29.3.15

Tân nhạc xưa, Tân nhạc nay và Tâm hồn nghệ sĩ

Tại sao lại phân biệt xưa và nay cũng chỉ một danh từ tân nhạc?
Việt nam bắt đầu có nền tân nhạc kể từ cột mốc năm 1938 với bài “Một kiếp hoa” của Nguyễn Văn Tuyên. Tân nhạc là khái niệm chỉ một loại âm nhạc cải cách từ một nền âm nhạc truyền thống và truyền khẩu trước đây của VN nay đã được làm theo hệ thống nhạc học phương Tây. Từ đó lịch sử âm nhạc VN chuyển mình sang một giai đoạn mới. Đó là nền tân nhạc xưa, nay cũng gần 80 năm. Từ cái nôi này đã trưởng thành nên và để lại rất nhiều những danh tài và tác phẩm về âm nhạc cho nước ta [ Dĩ nhiên chủ yếu là ca khúc mà thôi]. Được xem như những đóng góp to lớn và thật sự là một gia tài vĩ đại của nhạc Việt sau này.


Tân nhạc nay được tính từ khoảng giữa thập niên 80. Đây là giai đoạn VN bắt đầu mở cửa hội nhập sau chiến tranh. Khuất lấp đi sau một giai đoạn cách ly với bên ngoài cũng như mọi sáng tác đều nằm trong khuôn thước thì nền văn nghệ VN trong đó có âm nhạc như được bước sang thời kỳ khai sáng mới. Nó cũng được sáng tác trên hệ thống nhạc học phương Tây nhưng là những khái niệm và học thuật hiện đại của thế giới đương đại. Tuy nhiên, sự khác biệt lại đến từ phẩm chất nghệ sĩ và tác phẩm của 2 thời kỳ tân nhạc này. Nếu như tân nhạc xưa được đánh giá cao qua những gì nó tiếp thu từ phương tây thì tân nhạc nay cũng hấp thụ từ cũng một nguồn nhưng lại bị đánh giá thấp. Nhìn lại từ thập niên 80 đến nay cũng đã hơn 3 thập niên nhưng tài sản của tân nhạc nay rất nghèo về giá trị tác phẩm và càng ngày càng nghèo và thậm chí ở khía cạnh bi quan còn bị xem là thảm họa, nhất là khi nó bước vào giai đoạn công nghiệp âm nhạc, được mệnh danh là showbiz Việt từ khoảng giữa những năm 2000.

Vì sao?

Tân nhạc xưa chịu ảnh hưởng đậm đà cái thi vị của chủ nghĩa lãng mạn châu Âu trong văn học lẫn âm nhạc. Những Schubert, Chopin, Weber, Brahms, Liszt, Glinca, Tchaikowsky, Moussorsky, Borodin, Grieg...của âm nhạc và những Chateaubriand , Lamartine, A. de Musset, A. de Vigny, Gérard de Nerval…trong văn học đều phảng phất quanh các sáng tác âm nhạc thời kỳ này.
Tân nhạc nay cũng ảnh hưởng tương tự từ những tác giả và các dòng chảy bùng nổ của rất nhiều thể loại và phong cách khác nhau của văn nghệ hậu hiện đại và đương đại.
Nhưng tại sao tân nhạc xưa tuy chịu ảnh hưởng những yếu tố bên ngoài nhưng lại tạo được dấu ấn riêng và chạm đến được tâm tư , tình cảm người nghe một cách tinh tế. Tác phẩm của họ được nhìn nhận như một sáng tác đúng nghĩa và chứa đựng một nội hàm nhân văn cao. Tất cả đều nhờ vào 2 yếu tố cơ bản: tâm hồn chân thành và cái phông văn hóa nho giáo còn thơm tho trong họ. Cho nên, tân nhạc xưa giá trị không phải là ở chỗ kỹ thuật hay học thuật cao cường- vì nó cũng chỉ lặp lại của phương tây trong một chút giao thoa tự nhiên với âm nhạc cổ truyền mà giá trị chính là cái lay động đến từng tế vi mỗi cung bậc xúc cảm của con người. Mà suy cho cùng, cái đích đến và cứu cánh của nghệ thuật cuối cùng là trái tim con người mà thôi. Mọi thứ khác còn lại chỉ là con thuyền đưa người nghệ sĩ vượt sông sáng tạo.

Trong khi đó, tân nhạc nay lại không được như vậy. Khi mở cửa cũng là lúc yếu tố thị trường bắt đầu chi phối mọi thứ. Cộng thêm một phông văn hóa móp méo và vụn vặt do hậu quả của một nền giáo dục trong thời kỳ bao cấp tạo nên. Nhất là tư duy văn chương khuôn mẫu do phương pháp dạy văn theo mô hình toán học đã góp phần tạo nên một thế hệ nhạc sĩ quen bắt chước kiểu vẹt và ăn sẵn mọi thứ dẫn đến lười tư duy mở và sáng tạo.

Một nền âm nhạc bị đình trệ bởi chiến tranh mấy mươi năm, rồi sau đó là bị gò bó, đứt khúc trong giai đoạn đóng cửa với thế giới bên ngoài. Cho đến khi cánh cửa hội nhập vừa ngại ngần hé mở ra chưa kịp hưởng ánh sáng và gió mới thì bị ngay móng vuốt của thị trường vồ lấy. Những nghệ sĩ trẻ chỉ còn biết tiếp thu và ăn đong cái có sẵn của thế giới trong cái phông văn hóa thấp nhưng lại còn chịu sự tác động của đồng tiền thì tất nhiên họ không còn hồn vía ở đâu để mà chuyển tải nó vào tác phẩm của mình. Cho nên, cũng như tiền nhân, họ cũng học cũng tiếp thu từ phương tây- mà thời kỳ của họ điều kiện học và tiếp thu lý tưởng hơn rất nhiều thế hệ xưa- nhưng họ cũng chỉ dừng ở mức nhai lại một cách vô hồn và vô cảm những gì mà họ vay mượn để đưa vào sáng tác của mình. Nếu như tân nhạc xưa vay mượn rồi ít nhiều trả lại được nơi vay, thì tân nhạc nay mãi mãi là con nợ ngập đầu ngập cổ mà thôi.

Vậy điều khác biệt cơ bản nhất và cũng là cái tạo nên 2 phẩm chất nghệ thuật trái ngược nhau của tân nhạc xưa và nay dần dần đã sáng tỏ: Một đằng là tâm hồn nghệ sĩ chi phối bởi một nền văn hóa có cội rễ mạnh, một nơi là danh lợi lên ngôi nấp sau một phông văn hóa thấp.

Trần Minh Phi
Back To Top