25.11.13

Trò chuyện với nghệ sĩ Nam Lộc về phong trào nhạc trẻ thập niên 60-70 [Phần 1]



Bài này do Khôi An ghi lại từ chương trình “Câu Chuyện Âm Nhạc” của Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi (Houston) do Hoàng Lan Chi phụ trách và được hiệu đính bới nghệ sĩ Nam Lộc. Hình ảnh cũng do nghệ sĩ Nam Lộc cung cấp. Muốn nghe xin vào link của Câu Chuyện Âm Nhạc tại đây: (http://www.thegioinguoiviet.net/forumdisplay.php?f=134)

LC: Xin chào nhạc sĩ Nam Lộc. Tìm hiểu về dòng nhạc trẻ cuả Việt Nam vào thập niên 60, 70 thì nhiều người đã phỏng vấn cố nghệ sĩ Truờng Kỳ. Nhưng đuợc biềt ông, cố nhạc sĩ Tùng Giang, và cố nhạc sĩ Trường Kỳ là một bộ ba rất thân thiết với nhau, nên hôm nay chúng tôi xin mạn phép trò chuyện với ông về đề tài đó.


Trước hết xin ông vui lòng cho biết nhạc trẻ vào thập niên 60 ám chỉ dòng nhạc nào, do ai khởi xướng? Một cá nhân, một nhóm người hay nhiều người cùng lọat ở nhiều không gian khác nhau nên khó xác định tác giả thực sự?

NL: Vâng thưa cô LC và thưa quý vị, thực sự vào đầu thập niên 60 chưa có từ ngữ “nhạc trẻ”. Phải nói rằng lúc đó, khi nhắc đến hai chữ “nhạc trẻ” là người ta tưởng tượng đến những bản nhạc ngoại quốc hoặc những sáng tác có tính cách kích động. Tiếng thông dụng thời đó là “kích động nhạc”, hầu hết những ca khúc đó đều là nhạc ngoại quốc hay có âm điệu bắt chước nhạc ngoại quốc. Phong trào kích động nhạc ra đời vì có một số khá đông những người trẻ tuổi thời đó yêu các nhạc phẩm có âm điệu nhanh, dồn dập và rất cuồng nhiệt, vì thế họ đã đặt mua hoặc nhờ người đem các đĩa nhạc ngoại quốc về VN.

Với tinh thần yêu nhạc một cách say đắm như vậy, nên có nhiều bạn trẻ đã lập ra các ban kích động nhạc để tổ chức hoặc trình diễn trong những buổi dạ vũ có tính cách gia đình thân hữu mà thôi, chứ ở các phòng trà ca nhạc thì người ta ít xử dụng các loại nhạc kích động này. Sau một thời gian, vì đất nuớc chúng ta lâm vào hoàn cảnh chiến tranh nên chính phủ đã cấm khiêu vũ. Vì thế việc phổ biến loại nhạc mà cô Lan Chi vừa nói là nhạc trẻ cũng chấm dứt hay có thể nói rằng chỉ còn hoạt động âm thầm mà thôi. Mãi đến sau tháng 11, 1963 - tức là sau cuộc đảo chánh tổng thống Diệm - thì hội đồng quân nhân và chính phủ cách mạng mới cho phép khiêu vũ trở lại. Kể từ đó thì coi như sự mong mỏi, ấp ủ, thèm muốn đã bùng nổ ra. Các ban nhạc và các bạn trẻ lại ồ ạt trình diễn và tiếp tục tổ chức những buổi khiêu vũ gia đình và đồng thời đi trình diễn ở khắp mọi nơi.

Vào khoảng năm 1965, nhạc sĩ Trường Kỳ cùng một số ca nhạc sĩ trẻ cảm thấy khó chịu với cái chữ “kích động nhạc” nên họ đã hội họp nhau lại và đã nghĩ ra chữ “nhạc trẻ” để diễn tả rằng đây là loại nhạc đuợc những người có tâm hồn trẻ yêu thích, chứ không nhất thiết là chỉ có những người trẻ mới biết hay mới viết loại nhạc này. Nhưng trên thực tế thì chỉ có tuổi trẻ mới say mê chứ người lớn tuổi thường không ưa loại nhạc kích động, và cũng từ đó chữ “nhạc trẻ” ra đời.

