Cuối năm thường là mùa cưới ở Việt
Nam. Truyền thống là thế. Mùa cổ điển là vậy. Những thiệp cưới bay bay như lá
mùa thu. Nhưng bây giờ ví von đương đại hơn, cuối năm là mùa liveshow và mùa giải
thưởng của nhạc Việt mới đúng. Cuối năm nào cũng như nhau- kể từ khi hội nhập
chuyển sang nếp công nghệ- đi đâu cũng thấy nhà nhà live show, xóm xóm treo giải
thưởng âm nhạc nhiều như mấy bảng Tân hôn với Vu quy thấp thoáng đó đây. Đếm đi
đếm lại, lúc nào cũng trên dưới chục cái liveshow và giải thưởng âm nhạc rục rịch
khua chiêng gõ mõ. Ai ai cũng ra vẻ anh cả chị hai. Vênh vênh váo váo…
Nhìn mà thấy vui mắt. Nhưng đó là
con nít thôi. Người lớn thì thấy hoa mắt và loạn tai. Cái gì cũng thế dồn dập
vào một lúc dễ làm giác quan con người ta lẫn lộn và nhàm chán, và càng bấn loạn
và buồn nôn hơn khi mà một đống “sô” và “giải” như thế lại dồn đống dồn lần
trong “một rọ” thời điểm rất nhiều thứ kém chất lượng, hỗn tạp, hình thức và nhất
là nhố nhăng, rất chống chỏi với chất lượng nghệ thuật.
Cái từ liveshow khi du nhập vào
Việt Nam thì cũng tội nghiệp cho nó như thân phận lên voi xuống chó của danh từ
Diva. Nghĩa là nó bị lạm dung thái quá, vượt ngoài cái nội tại nghệ thuật
nghiêm túc của nó mà thành một thứ hàng chợ gắn mác giả, như cái áo vỉa hè dán
nhãn Pierre Cardin. Ai cũng làm liveshow được, điều kiện gì, con người gì, đẳng
cấp gì, và có gì đặc biệt hơn không cũng đều làm những cái “sô” to nhỏ “xanh
xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó khoái”, miễn có
tiền và chịu…đốt tiền.
Nói đốt tiền là vì cái “sô” nào
cũng lỗ to, lỗ nhỏ mà lãi con lãi mẹ chẳng thấy tăm hơi, hòa vốn là cực may và
cực hiếm ,và tiền cứ thế mà ra tro. Nghệ thuật ngày càng giống như tiền âm phủ
cho nghệ sĩ đốt “lông phông” lấy hên cho “năm mới, thắng lợi mới”. Những cái
“sô” này đừng mơ mà tìm kiếm được nhiều dấu ấn sáng tạo nào đó ngoài vô số
chiêu trò “secondhand” hay một ý nghĩa tử tế về nghệ thuật ngoài những cái
“fake” rất ngao ngán chỉ “nhát ma” được con nít và khán thính giả bị lú. Đếm đi
đếm lại trên mấy ngón tay, xuê xoa lắm thì cũng chỉ đếm được đôi ba ngón có
cái “sô” đủ chuẩn liveshow mà thôi.
Liveshow chẳng qua là những con
gà tức nhau tiếng gáy, hiệu ứng bầy đàn núp dưới “tâm thư”: phục vụ và món quà
gửi đến khán giả yêu quý. Bất chấp những tiêu chí tối thiểu cho một liveshow,
những “sô” Việt này ra mắt cuối năm như một màn vạch áo tổng kết cho người ta
xem lưng nhạc Việt đang có những căn bệnh nào biểu hiện ngoài làn da nhợt nhạt,
suy dinh dưỡng cho những nhà phê bình có việc và có chuyện mà soi.
Phụ họa vào đó là lúc lanh lảnh cất
lên tiếng rao hàng rôm rốp của các giải thưởng, ạt qua [Award] gì đó rồi Cống,
Sóng và Mai... đang khởi động làm các nghệ sĩ nháo nhào và các fan sôi lên.
Các giải thưởng trên cái nền âm
nhạc yếu ớt và lờ đờ đó thì khó mà tạo nên giá trị thực thụ ngoài ý nghĩa: con
hát mẹ khen hay. Đã thế nó lại rào rạt khá nhiều giải thưởng nữa mới khổ cho
cái danh xưng: càng to càng rỗng, càng cao càng nhàm. Rất nhiều giải thưởng này
kia nhưng tìm cái nào cao từ lưng quần trở lên lại rất khó. Nhưng ai cũng ngầm
tự cho mình là nhất, là khách quan ,là chính xác và…chất nhất! Thử lấy tấm voan
lờ mờ của quảng cáo, đánh bóng của đám bồi bút và bút nô ra thì thấy hầu hết các gương mặt
giải thưởng nào cũng không tàn nhang thì mụn cám, mụn cóc hay rỗ thấy mà bức bối.
Ban giám khảo thì nhiều người ngồi sai chỗ, người ngồi đúng ghế thì chưa đủ
chín hay cái tâm bị bó bột rồi. Hiếm tìm được người tài đức anh minh, chỉ mang
hơi hướng nhóm lợi ích thì nhiều. Hệ thống và qui cách bình chọn không đáng tin
như giao trứng cho ác.
Liveshow và giải thưởng của nước
ngoài nói cho ngay cũng có đôi chỗ đục, mờ nhưng ít và không tệ lắm. Nó giống
như nồi nước lèo hấp dẫn. Người ta là lớp nước phía trên nhìn thấy trong veo,
còn đến ta thì như nằm dưới đáy, toàn cặn bã thấy buồn muốn đổ đi làm cám lợn.
Nhưng nhạc Việt vẫn húp xì xụp nước cạn thấy có vẻ như ngon lắm. Người ta nói về
khoa học kỹ thuật, VN mình đang có xu hướng thành bãi rác công nghệ của ngoại
quốc, thì âm nhạc Việt cũng là bãi rác của công nghệ showbiz thế giới thì có gì
lạ?!
T.M.P