11.9.16

Ngọc Lan


Ngọc Lan hát bằng trái tim nên xét về "đẳng cấp của thanh quản" theo cái chuẩn "cơ khí" của các "thợ nhạc" có bằng cấp, cô sẽ rớt từ vòng gửi xe của các cuộc thi như "Sao Mai" hay "Tiếng hát truyền hình". Ở đó, người ta hát bằng cái cổ họng và cái đầu nhiều quá.

Nhưng với âm nhạc đích thực, cổ họng hay cái đầu chỉ là phương tiện và tạm bợ, trái tim mới là cứu cánh và dài lâu.

Các "Diva" của chúng ta ngày nay quá thông minh và quá tỉnh táo. Họ có "điên" cũng chỉ là "Xuý Vân giả dại". Họ sắc sảo như con ma-nơ-canh đúng chuẩn nhưng vô hồn, vô cảm.

Đã bao lần tôi bẽ bàng nhìn họ "ăn bánh trả tiền" cho tình ca mà lẽ ra phải là một thăng hoa tuyệt đỉnh cả thân xác lẫn tâm hồn của một đôi tình nhân...

TMP

3.9.16

Nhà Phê Bình, Lên Cung Trăng Mà Ở!

Nhà phê bình trước tiên là một người chân thật. Họ không quan trọng người ta thích hay ghét mình. Thích thì tốt, ghét cũng không sao. Họ không quan tâm nhiều đến lợi hại. Lợi thì vui, thiệt thì chấp nhận.


Nhà phê bình chỉ chăm chăm làm sao suy nghĩ thật độc lập, không thiên vị, không cảm tính và không bầy đàn. Rồi làm sao dám nói điều mình nghĩ một cách thản nhiên và vô tư.
Do đó khó mà có nhà phê bình chân chính. Nhà phê bình giỏi là hiếm nhưng phê bình chân chính càng hiếm hơn. Bởi, có những người suy nghĩ độc lập và trung thực nhưng khi nói lại lệ thuộc và giả dối. Nghĩa là không dám nói điều mình nghĩ. Bởi họ sợ. Sợ nhiều thứ: Sợ mất lòng, bị ghét, tẩy chay, cô lập, mất quan hệ, lợi ích kinh tế và cuối cùng là cô đơn.

Một nỗi sợ bình thường của một người bình thường trong sự bình thường của cuộc sống.
Do vậy muốn phê bình chân chính phải là một người phi thường vượt lên những nỗi sợ bình thường.

Nhưng người phi thường thì có mấy ai?

29.8.16

Bi Rain vs Le Roi



Bi Rain là một ca sĩ nổi tiếng thế giới, và cuộc thi hoa hậu năm nay của Việt Nam nhờ ăn theo Bi mà tăng rating đáng kể.
Nhưng nghe Bi hát rất dở. Không phải bây giờ, hay đột xuất dở mà dở từ xưa. Từ thời hưng thịnh nhất của sao Hàn này.

Nhưng Bi là ca sĩ nổi tiếng thế giới sao dám chê dở?!

Nên nhớ 'nổi tiếng" với "hát hay" trong thời đại ngày nay nó không phải luôn luôn là đồng nghĩa.
Anh ta đẹp trai và nhảy đẹp thì có nhưng hát hay thì không. Và trên thế giới này không chỉ mình Bi là như thế!


Có người hát cực dở, xấu trai và không biết nhảy nhưng vẫn nổi tiếng thì so ra Bi còn có cái để khen.

Bi biết ai không? Lệ Rơi!

May mà Lệ Rơi không đẹp trai và nhảy đẹp bằng Bi, nếu không chỗ Bi hôm qua là dành cho Lệ Rơi rồi đó! Vừa quốc hồn quốc tuý vừa đỡ tốn ngoại tệ mà rating vẫn cao.

Tran Minh Phi

VÌ SAO ĐẠO NHẠC TRONG NHẠC VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI LUÔN ỔN ĐỊNH?

(Bài viết cho báo VNCA)

Nhạc Việt đương đại trong hơn một thập niên này có một chu kỳ rất quen thuộc và có cùng một kịch bản ...ổn định, đó là: Hàng năm, khi mà Showbiz không còn chuyện gì đáng nói thì nó lại rộ lên cái chuyện ai đó dính "nghi án đạo nhạc".
Nó mãi là nghi án vì dư luận có ồn ào thế nào, báo chí có lên tiếng ra sao thì cuối cùng như cơn bão, nó cũng tan trong êm đẹp không gợn chút hổ thẹn như trời xanh mây trắng nhởn nhơ. Và, những "bị cáo" chợt vụt lên hoặc tiếp tục là những ngôi sao sáng của showbiz! Để rồi xuân thu nhị kỳ, "điệp khúc" đạo nhạc lại nổi lên cao trào rồi trở về dấu lặng, rồi lại cao trào...

15.8.16

"Mổ Xẻ" Nghi Án Sơn Tùng, Cát Tường Đạo Nhạc


(Trả lời phỏng vấn báo Giao Thông)

Nhạc sĩ Trần Minh Phi, người có uy tín trong giới âm nhạc đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với Báo Giao thông về hiện trạng âm nhạc, cũng như những nghi án đạo nhái đang ầm ĩ hiện nay.

Ca sĩ chỉ hát vì tiền và danh

Nhìn lại 2 thập kỷ qua, anh đánh giá thế nào về sự thay đổi của âm nhạc Việt Nam?