Vì thế có thể nói “nhạc trẻ” không phải do ai sáng tạo ra hay một nhóm nào phát minh ra, mà đó chỉ là một từ ngữ dùng để diễn tả loại nhạc đuợc giới trẻ ưa thích thời đó mà thôi, thưa Lan Chi.

LC: Vâng, xin cảm ơn ông đã giải thích rất rõ ràng về ý nghĩa cũng như tên gọi cuả dòng nhạc trẻ vào thập niên đó. Thưa ông, các nhạc sĩ trẻ nào vào thời đó tham gia nồng nhiệt và có những tác phẩm nào gây chú ý? Tôi muốn nói những nhạc phẩm mà họ viết thực sự chứ không phải những bài nhạc ngoại quốc, lời Việt, thưa ông?

NL: Vâng, có thể nói rằng trong suốt thời gian từ khi nhạc trẻ được hoạt động và bùng nổ trở lại, tức là từ năm 1963 trở đi thì hầu hết người ta đều trình diễn nhạc ngoại quốc. Có hai lý do: thứ nhất, người ta vẫn ấp ủ và thèm muốn đuợc hát các ca khúc ngoại quốc, nhất là những bài hát đang rất được thịnh hành như một loại thời trang! Thứ hai là vào thời kỳ đó chưa hoặc không có nhạc trẻ thuần tuý VN, ngoài một số bài hát Twist của hai nhạc sĩ Khánh Băng và Phùng Trọng. Mãi cho đến khoảng cuối năm 1970, quan ngại trước sự bành trướng ngày một rộng lớn và mạnh mẽ của phong trào nhạc ngoại quốc, đồng thời lo sợ trước viễn ảnh là nếu cứ để cho giới trẻ hát nhạc ngoại quốc thì họ sẽ quên đi văn hoá, ngôn ngữ, cùng tâm hồn, và tư tưởng VN. Nhưng nếu bắt họ đừng nghe nhạc ngoại quốc mà chỉ nghe nhạc VN thì điều này cũng khó thực hiện được. Vì thế cá nhân tôi là Nam Lộc và anh Trường Kỳ sau nhiều đêm thao thức và suy nghĩ, chúng tôi đã đưa đến một giải pháp “dung hoà” là viết lời Việt cho các bản nhạc ngoại quốc, để từ từ kéo những người trẻ về với âm hưỏng cùng những rung động thuần túy VN. Và cũng từ đó một phong trào ý nghĩa mà chúng tôi dùng chữ “Việt Hoá Nhạc Trẻ VN” đã chính thức chào đời, với sự tham gia của rất nhiều tác giả khác như Phạm Duy, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên v.. v...

Có khi chúng tôi dịch từ bài hát nguyên bản, có khi chúng tôi chỉ soạn lời mà thôi. Thí dụ như cá nhân tôi được may mắn viết bài “Trưng Vương Khung Cưả Muà Thu” là tôi hoàn toàn soạn lời và lời này không dính líu gì tới ý nghĩa cuả bản nhạc chính là bài “Tell Laura I Love Her”. Tương tự với nhạc phẩm “Mây Lang Thang” thì lời đó không dính líu gì tới bản “The Cowboy's Work Is Never Done”. và như đã nói ở trên, mục đích cuả chúng tôi là muốn những người trẻ vẫn nghe các bài hát có âm hưởng của nhạc ngoại quốc nhưng tâm hồn và rung động lại rất thuần tuý VN.

Cho đến nay, những ca khúc ngoại quốc lời Việt kể trên vẫn còn được lưu truyền và có một chỗ đứng riêng biệt trong lịch sử của nền âm nhạc VN.

