Trong khi công chúng đang mệt mỏi để tìm được những tác phẩm âm nhạc đích thực vì có quá nhiều bài hát ngô nghê, nhạt nhẽo chế ngự sân khấu và các chương trình âm nhạc, thì trong kho âm nhạc Việt Nam, vẫn còn nhiều ca khúc chất lượng và cả những ca khúc mới sáng tác không được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, có nhiều bài hát xuất hiện qua các cuộc thi, vận động sáng tác hay giành giải cao trong các hội nghề nghiệp chưa được sử dụng.Hàng năm, cả nước có hàng chục cuộc thi, vận động sáng tác nghệ thuật cho các đề tài như: Miền núi, biển đảo, thương binh - liệt sĩ, an toàn giao thông…Với quan điểm, các sản phẩm âm nhạc sẽ đến thẳng nhận thức, cảm xúc thẩm mỹ của người nghe, sáng tác ca khúc luôn là lựa chọn của nhiều tác giả.
Điển hình như đầu năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trao 16 giải cho những ca khúc xuất sắc nhất cuộc vận động sáng tác về đề tài “Thương binh, Liệt sĩ và Người có công”. Hay tại cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông cuối năm 2012, cũng đã trao giải cho 15 ca khúc. Tuy nhiên, đời sống của những ca khúc này hậu trao giải ra sao, vẫn còn không ít băn khoăn.
Cho đến nay, những ca khúc sử dụng trong Ngày Thương binh, Liệt sĩ vẫn chỉ là: “Vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến); “Cỏ non thành cổ” (Tân Huyền), "Màu hoa đỏ" (Thuận Yến)… Hay nhắc đến những ca khúc an toàn giao thông công, công chúng cũng chỉ nhớ đến ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, còn những ca khúc được trao giải qua các cuộc vận động phần lớn vẫn nằm trên giấy.
Về vấn đề này, nhạc sỹ Huy Thục bày tỏ: “Sáng tác nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bài hát “Cụ rùa” của tôi cũng được giải thưởng âm nhạc, cũng được người trong giới đánh giá cao. Nhưng đến nay, tôi gửi đi rất nhiều nơi nhưng chưa nơi nào thu âm. Những cơ quan có quyền phát ra những ca khúc này phải có những trách nhiệm cụ thể. Bởi ca khúc phải được lăn lội trong đời sống chứ bây giờ viết ra xong lại bỏ vào ngăn kéo thì viết làm gì? Chính vì vậy mà bây giờ các anh em trẻ hay viết những bài tình yêu vì chúng có đất sử dụng”.
Băn khoăn của nhạc sĩ Huy Thục đang là một thực tế. Từ nhiều năm nay luôn có khoảng cách giữa các tác phẩm được đánh giá là chất lượng với thị hiếu thính giả. Ngay tại giải thưởng âm nhạc hàng năm do Hội nhạc sĩ Việt Nam trao cũng có khoảng cách này.
Đơn cử năm 2013, hội nhạc sĩ trao 85 giải thưởng âm nhạc cho các thể loại, trong đó đa phần là giải cho các ca khúc được sáng tác trong năm. Những tác phẩm này đã được Hội đồng thẩm định của Hội nhạc sĩ đánh giá, xem xét các mặt từ bút pháp sáng tạo, chủ đề đến cách dàn dựng… tuy nhiên, mối tương tác giữa tác phẩm với thị hiếu khán giả dường như chưa được xem xét. Do đó, dù có tác phẩm hay thì vẫn không có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc.
Theo nhạc sĩ Vũ Duy Cương, một trong những lý do dẫn tới thực trạng này là chất lượng nhiều ca khúc được trao giải qua các cuộc thi, vận động chưa đáp ứng được thị hiếu của thính giả còn mang nặng thông tin tuyên truyền một cách thô sơ, lời ca cứng nhắc. Những ca khúc này có thể thể hiện rất sát những vấn đề của xã hội, nhưng chưa thật sự đi vào trái tim người nghe và cũng là nguyên nhân khiến không ít ca sĩ e ngại khi thực hiện chúng.