Theo tôi, hai thập niên qua âm nhạc Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Các tác giả và ca sĩ trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc, tiếp thu những cái mới của âm nhạc thế giới, từ phong cách âm nhạc đến công nghệ làm nhạc. Sân chơi âm nhạc được mở rộng, tha hồ bay nhảy. Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới ngày càng được kéo gần. Nền âm nhạc trong nước vì thế cũng đa dạng, phong phú và hiện đại, giàu tính kỹ thuật hơn.

Tuy nhiên, hạn chế là âm nhạc trong nước đang mất đi tính hồn nhiên lẫn cảm xúc thật và chiều sâu. Âm nhạc bị chi phối quá nhiều bởi tính thị trường và các bề nổi danh vọng nhất thời. Nó ồn ào mà hời hợt. Số lượng phát triển mạnh nhưng chất lượng lại nông, không còn chút bản sắc nào. Tính nghệ thuật bị hạ thấp.

6.6.16

Thư Gửi Con Gái



Con yêu ạ,

Trên đường đi mà tìm ngọc, tìm vàng, tìm kim cương thì không thể. Mình chỉ thấy cơ man nào là đá xanh, sỏi, gạch, cát và rác. Phải đào sâu xuống đất mới mong tìm thấy.

Đường đời mình đi cũng thế thôi. Người tài đức thì ẩn mình khó gặp. Còn trên cái mặt báo hay trên những tấm biển quảng cáo toàn là hạng bất tài gặp thời như chó ngáp phải ruồi hoặc khá lắm cũng là kẻ ít tài nhưng thiếu đức được tô son trét phấn để làm công cụ kiếm ăn cho người đứng sau chống lưng cho nó thôi.

Vàng, ngọc, kim cương thật không nằm ẩn sâu dưới đất thì nó cũng nằm kín trong két sắt con ơi!
Còn nếu nó lấp ló trên cổ trên tay ai đó thì chưa chắc là đồ thật con nhé!

5.6.16

Candy Art!

Thực phẩm ngọt luôn là một thực phẩm hấp dẫn vị giác của con người, đầy cám dỗ và cũng đầy hấp dẫn. Nhưng nó chỉ là một dinh dưỡng rỗng và lạm dụng một chút thôi là sẽ thành chất độc.

Trong nghệ thuật cũng có một lối sáng tác ngọt bùi như thế. Những câu thơ, bài văn, tranh vẽ, âm nhạc, phim ảnh... theo lối duy mỹ hình thức dưới cái bóng của pop art là những thứ nghệ thuật rỗng tuếch với cái áo hình thức mượt mà , sặc sỡ, vuốt ve và vỗ về. Nó rỗng tuếch tư tưởng dù cố gắng thể hiện một tư tưởng nào đó, bởi tư tưởng nó đưa ra là thứ tư tưởng nửa vời, vụn vặt và khuôn sáo. Nó rỗng tuếch tình cảm dù đang thể hiện cảm xúc rất thời đại bởi nó là thứ tình cảm bầy đàn, tình cảm của trò diễn lan truyền như vi khuẩn ebola...

2.6.16

Mây


Thú vui hồi nhỏ của tôi trong những ngày cô đơn là nhìn lên bầu trời ngắm mây.

Những ngày cô đơn thì dài và nhiều hơn những ngày không cô đơn dù khi đó tôi chỉ là một cậu bé.

Ngày không nắng không mưa thì nhìn mây dịu dàng hơn vì không quá chói chang nhưng mất đi những ráng chiều rực rỡ đầy hư ảo.

Mây đủ hình thù cho tôi mặc sức bay bổng và phóng túng trong tưởng tượng về những hình ảnh ước mơ và cám dỗ.

Mây không đứng yên, mây biến đổi ảo kỳ và trí tưởng tôi cũng thoăn thoắt thay đổi, lang bang theo chập chùng mây gió.

Hình như mây đã phản chiếu hồn tôi.

30.5.16

Không may cho Trấn Thành: Ở Mỹ Không Có Cải Lương

Danh hề Trấn Thành định cách tân và sáng tạo vở cải lương Tô Ánh Nguyệt theo phong cách cù lét của anh ấy. Thế là thảm hoạ xảy ra. Anh bị chỉ trích và cuối cùng là phải đóng tiền phạt về cái tội cách tân thành "cắt mạng" cải lương truyền thống. Không có một cái phao nào giúp Trấn Thành khỏi "chết đuối".

Trấn Thành chắc rất so bì với Mỹ Linh, khi cô cũng cách tân quốc ca và cũng bị phê phán dữ dội nhưng cô đã có cái phao từ Mỹ cứu: Ở Mỹ người ta cũng cách tân quốc ca!


Đúng vậy, những bài "phê bình lý luận" cứu Mỹ Linh và khen cô sáng tạo như...Mỹ cũng đều đưa ra một loạt các bài hát quốc ca Mỹ được biến tấu bởi nhiều ca sĩ Mỹ khác nhau để làm dẫn chứng.

Những bài này thật ra đã cũ mèm trên you tube lâu nay mà ai cũng từng nghe và xem qua một lần.
Nhưng dẫn chứng đơn sơ như vậy thì đúng là một trò đánh tráo khái niệm. Bởi vì ở đây chúng ta phải xét đến vấn đề là: Cách tân có đạt yêu cầu nghệ thuật không?

25.5.16

Opera Nửa Mùa

Obama có phát biểu một câu rất hay:

"Không ai hoàn hảo cả. Nước Mỹ và tôi cũng không ngừng bị chỉ trích, nhưng sự chỉ trích đó làm cho nước Mỹ và tôi thêm tiến bộ!"


Điều này có thể làm câu dẫn chứng cho cả vấn đề phê bình nghệ thuật. Nghệ thuật mà không có phê bình thì cũng khó mà phát triển lành mạnh. Aristoteles từ thời cổ đại cũng đã khẳng định điều đó trong triết luận về phê bình nghệ thuật của ông.

