8.5.15

Tự Họa (1999): Nghệ Thuật vô ngã

Trong Album Tự Họa - Chuyện Phố Bên Sông (1999), tất cả sáng tác đều của Trần Tiến. Nhưng Trần Tiến và Trần Thu Hà (Hà Trần) mỗi người hát một bài. Và mỗi bài dường như chỉ riêng của một người

Trên bìa đĩa, Trần Tiến có khuôn mặt đầy đặn, nhưng lại nhiều nét gãy. Vì Trần Tiến là “gã du ca” nên phải thấy Trần Tiến hát, chứ không phải là nghe Trần Tiến hát. Trần Tiến hát bằng tay và đôi mắt, bằng điệu cười. Bản chất các ca khúc của ông cũng đều nằm trong cái điệu cười, cái điệu nhắm mắt, nghiêng đầu và phẩy tay ấy. Đó là sự nhẹ nhàng, phiêu linh. Trần Tiến luôn sử dụng những hợp âm thuộc một giọng khác, hoặc đặt hợp âm bậc 5 (hợp âm hút về hợp âm chủ) vào những chỗ không ngờ nhất, khiến cho bài hát bỗng trở nên chơi vơi phiêu lãng.




Bài Mùa Thu Trắng giọng Mi Thứ (Em) xuất hiện hợp âm (Dm) khiến cho câu thứ ba có cảm tưởng thuộc giọng La thứ

(Am) Lá bay buồn như chiếc (Em) lá bay

(Am) Bóng cây đổ dài những (Em) bóng cây

(Dm) Nhớ nhung mùa thu xa (Am) vời vợi

Bài Ngẫu Hứng Phố giọng Mi Thứ (Em) hợp âm hút bậc 5 (B7) lơ lửng xuất hiện ngay sau hợp âm bậc 7 (D) vốn dùng để đẩy cao trào bài hát. Thêm nữa, rất có thể xuất hiện cả hợp âm Mi trưởng (E) vốn thuộc giong La Thứ.

Hà Nội mùa thu (D) bạn bè tuổi thơ (B7)

Lội dòng sông phố (E) nô đùa (Am)

Nói cách khác, giai điệu ấy khi chúng ta tưởng là một tiếng thở hắt ra, thì lại là hít vào lồng ngực, một thứ không khí nửa trong vắt nửa khói thuốc đê mê.

Nhưng trên bìa đĩa, khuôn mặt Hà Trần bị che mất. Người ta hiểu ra ngay đó không phải là sự xuất hiện của hai chú cháu. Mà là hai hình hài: một người là nhân ảnh, một người là thanh âm. Kể từ sau Tự Họa - Chuyện Phố Bên Sông, người ta không bao giờ thấy Hà Trần hát những bài hát với sự khác nhau cao độ đến thế nữa. Tưởng như cô hát Phố Nghèo xong, mấy năm sau cô mới hát tiếp bài Mùa Thu Trắng. Có lẽ cũng bởi đó không phải là Album mang tên “Tiếng hát Trần Thu Hà” mà chỉ là câu chuyện Phố Bên Sông. Cô không giới thiệu giọng hát mình, mà đang bộc lộ tâm tình của Trần Tiến

Cách đây bốn năm (2011), khi Hà Trần ra tập thơ đầu tay (Thập Kỷ Yêu -NXB Hội Nhà Văn 2011). Cô tin rằng đó là cơ hội duy nhất để cô được hát lên thực sự tiếng lòng mình, miêu tả thực sự về tâm hồn mình. Tập thơ in ra, trình bày đẹp, báo chí ngợi ca, giá bán cực đắt. Nhưng tôi thừa nhạy cảm để nhận ra đó chỉ là một tác phẩm hạng trung bình. Nó giống như bao tập thơ khác: đèm đẹp và nhàn nhạt. Thế chẳng phải tâm hồn cô đấy sao? Nhưng hãy nghe Hà Trần hát nhiều ca khúc của Trần Tiến, của Thanh Tùng, của Quốc Bảo. Người ta thấy ngay một sự khác biệt: Hà Trần dường như nói ra rất chính xác tâm tình của nhạc sỹ bằng chất giọng của mình… Khác với Thu Phương - cô luôn biến bài hát thành đời mình, và chỉ hát từ nỗi đau đời mình. Nào, hãy nghe Mùa Thu Trắng, Dòng Sông Mùa Thu…

Hà Trần hát: nhưng có giọng Trần Tiến trong ấy (hãy để ý những âm mũi, cách nhấn dấu nặng…). Nhưng có ai bảo đấy không phải Hà Trần, không phải tâm hồn cô? Chỉ có cô mới hát được những ca khúc ấy, đến nỗi khi nghêu ngao, chúng ta phải biến mình thành Hà Trần để hát. Những Mùa Thu Trắng, những Em về Tóc Xanh… chính là Hà Trần - nơi mà cô đẹp nhất - không phải trong tập thơ kia.

Có một khoảng cách giữa lấy nghệ thuật để vẽ mình và lấy mình để cháy cho nghệ thuật. Người ta chỉ đẹp ở trường hợp thứ hai, mà có khi người ta cũng chẳng hay biết. Thế mới nói, cái gì gọi là bản ngã? Thực ra chỉ là một danh từ, một ký hiệu. Tự Họa như thế không còn là vẽ mình nữa, mà ở đây nghĩa là: Trần Tiến và Hà Trần đã lấy mình để họa lên nghệ thuật.

Đức Anh


2015 - vinh danh một âm nhạc tôi yêu

(Bài tác giả gửi cho blog Trần Minh Phi. Thể hiện quan điểm riêng của tác giả)


Back To Top