Nhạc sĩ Vũ Duy Cương bày tỏ: “Những bản nhạc có đời sống là những bản nhạc mà có đề tài viết ra phải được đông đảo công chúng đón nhận. Những đề tài hiện mà nhiều người cho rằng đang “nóng”, hay cần được quan tâm, những đề tài này có thể phản ánh tức thời một hiện tượng xã hội, tuy nhiên, khi người nhạc sĩ phản ảnh những điều đó qua nốt nhạc hãy phản ảnh bằng cả trái tim”.
Nếu chất lượng tác phẩm là nguyên nhân chủ quan khiến tác phẩm âm nhạc khó đi vào đời sống âm nhạc thì nguyên nhân khách quan của thực tế này được nhìn nhận đến từ phía đội ngũ ca sĩ.
Nhớ lại năm 1990, ca khúc “Sao em lỡ vội lấy chồng” của nhạc sĩ Trần Tiến giành giải của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho cuộc vận động tuyên truyền về đề tài “Dân số và Kế hoạch hóa gia đình”. Bài hát mang âm hưởng dân ca Việt Nam, lời ca dung dị như lời tâm sự, xót xa cho thân phận người con gái phải theo chồng từ thủa thiếu nữ…
Không khẩu hiệu, không dạy bảo, nhưng “Sao em lỡ vội lấy chồng” vẫn thể hiện đầy đủ tư tưởng, nội dung đề tài. Ca khúc đã được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước chắp cánh đến với công chúng và sau hơn 20 năm ra đời đến nay ca khúc vẫn được sử dụng trong các chương trình âm nhạc. Qua đó có thể thấy người tiếp sức cho các tác phẩm âm nhạc mới là ca sĩ.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Đồ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, hiện nay các ca sĩ, đặc biệt là các ca sĩ đang ăn khách rất ngại thể hiện tác phẩm mới. Đơn giản, bởi khi thể hiện tác phẩm mới luôn có một độ khó nhất định, xa lạ về phong cách cũng như thói quen, thậm chí, những chủ đề về miền núi, biển đảo, an toàn giao thông… cũng khác xa với những ca khúc về tình yêu đôi lứa mà họ hay thể hiện. Do đó, mất đi một phương tiện chắp cách cho những tác phẩm mới.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Ở đây không có mối liên thông giữa việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm. Khán giả đang nghe những tác phẩm được truyền bá trên các phương tiện thông tin, chương trình biểu diễn, liveshow… thì những chương trình đó tuyển tác phẩm theo tiêu chí chương trình. Ở đây chưa chắc đã lấy tiêu chí nghệ thuật hay âm nhạc làm chính mà thường kết hợp với gu thưởng thức của tác giả, nhu cầu của một đối tượng. Và dần dần những tác phẩm đó trở nên quen thuộc”.
Công chúng không thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm âm nhạc khi nó chỉ nằm trên giấy. Phải chăng đã đến lúc, trước mỗi cuộc thi hay một cuộc phát động sáng tác về đề tài nào đó, cũng như một Hội nghề nghiệp trao giải thưởng cho tác phẩm âm nhạc, cần quan tâm đến tầm ảnh hưởng của các tác phẩm này trong đời sống.
Thay vì trao hàng loạt giải, nên chăng dùng số tiền trao các giải phụ đầu tư cho việc quảng bá, tạo sự xuất hiện của những tác phẩm này trên sân khấu cũng như những chương trình âm nhạc đại chúng. Có thế, các tác phẩm hay mới “có đất” để sống và có chỗ đứng thực sự trong lòng công chúng.
