nhau nghe ở đây, cũng nói vậy về cuộc đời: “Tôi không thấy dấu hiệu của sự cao cả nào khác ngoài lòng tốt.” Ở đâu đặc tính đó không lớn ở đó không có con người vĩ đại, cũng không có nghệ sĩ lớn cũng như không có con người của hành động vĩ đại; chỉ có những thần tượng rỗng tuếch dành cho số đông hèn mạt: thời gian sẽ hủy diệt chúng hoàn toàn. Với chúng ta sự thành công không mấy hệ trọng. Vấn đề là bản thể vĩ đại chứ không phải là vẻ bề ngoài.

Cuộc đời những con người mà chúng tôi thử viết truyện ở đây hầu như luôn là một nỗi thống khổ dài đặc. Hoặc một số phận bi thương muốn trui rèn tâm hồn họ trên chiếc đe làm bằng đớn đau thể xác và tinh thần, bằng khốn khó và bệnh tật; hoặc cuộc sống của họ là sự giày vò và trái tim họ tan nát vì nhìn thấy những đau khổ và những điều nhục nhã không tên mà những người anh em của họ đang chịu cực hình, hàng ngày họ ăn bánh mì làm từ thử thách và nếu nghị lực của họ lớn thì nỗi bất hạnh của họ cũng lớn. Vậy mà họ chẳng mấy khi than vãn, những con người bất hạnh: những người tốt nhất của loài người cảm thấy được đồng hành cùng họ. Chúng ta hãy nuôi dưỡng mình bằng lòng can đảm của họ và nếu chúng ta yếu đuối quá thì hãy gục đầu vào lòng họ trong chốc lát. Họ sẽ an ủi chúng ta. Từ những hồn thiêng tràn trề một dòng sức mạnh bình an và lòng nhân từ mạnh mẽ. Ngay cả khi không cần tra cứu tác phẩm của họ và lắng nghe giọng nói của họ, chúng ta vẫn đọc được trong mắt họ, trong câu chuyện cuộc đời họ rằng cuộc đời trong đau khổ luôn lớn lao hơn, phong phú hơn và hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Đi đầu đoàn quân anh hùng này, chúng ta hãy dành vị trí tiên phong cho Beethoven mạnh mẽ và sáng trong. Giữa những khổ đau của mình, chính ông mong mỏi rằng tấm gương của ông có thể là một trụ cột cho những người khốn khổ khác, “và rằng nỗi bất hạnh sẽ nguôi ngoai khi gặp được một người bất hạnh giống mình, người mà dù cho mọi trở ngại tự nhiên đã làm tất cả những gì có thể để trở thành một người xứng danh con người.” Trải qua những năm tháng đấu tranh và nỗ lực siêu phàm để đánh bại nỗi đau khổ và làm tròn phận sự của mình, người mà như ông nói, đã thổi chút lòng can đảm cho nhân loại khốn cùng, Prométhé chiến thắng này đã đáp trả một người bạn đang cầu khẩn Chúa trời: “Hỡi con người, hãy tự cứu giúp mình!”

Chúng ta hãy cùng truyền cảm hứng từ lời nói đầy tự hào của ông. Trước tấm gương của ông chúng ta hãy khơi lại lòng tin của con người vào cuộc đời và vào con người.

Romain Rolland (La vie de Beethoven, tháng 1/1903)
Lê Ngọc Anh dịch

-Romain Rolland sinh ở Clamecy, Bourgone, Pháp. Học xong trung học, ông theo học khoa Lịch sử của trường Sư phạm École Normale SupérieureParis; ra trường ông tiếp tục sang Ý học lịch sử nghệ thuật. Năm 1895, ông bảo vệ hai luận án tiến sĩ về đề tài lịch sử nghệ thuật, sau đó dạy lịch sử hội họa tại École Normale Supérieure và phụ trách bộ môn lý thuyết âm nhạc tại Đại học Sorbonne. Năm 1897 Rolland in tác phẩm Saint-Louis (Thánh Louis) khiến dư luận chú ý, mở một lối đi riêng trong văn chương quan tâm đến các vấn đề xã hội chủ nghĩa và cách mạng.

Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông chuyển đến sống tại Thụy Sĩ, làm việc cho tổ chức Hồng Thập tự, viết nhiều tiểu luận lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa này, về sau tập hợp thành sách Au-dessus de la mêlée (Bên trên cuộc chiến, 1915).

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Roamin Rolland là trường thiên tiểu thuyết Jean Christophe (10 tập, xuất bản trong các năm từ 1904-1912). Đây là tác phẩm mang tính tự truyện, trình bày mọi vấn đề liên quan đến chính trị, văn học và nghệ thuật và là tác phẩm mang lại cho ông giải Nobel năm 1915. Tập thứ mười của bộ tiểu thuyết - nhan đề Nouvelle journée (Ngày mới) - cũng nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp.

Trong sáng tác của mình, Romain Rolland thường phân chia các tác phẩm theo từng nhóm đề tài được ông theo đuổi trong nhiều năm, có khi cho tới cuối đời. Ví dụ như nhóm tác phẩm Les tragedies de la foi (Bi kịch đức tin) gồm ba vở kịch Saint-Louis (Thánh Louis, 1897), Aërt(1898) và Le Triomphe de la raison (Chiến thắng của lí trí, 1899); nhóm tác phẩm Theatre de la revolution (Sân khấu Cách mạng) gồm những tác phẩm viết về Cách mạng Pháp và kết thúc bằng vở kịch Robespierre (1939)...

Năm 1915 Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định giành giải Nobel cho Romain Rolland, nhưng năm sau giải mới được trao vì vụ bê bối xảy ra xung quanh những bài báo chống chiến tranh quyết liệt của ông trong năm đó.

Romain Rolland là nhà văn chuộng hòa bình, ủng hộ Cách mạng tháng Mười, suốt đời đấu tranh chống bạo lực và chủ nghĩa phát xít. Điều này thể hiện qua các tác phẩm văn học, báo chí, khảo cứu của ông và in dấu vào lịch sử văn học Pháp cũng như văn học thế giới. Ông mất ở Vezelay, Bourgone khi Thế chiến thứ hai vẫn chưa kết thúc.


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nghe một số tác phẩm nổi tiếng của Beethoven


Back To Top