5.9.14

Vai trò của Âm nhạc đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em

Lê Nam

Âm nhạc có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống con người, đặc biệt là trẻ em. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, âm nhạc có tác dụng giúp trẻ em thông minh hơn. Đây là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu do bộ giáo dục Mỹ thực hiện trong 10 năm với khoảng 25000 trẻ em. Các môn nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc đã giúp các em tiến bộ rõ rệt trong các môn toán, lịch sử, địa lý... Tạo điều kiện để cho bé tiếp xúc với âm nhạc, học chơi đàn nghĩa là bạn đã cho con cơ hội để có một nền học vấn toàn diện không chỉ về khoa học mà còn về nghệ thuật, về cái đẹp. Tâm hồn trẻ thơ vì thế sẽ thêm phong phú, đằm thắm và sâu sắc.

1. Giáo dục âm nhạc - đó không phải chỉ là đào tạo nhạc công mà là đào tạo con người.

Những hoạt động âm nhạc giúp trẻ vừa rèn luyện những kỹ năng ngôn ngữ, vừa được học cách tương tác tích cực với những người khác trong xã hội.

“Âm nhạc giúp trung tâm xử lí ngôn ngữ của não phát triển tốt hơn. Những trẻ được phát huy khả năng âm nhạc ở độ tuổi sớm nhất sẽ giúp cho việc học tốt hơn những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình không có cơ hội tiếp cận với âm nhạc”_Giáo sư Michael Schulte- Markwort, thuộc Viện Tâm lý trẻ em ở bệnh viện của đại học Hamburg, Đức.

2. Âm nhạc giúp trẻ phát triển nhân cách toàn diện

Thứ nhất là về nhận thức: Các nghiên cứu về thần kinh cho thấy, sự tiếp xúc với âm nhạc có thể thiết lập được phản xạ có điều kiện ở trẻ, đồng thời thúc đẩy trí thức của bán cầu trái, phát triển khả năng nhận thức và các kỹ năng lập luận phức tạp.

Thứ hai là về ngôn ngữ: Kinh nghiệm tiếp cận với âm nhạc giúp trẻ sử dụng ngôn ngữ để miêu tả, cách phát âm thông qua việc lắng nghe và hát.

Thứ ba là về thể chất: Việc vận động theo nhạc giúp trẻ phát triển cơ bắp và các tố chất như độ bền, độ linh hoạt, dẻo dai, tính chính xác, sự nhanh nhạy, sự cân bằng, sự khéo léo…. Theo các nhà tâm lý học, vấn đề mấu chốt của việc vận động theo nhạc nằm ở mối tương quan giữa hoạt động thể chất và hoạt động trí não. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự luân phiên giữa vận động thể lực và vân động trí não có tác động tích cực đến sức khỏe của con người, nhờ đó cường độ và chất lượng của hoạt động trí não được nâng cao.

Thứ tư là về thẩm mỹ: Âm nhạc giúp hình thành ở trẻ em khái niệm về cái đẹp, về không gian….

Thứ năm là về Cảm xúc và hiểu biết xã hội: Âm nhạc tạo cở hội cho trẻ được thể hiện cảm xúc của mình và kích thích sự hiểu biết văn hóa của các vùng miền trên thế giới.

Trong luận văn “Nghiên cứu và phân tích một số giáo trình Piano cơ bản cho trẻ nhỏ”, chúng tôi đã nêu ra những lợi ích của việc cho trẻ nhỏ học Piano. Lợi ích thư nhất là khả năng xử lý những áp lực trong cuộc sống. Học Piano giúp các em trở nên thành thạo trong việc xử lý căng thẳng như một phần tự nhiên của việc học. Các học sinh học Piano có thể học để đối phó với nhịp đập con tim đang rất nhanh, những ngón tay run rẩy, lo âu, mất tập trung trong một nỗ lực để kiểm soát dây thần kinh của một người. Để tránh tình trạng lúng túng, một học sinh có thể đầu tư thời gian để đạt được kết quả tối đa của mình.