Nói riêng trong âm nhạc nước ta lâu nay người ta rất ghét và dị ứng với chỉ trích và phê bình. Họ chỉ thích ca tụng và khen ngợi. Khi bị phê phán thì hay phản ứng một cách tiêu cực như cho rằng mọi điều chê bai là...ngu dốt hoặc thiếu hiểu biết!

15.5.16

Giải Pháp Cho Phê Bình Giá trị Âm Nhạc?

Trịnh Nam Sơn

Nhân đọc được bài viết "Ai đang phê bình và định giá trị âm nhạc?" của Nhạc Sĩ Trần Minh Phi, tôi xin mạn phép đóng góp thêm ý kiến của mình về đề tài này như sau.

Bàn về tai nghe trong lý luận phê bình (LLPB) âm nhạc thì tôi xin được dựa vào quan điểm của Nhạc Sĩ Dick Grove, người nhạc sĩ chuyên nghiệp kiêm nhà giáo dục âm nhạc. Quan điểm của ông là, muốn có được một nền tảng vững trong âm nhạc chuyên nghiệp, “cơ thể” chúng ta cần có 6 cái tai để nghe! Ý của ông trong cách giải thích ví von khá hài hước này là mỗi người chúng ta đều nghe nhạc với cái tai có khả năng hoặc trình độ khác nhau:

Ai Đang Phê Bình Và Định Gía Trị Âm Nhạc?(Bài Gốc)


Việc Sơn Tùng vừa đoạt giải Cống hiến ở hạng mục“Ca sĩ của năm” làm những người chuyên môn có lòng tử tế với âm nhạc phải cay đắng mà chấp nhận rằng: Không còn nghi ngờ gì nữa giá trị nghệ thuật của âm nhạc đã chết!

Bây giờ là thời của giải trí. Giải trí là vua, là tôn chỉ duy nhất của mọi hoạt động âm nhạc. Và vì thế, cái gọi là phê bình âm nhạc, hay là những nhà phê bình âm nhạc đã hết thời và nhường chỗ cho những số đông tạp nham, những trò hề giám khảo và những lá phiếu bầy đàn. Đó mới là mốt và là thước đo khuôn vàng thước ngọc cho âm nhạc hiện nay.

Giaỉ Cống hiến khi ra đời cách đây 11 năm đã tự nhận mình là giải thưởng duy nhất có giá trị nghệ thuật trong hàng chục giải thưởng thượng vàng hạ cám thường niên về âm nhạc tại Việt Nam. Căn cứ để họ tự nhận Cống hiến là một giải thưởng mang tính chuyên môn và nghệ thuật cao là vì nó được bỏ phiếu bởi các…phóng viên báo đài về mảng văn nghệ trong cả nước thay vì chỉ do người nghe bầu chọn!

11.5.16

Ai Đang Phê Bình Và Định Gía Trị Âm Nhạc Việt?

Khi vai trò phê bình và định giá trị âm nhạc không còn thuộc về những người có chuyên môn tử tế thì âm nhạc dứt khoát chỉ đơn thuần là trò giải trí

Khi ca sĩ Sơn Tùng M-TP đoạt giải Cống hiến 2015 (diễn ra tháng trước) ở hạng mục “Ca sĩ của năm”, những người làm chuyên môn có lòng tử tế với âm nhạc phải cay đắng hỏi nhau rằng: Giá trị nghệ thuật của âm nhạc đã chết rồi sao?

10.1.16

Sến

Có một dạo cũng hơi lâu, thời gian vừa đủ biến một đứa bé thành một người dậy thì, có một nàng thiếu nữ lãng mạn đưa tôi hai bài hát của 2 kẻ si tình tặng nàng.

Đó là 2 khúc tình ca thống thiết tỏ tình với nàng.

Vốn đa tình, nàng phân vân lắm không biết chọn ai nữa. Nghe nói văn là người, nhạc cũng là người nàng bèn nhờ tôi cũng là một tên viết nhạc hết thời và lỡ bước...đi tu để tư vấn cho nàng nên chọn ai làm chồng.

Tôi thở dài: Sao em lại trao số phận em vào tay anh?
Ok, em thích thế. Anh mà không chọn được cho em thì em...chọn anh đó!

Những "Cái Chết" Được Báo Trước


Thằn lằn ăn đuôi

Một đất nước mê ca hát như VN nên chi nhiều game show về ca sĩ rầm rộ cập bến nước ta là điều phải chăng là dễ hiểu? Đến thời điểm này chính thức có thể nói trên thế giới có bao nhiêu cuộc thi hát thì VN hầu như đã có đủ. Điều này đáng mừng hay nên lo?

Mê ca hát không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với hát hay. Và với VN có khi là tỷ lệ nghịch! Thực tế nước ta đâu phải là một cường quốc về âm nhạc và càng là một tiểu quốc về nhạc Pop. Những Tiếng hát truyền hình rồi Sao Mai của nội địa cho đến Idol, The Voice…của nước ngoài chỉ được mấy mùa đầu rùm beng thiên hạ rồi từ từ nhạt dần như nước ốc vì càng ngày các quán quân và á quân của nó càng hát kém, càng nhân bản và cho nên càng nhàm. Người ta cải thiện tình hình bằng cách mua thêm chương trình mới như The X-Factor mới đây cũng chỉ là chữa cháy tạm thời vì bản chất vấn đề nó nằm ở chỗ khác: bột nghèo nàn thì làm gì đủ hồ chất lượng để trét cho đầy các gameshow kia! Bột ở đây không chỉ là chất lượng thí sinh ngày càng yếu mà còn ở bản thân những người ngồi ở ghế nóng- những nhận xét của họ ngày càng chung chung, vô vị và bọc lộ cái dốt dần dần.