Theo nhạc sĩ Vũ Duy Cương, một trong những lý do dẫn tới thực trạng này là chất lượng nhiều ca khúc được trao giải qua các cuộc thi, vận động chưa đáp ứng được thị hiếu của thính giả còn mang nặng thông tin tuyên truyền một cách thô sơ, lời ca cứng nhắc. Những ca khúc này có thể thể hiện rất sát những vấn đề của xã hội, nhưng chưa thật sự đi vào trái tim người nghe và cũng là nguyên nhân khiến không ít ca sĩ e ngại khi thực hiện chúng.
Nhạc sĩ Vũ Duy Cương bày tỏ: “Những bản nhạc có đời sống là những bản nhạc mà có đề tài viết ra phải được đông đảo công chúng đón nhận. Những đề tài hiện mà nhiều người cho rằng đang “nóng”, hay cần được quan tâm, những đề tài này có thể phản ánh tức thời một hiện tượng xã hội, tuy nhiên, khi người nhạc sĩ phản ảnh những điều đó qua nốt nhạc hãy phản ảnh bằng cả trái tim”.
Nếu chất lượng tác phẩm là nguyên nhân chủ quan khiến tác phẩm âm nhạc khó đi vào đời sống âm nhạc thì nguyên nhân khách quan của thực tế này được nhìn nhận đến từ phía đội ngũ ca sĩ.
Nhớ lại năm 1990, ca khúc “Sao em lỡ vội lấy chồng” của nhạc sĩ Trần Tiến giành giải của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho cuộc vận động tuyên truyền về đề tài “Dân số và Kế hoạch hóa gia đình”. Bài hát mang âm hưởng dân ca Việt Nam, lời ca dung dị như lời tâm sự, xót xa cho thân phận người con gái phải theo chồng từ thủa thiếu nữ…
Không khẩu hiệu, không dạy bảo, nhưng “Sao em lỡ vội lấy chồng” vẫn thể hiện đầy đủ tư tưởng, nội dung đề tài. Ca khúc đã được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước chắp cánh đến với công chúng và sau hơn 20 năm ra đời đến nay ca khúc vẫn được sử dụng trong các chương trình âm nhạc. Qua đó có thể thấy người tiếp sức cho các tác phẩm âm nhạc mới là ca sĩ.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Đồ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, hiện nay các ca sĩ, đặc biệt là các ca sĩ đang ăn khách rất ngại thể hiện tác phẩm mới. Đơn giản, bởi khi thể hiện tác phẩm mới luôn có một độ khó nhất định, xa lạ về phong cách cũng như thói quen, thậm chí, những chủ đề về miền núi, biển đảo, an toàn giao thông… cũng khác xa với những ca khúc về tình yêu đôi lứa mà họ hay thể hiện. Do đó, mất đi một phương tiện chắp cách cho những tác phẩm mới.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Ở đây không có mối liên thông giữa việc sáng tạo và quảng bá tác phẩm. Khán giả đang nghe những tác phẩm được truyền bá trên các phương tiện thông tin, chương trình biểu diễn, liveshow… thì những chương trình đó tuyển tác phẩm theo tiêu chí chương trình. Ở đây chưa chắc đã lấy tiêu chí nghệ thuật hay âm nhạc làm chính mà thường kết hợp với gu thưởng thức của tác giả, nhu cầu của một đối tượng. Và dần dần những tác phẩm đó trở nên quen thuộc”.
Công chúng không thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm âm nhạc khi nó chỉ nằm trên giấy. Phải chăng đã đến lúc, trước mỗi cuộc thi hay một cuộc phát động sáng tác về đề tài nào đó, cũng như một Hội nghề nghiệp trao giải thưởng cho tác phẩm âm nhạc, cần quan tâm đến tầm ảnh hưởng của các tác phẩm này trong đời sống.
Thay vì trao hàng loạt giải, nên chăng dùng số tiền trao các giải phụ đầu tư cho việc quảng bá, tạo sự xuất hiện của những tác phẩm này trên sân khấu cũng như những chương trình âm nhạc đại chúng. Có thế, các tác phẩm hay mới “có đất” để sống và có chỗ đứng thực sự trong lòng công chúng.
Ngọc Ngà- VOV