6.11.13

Bàn về ca từ như bàn về phụ nữ

Người ta nói: không có phụ nữ xấu….Tôi thấy ca từ cũng như thế. Ca từ nào hát lên cũng có cái đẹp, cái hay.Nó chỉ tùy thuộc vào chỗ giai điệu đó có hay không và ca từ có được đặt đúng chỗ không.

Ca từ không phải để đọc

Ca từ mà đọc thôi thì nó là… bài thơ rồi còn gì. [Bỏ đi cái chuyện thơ phổ nhạc, mà thơ lúc này phải được phổ nguyên xi, không thì đọc lên nó cũng trúc trắc chứ không được như bài thơ khi chưa phổ.] Ca từ phải được hát lên cùng giai điệu. Nếu giai điệu đó hay tự dưng ca từ cũng được thơm lây. Nếu giai điệu dở thì ca từ cũng bị vạ lây. Thử lấy mấy câu thơ tuyệt tác hoặc câu văn hay mà viết bậy một giai điệu trời ơi nào đi, hoặc ngang phè thì biết ngay. Tôi cũng thấy có những bài thơ, câu thơ rất bình thường nhưng khi được phổ nhạc với một giai điệu xuất sắc thì bài thơ như vịt hóa thiên nga . Và từ đó thơ nổi tiếng cùng với nhạc mà trước kia nó đành cam tâm làm kẻ vô danh. Ngược lại, có những tứ thơ tuyệt phẩm bỗng dưng bị “đầu bù tóc rối” khi phải hợp hôn với một giai điệu hầm bà lằng  không ngửi được.

Lúc này giai điệu đối với ca từ giống như y trang và son phấn được may cắt, khoác lên và trang điểm khéo léo với một độ nhạy thẩm mỹ sâu sắc đã làm cho người phụ nữ xấu thành hết xấu, ít đẹp thành đẹp, đẹp thành tuyệt thế giai nhân. Ở chiều”phản biện” thì trang phục và phấn son vụng về và thô thiển về thẩm mỹ sẽ biến một giai nhân thành một người bình thường, một phụ nữ bình thường thành phụ nữ xấu, một phụ nữ không đẹp thành…Thị Nở!

Mối quan hệ và tương tác giữa ca từ và giai điệu cũng hệt như thế. Dĩ nhiên, loại bỏ những khái niệm quái thai và tật nguyền. Ở trường hợp này thì vô phương.

Ca từ phải đặt đúng chỗ

Thử phân tích câu thơ này:

Em cởi áo
Như hàng cây trút lá

Cứ cho nó là một ca từ . Ta chia nó thành câu nhị phân. Câu thứ nhất: Em cởi áo nghe thật…bậy và chả có văn chương thi phú gì. Nhưng khi tiếp sau nó là câu thứ hai: Như hàng cây trút lá thì tất cả trở nên tuyệt vời và văn học vô cùng. Bởi vậy, rất oan khi có ai đó vô tình hay cố ý trích ra những ca từ riêng biệt rồi bảo nó là câu văn dở, rẻ tiền. Lẽ ra nó phải được xem xét trong tương quan với toàn ngữ cảnh cũng như quan hệ cú pháp và nội dung của các mệnh đề đối trọng, giải thích hay so sánh…Tỷ như có những chất khi đứng riêng biệt là chất bình thường, vô tác dụng nhưng khi kết hợp với hoạt chất khác nó lại trở nên hữu ích. Ngược lại, cũng nên nhớ là có những chất bổ ích nhưng nếu hòa tan với nhau thì trở thành vô tác dụng, có khi còn gây hại. Cho nên một câu dở cũng trở thành hay nếu đặt nó trong quan hệ câu đúng chỗ để bật lên ý tưởng đẹp. Lúc này câu chỉ là cái vỏ phương tiện dù xù xì nhưng chuyên chở được một nội hàm thẩm mỹ cao. Người đẹp thì đi xe xấu vẫn là người đẹp. Người xấu có đi Audi thì cũng chẳng hết xấu. Tuy nhiên, có khi hai câu văn nghe rất hay kết hợp lại với nhau lại có cảm nhận rỗng tuếch và sáo mòn, hoặc vô hồn vô vị như một người đẹp…ma-nơ-canh.

Ca từ cũng phải đặt đúng chỗ giai điệu vừa vặn với nó. Khi đó nó sẽ đẹp lên như người phụ nữ biết chọn một bộ cánh phù hợp với vóc dáng mình, để che bớt khuyết và tôn lên cái ưu. Nếu một giai điệu du dương và dìu dặt mà kết đôi với câu khẩu ngữ thì thảm họa thật rồi nhưng cũng câu đó nếu được đưa vào một câu nhạc hardRock thì sao? Nghe không có vấn đề gì, và nếu cho nó vào nhạc Hiphop thì có khi lại…ấn tượng. Bởi thực chất nhạc Rap mà đưa ca từ văn chương bay bướm vào là phá hỏng tinh thần của nó rồi. Không có ca từ thô kệch, ca từ…chửi trong nó thì Rap không còn là Rap! Những bài Rap được giải Grammy của Eminem với những ca từ chợ búa và trần trụi được đánh gia là ca từ…hay của các Rapper đó!

Cái này cũng như cách ăn mặc của phụ nữ thôi. Đến công sở mà mặc đồ xuyên thấu, thấy nội y là thảm họa thời trang, nhưng cũng với bộ đồ mõng manh đó mà mặc khi dạo bên bờ biển một ngày hạ vàng tươi thì thật là một vẻ đẹp gợi cảm nhất trần đời.

Cuối cùng ca từ cũng phải đặt đúng thời đại. Ca từ thời nay mà theo lối Đường thi hay thơ của Lamartine có khi sẽ bị chê là…dở hơi trong khi nó là mẫu mực cho ca khúc tiền chiến. Ca từ cũng  thở cùng buồng phổi với thơ ca. Thời nay tính thi vị trong thơ đương đại đã khác hẳn, nhiều khi là trái ngược với cái thi vị của thơ xưa. Ca từ cũng nương theo lối đi của thơ đương đại mà làm đẹp cho mình phù hợp với thời đại. Nhiều người hiện nay viết ca từ nghe rất ngọt, mềm, bóng láng phảng phất bóng dáng của thơ cũ tưởng là hay, thật ra nó đã cũ kỹ và xói mòn, nhàm chán. Nếu sống trước đây vài thập niên thì khá khen nhưng trong thời điểm này thì đáng chê.

Mẫu phụ nữ đẹp của hội họa thời phục hưng nó khác, đến thời hậu hiên đại lại khác hơn và mẫu đẹp của phụ nữ đương đại có lẽ là những cô nàng của Victoria Secret.

Vẻ đẹp của ca từ phải đặt đúng thời đại thì nó mới được coi là đẹp. Ai đó cứ lấy chuẩn ca từ của Trịnh, Phạm, Đoàn hoặc Văn…của ngày hôm qua tài hoa để viết hay thẩm định ca từ thì chẳng khác nào dẫm chân lên tiền nhân mà cứ u mê ,ngỡ đang mở lối vào nghệ thuật đương đại. Đó đích thị là làm nghèo tiếng Việt vậy.


T.M.P
Back To Top