Vào khoảng một năm sau ngày chúng tôi phát động phong trào Việt hoá nhạc trẻ thì lúc đó có một số ban nhạc và các nhạc sĩ đầu tiên xuất hiện đã sáng tác ra những ca khúc được xem như thuần tuý nhạc trẻ VN.Tức là từ ngôn ngữ, tư tuởng cho đến âm hưởng và nhạc lý tất cả đều có tinh thần tuơng tự như nhạc trẻ ngoại quốc. Ban nhạc trẻ đầu tiên phải kể là Phượng Hoàng với những sáng tác cuả Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

Còn nói về ca sĩ thì những giọng hát xuất hiện đầu tiên trong làng nhạc trẻ VN từ sau năm 1963 trở đi đa số là những ca sĩ học các trường Pháp thời đó, bởi vì họ vốn có sẵn hoàn cảnh, phương tiện đồng thời giỏi ngoại ngữ.

Có thể kể ra một vài tên tuổi quen thuộc như Elvis Phương, Helena, Thanh Lan, Công Thành, Bích Trâm hay Paolo v.v. đa số là những người học ở các trường Tây như Taberd, Marie Curie hoặc Jean Jackques Rousseau ...

Nhưng càng ngày nhạc trẻ càng đuợc phát triển rộng rãi vì thế sau này chúng ta thấy thêm các nhạc sĩ và ca sĩ từ các truờng công lập VN lần lượt gia nhập làng nhạc trẻ, thí dụ như Kim Ngân ở Lê Văn Duyệt, Đức Huy, học Nguyễn Trãi sau chuyển sang Chu Văn An, Cathy Kim Dung ở Gia Long hay một số khác ở Trưng Vương, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo v..v... Nói tóm lại đấy là giai đoạn hưng thịnh nhất của nền nhạc trẻ VN.

LC: Xin cám ơn ông. Về phần các nhạc sĩ già, tạm coi là "đã có máu mặt " của làng âm nhạc VN lúc bấy giờ nghĩ gì về nhạc trẻ? Họ có cùng tham gia với các ông hay không?

NL: Khi phong trào nhạc trẻ ra đời thì có thể nói rằng chúng tôi rất bị kỳ thị. Chúng tôi không được giới sáng tác nhạc VN đón nhận, chấp nhận hay cho sinh hoạt chung. Tuy nhiên, anh em chúng tôi không buồn mà cũng không trách bởi vì tự hiểu rằng khuynh hướng nhạc trẻ hoàn toàn khác biệt, đồng thời mình cũng thông cảm cho quý vị ấy trong hoàn cảnh đó. Bởi vì lúc bấy giờ, đất nước chúng ta đang trong giai đoạn chiến tranh, có nhiều người phải gia nhập quân ngũ, cầm súng chiến đấu ngoài trận tuyến, vậy mà ở hậu phương mình cứ “hò hét” loại nhạc có tính cách kích động, mang khuynh hướng vọng ngoại thì xem như mình đã vô tình quên đi nỗi đau cuả chiến tranh, quên đi trách nhiệm cuả tuổi trẻ và quên hẳn đi những bài hát viết cho quê hương đất nước, cùng ca ngợi sự chiến đấu dũng cảm của những người lính chiến VNCH.

Vì thế cho nên ít ai tham dự, cổ võ hay khuyến khích chúng tôi. Có một người duy nhất mà chúng tôi nghĩ ông cũng có tâm hồn trẻ, ông yêu thích nhạc trẻ và ông cũng khuyến khích các con cuả gia đình ông tham dự vào sinh hoạt nhạc trẻ, đó là nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn những bài nhạc trẻ cũng như phiên dịch rất nhiều ca khúc nhạc trẻ thời đó cùng với chúng tôi. Nói tóm lại là chỉ có nhạc sĩ Phạm Duy còn các nhạc sĩ khác thì không vì họ cũng có trách nhiệm, bổn phận và khuynh hướng sáng tác riêng tư cuả họ.

LC: Tuy không được sự ủng hộ cuả giới âm nhạc VN, nhưng phải nói các đại hội nhạc trẻ đã rất thành công. Sau bao năm nhìn lại, ông đánh giá vì sao có một sự thành công rực rỡ và vang dội đến như vậy? Nghe nói ở sân Hoa Lư có lần số người tham dự lên đến 20.000 người, thưa ông?

