4.11.14

Sơn Tùng có đạo nhạc hay không?

Về việc có sự sao chép giữa ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng và “Because I miss you” của K-pop hay không, tôi - với tư cách là một người viết nhạc độc lập, một người nghe có chút chuyên môn, một người làm nghề đặt lương tâm ở vị trí cao nhất và loại trừ vấn đề cảm tính về cá nhân Sơn Tùng lẫn K-pop(Không quen biết, không ân oán, không phải fan của của cậu ấy hay cuồng K-pop, có thể nói là không ưa và không đánh giá cao K-pop) cũng như không đặt nó vào vấn đề tự ti hay tự hào dân tộc mà chỉ dựa trên duy nhất một tiêu chí:  Chuyên môn về sáng tác âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng.
Và tôi, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những nhận xét chính thức của mình dưới đây:
Đầu tiên cái cảm giác (ambience, feeling) giống nhau không có nghĩa là hai bài hát sao chép nhau. Cái cảm giác đó rất dễ nhận thấy nhất ở những bài cùng thể loại hoặc phong cách âm nhạc bởi do đặc trưng của chúng mang đến. Ví dụ, nhạc rock thì có ambience gần nhau, nhạc jazz có feeling tương đồng, vân vân và vân vân…
Việc vòng accord giống nhau? Không thành vấn đề. Cả hàng trăm bài như thế.
Tương đồng về tempo, rymth? Không sao hết. Có thể tìm ra cả ngàn ví dụ.
Độ dài bài hát như đo ni, đóng giầy? Cũng chả sao. Muôn vàn trường hợp.
Khúc thức như một? Vô tư. Qúa nhiều dẫn chứng
Như nhau về tune nhạc? Hoàn toàn chấp nhận được. Rất nhiều bài khi so sánh cho ra những tune nhạc gần gũi.
Chuyên môn về sáng tác âm nhạc gọi đó là sự ảnh hưởng. Và sự ảnh hưởng lẫn nhau trong sáng tác là chuyện không thể tránh và hoàn toàn được chấp nhận. Dĩ nhiên, ảnh hưởng thì cũng có ảnh hưởng nhiều và ảnh hưởng ít và điều này là thước đo về bản lĩnh và tài năng của người sáng tác.
Nhưng…
Cái ‘nhưng’ này mới quan trọng: Việc giống nhau một, hai các yếu tố kể trên giữa 2 bài hát không đủ căn cứ để cho rằng có sự sao chép nhưng việc giống nhau một lúc tất cả những yếu tố kể trên của 2 bài hát thì nó lại có vấn đề đặt ra hoàn toàn có căn cứ: 2 bài này là gần giống nhau và nó có vẻ như “song sinh” vì 2 nguyên nhân: Nó là trùng hợp ngẫu nhiên hoặc nó là kết quả của sao chép.
Ta thử chồng 2 bài “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng và “Because I miss you” của K-pop lên nhau bằng một phần mềm âm nhạc để xem xét kỹ hơn sau khi nghe bằng lỗ tai và nhận ra nó vừa có ambience như nhau, tune nhạc gần gũi, tempo gần bằng nhau (Hơn 130 phách/phút. Cụ thể là 134 và 133), độ dài gần y khuôn, khúc thức tương hợp và cái còn lại là rymth cũng khá tương đồng.
Trên beat nhạc của ““Because I miss you” giai điệu của “Chắc ai đó sẽ về” hoàn toàn tương thích và không có gì là xung đột thái quá để gọi là khiên cưỡng và tất nhiên ở chiều ngược lại cũng thế.
Tuy nhiên, để gọi là melody giống nhau 100% thì không có. Nhưng quan trọng, là những note nhạc của những hợp âm và các bậc chính trong vòng luân chuyển accord lại giống nhau! Nói nôm na là cái bộ khung xương sườn trong tiến hành giai điệu như nhau nhưng khi đắp lên phần “Thịt” thì có chỗ giống chỗ không. Nghĩa là ngoài những note chính tạo nên hợp âm cho bài hát thì những nốt lướt, thêu hay phụ trong 2 bài nói trên đã có biến tấu dị biệt, hoặc những chùm nốt được thâu ngắn lại hay một note được kéo dài thành chùm note. nhưng lại luôn nằm đúng trong ‘đồ thị’ tiến hành giai điệu.
