15.5.16
Ai Đang Phê Bình Và Định Gía Trị Âm Nhạc?(Bài Gốc)
Việc Sơn Tùng vừa đoạt giải Cống hiến ở hạng mục“Ca sĩ của năm” làm những người chuyên môn có lòng tử tế với âm nhạc phải cay đắng mà chấp nhận rằng: Không còn nghi ngờ gì nữa giá trị nghệ thuật của âm nhạc đã chết!
Bây giờ là thời của giải trí. Giải trí là vua, là tôn chỉ duy nhất của mọi hoạt động âm nhạc. Và vì thế, cái gọi là phê bình âm nhạc, hay là những nhà phê bình âm nhạc đã hết thời và nhường chỗ cho những số đông tạp nham, những trò hề giám khảo và những lá phiếu bầy đàn. Đó mới là mốt và là thước đo khuôn vàng thước ngọc cho âm nhạc hiện nay.
Giaỉ Cống hiến khi ra đời cách đây 11 năm đã tự nhận mình là giải thưởng duy nhất có giá trị nghệ thuật trong hàng chục giải thưởng thượng vàng hạ cám thường niên về âm nhạc tại Việt Nam. Căn cứ để họ tự nhận Cống hiến là một giải thưởng mang tính chuyên môn và nghệ thuật cao là vì nó được bỏ phiếu bởi các…phóng viên báo đài về mảng văn nghệ trong cả nước thay vì chỉ do người nghe bầu chọn!
Điều đó, chẳng qua cũng chỉ là một cách so sánh thô thiển. Để những lá phiếu bầu chọn có giá trị nghệ thuật tất nhiên nó phải do những người có chuyên môn về lĩnh vực đó quyết định. Vì vậy, cái gọi là “Những phóng viên văn nghệ” cũng chỉ là một khái niệm ô hợp, nghiệp dư và không giá trị. Làm sao các phóng viên ở lĩnh vực khác như điện ảnh, sân khấu, văn học…có hiểu biết về âm nhạc trong khi ngay cả các phóng viên chuyên về âm nhạc hiện nay có kiến thức cơ bản về âm nhạc cũng rất hiếm?! Nó may ra thật sự là một giải có chuyên môn nghệ thuật cao khi có sự tham gia của các chuyên gia, chuyên viên âm nhạc mà thôi.
Việc họ bỏ phiếu cho Sơn Tùng đã minh định điều đó và khẳng định dân trí về âm nhạc của phần đông các phóng viên âm nhạc cũng không hơn gì dân trí về âm nhạc của đa số các bạn trẻ hiện nay.
Sơn Tùng là cái tên lùm xùm về đạo nhạc năm vừa qua. Nhưng nó cũng không liên quan gì đến cái danh hiệu mỹ miều ”Ca sĩ của năm”, và anh ta cũng gây ồn ào về thói bắt chước ca sĩ Hàn trong ăn mặc, trình diễn lẫn phong cách. Điều này mới tạo nên cái rẻ tiền của danh hiệu rất kêu đó. Không thể chối cãi rằng, bất chấp kiểu ca sĩ “Gương mặt thân quen”, Sơn Tùng là lựa chọn số một của đại đa số các bạn trẻ yêu nhạc Hàn. Mà các bạn trẻ yêu nhạc của Việt Nam bây giờ cũng đồng nghĩa với yêu nhạc Hàn như mọi cơn sốt Hàn quốc khác: thời trang, phim ảnh (Mà gần đây là cuộc dội bom của “Hậu duệ mặt trời”). Tuy thế, cậu ta chỉ xứng đáng với lá phiếu mang tính giải trí hời hợt của người nghe cũng như giấy khen của đại sứ Hàn quốc khi tri ân cậu đã quảng bá văn hoá xứ Kim chi đến với Việt Nam! Nhưng để đại diện cho hình ảnh ca sĩ của Việt Nam năm qua thì Cống hiến đã trùm lên cho Sơn Tùng cái áo quá khổ dù đã cắt xén,vá víu khá tạp nham.