14.12.15

Chuyện lạ



Có con chim lạ hót vang ở cuối cánh rừng lạ.

Đó là một mùa rất lạ, không giống như bốn mùa thường thấy.
Mà đó cũng có thể là cả bốn mùa trong một mùa.
Nhưng điều lạ nhất là tiếng hót của nó nghe rất lạ. Lạ mà hay. Vì lạ mà hay.
Có bông hoa lạ ở dưới nơi chim đậu lẩm bẩm như thế trong cơn mơ màng âm thanh dặt dìu, du dương, dịu dàng và hơi dâm mà quá lạ ấy.

Ngày qua ngày hoa lạ ân ái với tiếng hót của loài chim rất lạ.
Nó quá yêu, quá ngưỡng mộ thanh âm vừa thiên đường vừa trần gian, vừa tao nhã vừa nhục dục hơi mê.

Một ngày lạ kia, hoa lạ đánh bạo inbox cho chim lạ trên tài khoản yêu đương rằng:
Xin lỗi nghệ sĩ, chàng học nhạc ở đâu mà hát hay thế và bài hát của ai mà tuyệt thế?

Chim lạ trả lời với một biểu tượng ngạc nhiên. Chàng ngạc nhiên thật:
Ô, đó là âm nhạc à, đó là hát thật à? Nàng hoa ơi, à mà dường như hoa tím phải không? Ta mù nhạc kia mà. Nào ta có được học nốt nhạc nào đâu!

Hoa lạ hoang mang và thú vị:
Ơ, chàng đùa em không? Âm nhạc chàng rất hay, tiếng hát rất tuyệt. Mà cực đỉnh là nó rất lạ.

Chuyện Ở Quán Ồn

Trong góc quán hắn nhả khói linh tinh.
Bạn hắn thì híp mắt nhìn gái.

Mọi người nói chuyện tào lao ồn ĩ pha với mấy bài nhạc sến và diêm dúa phát ra từ cái loa China chát chúa như tiếng bà chằn chửi rủa.
Họ vừa nói vừa úp mặt vào sờ mát phôn hoặc ta bơ lét mà chém gió, bà tám, dưa lê, mắm tôm, cà chua cà chớn sau khi đã úp mặt chán chê vào đĩa cơm, tô bún hay giữa hai cái đùi ai đó. Đại khái thế.

Có vẻ đấy là một tác phẩm xếp đặt thính thị khá trừu tượng.

Hắn nói như quát vì cái cái quán ồn quá ồn. Ồn kinh:
Dân mình thật ra là "khẩu xà tâm phật" thôi!

Thằng kia nhướng mày nhưng mắt vẫn háo hức vào cái quần sóc ngắn hơi quá đà vừa lượn qua, hắn nói bằng tiếng Ăng lê cho nó tê:
Quai?

Hắn:
Suốt ngày chửi rủa, gõ bàn phím bàn chuyện chính trị, chế độ nhưng rồi cũng lủn tủn về chuồng cừu thôi!

Bạn hắn móc lỗ mũi búng tách một cái, hình như có gì đó từ đó rơi chính xác vào tách nước bàn bên cạnh:
Xời, tâm phật cái con c...Miệng hùm gan sứa thì có, má!

Nhớ

(Nhà văn Pháp Begbeder nói 'Tình yêu sống ba năm và chết'. Bạn nghĩ gì về điều này? Còn đây là suy nghĩ của tôi)

Phải em không?
Mưa xưa
Phải nàng không?
Nắng cũ
Anh nhớ buồn lẫn nhớ vui
Nhớ đắng nhớ ngọt nhớ cay nhớ nồng
Lâu không thấy em đâu
Anh nhớ
Như môi vắng hôn
Như anh ngày thơ khát sữa nhớ vú mẹ quá đi thôi.
Anh nhớ
Ngày mình hư
Em làm anh hư
Như Adam cắn trái táo địa đàng rồi mới thấy thân xác mình là tội lỗi nên lấy cây lá hồn nhiên khoác lên che giấu.


Anh làm thơ màu mè hoa lá hẹ khoe khoang khoác lác

Vì sợ tâm hồn mình trần truồng giây phút Adam

Mấy mươi năm rồi anh quyết trở lại vườn xa xăm

Cứ thả tâm hồn mình khoả thân chân thật

Thật như cái giây phút Eva bảo Adam ăn táo

Em và anh không chuyện táo mà là chuyện cà lem

Em nhìn anh lâu như cái máy tính bị treo

Nói ngập ngừng: em thèm cà lem...


Cây cà lem làm anh thành đàn ông

Làm chuyện tèm lem thế sự đua đòi

May tâm hồn anh chả bao giờ chịu lớn như cái trí óc anh ngày mỗi già thâm.


Nay anh nghe mưa xưa

Nay anh thấy nắng cũ

Khi con mimi nhà anh ứ bậy bên thềm mấy đống tâm sự vật chất

Nó vẫn đẹp như môi em khi ăn cà lem

Thật tự nhiên như tự nhiên là thật

Như em vậy

Nên anh luôn nhớ em

Không phải ba năm cũng không phải muôn năm

Nhớ đến khi nào bộ nhớ anh hư.


Trần Minh Phi

Lấp Đày Em, Đi Anh!

Trái tim em là một căn phòng trống rỗng
Anh hãy vào ngả lưng trên chiếc giường quạnh quẽ của em
Ngày của em sẽ nắng rực
Đêm của em sẽ ấm nồng
Khi anh cười khi anh vuốt ve em.


