Tôi tự đặt câu hỏi và tự trả lời luôn: Nếu đừng nghe các album hàng đầu của Anh và Mỹ về thể loại word music thì có lẽ "Độc đạo" của Nguyên Lê - Tùng Dương là nghe được thôi. Và chỉ có một. Có lẽ tôi khó tính hay là tôi vọng ngoại?
Khó tính thì có thể đúng còn vọng ngoại thì không.
Ở thời buổi của thế giới phẳng này và trên mặt bằng thưởng thức nghệ thuật toàn cầu thì cái khái niệm tự hào dân tộc hão hay vọng ngoại thiển cận gì đó nên xếp vào kho lưu trữ.
Cái gì hay, chất lượng chuyên môn cao, có hồn và có sự khác biệt của sáng tạo thì nghe. Nghe vì tự nhiên nó khiến mình phải nghe và nó khiến mình suy nghĩ, nhớ và liên tưởng trong những cơn sóng của cảm xúc tự thân mà không cần biết "Em là ai, Em từ đâu?"
Nhưng vì sao nếu nghe những album chất lượng của nước ngoài rồi khi nghe "Độc đạo" lại thấy hơi nhạt và không có chút nào gợn lên của những ấn tượng kể trên dù nó được làm rất công phu và được "bảo kê" dưới cái tên tầm cỡ thế giới : Nguyên Lê. Một người được xem một trong những trung tâm của jazz đương đại và là một Al Di Meola của Pháp?
Đầu tiên, nếu đã nghe James Blake, John Wizards, Jack O' The Clock...thì nghe Tùng Dương hát cứng quá và hơi nghiêng về diễn hơn là cảm. Đó là những nét chính dễ thấy.
Thứ hai, các ca khúc quá thường và vì một sự cố gắng cố tình tạo nên những biến âm bất thường để lái giai điệu tránh những "rãnh" nghe quen thuộc nhưng lại thiếu tinh tế cũng như không có dòng chảy cảm xúc hợp lý và nhất là tự nhiên đã khiến một số bài hát nghe như một người không có thẩm âm hát phô, chênh. Nếu đã viết như thế thì rất dễ để tạo ra một giai điệu hỗn độn. Viết một giai điệu đẹp, tuy theo nếp kinh điển bấy lâu nhưng cá tính chắc chắn trong trường hợp này sẽ khó hơn nhiều.
Thứ ba, hòa âm một số bài không nhập và hài hòa với chất của ca khúc. Tôi nhận thấy điều đó trong các bài như: Chiếc khăn Piêu, Thể đơn bào, Quê nhà, Sen hồng hư không, Độc đạo, Con ốc...Nó như chiếc áo mặc tạm. Có cảm giác rằng, nghe riêng bài phối không thì có lẽ sẽ thích thú hơn.
Cuối cùng, là nói về nhân tố chính tạo nên sự khác biệt này Nguyên Lê.
Anh là một nhạc sĩ có chỗ đứng cao trong jazz đương đại và word music của Pháp. Và đỉnh cao phong độ của anh là vào cuối thập niên 80, rồi 90 và một vài năm đầu của 2000. Mặt khác, âm nhạc Pháp lại ở một cấp độ thấp hơn nếu không muốn nói là lạc hậu so với Anh và Mỹ về nhạc thể nghiệm đương đại và word music, nhất là tính trong thời điểm hiện nay.
Cho nên có thể nói âm nhạc trong "Độc đạo" đã qua rồi cái thời đỉnh cao của cá nhân Nguyên Lê và của chung âm nhạc Pháp trong dòng chảy nhạc đương đại. Hiện nay nó chỉ có thể đứng cao hơn các nhạc sĩ đang theo đuổi nhạc thử nghiệm đương đại hay word music trong nước Việt Nam mà thôi.
Vì những lý do trên mà tôi viết: Nếu đừng nghe các album hàng đầu của Anh và Mỹ về thể loại word music thì có lẽ "Độc đạo" của Nguyên Lê - Tùng Dương là nghe được thôi.
T.M.P