Nhưng điều đó cũng chỉ là hệ quả tất yếu của một nền âm nhạc vắng bóng phê bình âm nhạc tử tế. Thay vào đó chỉ là sự phê bình của số đông, phê bình của những giám khảo game show mang tính vuốt ve và kịch hoá hơn là chân thành với học thuật. Và nếu có phảng phất chút phê bình âm nhạc nào đó, nó lại không hề có chút tử tế nghệ thuật nào cả vì bị chèn ép bởi đồng tiền của các đầu nậu âm nhạc. Và các đầu nậu âm nhạc này cũng chỉ chăm chăm thoả mãn trò giải khuây dễ dãi và hời hợt của người nghe để tạm quên đi bao vấn đề thế sự đang cần tiếng nói và chung tay giải quyết của những con người sâu sắc có trách nhiệm, có tấm lòng với đất nước.
Khi vai trò phê bình và định giá trị âm nhạc không còn thuộc về những người có chuyên môn âm nhạc tử tế thì âm nhạc dứt khoát chỉ đơn thuần là trò giải trí rẻ tiền. Vì thế, xin đừng mượn danh nghệ thuật để mặc lên cho anh hề hát ca trong phòng karaoke. Không nên có kiểu”Treo đầu dê, bán thịt chó” trong các giải thưởng âm nhạc như vậy nữa!
Hiện nay,trên cả nước ta có 3 hội chuyên ngành lớn về âm nhạc: Hội nhạc sĩ Việt Nam,Hội âm nhạc Hà Nội và Hội âm nhạc TpHCM. Ngoài ra, ở các tỉnh thành khác thì có các chi hội âm nhạc nằm trong Hội văn nghệ của các tỉnh thành(bao gồm nhiều chi hội nghệ thuật khác).Trong 3 Hội chuyên ngành lớn kể trên đều có tiểu ban phê bình lý luận(TBPBLL),cho thấy các hội đều thấy rõ tầm quan trọng của PBLLAN trong việc thúc đẩy và kích thích sáng tác phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là trên mặt văn bản trong việc đề ra chức trách và phân công cụ thể cho tiểu ban này.Trên thực tế, khi nhìn vào dòng chảy sôi nổi và những biến động của âm nhạc đương đại thì vai trò của các TBPBLL này hết sức mờ nhạt, nặng tính hình thức và đầy sức ì thụ động. Thậm chí có khi làm kẻ ngoại cuộc.(Trong đó vị trí của TBLLPB của Hội âm nhạc TpHCM quan trọng nhất vì nó nằm ở trung tâm âm nhạc lớn nhất nước.)
Biên độ đời sống và thời sự âm nhạc của TBPBLL thường quẩn quanh trong các báo cáo nội bộ hằng năm. Mạnh hơn một chút là các bài PBLL trên các tờ báo chuyên ngành nhưng cũng chỉ chung chung đầy tính lý thuyết của nhà trường hơn là thực tiễn sinh động, lại không có không khí tranh luận( bởi vì những vấn đề đưa ra không có gì mới mẻ hay đột phá, lại tránh né và đầy tính giao đãi. Tất cả cái”phê”mạnh nhất chỉ đổ vào đầu nhạc trẻ với những lý luận quá phổ quát như: ”Phải bảo đảm tính hiện đại-dân tộc, sáng tác trẻ lai căng, ca từ rẻ tiền, bệnh hình thức, tính tự nhiên chủ nghĩa…”mà không có những phân tích cụ thể và mang tính cập nhật về những cái “tại sao,như thế nào…”Kể lể thực trạng và thường chỉ đưa ra các giải pháp hành chính và tuyên bố chung chung chứ ít có những giải pháp về lý luận và học thuật sát sườn.
Hơn nữa các tờ báo của Hội thường chỉ lưu hành như một bản tin nội bộ(tặng cho các hội viên như báo Âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam)hoặc quá èo uột,”chết lên chết xuống”,bán không ai mua do kỹ năng làm báo hiện đại kém(Như tờ Sóng Nhạc của Hội âm nhạc TpHCM đã bốn năm bận đình bản rối tái bản nhưng chất lượng vẫn xuống đều hoặc dẫm chân tại chỗ) Như vậy,sự tác động và ảnh hưởng của các tờ báo này trước đây và hiện tại không đáng kể trong sinh hoạt âm nhạc của cả nước.