Anh đến, anh hãy đến
Lấp đầy em một khoảng trống mênh mông
Từ sâu thẳm thẳm sâu trống kinh hồn
Trái tim nhỏ cô đơn rộng hơn vũ trụ
Chỉ một vòng tay nhỏ của anh ôm em làm bé lại vô cùng
Chỉ còn bằng chiếc nhẫn cưới anh trao.


Lấp đầy em, đi anh!

Lấp đầy em bằng một hồn anh

Lấp đầy em bằng một đời anh.


Trần Minh Phi

Còn Thấy Mặt Trời...

(Hãy yêu đời, yêu người cho đến khi nào mặt trời chết)

Còn thấy mặt trời là còn thấy hi vọng
Còn thấy em là còn thấy mặt trời
Dù bình minh hay chạng vạng chiều hôm
Mặt trời khuất thì bên kia rực rỡ
Bước thời gian trườn qua đêm sẽ mở
Ánh sáng ngày ngào ngạt tựa môi hôn
Nên có lúc tìm em không thấy bóng
Anh vẫn biết em đợi ở ngày mai.
Sẽ thấy mặt trời là sẽ gặp hi vọng
Sẽ thấy em là sẽ gặp mặt trời.


Trần Minh Phi

12.12.15

Nghệ Thuật Chân Thành Và Nghệ Thuật Xã Giao

Có 2 sự tử tế: tử tế chân thành và tử tế xã giao. Trong nghệ thuật cũng thế. Có những người làm nghệ thuật tử tế, cực tử tế nhưng cứ thấy sáng tác của họ giả giả làm sao ấy. Ở đó đầy sự gồng mình, cương cứng rất là giả tạo. Như có nhiều người đối đãi với mình đúng chuẩn lịch sự, văn hoá nhưng cảm thấy khó gần gũi, thân thiện. Bởi lòng tốt đó không phải từ tâm mà từ sự huấn luyện đầy tính kỹ năng.

19.8.15

Nghệ Sĩ Đương Đại...Photoshop!


Thi thoảng tôi thường được/bị nghe người khác giới thiệu tác phẩm âm nhạc của họ. Cả trên thế giới thật và ảo. Cái làm tôi chán nhất là nghe phần tự giới thiệu về bài hát. Tôi nghĩ tự bài hát đã nói lên rất nhiều rồi. Nếu người ta có nhu cầu thêm thông tin về tác phẩm thì sau khi nghe hãy để tự họ ra câu hỏi. Có những phần giới thiệu rất văn chương hoa mỹ, kịch tính, triết lý cao siêu, cảm xúc vô bờ nhưng lên gân như lực sĩ gồng mình cứng đơ mà còn đáng nghe hơn là bài hát...nhạt nhẽo sau đó. Thành ra cái chính thành vai phụ, cái phụ thành vai chính.

 Sợ nhất là mấy ông nhà thơ viết nhạc tay trái. Thường hay lấy chữ đè nhạc mà hiếp. Âm nhạc khi nó bị bắt lẽo đẽo theo sau ca từ thì thật là chán ngắt, chưa kể đó là thứ âm nhạc vay mượn kiểu đầu Ngô mình Sở.

8.5.15

Tự Họa (1999): Nghệ Thuật vô ngã

Trong Album Tự Họa - Chuyện Phố Bên Sông (1999), tất cả sáng tác đều của Trần Tiến. Nhưng Trần Tiến và Trần Thu Hà (Hà Trần) mỗi người hát một bài. Và mỗi bài dường như chỉ riêng của một người

Trên bìa đĩa, Trần Tiến có khuôn mặt đầy đặn, nhưng lại nhiều nét gãy. Vì Trần Tiến là “gã du ca” nên phải thấy Trần Tiến hát, chứ không phải là nghe Trần Tiến hát. Trần Tiến hát bằng tay và đôi mắt, bằng điệu cười. Bản chất các ca khúc của ông cũng đều nằm trong cái điệu cười, cái điệu nhắm mắt, nghiêng đầu và phẩy tay ấy. Đó là sự nhẹ nhàng, phiêu linh. Trần Tiến luôn sử dụng những hợp âm thuộc một giọng khác, hoặc đặt hợp âm bậc 5 (hợp âm hút về hợp âm chủ) vào những chỗ không ngờ nhất, khiến cho bài hát bỗng trở nên chơi vơi phiêu lãng.

29.3.15

Tân nhạc xưa, Tân nhạc nay và Tâm hồn nghệ sĩ

Tại sao lại phân biệt xưa và nay cũng chỉ một danh từ tân nhạc?
Việt nam bắt đầu có nền tân nhạc kể từ cột mốc năm 1938 với bài “Một kiếp hoa” của Nguyễn Văn Tuyên. Tân nhạc là khái niệm chỉ một loại âm nhạc cải cách từ một nền âm nhạc truyền thống và truyền khẩu trước đây của VN nay đã được làm theo hệ thống nhạc học phương Tây. Từ đó lịch sử âm nhạc VN chuyển mình sang một giai đoạn mới. Đó là nền tân nhạc xưa, nay cũng gần 80 năm. Từ cái nôi này đã trưởng thành nên và để lại rất nhiều những danh tài và tác phẩm về âm nhạc cho nước ta [ Dĩ nhiên chủ yếu là ca khúc mà thôi]. Được xem như những đóng góp to lớn và thật sự là một gia tài vĩ đại của nhạc Việt sau này.