NL: Thưa cô, có 2 lý do. Lý do thứ nhất là vì giới trẻ VN thời đó họ bị ảnh hưởng phong trào nhạc Rock, nhạc Psychedelic, hoặc lối sống Hippy ở nước ngoài, vì thế họ luôn thèm khát có những buổi sinh hoạt như ở ngoại quốc, thí dụ như đại hội nhạc trẻ Woodstock kéo dài cả mấy ngày trời, những cuộc họp mặt cuả giới Hippy, ăn mặc diêm dúa, tóc tai để dài, thèm được tự do ca hát và nhẩy muá v..v... Tuổi trẻ thời đó hay tuổi trẻ nào cũng muốn có những sinh hoạt tự do, không có tính cách trói buộc. Hiểu và thông cảm được tâm trạng của những người bạn trẻ cùng trang lứa với mình, chúng tôi đã tìm cách dung hoà niềm đam mê đó với bổn phận đối với quê hương, đất nước. Phải nghĩ đến trách nhiệm của những người trai trong thời chiến, phải nghĩ đến sự hy sinh cuả các quân nhân trong QLVNCH cũng như niềm đau và nỗi mất mát cuả các cô nhi quả phụ.

Vì vậy chúng tôi đã đến gặp gỡ các vị lãnh đạo thuộc bộ phận Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cuả quân lực VNCH và đề nghị quý vị đó cho chúng tôi được tổ chức các buổi nhạc trẻ hàng năm, không cá nhân hay một ban nhạc nào nhận thù lao và tất cả tiền thu được đều trao cho cục Tâm Lý Chiến để lấy tiền giúp cô nhi, quả phụ cũng như gây qũy Cây Muà Xuân Chiến Sĩ. Sở dĩ chúng tôi làm như vậy bởi vì 2 lý do: Thứ nhất là muốn đóng góp một phần nào đó vào hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, đồng thời để tri ân sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ quân lực VNCH. Mục đích thứ hai là để tạo cơ hội cho các bạn trẻ có dịp phô diễn tài năng cũng như cho những khán thính giả thèm khát đuợc nghe nhạc trẻ có cơ hội đến tham dự và sinh hoạt. May mắn thay, tất cả dự định của chúng tôi đều diễn ra đúng như ý muốn. Và đó chính là lý do mà các buổi đại hội nhạc trẻ đều tạo được sự thành công rực rỡ và hàng năm đều có dịp để tổ chức, mà số tiền thu đuợc có thể nói là đã lên đến hàng chục triệu đồng.

Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị lúc đó rất hài lòng, rất phấn khởi, nên họ đã hỗ trợ chúng tôi để có những buổi nhạc hội liên tục hàng năm. Riêng các ca, nhạc sĩ trẻ thì cũng rất sung sướng và hãnh diện, vì vưà có dịp đóng góp vào những sinh hoạt ý nghiã cho quê hương, đất nuớc, lại vừa có dịp phô diễn tài năng âm nhạc của mình. Còn đối với các khán thính giả trẻ thì khỏi nói, con số tham dự đã lên đến mười mấy, hai chục ngàn người mỗi năm. Có thể nói vào thời điểm đó, không có cuộc họp mặt ca nhạc nào thu hút đông đảo khán giả như vậy mà lại diễn ra một cách rất trật tự, đó là nhờ có sự cộng tác của quân đội, cảnh sát, do sự phối trí và điều hành bởi quý vị sĩ quan thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH.

Cho đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn cảm thấy đây là một trong những kỷ niệm sinh hoạt làm cho anh em chúng tôi vô cùng hãnh diện mỗi lần nhắc đến các buổi đại nhạc hội nhạc trẻ ngoài trời nói trên.



LC: Vâng quả là một quyết định sáng suốt khi tổ chức đại hội nhạc trẻ nhưng tất cả tiền lời thì được dành cho Cây Muà Xuân Chiến Sĩ.

Xin một câu hỏi khác, ông nghĩ gì về nhạc trẻ Việt Nam hiện nay ở hải ngọai? Có tiến bộ gì so với 40 năm về trước hay dậm chân tại chỗ?