Những hạn chế trên không hẳn do năng lực của các TBLLPB yếu mà quan trong hơn là do tính lãnh cảm và nhiệt tình âm độ của họ trước các vấn đề thời sự của sáng tác ca khúc cần nắm bắt hoặc mổ xẻ,giải phẫu một cách căn cơ. Các TBLLPB không làm được điều đó nên phê bình chỉ chạy sau lưng sự kiện,mang tính chữa cháy và nhiều khi bị gạt ra ngoài lề thời sự.
Vì thế với nền âm nhạc phổ thông ở Việt Nam(Chúng ta phải xác quyết lại dù là phổ thông nhưng nó vẫn là một bộ môn nghệ thuật) Chúng ta thấy vắng bóng hoàn toàn PBLL. Có thể nói, nếu như âm nhạc phổ thông đương đại Việt bị đánh giá thấp về sáng tạo và rất nhiều những vấn đề nhố nhăng trong các hoạt động của nó thì PBLL chỉ là cái xác không hồn, và nó cũng phải chịu trách nhiệm nặng nề trong thực trạng âm nhạc phổ thông bị khủng hoảng và loạn phát rẻ tiền vì không làm tròn chức năng của mình.
Có người nói PBLL không hoàn toàn vắng bóng. Vâng, nó có đó nhưng cũng như không. Nó như một con bù nhìn hình rơm chỉ để canh giữ nhưng con se sẽ nhỏ bé yếu đuối và yếu bóng vía. Chúng ta có PBLL, nhưng đó chỉ là một nền PBLL nghiệp dư với cảm tính cực đoan và đầy tính bạc nhược như những chú chim sẽ kia.
Tại sao nó nghiệp dư?
PBLL của ta nếu có và tham gia vào sinh hoạt âm nhạc thì cũng chỉ xuất hiện trong các bài báo do những phóng viên báo chí ít có một kiến thức đầy đủ về âm nhạc (dù là âm nhạc phổ thông) viết và nhận định
Người viết nói điều này không phải với ý chê bai các phóng viên âm nhạc, và hoàn toàn thông cảm với họ khi PBLL lẽ ra phải dành cho những nhà chuyên môn được trang bị kiến thức về chuyên ngành sâu rộng nhưng các anh chị đó buộc phải viết điều này như những tay viết thơ ngây và nông cạn vì tiếng nói của các nhà PBLL thường quá im lặng,rụt rè và đãi bôi. Lẽ ra, công việc của họ chỉ là phản ánh tình hình âm nhạc chung trên mặt bằng sinh hoạt bếp núc hoặc hậu trường mà thôi.
Vì thế những ý kiến,nhận định của báo giới cho dù là tâm huyết là đầy tinh thần trách nhiệm thì nó cũng chỉ mang tính phản ánh, tổng hợp, ghi nhận những bề nổi của tảng băng âm nhạc không hơn không kém.
Vì sao cảm tính cực đoan và bạc nhược?
Chúng ta có hàng trăm nhà PBLL âm nhạc được đào tạo từ Nhạc viện tức là những nhà phê bình chính qui.Và hằng năm vẫn đều đặn cho ra lò những nhà PBLL như thế từ trình độ Cử nhân cho đến Thạc sĩ.Họ trôi dạt về đâu và làm gì để PBLL chỉ mang một không khí âm độ và u ám mùa đông như thế?
Có 3 lý do.
-“Bằng thật học giả” và thiếu thực tiễn đời sống:
Một số sinh viên được cấp bằng nhưng tri thức của họ không tương xứng với những giá trị bảo đảm mà bằng cấp đã khẳng định theo qui chuẩn. Và phần lớn họ học để kiếm bằng “phòng thân” chứ không phải vì khao khát tri thức để thành một nhà phê bình chân chính. Mặt khác những tri thức trong nhà trường hầu hết ít được cập nhật và cơ cấu bộ môn của các nhạc viện ít theo kịp tính hiện đại.