27.3.15

Báo Tử



Sau hội hè chém lợn, đập đầu trâu cầu vận may trong máu đỏ tanh nồng

Đất nước này mài dao chém nát hàng cây xanh cổ thụ tìm hy vọng

Rồi hùng hổ chôn sống cả dòng sông mong chờ khát vọng

Giày xéo thiên nhiên, bóp cổ môi trường

Thách thức tạo hoá, hằn học với môi sinh
Họ như những con chim điên đang cắn phá cái ổ rơm của mình
Vì ảo ảnh sân si khiến họ đui mù trong trí tưởng
Và bên dưới bầy sói thời gian đang tru lên hồi báo tử của tai ương...


TMP

Đối Thoại Với Lá



Làm sao để không mòn mõi và thất vọng?

Không mong chờ, không hy vọng!

Làm sao sống mà không hy vọng?

Bằng lòng với những gì mình có thì đâu cần hy vọng!

Những gì mình đang có là đầy tuyệt vọng thì sao?

Cứ nghĩ rằng tuyệt vọng này là hy vọng của người khác!

Sống như vậy là an phận phải không?

Chết mới là an phận. Còn sống phận còn thay đổi!

Ồ, như thế lại là hy vọng?

Vâng, sợ mòn mõi và thất vọng thì đâu phải là sống! Và hãy yên tâm trong thất vọng luôn có mầm hy vọng. Cái lá đang xanh có thể thất vọng vì không thể xanh hơn. Nhưng khi cái lá rụng đi thì cái lá mới đâm chồi là hy vọng luôn thành.

Đó là lẽ tự nhiên

Trừ cái chết!




TMP

Sắc Màu Muôn Thưở



Như câu chuyện đồng vọng của đêm còn ngấm sâu trong lòng tôi


Sau khi cảm ơn giây phút tĩnh mịch bao la đã gợi nhớ cho tôi những men nồng kỷ niệm tuyệt vời


Và lời khuyên nhủ mênh mông đã thôi thúc tôi tỉnh ngộ


Như hạt mầm nẩy mạnh lớn lên đã lan tràn trên mặt đất nâu sồng bình dị


Trên những gốc cây đã bật rễ bởi bão giông


Trên những hòn đá trơ lì năm tháng


Ở đó nhạc thời gian đã làm nên những sắc màu muôn thuở


Và đó, cuộc đời ở đấy tự bao giờ


Chỉ cho tôi thấy ở đàng kia mặt trời rực lửa


Trong lồng ngực nghèn nghẹn tình yêu


Bởi uất hận những giam cầm trí tưởng


Bởi những mùa thơ xưa đã quỵ gối mộng mơ


Tôi chợt hiểu cuộc sống vì tình yêu chứ không vì bổn phận


Và sớm mai này nếu không còn ai đến


Thì sự hối hận của tôi không còn để cho quá khứ thêm một lần phán định






Tình yêu đã làm tái hiện lại con người


Và ngôn ngữ nằm ngoài suy tưởng


Khi máu đã cạn, nước mắt đã vơi


Cái giá hạnh phúc ấy vẫn nhẹ nhàng quá đỗi






Và tôi sẽ đi


Như đứa trẻ trong đô thị vây hãm


Lần đầu được chạy trên đồng ruộng mát xanh bằng đôi chân trần không giày dép phủ bao


Thấp thoáng vài con trâu trong những bài tập đọc thuộc lòng mà vô cảm trước đây


Nhàn nhạt cơn mưa phùn tháng năm


Ngai ngái mùi rạ và phấn bụi li ti hiền dịu


Những mái tranh ngọt nồng thiên nhiên


Những đôi mắt cỏ cây mượt mà


Ôi tình yêu gần quá trong không gian xa tắp…






Em vẫn hỏi tôi vì sao hạnh phúc không thể kết hoa để quàng lên vai lên cổ như vòng hoa chiến thắng


Không thể viết lên như ngoa ngôn


Không thể trưng ra như thành tích như thành quả tự hào


Chỉ có chúng ta- trí tuệ trong đầu và tình yêu trong trái tim


Bước đi chân thật đến với hạnh phúc con người






Và thế tôi sẽ đi


Tôi sẽ đi trên mảnh đất phù sa tình yêu ngấn lệ


Và trong mỗi phút giây sẽ mỉm cười âu yếm


Với nước mắt sôi bỏng lẫn giữa tình yêu con người






TRẦN MINH PHI

Nếu...



Nếu xây một bệnh viện lớn nhất thế giới thay vì một tháp truyền hình cao nhất thế giới


Nếu xây một làng mẹ việt nam anh hùng như một khu dân cư hiện đại nhất Đông Nam Á thay cho bức tượng đài bằng đá của mẹ


Nếu thay đổi khẩn cấp những quan chức kém cõi thay vì vội vã chặt cây xanh


Nếu thay cho kỷ lục của những cái bánh to nhất là kỷ lục đóng góp cho những trại mồ côi


Nếu thay vì đổ hàng nghìn tỷ để giải vây bất động sản mà cứu lấy đầu ra cho nông sản của nông dân.


Nếu nhà quan không lớn hơn nhà dân đenNếu uỷ ban không hoành tráng hơn trường học


Nếu đày tớ thay vì nói huyên thuyên mà biết lắng nghe chủ nhân nói


Nếu quán nhậu không nhiều hơn thư viện


Nếu việc làm thay vì khẩu hiệu


Nếu thay tờ lý lịch bằng năng lực thực tế


Nếu Hiến pháp không bị bức tử bởi những chỉ thị và nghị quyết


Nếu Quốc hội không bù nhìn hình rơm


Nếu miếng cơm không hơn tiếng thơm


Nếu tự trọng thay vì tự sướng


Nếu tổ quốc đặt trên lợi ích nhóm


Nếu hàng ngàn năm không bị bán rẻ bởi trăm năm...