Sau khi nghe bằng lỗ tai âm nhạc đi từ cảm giác đến phân tích lý tính rồi mổ xẻ cấu trúc giai điệu và cuối cùng là dùng công cụ hỗ trợ là phần mềm kỹ thuật âm nhạc. Tôi đi đến kết luận: “Chắc ai đó sẽ về” hoàn toàn có vấn đề về chuyên môn !
Gạt bỏ đi yếu tố ngẫu nhiên vì các lý do: ngẫu nhiên không bao giờ là sự lặp lại với con số nhiều trong cùng một đối tượng, một thời điểm; và theo như nhân vật có liên quan là đạo diễn Quang Huy khẳng định trên công luận là nó không trùng hợp ngẫu nhiên vì sản phẩm “Chắc ai đó sẽ về”có sự góp tay của một tập thể từ gợi ý chỉnh sửa giai điệu cho đến khâu cuối cùng là hòa âm-phối khí để sử dụng trong bộ phim của anh ấy.
Vậy thì “Chắc ai đó sẽ về” sẽ nằm trong hai trường hợp: sao chép hữu thức và sao chép vô thức.
Sao chép hữu thức là một sự cố tình lấy cắp melody của người khác để sử dụng trong tác phẩm đứng tên mình. Người cố tình đánh cắp sẽ không dại gì sử dụng 100% chất liệu của người khác vì nó chẳng khác gì”Lạy ông tôi ở bụi này” mà họ sẽ gia công xào nấu, thêm bớt, phóng tác, biến tấu thêm trên chất liệu nguồn để tạo nên tác phẩm phái sinh có ambience giống nhau nhưng xét về giai điệu thì không thể hoàn toàn như nhau.
Sao chép vô thức là sự nhập tâm thụ động khi người ta nghe bản nhạc nào đó một cách bị động ở một nơi nào đó, khi nào đó mà không thể nhớ và kiểm soát bằng sự nhận thức rõ ràng về nó, nó âm thầm len vào và ở lại trong tiềm thức cho đến một hôm bị đánh thức bởi hoạt động sáng tác âm nhạc của người nghe rồi tự nhiên phun trào lên trong dòng cảm hứng của họ mà họ cứ tưởng là của mình. Dĩ nhiên, dòng âm nhạc này trỗi lên trong cảm giác nhớ nhớ quên quên của tiềm thức thì sẽ khó lòng cho ra một giai điệu 100% giống như giai điệu nguồn ban đầu mà sẽ có những nốt hay chùm nốt dị biệt.
Với Sơn Tùng, tôi nghiêng về trường hợp sao chép vô thức, bởi cậu ấy là một người còn rất trẻ, chưa có bản lĩnh và kinh nghiệm trong sáng tác và có lẽ chưa hiểu gì về hiện tượng nghe nhạc vô thức và sao chép từ vô thức.
Không như những trường hợp như Bảo Chấn và Quốc Bảo trước đây là có những hội đồng chuyên môn được lập nên có uy tín và pháp nhân của các tổ chức nghề nghiệp như Hội NSVN hay Hội ANTP đóng vai trò như một ”tòa án” đưa ra những chứng cứ và kết luận thuyết phục cũng như sự nhìn nhận và xác nhận của các “bị cáo” thì có thể kết luận là họ đạo nhạc, trường hợp Sơn Tùng chưa có tập thể hay hội đồng nào đứng ra làm cái việc kết tội kể trên thì đương nhiên Sơn Tùng chưa thể bị gọi là đạo nhạc đứng về mặt pháp lý.
Người lên án hay bênh vực Sơn Tùng bây giờ chỉ tùy thuộc vào tình cảm quen biết, thân sơ, quan hệ công việc hay không cũng như là quan niệm về sáng tác dễ dãi hay nghiêm túc, có hiểu biết nông sâu thế nào về sáng tạo và bắt chước, về nhạc sĩ và thợ nhạc.
Cá nhân tôi, gửi đến Sơn Tùng một lời khuyên của người đi trước cũng từng vấp phải những lỗi sáng tác tương tự Sơn Tùng trong những thời gian ban đầu đi vào con đường sáng tác ca khúc: Dù bất kỳ trường hợp nào dù vô tình hay không, khi một sáng tác viết sau của mình giống một sáng tác viết trước của ai đó thì nên bỏ nó đi. Đó là lòng tự trọng của một nghệ sĩ. Nếu mình có thực tài thì mình có thể đủ sức hoặc dư sức để viết bài khác có cái riêng của mình chứ đâu nhất thiết phải ‘chịu đấm ăn xôi’ vì một bài hát như thế, có phải không?

Trần Minh Phi
 Bài viết cho congluan.vn


Back To Top