13.11.13

Hãy khép lại những đôi cánh ngôn từ


Thời điểm này nhìn sơ lại một một năm nhạc Việt cũng tạm đủ có một một bức tranh chấm phá đầy đủ và trung thực về nó chưa? Chắc được, vì thấy rải rác đó đây những bài bình luận về các sản phẩm ca nhạc của báo chí và các trang mạng đã bắt đầu lên tiếng. Đọc bình luận rồi nghe lại những sản phẩm đó mà thấy…buồn cười. Hóa ra nhạc Việt và phê bình Việt là bạn vàng và bạn tốt của nhau, và cái bệnh dĩ hòa và vuốt ve bằng những lời có cánh lâng lâng không bao giờ là hết…mode!


Nếu nghe chỉ những bài bình luận ca nhạc đó thôi, nhạc Việt thật sự quá hoàn hảo. Đốt đuốc đi tìm cũng khó mà tìm được một điều chê. Nếu không khen lên mây xanh thì cũng phải có những lời trung tính: giàu cảm xúc, khác xưa nhiều, một hướng đi mới…Nói chung, cứ không giống lần trước của mình là…mới, hoặc cũng như cũ nhưng có một chi tiết khác cũng là… mới, bất chấp là “cũ người, mới ta”. Nếu bình luận kiểu đãi bôi như vậy là đúng và chính xác thì nhạc Việt quả là giàu sáng tạo, thật là độc đáo! Bất cứ một kiểu kết hợp khiên cưỡng hay thô vụng nào cũng đều được đánh giá là hay và ấn tượng. Như cái kiểu đưa câu hò vào một bài hiphop của nhóm MTV theo kiểu”bơ trộn mắm tôm” mà cũng có bài khen. Một kiểu pha trộn đa thể loại và thậm chí là đối chỏi nhau về tinh thần âm nhạc như vậy[trên thế giới người ta cũng đã làm nhiều], đòi hỏi phải có tư chất sáng tạo cao chứ không phải là một việc làm tùy hứng  và quá lôi thôi . Đây là một khuynh hướng chung của nhạc Việt hiện nay, có thể thấy không ít trong các sản phẩm âm nhạc trong năm này, và kết quả là thế nào? Một cái lẫu bình dân, một món ăn ba rọi rất non kém về kỹ , nghệ thuật phối hợp và pha trộn.

Thật sự, để có một lời khen thì album” Độc đạo” của bộ đôi Nguyên Lê-Tùng Dương và “Yêu”của 5 Dòng kẻ theo phong cách đương đại mới xứng đáng được “gắn sao”. Tuy nhiên, những lời khen hơi quá đáng và sự đánh giá bay cao của một số nhà bình luận âm nhạc đã cho nó những đôi cánh quá khổ. Những bình luận và ca tụng như những tài hoa bậc nhất, không tì vết và không  khiếm khuyết. Khiến nó long lanh như viên ngọc âm nhạc hoàn bích dưới ngòi bút mơn trớn quá đà [hay do kém hiểu biết?] lâu nay đã thành đặc trưng của phê bình Việt. Tuy những nghệ sĩ đó có những thể nghiệm mới, tách biệt ra khỏi những xu hướng nhạc dễ dãi, nhạc lối mòn nhưng bây nhiêu đó thôi chỉ làm họ nổi bật lên nhờ quỹ đạo đi ngược của mình chứ chưa đạt đến một tầm sáng tạo nào khả dĩ đóng được dấu ấn riêng sâu đậm .

Dường như, khi bình luận đến cái riêng thì báo giới chỉ toàn khen, từ chung chung, trung tính cho đến thổi phồng bằng những lời có cánh. Còn khi đánh giá chung cả nền nhạc Việt thì lại…chê! Nhất là khi xảy ra một scandal nào là ném đá ngôn từ tới tấp cả một nền ca nhạc. Một sự mâu thuẫn cho thấy sự giả dối và thiếu trách nhiệm cá nhân trước nhận xét của mình. Một cái “chung” dở không thể bao hàm những cái “riêng” hay được, và ngược lại. Chê cụ thể một cá nhân thì sợ mích lòng, khen một cá nhân thì được lòng và thêm bạn [chưa kể “lợi ích”riêng gì đó]. Còn chê chung cả một cộng đồng thì…an toàn vì nó không có địa chỉ cụ thể.

Hãy khép những đôi cánh ngôn từ vút bay lại đi để hạn chế giả dối hay sự ngu dốt của mình. Không thì im lặng để làm người tử tế.


T.M.P
Back To Top