Nếu...


Những cái "NẾU" mà trở thành sự thật thì tôi không phải cúi mặt khi nghe đến hai chữ Việt Nam!



Trần Minh Phi

7.12.14

Hậu Sơn Tùng M-TP


Người nghệ sĩ có lòng tự trọng thì không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy bài hát của người khác về gia công thành bài hát của mình

“Chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng về nhịp điệu (6/8), tiến trình giai điệu và hòa âm nhưng không hoàn toàn giống về giai điệu. Chúng tôi không xem đây là đạo nhạc”. Phía tác giả Hàn Quốc của bài hát Because I miss you đã tỏ ra hết sức “khoan dung” khi kết luận ca khúc Chắc ai đó sẽ về do Sơn Tùng sáng tác có đạo nhạc của họ hay không.

Kết luận này là một trong những yếu tố quan trọng để Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra kết luận của mình như trên. Kết luận này của phía Hàn Quốc làm người ta đôi chút ngạc nhiên vì trước đó, khá nhiều trường hợp phía Hàn Quốc đã tỏ ra gay gắt và bất bình về vấn nạn xài chùa beat của họ trong một số bài hát ăn khách của các tác giả V-pop gần đây.

6.11.14

Chuyện về tài năng và đạo đức của sáng tác âm nhạc

Xung quanh những dư luận và tranh cãi gần đây về vấn đề đạo beat, đạo nhạc có thể thấy nổi lên một bộ phận công chúng chưa hiểu biết thấu đáo hoặc ngộ nhận về thế nào là đạo nhạc, sao chép, vay mượn, bắt chước, ảnh hưởng cũng như là lẫn lộn giữa đạo đức và tài năng của nghệ sĩ.
Thứ nhất về chuyện sáng tác trên beat nhạc có sẵn nhiều người vẫn hoang mang không biết có được hay không và có người lại còn cho rằng nó có liên quan đến hiểu biết về công nghệ hiện đại, người tiên tiến thì chấp nhận, người lạc hậu thì không(?!)

4.11.14

Sơn Tùng có đạo nhạc hay không?

Về việc có sự sao chép giữa ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng và “Because I miss you” của K-pop hay không, tôi - với tư cách là một người viết nhạc độc lập, một người nghe có chút chuyên môn, một người làm nghề đặt lương tâm ở vị trí cao nhất và loại trừ vấn đề cảm tính về cá nhân Sơn Tùng lẫn K-pop(Không quen biết, không ân oán, không phải fan của của cậu ấy hay cuồng K-pop, có thể nói là không ưa và không đánh giá cao K-pop) cũng như không đặt nó vào vấn đề tự ti hay tự hào dân tộc mà chỉ dựa trên duy nhất một tiêu chí:  Chuyên môn về sáng tác âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng.
Và tôi, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những nhận xét chính thức của mình dưới đây:

21.9.14

Nhạc 12 âm: Trật tự mới của sự bình đẳng

Âm nhạc phi điệu thức bắt đầu nhen nhóm từ đầu thế kỷ 20 với những cách tân táo bạo trong hòa âm của trường phái Biểu hiện. Sự rũ bỏ dần dần những quy luật về điệu thức kế thừa từ hàng thế kỷ trước của âm nhạc phi điệu thức đã gây sốc lớn cho thính giả thời bấy giờ.

Họ coi đây là một sự nổi loạn trong lịch sử âm nhạc, nhưng không ngờ rằng nó lại dẫn đến một trật tự chưa từng có trong lịch sử sáng tác âm nhạc.

Về Quốc ca Mỹ

Nước Mỹ vừa kỷ niệm 200 năm ngày ra đời một bài thơ về sau đã trở thành bài quốc ca Star Spangled Banner (Cờ sao lấp lánh) nổi tiếng. Điều thú vị là bài thơ mang nặng nội dung yêu nước này lại được làm ra trên một cái nền âm nhạc hết sức thiếu nghiêm túc.

Có thể nói các bài quốc ca luôn là những sản phẩm kỳ lạ, giống như một cái cây với gốc rễ cắm sâu vào quá khứ, vươn mạnh thân mình xuyên qua các yếu tố chính trị, văn hóa hiện đại.

Lời Mỹ, nhạc Anh, sinh ra trong chiến tranh Anh - Mỹ

Ví dụ ở Đức, phần nhạc trong quốc ca nước này được Joseph Haydn soạn vào năm 1797 để mừng ngày sinh nhật Hoàng đế Francis II của Đế quốc La Mã thần thánh. Bản nhạc về sau đã trở thành quốc ca của chính quyền Đức quốc xã và vẫn được sử dụng trong nước Đức hiện đại, dù phần lời đã có nhiều thay đổi.

18.9.14

Thư Gửi Mình

Sự thật xấu xa vẫn tốt hơn là cái đẹp giả dối. Một người ác vỗ ngực nhận mình ác thì vẫn hơn một người xấu mà khoác áo đạo đức. Một kẻ thù lộ mặt vẫn không đáng sợ bằng một người bạn xấu. Một hành động sai trái do dốt nát không nguy hiểm bằng một việc làm xằng bậy do mưu đồ tính toán. Dốt nát có thể cải tạo dễ hơn là ác tâm.

Người thiện mà hèn nhiều khi cũng a dua theo kẻ ác để mình được yên thân. A dua không cứ phải theo đuôi mà im lặng trước cái ác cũng có nghĩa là a tòng cái ác. Hóa ra thiện mà hèn thì cũng là một giuộc với ác.