Chẳng hạn chúng ta không đào tạo được những nhà phê bình âm nhạc đương đại. Hầu hết chúng ta chỉ đào tạo những nhà phê bình theo qui thức cổ điển. Cho nên khi phê bình âm nhạc đương đại họ đã làm một việc là mặc cái áo quá khổ cho âm nhạc phổ thông đương đại. Như thế là cực đoan.
Họ ít tham gia thật sự vào sinh hoạt âm nhạc phổ thông và chỉ nhìn những biến động và thời sự âm nhạc trong nước và ngoài nước thông qua lăng kính của sách vở kinh viện, hàn lâm (tuy bác học nhưng đã đóng băng). Như vậy là kém tính thực tiễn đời sống-là cái xanh tươi và sống động của lý luận.
-Thiếu cái dũng khí của người phê bình:
Người ta vẫn nói “nhà phê bình là một người không được ai ưa”(Nhưng chắc chắn là không ai có thể khinh) Chúng ta sợ sự phê bình thẳng thắn có thể làm mất lòng ai đó và như thế chúng ta có thể bị trả đũa, bị cô lập và có thể bị mất”sô”.Nỗi sợ mất “nồi cơm” mới thật khủng khiếp.
Có quá nhiều vùng cấm mà nhà phê bình tự đặt ra với mình và nhiều khi họ phê bình chỉ nhìn người mà không nhìn tác phẩm:một ông quan văn nghệ,một nhà kinh tế âm nhạc với những siêu quan hệ , quyền lực cao chẳng bao giờ trở thành một đối tượng bị phê bình. Nếu có cũng chỉ là phê bình vuốt ve,phê bình giả lập.
Những “bông hồng vua chúa” đó khi được mọi người khen thì nhà phê bình có tìm ra một vài con sâu trên cành lá của nó thì cũng vờ đi hoặc cố tưởng tượng ra là những giọt sương.
Kiểu phê bình đó khiến người ta nhớ đến câu chuyện ông vua cởi truồng của Andersen. Chiếc áo mà ông vua mặc là nỗi sợ vô hình khiến mọi người thấy ông sexy 100% nhưng vẫn xuýt xoa khen áo ông mặc đẹp. Cho đến khi có một em bé chưa đủ “khôn”nhận ra nỗi sợ nên mới la lên: A,Vua cỡi truồng!
-Thiếu cái tâm của con người:
Văn minh hiến pháp có câu:”Luật pháp bất vị thân”. PBLL không khác mấy. Vì phê bình chỉ dựa vào thương và ghét cá nhân thì nó chỉ còn là một công cụ hạ bệ hoặc lăng-xê chứ không còn ý nghĩa cao cả là ngọn đèn soi đường cho nghệ thuật đi lên.
Và sự thật chúng ta cũng đã chứng kiến những kiểu phê bình”khi thương cù ấu cũng tròn.Khi ghét bồ hòn cũng méo”
Cho nên PBLL thường “được” quần chúng cho là “đánh”ai đó,là một cuộc”ân oán giang hồ”được giải quyết bằng ngòi bút thay cho nắm đấm. Người trong giới thì cho rằng PBLL là một hành động “vạch áo cho người xem lưng”. Với một tập quán suy nghĩ như vậy thật khó cho những nhà PBLL thật sự nào tránh khỏi lối suy diễn về những thái độ phê bình tâm huyết của mình. Do vậy PBLL trở nên rụt rè và rơi dần vào bạc nhược.
PBLL âm nhạc chỉ có thể đứng vững trên cái kiềng ba chân:Tri thức-Dũng khí-Nhân tâm.Thiếu một trong ba yếu tố đó PBLL dễ dàng bị lật nhào xuống vũng lầy của tầm thường.
Và chúng ta đã từng thấy nó đã bị lật nhào như thế nào.
Trần Minh Phi