NL: Thưa cô, nếu phân tích giữa nhạc trẻ trong nước và nhạc trẻ ở hải ngoại hiện nay thì chúng ta không có điều gì để có thể dựa vào mà so sánh hay giải thích. Bởi vì, như tôi nói lúc nãy, nhạc trẻ VN trong nước đã dùng chữ “nhạc trẻ” để diễn tả nhạc ngoại quốc, nhạc kích động. Cho nên khi ra hải ngoại chúng ta không dùng chữ nhạc trẻ nữa, bởi vì các bài nhạc kích động đó chính là nhạc của nước Mỹ, hay từ các nước Âu Châu mà bạn có thể nghe mỗi ngày hay bất cứ lúc nào qua radio hay TV. Ngược lại ở hải ngoại chúng ta lại thèm khát nghe những bản tân nhạc thuần tuý VN, những bài nhạc vàng, những ca khúc thời chinh chiến mà ngày trước chúng tôi có thể vì bận rộn hay vì vô tình mà không để ý hoặc không có dịp thưởng thức. Nghe lại những ca khúc đó bây giờ mới cảm thấy là mình đã để mất đi bao nhiêu tinh hoa cuả nền âm nhạc VN. Có thể vì tuổi tác chúng tôi giờ cũng đã thay đổi, hoặc là do sự thay đổi bởi hoàn cảnh cùng tâm trạng của mình!

Như tôi vưà nói với cô Lan Chi, hiện nay không có “nhạc trẻ”ở ngoại quốc, chỉ có những bài nhạc ngoại quốc mà thôi, chứ “phong trào nhạc trẻ” gần như là không còn nữa rồi. Nhưng có một điểm đáng chú ý là tinh thần cuả những ngươì hoạt động nhạc trẻ ở VN thời trước đã theo đuổi, giúp chúng tôi truởng thành ở hải ngoại. Với tấm lòng trung kiên đó, với tấm lòng quý mến và khâm phục sự hy sinh của người chiến binh VNCH, Chúng tôi cũng đã áp dụng, cũng như đã dùng hình thức đó để tổ chức những buổi đại nhạc hội ngoài trời.

Trước hết là để xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, hai lần, lần nào cũng trên 20,000 người tham dự. Và sau này chúng tôi đã tổ chức 3 buổi đại nhạc hội ngoài trời để gây quỹ giúp đỡ các thương phế binh và quả phụ VNCH, mà số tiền thu được đã lên đến hàng triệu Mỹ kim. Có thể nói tất cả sự thành công đó đều phát sinh từ những kinh nghiệm, cũng như những cảm xúc và sự khuyến khích mà chúng tôi đã có được trước đây ở VN. Hình thức đó khi được áp dụng ở hải ngoại vẫn rất thành công, chỉ có điều khác biệt như tôi vưà chia xẻ với cô Lan Chi là nội dung ở hải ngoại thì hoàn toàn khác. Thay vì hát những bài nhạc trẻ, kích động, gào thét thì bây giờ chúng tôi lại yêu thích những ca khúc nói về người lính, về đời lính cùng sự hy sinh cao cả của tập thể quân đội VNCH của chúng ta trước đây.


Tùng Giang- Trường Kỳ- Nam Lộc


Ban nhạc Crazy Dogs


Ban nhạc Top Five

LC: Vâng, thưa ông, tôi cũng đang tính hỏi ông có phải sau này ông đã áp dụng cái gọi là “phương thức ngày xưa” cho các đại nhạc hội sau này hay không thì ông đã trả lời trước rồi. Tuy vậy tôi xin được phép nhắc lại câu hỏi cuả tôi, ý tôi muốn ám chỉ nhạc trẻ là những bài nhạc được sáng tác hoàn toàn bởi các nhạc sĩ VN cả nhạc và lời dù rằng nhạc mang âm hưởng nhạc ngoại quốc, đó là những tác phẩm mà tôi muốn ám chỉ như của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang. Tôi đang tự hỏi là những dòng nhạc tương tự như vậy bây giờ ra sao? Tuy nhiên cũng có thể là do hoàn cảnh của chúng ta hơi thay đổi khi chúng ta ra nước ngoài cho nên cũng hơi khác chăng? Nhưng chúng ta có thể tạm bỏ qua câu hỏi này… và có lẽ chúng ta cũng tạm dừng ở đây!



Back To Top