15.9.14

Tản mạn chuyện tình và tiền của âm nhạc

Giữa thời đại thị trường thì nghệ thuật khó thoát được số phận của hàng hóa. Hoặc ít ra nó cũng phải thỏa mãn cái tiêu chí tìm đi tìm được đồng tiền để tái sản xuất ra nghệ thuật. Vậy tìm được sự bắt tay này có khả thi không và biên độ giao thoa của cái bắt tay đó có thể tối đa hóa đến tỷ lệ là bao nhiêu hạn mức? Âm nhạc là nghệ thuật nên cũng phải đối diện với bài toán khó đó.

Bản chất của nghệ thuật và thương mại rõ ràng từ khởi thủy đã không ăn nhập gì nhau nên tìm cho nó một sự đồng điệu quả là nan giải mà có người còn cho rằng bất khả thi.

Nghệ thuật là thế giới của cái Tôi lẻ loi,nó có hướng đến xã hội thì cũng thông qua lăng kính chủ quan và không hề bị áp lực bởi đám đông. Còn thương mại thì ngược lại, mục tiêu tối thượng là đám đông nhu cầu khách quan sau đó mới tính đến cái nội tại tự nó.

Cho nên thuở xa xưa, nghệ sĩ không phải quan tâm đến chuyện tác phẩm hay sản phẩm có bán được không vì họ đã được bổng lộc của vua chúa để tồn tại. Hoặc sau này là nhà nước đóng vai trò là bầu vú sữa của nghệ thuật. Cho nên họ yên tâm bay nhảy và hát ca trong lăng kính của mình.

14.9.14

Thực thi quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: 20 năm cho một cách tiếp cận cũ

(TBKTSG) - Mới đây khi nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cũng là tác giả của ca khúc nổi tiếng “Trên đỉnh Phù Vân” thân chinh đến hai địa điểm tổ chức chương trình biễu diễn “Liveshow Đêm nhạc Khánh Ly” để làm “trắng đen” tiền tác quyền một số ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng ở chương trình này, mới thấy dường như 20 năm qua, kể từ thời điểm luật hóa về quyền tác giả vào Bộ luật Dân sự (1995), đạo luật cơ bản của Việt Nam, việc thực thi quyền tác giả cũng như quy tắc hành xử trong lĩnh vực này vẫn còn sơ khai.

Vấn đề gây tranh cãi có lẽ không phải là Công ty Đồng Dao, đơn vị tổ chức chương trình không đồng ý trả tác quyền khi sử dụng tác phẩm của Trịnh Công Sơn, mà vấn đề là phải trả bao nhiêu và trả khi nào. Sự việc tranh chấp dường như trở nên rắc rối hơn khi Khánh Ly công bố bút tích có sự đồng thuận với chính tác giả, nhạc sĩ này.

7.9.14

Tài văn chương của huyền thoại Keith Richards

71 tuổi, Keith Richards - thành viên kỳ cựu của ban nhạc lừng danh Rolling Stones tiếp tục ra mắt cuốn sách quan trọng thứ hai của cuộc đời mình: Viết về thời thơ ấu.

Sự ra mắt của cuốn Gus and Me (Gus và tôi) lần này của tay guitar huyền thoại Keith Richards đang gây ra sự háo hức mong chờ lẫn những nghi ngại trong cộng đồng người đọc ở Mỹ rằng: liệu một kẻ nổi loạn, bản tính hoang dã như Keith có thể viết một cuốn sách phù hợp với độc giả trẻ em hay không khi mà trước đây trong cuốn Life (Cuộc sống), Keith đã từng thuật lại việc mình sử dụng ma túy suốt thời trai trẻ.

Lý do vì sao tôi xấu hổ khi là người Việt Nam hiện tại


Việt Nam là một trong những nước được nhiều khách du lịch đến chơi nhưng là nơi để đáng sống thì xếp danh sách đội sổ.
Việt Nam là nơi người ta nói đến dân chủ rất nhiều nhưng hành động và việc làm lại thiếu dân chủ hàng top.
Việt Nam là nơi người ta bàn tán về nhân dân nghèo đói và đất nước khó khăn bên bàn nhậu ê hè rượu bia và xập xình karaoke vui nhộn. Thay vì làm sao cho người nghèo được ngồi bên mâm cơm thịnh soạn và nhắc về những người giàu tốt bụng.

5.9.14

Vai trò của Âm nhạc đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em

Lê Nam

Âm nhạc có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống con người, đặc biệt là trẻ em. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, âm nhạc có tác dụng giúp trẻ em thông minh hơn. Đây là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do bộ giáo dục Mỹ thực hiện trong 10 năm với khoảng 25000 trẻ em. Các môn nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc đã giúp các em tiến bộ rõ rệt trong các môn toán, lịch sử, địa lý... Tạo điều kiện để cho bé tiếp xúc với âm nhạc, học chơi đàn nghĩa là bạn đã cho con cơ hội để có một nền học vấn toàn diện không chỉ về khoa học mà còn về nghệ thuật, về cái đẹp. Tâm hồn trẻ thơ vì thế sẽ thêm phong phú, đằm thắm và sâu sắc.

Đâu dám tự cho mình hơn người xưa để mà thay đổi một “kiệt tác”

Trần Văn Khê

Từ 10 năm nay Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco tôn vinh là một kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, là một danh hiệu rất lớn so với những danh hiệu sau này (Unesco đã bỏ chữ “kiệt tác” và thay thế chữ “của” bằng chữ “đại diện”), vì những lẽ đó mà việc bảo tồn và phát triển nhã nhạc Huế có phần khó khăn.
Back To Top