Lợi ích thứ hai là khả năng phản ứng với những lời chỉ trích. Học sinh Piano học cách làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của một người cố vấn, trong trường hợp này là giáo viên dạy Piano của các em. Học sinh học cách chấp nhận lời khuyên và thông tin phản hồi từ giáo viên của họ, những người mà họ xem là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Trẻ em sẽ suy nghĩ người lớn hơn, quan tâm đến những ý kiến ​​khác nhau chứ không chỉ của riêng mình, thực hành ứng xử và hoàn thiện mình hơn.

Lợi ích thứ ba là khả năng để đối phó với chiến thắng cũng như thất bại, thử thách bản thân qua các buổi biểu diễn công cộng trong trường học và các sự kiện xã hội. Dù bằng cách nào, những dịp giúp các học sinh “cọ xát” cũng cung cấp cho các em rất nhiều kinh nghiệm thực tế để vươn lên.

Những khó khăn trong quá trình học Piano sẽ tôi luyện ý chí vượt khó và nếp tư duy khoa học, linh hoạt trước một vấn đề nan giải. Biết chơi một nhạc cụ như Piano (nhạc cụ vua của các nhạc cụ) là một niềm tự hào của mỗi học viên. Ở từng cấp độ đều có những giá trị riêng đáng tự hào riêng. Lợi ích tổng thể của học Piano là kỹ năng ngoại vi có được trong quá trình làm chủ nhạc cụ.

Những trẻ em của chúng ta có thể không giỏi xuất sắc như một nghệ sĩ piano biểu diễn phòng hòa nhạc, các con có thể trở thành bác sĩ, luật sư, doanh nhân, kỹ sư, nhà văn, giáo viên ... Tuổi niên thiếu các con học Piano là một thử thách đặc biệt khi được rèn luyện nhiều kỹ năng về thể chất và tinh thần mà cây đàn đòi hỏi.

Ngoài việc nêu ra một số các lợi ích của việc dạy đàn Piano cho trẻ, vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học đã được giới thiệu và phân tích một số giáo trình học đàn Piano dành riêng cho trẻ nhỏ do các nhà sư phạm nước ngoài nổi tiếng biên soạn. Kết hợp với những kinh nghiệm sư phạm của bản thân và đồng nghiệp, tác giả luận văn đã nêu ra một số nhận định mang tính định hướng trong quá trình giảng dạy để giúp các em nhỏ có thể nhớ, nắm vững các kiến thức cùng kỹ năng cơ bản trong giai đoạn đầu học đàn một cách hiệu quả nhất.

Trong luận văn này, đưa ra 4 giáo trình Piano cơ bản để tìm hiểu và phân tích. Mỗi giáo trình là một phương pháp, cách dẫn giải riêng cho từng độ tuổi cũng như hình thức học. Giáo trình thứ nhất được nói đến: Bastien Piano Basic – Primer Levelcủa tác giả James Bastien, đây là giáo trình giành cho trẻ khi bắt đầu học đàn ở độ tuổi từ 4 - 5 tuổi, được hệ thống kiến thức nhạc lý cũng như các kỹ năng chơi đàn. Các em sẽ được làm quen và học từ vị trí nốt nhạc trên đàn, trên khuông nhạc, âm hình tiết tấu, các ký hiệu âm nhạc cơ bản, bài thực hành luyện tập, hợp âm…Qua những bài luyện tập thực hành sinh động phù hợp cho từng bài học.

Một giáo trình hữu ích kế tiếp phải kể đến có tên là Sunbeam 1 – của tác giả Frances Balodis. Cuốn sách này là giáo trình độc quyền của tổ chức Music for young children (MYC) – Canada. MYC được thành lập vào năm 1980 tại Canada do Frances Balodis là một giáo viên âm nhạc, đồng thời cũng là một chuyên gia về trẻ em, sáng lập nhằm mục đích tạo môi trường dạy nhạc chất lượng cao cho trẻ. Phương pháp giảng dạy năng động của Frances Balodis kết hợp giữa kĩ năng chơi đàn và phương pháp sư phạm trong giáo dục cho trẻ nhỏ, nhằm khuyến khích các em trong học tập và tạo sự hào hứng khi đến lớp. Phương châm của MYC là giúp trẻ có thái độ vui vẻ trong học nhạc. Âm nhạc cho Trẻ nhỏ thiết lập nên một cấu trúc chặt chẽ cần thiết cho việc học nhưng vẫn để trẻ tự do tư duy. Trẻ có thể tự xác định mục tiêu trong một môi trường tích cực và hấp dẫn. Ngày nay tại Canada , chương trình MYC được coi là chương trình dạy âm nhạc uy tín chất lượng nhất cho trẻ em.

