7.12.14

Hậu Sơn Tùng M-TP


Người nghệ sĩ có lòng tự trọng thì không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy bài hát của người khác về gia công thành bài hát của mình

“Chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng về nhịp điệu (6/8), tiến trình giai điệu và hòa âm nhưng không hoàn toàn giống về giai điệu. Chúng tôi không xem đây là đạo nhạc”. Phía tác giả Hàn Quốc của bài hát Because I miss you đã tỏ ra hết sức “khoan dung” khi kết luận ca khúc Chắc ai đó sẽ về do Sơn Tùng sáng tác có đạo nhạc của họ hay không.

Kết luận này là một trong những yếu tố quan trọng để Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra kết luận của mình như trên. Kết luận này của phía Hàn Quốc làm người ta đôi chút ngạc nhiên vì trước đó, khá nhiều trường hợp phía Hàn Quốc đã tỏ ra gay gắt và bất bình về vấn nạn xài chùa beat của họ trong một số bài hát ăn khách của các tác giả V-pop gần đây.

Nhưng đến trường hợp này, không khác gì mấy những trường hợp trước đó, thì tình hình đã trở nên rất êm xuôi và không có vướng mắc gì (?!). Một số người sực nhớ K-pop cũng lùm xùm không ít nghi án đạo nhạc Âu - Mỹ và họ từng có một triết lý sáng tác nghệ thuật giải trí theo quan điểm “Bắt chước để sáng tạo”, được khởi xướng từ điện ảnh Hàn từ thập niên 1990. Phải chăng đây là cơ sở để tác giả Because I miss you cho rằng 2 tác phẩm tương đồng nhau không có vấn đề gì về bản quyền, ngoại trừ lấy nguyên si tác phẩm của người khác và điền tên mình vào mà thôi?

Giới chuyên môn lo ngại sau sự kiện Sơn Tùng M-TP, ở Việt Nam sẽ không còn khái niệm “đạo nhạc”. (Ảnh từ Facebook của Sơn Tùng M-TP)

Trường hợp của 2 bài hát tương đồng nhau chỉ có phần giai điệu không giống nhau hoàn toàn (nghĩa là 100%, có thể chồng khít lên nhau từng mặt cắt giai điệu) nhưng có đến khoảng 70% giống nếu không phải cố tình lấy cắp và chỉnh sửa tinh vi thì chỉ có thể tin rằng đó là “tư tưởng lớn gặp nhau”, một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Điều này trong thực tế vốn vẫn xảy ra nhưng chắc chắn không một ai tin rằng sự ngẫu nhiên lại xảy ra thường xuyên có tính phổ biến và hệ thống, ngoại trừ đó là “một sự ngẫu nhiên có tính toán”!

Cũng có một thực tế khác, những nghi án đạo nhạc luôn xảy ra nơi này, nơi kia khắp thế giới và ngay cả những nơi có nền âm nhạc giải trí hàng đầu như Anh - Mỹ thi thoảng những ngôi sao và ban nhạc hàng đầu của họ cũng rắc rối chuyện ai đạo nhạc ai? Ngay cả khi “bị hại” nhờ luật sư kiện cáo nhưng hầu như chưa thấy có phiên tòa nào xử rằng: Tác giả này đạo nhạc và cấm phổ biến tác phẩm ăn cắp đó! Nó thường là nghi án và chỉ có sự tôn trọng hay coi thường của người có trình độ và chuyên môn về âm nhạc mới là lời kết án có tội hay không có tội mà thôi. Tuy nhiên, đó chỉ là sự đánh giá ngầm về đạo đức và tài năng của nghệ sĩ được xếp vào phạm trù cảm tính cá nhân dưới cái nhìn của phần đông khán thính giả.

Vấn đề đạo nhạc thật ra rất tế nhị và khó phân xử hơn việc người ta ăn cắp một tài sản vật chất cụ thể như chiếc xe hay cái điện thoại. Trong thực tế sáng tác, người ta thường bị chi phối bởi sự nhập tâm và ảnh hưởng của những tác phẩm hay tạo ấn tượng cho tai nghe của người khác để rồi từ đó vô tình lặp lại nó trong tác phẩm của mình. Đó chính là hành vi sao chép trong vô thức hay là “cầm nhầm của người khác” ngoài ý thức của mình. Liều lượng ít nhiều của sự lặp lại này cho thấy tài hoa của người viết là ít hay nhiều, là “thợ” hay “nghệ sĩ”, là học trò hay bậc thầy. Còn người cố tình lấy bài hát của người khác để làm chất liệu và ý tưởng cho tác phẩm của mình thì không bao giờ ngu ngốc sao chép lại 100% giai điệu gốc mà chế biến nó để tạo ra một tác phẩm tương đồng nhưng có giai điệu hoàn toàn không giống nhau để khó có ai bắt bẻ là đạo nhạc ngoài cái lý do rất dễ chấp nhận: ngẫu nhiên hay chỉ là ảnh hưởng!

Nghệ sĩ có lòng tự trọng thì không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy bài hát của người khác về gia công thành bài hát của mình. Trong quá trình sáng tạo, nếu nghệ sĩ bị rơi vào trường hợp sao chép vô thức thì lòng tự trọng sẽ buộc anh ta vứt bỏ và từ chối tác phẩm đó ngay lập tức!

Hậu Sơn Tùng M-TP sẽ để lại những hệ quả: Đừng bao giờ kết tội 2 bài hát tương đồng nhau là đạo nhạc, ngoại trừ nó giống nhau từ 99%-100%! Nó chỉ bị xem là đạo nhạc khi có chủ sở hữutác phẩm chủ động đi kiện và được một tòa án kết luận chính thức. Như vậy, tại Việt Nam, từ trước đến nay không có ai là đạo nhạc hết mà nó chỉ là sự tương đồng ngẫu nhiên hay ảnh hưởng âm nhạc của nhau mà thôi.

Việc sáng tác ca khúc ăn khách sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với ai thiếu lương tâm và thiếu đầu óc. Cứ bám vào chất liệu và ý tưởng xuất sắc của người khác rồi đầu tư gia công để tránh sự trùng hợp giai điệu hoàn toàn thì có thể yên tâm mình là tác giả mà không phải gặp rắc rối về bản quyền.

Những nhạc sĩ đau đáu với sáng tạo riêng của mình không nên lên án những tác phẩm na ná nhau như xuất ra từ một khuôn. Nó ăn khách và tạo hiệu ứng xã hội bằng số đông chấp nhận là được, là hợp lý (!?).

Trần Minh Phi
(Bài viết cho báo Người Lao Động)
Back To Top