29.11.13

"Một người thứ hai" thì đã là hỏng rồi!


Arthur Rubinstein- pianist được cho là vĩ đại nhất thế kỷ 20- đã nói như vậy khi đề cập đến tính”chính chủ” trong nghệ thuật - Nói cho có vẻ có ngôn từ thời sự- nghĩa là ở cá tính và bản sắc của người sáng tạo. Ông cũng nói thêm: Tôi cho rằng một nghệ sĩ, bất kể đó là hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trình diễn, nhà soạn nhạc, nhạc công, hay bất cứ người nào mang danh nghệ sĩ, phải là người có cá tính không bị trộn lẫn được, tức chỉ có một, mà không có người thứ hai. Từ đó, ta thấy rằng nếu không có cái thứ hai thì tất nhiên không có sự so sánh được. Cho nên trong nghệ thuật không nên nói cái nào hay hơn cái nào, mà chỉ có sự khác nhau. Như màu đỏ với màu xanh. Không thể nói màu nào đẹp hơn màu nào. Chỉ có thể nói màu nào được yêu thích nhiều nhất, tạo ảnh hưởng nhiều nhất.[Tất nhiên là trong một thời điểm ngắn dài khác nhau hay một không gian, môi trường xã hội cụ thể nào đó]

Khi xuất hiện cái thứ hai, bất kể nó ra sao thì nó chỉ là cái bóng hoặc nên xem mình là thân phận lệ thuộc, thấp kém hoặc có khi là...kẻ cắp! Với 4’33 [1952]của John Cage biểu hiện cho trào lưu Đa đa bằng sự im lặng để  tưởng tượng và tương tác với âm thanh ngẫu nhiên thì sau đó cũng xuất hiện một “nhạc phẩm” tương tự nhưng lập tức nó bị chối từ, khinh thường và đứng trước án phạt. Một nhạc phẩm không làm gì hết mà ai cũng có thể làm nhưng nó chỉ có giá trị khi nó là cái thứ nhất. Trường hợp khác, cái bồn tiểu lộn ngược của Duchamp với chữ ký tác giả[1912] quả là một tác phẩm quá dễ như lấy đồ trong túi và quá nhăng nhố mà không ai công nhận nhưng chắc chắn khi nó chỉ là cái thứ hai. Nhưng với cái thứ nhất của Duchamp thì nó là một sáng tạo vượt bậc mở ra cả một trào lưu mỹ thuật mới, hiện đại và tạo cảm hứng cho trào lưu PopArt đương đại.

Có người cũng thuộc tầm thế giới về nghệ thuật đã chống những cuộc thi âm nhạc và mỉa mai, châm biếm với phát ngôn: Cuộc thi chỉ dành cho những con ngựa.

Cho nên, đừng vội nghĩ những chiến thắng trong âm nhạc là hay, những bảng xếp hạng là ưu tú. Những cái có thể mang ra so sánh được, một- là chúng kém giá trị như nhau, hai- là một sự ấu trĩ nghệ thuật, ba- dễ dãi và thỏa hiệp hơn, cứ xem đó là trò vui bình dân.

Nói cho rõ và công bằng hơn, cái hình nào cũng có bóng đi kèm. Mỗi cái hình là duy nhất và khác nhau. Bóng thì có nhiều và chỉ là sự lập lại. Chỉ có những cái bóng mới hạ mình so sánh nhau và thi đua với nhau. Nghệ thuật giải trí ồn ào chỉ là cuộc bon chen và ganh đua của những cái bóng của người khác. Nghệ thuật chỉ chăm bẳm trông cậy vào kỹ thuật và kỹ xảo để “kết nối” sáng tạo người khác chỉ là một anh nghệ sĩ rẻ tiền, nửa mùa cho dù anh là "người thứ hai" rất cao cường về kỹ năng và kỹ thuật [của...người khác!] Vì đúng như A.Rubinstein đã nói: Một người thứ hai thì đã là hỏng rồi!


T.M.P
Back To Top