Chương trình MYC đã có mặt tại Canada, Mỹ, NewZeland, Singapore, Hàn Quốc , Malaysia , số lượng học sinh đã lên đến con số hơn 24.000. 66% học sinh tiếp tục học nhạc trong các năm tiếp theo và 90% trong số 800 giáo viên quyết định tiếp tục giảng dạy cho thấy chất lượng của chương trình. Chương trình MYC – “Âm nhạc cho trẻ nhỏ” là một chương trình hợp tác đầu tiên giữa Canada và Việt Nam để mở ra trung tâm dạy piano cho trẻ em tại 2 địa điểm trên đia bàn Hà Nội.

Giáo trình thứ 3 nhắc đến là Piano Time 1 của tác giả Pauline Hall. Cô tốt nghiệp Nhạc viện Hoàng gia Anh, sau đó cô giảng dạy trong các trường học và dạy gia sư. Trong khi sinh sống và giảng dạy ở Harrogate cô cảm thấy sự cần thiết phát triển kỹ năng của một gia sư theo cách mới. Cô bắt đầu bằng cách viết giai điệu nhỏ trong vở học sinh, và từ đó cơ sở hình thành của những cuốn sách giáo trình: For Ten Fingers; và hàng loạt những tuyển tập Piano Time.

Piano Time 1 là một trong những giáo trình thuộc nhóm tuyển tập Piano Time của tác giả. Giáo trình bao gồm nội dung chương trình học nhạc lý cơ bản và những bài tập ngắn luyện kĩ năng đàn do chính tác giả sáng tác.

Khác với 2 giáo trình Bastien Piano Basic và Sunbeam 1, dành ra nhiều thời gian khởi động với những bài thực hành luyện tập kĩ năng chơi đàn qua những âm hình tiết tấu, hình tượng, kí hiệu... Đối với giáo trình này tác giả giúp học sinh rút ngắn khoảng thời gian bằng bài học đầu tiên giới thiệu ngắn gọn cô đọng vị trí nốt nhạc trên đàn của các phím trắng, ký hiệu nốt nhạc, khuông nhạc, khóa nhạc và số ngón tay được trình bày xúc tích bằng những hình minh họa dễ hiểu.

Giáo trình cuối cùng được tìm hiểu và phân tích trong luận văn là “Die Russische Klavierschule” của nhà biên soạn Alexander Nikolajew. Tác giả của giáo trình này là người Nga. Do chất lượng đã được kiểm nghiệm hàng nửa thế kỷ nên người Đức in lại để phát hành rộng rãi. Giáo trình là tuyển tập 164 bài luyện tập và tác phẩm nhiều thể loại của các nhạc sĩ khác nhau được tác giả tổng hợp biên soạn lại với mức độ từ dễ đến khó dành cho lứa tuổi lớn có thể từ 7 tuổi trở lên bởi tiến độ của chương trình học khá nhanh, mức độ khó của bài cũng được đẩy nhanh hơn so với các giáo trình kể trên.

Những giáo trình này phù hợp với từng lứa tuổi và nhu cầu của mỗi học sinh. Những em tham gia học Piano không theo chuyên nghiệp các giáo viên có thể lựa chọn một số giáo trình trong nhóm không chuyên, “Sunbeam 1”; “Piano time 1”;“Bastien Piano – Primer Level” mà luận văn chúng tôi có đề cập đến. Những em học sinh với mong muốn được theo học chuyên nghiệp thì chúng ta có rất nhiều các giáo trình đã được trải nghiệm kết quả qua bao thế hệ, các giáo viên cũng có thể dùng giáo trình “Die Russische Klavierschule” nhằm tạo một bước tiền đề khởi đầu vững chắc cho những luyện tập gắn bó lâu năm với cây đàn Piano sau này.

Như vậy, có thể nói, việc giới thiệu và đánh giá một số giáo trình cũng như đưa một số kinh nghiệm sư phạm vào việc giảng dạy Piano cho các em nhỏ chính là góp phần đặt nền móng cho các em được tiến bước xa hơn, vững chắc hơn trên con đường nghệ thuật./.

Back To Top