10.1.16

Những "Cái Chết" Được Báo Trước


Thằn lằn ăn đuôi

Một đất nước mê ca hát như VN nên chi nhiều game show về ca sĩ rầm rộ cập bến nước ta là điều phải chăng là dễ hiểu? Đến thời điểm này chính thức có thể nói trên thế giới có bao nhiêu cuộc thi hát thì VN hầu như đã có đủ. Điều này đáng mừng hay nên lo?

Mê ca hát không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với hát hay. Và với VN có khi là tỷ lệ nghịch! Thực tế nước ta đâu phải là một cường quốc về âm nhạc và càng là một tiểu quốc về nhạc Pop. Những Tiếng hát truyền hình rồi Sao Mai của nội địa cho đến Idol, The Voice…của nước ngoài chỉ được mấy mùa đầu rùm beng thiên hạ rồi từ từ nhạt dần như nước ốc vì càng ngày các quán quân và á quân của nó càng hát kém, càng nhân bản và cho nên càng nhàm. Người ta cải thiện tình hình bằng cách mua thêm chương trình mới như The X-Factor mới đây cũng chỉ là chữa cháy tạm thời vì bản chất vấn đề nó nằm ở chỗ khác: bột nghèo nàn thì làm gì đủ hồ chất lượng để trét cho đầy các gameshow kia! Bột ở đây không chỉ là chất lượng thí sinh ngày càng yếu mà còn ở bản thân những người ngồi ở ghế nóng- những nhận xét của họ ngày càng chung chung, vô vị và bọc lộ cái dốt dần dần.
Tại sao họ vẫn sung sướng khoe dốt trước hàng triệu người và nhất là những người có chuyên môn và hiểu biết? Nhưng tại sao biết những cuộc thi hát như thằn lằn ăn đuôi mà người ta vẫn làm và vẫn tìm mua bản quyền chương trình mới? Đơn giản thôi vì nó còn giúp họ hái ra tiền: Nhiều nhất là nhà sản xuất, rồi đến nhà đài, cuối cùng là những cái ghế nóng hâm hấp hơi tiền. Còn các thí sinh thì như bầy ruồi bị hấp dẫn bởi những mật ngọt của showbiz ở tương lai. Điều này thể hiện ở quan điểm gần đây nhất trong The X-Factor- nhà sản xuất sẽ mời một giám khảo không vì chuyên môn mà vì người đó vừa gây hot bởi những scandal tình-tiền vừa qua. Đến nước này đành bó tay nhìn “cái chết” không xa.

Ăn bám vào người khác

Những nhạc sĩ đang hãnh tiến trong showbiz Việt đang ảo tưởng về những sáng tác gọi là hiện đại của họ. Trong khi họ lo sợ cho vị trí của mình bị tấn công bởi những sáng tác xưa cũ chợt ào về, hay đúng hơn nó sống lại như một qui luật của giá trị bất hủ thì họ lại kết án đó chỉ là ăn bám quá khứ, là biểu hiện của thị hiếu dễ dãi và lười biếng thì khôi hài thay chính họ cũng đang đu quay trong cái vòng dễ dãi và lười biếng đó. Có điều họ không ăn bám vào quá khứ mà họ đang ăn bám vào những yếu tố gọi là hiện đại của nước ngoài! Họ không ăn mày dĩ vãng mà ăn mày hàng xóm. Hãy nghe qua các sáng tác của họ. Một là sự pha trộn cẩu thả Đông-Tây, Kim-Cổ mà họ ngỡ là dân gian hiện đại đầy sáng tạo. Hai là khoác áo đương đại nhưng chỉ may vá một cách thô vụng những cái kém nhất của nước ngoài. Tất cả được nhân danh là học hỏi, là cập nhật trên tinh thần tiếp thu có sáng tạo. Nhưng với cái tai người biết nghe nhạc thì sản phẩm của họ hay lắm cũng chỉ mới là bài kiểm tra của anh học trò nộp vội lại cho thầy mà thôi. Với một nền tân nhạc đương đại như vậy nếu không thay đổi thì nó chỉ là cái xác nghệ thuật đang sống đời thực vật.

Dở thầy dở thợ

Cái buồn của nhạc Việt là làm thầy cũng không xong mà làm thợ cũng chẳng được. Hàng chợ thì quá chợ trời không thương hiệu. Bao năm học và nhái nhạc chợ - siêu thị của Tàu rồi Hàn rồi cũng chỉ hài lòng với cái chợ chồm hổm ven hè. Nhưng cũng ngây thơ ảo cuồng với mấy cái giải quốc tế liên hoan thuần về hữu nghị và tiếp thị của các đại gia âm nhạc nước ngoài mà tự ru mình bằng những danh xưng chém gió: Diva, ông hoàng, siêu sao, nữ hoàng, hoàng tử với công chúa… Trong khi đó, bộ phận tự cho mình có học và tự xếp vào loại sang và tiên phong thì chân trong chân ngoài vừa showbiz vừa kinh viện, vừa bài cổ vừa sao chép ngoại. Chưa đủ uy tạo thanh thế trong nước đã vội ra ngoài khoe khoang nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu nghi ngại hoặc thở dài thương hại. Cùng lắm cũng chỉ nghe lời vỗ về : cố lên! Trong nước thì lấy tinh thần AQ: công chúng không đủ trình độ để thưởng thức. Nước ngoài thì đổ lỗi khách quan: VN chưa có điều kiện để thế giới biết đến để nghe hết các sáng tác đương đại của giới học thuật.


Những vòng quay lửng lơ vô hướng, những màn tự ăn đuôi, những tư duy sáng tạo ăn bám, những ảo tưởng vụn vặt, những học hỏi chưa trưởng thành nhưng mau chóng bị hút vào đồng tiền của nhạc Việt là những tín hiệu phát ra cho những cái chết đã được báo trước. Nó không đột tử, mà chết dần dần, rồi đi vào lâm sàng. Nhạc Việt đang ở trong giai đoạn lâm sàng đó. Chỉ mong sao cái chết đến nhanh. Để từ đó chúng ta mong đến một sự phục sinh để bắt đầu cho một chu kỳ mới tốt đẹp hơn cho nhạc Việt.

Trần Minh Phi
Back To Top