2.11.13

Chỗ đứng và hướng đi.

Đúng như tôi dự đoán trong bài”Hư danh và tự sướng” đăng ngày 30/10 trên blog này:” chỉ với thước đo bình chọn cảm tính và sự đề cử của vòng sơ loại mang tính mặt trận thì có lẽ chuyến đi chinh phục thế giới của Mỹ Tâm sẽ dừng lại sớm”, ngày 1/11 vừa qua kết quả cho thấy Mỹ Tâm quả nhiên đã không vượt mặt được đại diện đến từ Trung Hoa đại lục.
Chỗ đứng còn chưa tốt làm sao có hướng đi tốt?
Nhưng như đã nói với tính chất ngoại chuyên môn thì Mỹ Tâm có thua thì cũng chẳng buồn mà trường hợp có thắng tiếp thì cũng chả có gì vui. Vì thực chất cái giải MTV EMA này chỉ thế: bình chọn bằng những lá phiếu cảm tính của quần chúng và nhất là nó còn mang một điểm mù rất lớn: tính tự tôn dân tộc. Nghĩa là ca sĩ của nước nào tất nhiên là số phiếu sẽ tập trung cho quần chúng nước đó.


Chắc chắn thế. Ví dụ, VN có lượng fan khủng của ca sĩ Hàn, nhưng khi thăm dò và quan sát trên các forum với nội dung giả định - bỏ phiếu cho ai: Mỹ Tâm hay ngôi sao xứ Kim chi, nếu trường hợp này xảy ra, thì tính tự ái dân tộc đã khiến các fan nhạc Hàn hầu hết đều có ý kiến chọn Mỹ Tâm. Chưa kể, sự bỏ phiếu còn thiếu sự sòng phẳng như nhiều fan tìm cách “tà đạo” là làm sao một cá nhân có thể bình chọn nhiều lần cho một người.

Trong mấy năm kể từ khi có MTV EMA này có khi nào chiến thắng nằm ngoài châu Á và các bại tướng phương tây đều là những ngôi sao từng đã có sức khuynh đảo và ảnh hưởng rộng khắp thế giới từ đẳng cấp là giải trí đơn thuần cho đến đẳng cấp sáng tạo thật sự. Trong khi thực tế ai cũng thừa biết châu Á chỉ là người đi sau và học theo nhạc Pop Âu –Mỹ, và chưa bao giờ nó có ngôi sao ca nhạc nào gây tầm ảnh hưởng thật sự về chuyên môn ở phía ngược lại. Nói rõ như thế để thấy rằng EMA chỉ là cái danh hão, nằm trong mục đích sân chơi dưới cái bóng thương mại của các tập đoàn kinh doanh giải trí xuyên quốc gia.

Còn nhạc Việt trên thực tế còn xếp sau các nước Bắc Á và Trung Hoa đại lục, và không thể hơn các nước như Thái, Phi, Sing. Thậm chí, ở một giai đoạn đầu những năm 2000 nhạc pop Thái còn tạo đươc cơn sốt trong các vũ trường đô thị Việt Nam. Gía trị của một tầm Pop quốc gia nào đó được đánh giá thực chất qua nhiều tiêu chuẩn, trong đó có sự tác động gần xa đến các thị trường nghe nhạc trong khu vực, rồi châu lục và rộng ra nữa là thế giới.

Vậy nhạc Việt xét ở tiêu chuẩn đó đã làm được gì?

Trong lịch sử nhạc Việt, bỏ qua mấy cái hư danh và ảo kiểu như Mỹ Tâm, Hiền Thục, Hồ Quỳnh Hương và một số nữa trước kia…trong các liên hoan quốc tế hoặc sân chơi vô thưởng vô phạt, và gần đây là một nhạc sĩ trẻ được mời qua Hàn cộng tác với một công ty kinh doanh âm nhạc gì đó được mấy anh chị nhà báo lơ tơ mơ bơm và huyễn quá mức thì nhạc Việt có 3 lần xuất ngoại gây được tác động tương đối thực chất. Đó là 3 ca khúc “Diễm xưa”[Trịnh Công Sơn],”Nắng chiều”[Lê Trọng Nguyễn] và “Không”[Nguyễn Ánh 9]. Diễm xưa được dịch sang tiếng Nhật với cái tên 美しい昔 (Utsukushii mukashi). Sau khi được Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970, nó lập tức gây được chú ý và khiến ca sĩ Yoshimi Tendo phải thu âm và sau đó trở thành Hit, xếp hạng 11/20 ca khúc hay nhất trên xứ sở hoa Anh đào vào năm 2004.  Nắng chiều được sáng tác năm 1952, không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn gây tiếng vang ở Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông  sau đó. Bài hát có tựa tiếng Hoa là  越南情歌 (Việt Nam tình ca) hay 南海情歌 (Nam hải tình ca) do Thận Chi (慎芝) chuyển soạn. Danh ca châu Á người Đài loan là Đặng Lệ Quân thì chọn bài Không qua bản tiếng Hoa là Ni [ Anh] để trình diễn trong suốt một thời gian và rất được ái mộ tại đây. Và thế là hết, mà những “chiến tích” này của nhạc Việt thực chất là sản phẩm của nhạc…xưa, cách đây cũng từ 4 thập niên trở lên chứ không liên quan gì đến cái V-pop hiện nay cả!

Có thể nói, V-pop không tạo ra một ảnh hưởng nào hết ngoài một vài bài gần đây được cho là đã sống được ở…Campuchia, và nghe nói ca sĩ họ “đạo” của ca sĩ mình vài bài. Chưa biết thực hư ra sao. Nhưng có điều, nếu như điện ảnh của Campuchia đã và đang ghi dấu ấn ở các liên hoan thực chất chuyên môn có uy tín thế giới và khu vực như Cannes hay Busan thì âm  nhạc của họ chưa đáng gì cả. V-pop có sống được ở đây thì…thường thôi.

Nhạc Việt nên có cái nhìn trưởng thành và chính chắn để tự mình biết mình đang đứng ở đâu. Không nên nông cạn mà đi tìm mấy cái danh hão. Có thể có người ngụy biện rằng danh hão là nguồn động viên, khích lệ gì đó- nhưng tất cả cái gọi là dây cót tinh thần đó chỉ phù hợp cho khái niệm nghiệp dư. Nó là con dao hai lưỡi, mà lưỡi gây hại thì bén mà lưỡi làm lợi lại cùn. Danh hão thường giết chết tài năng trong trứng nước. V-pop trước hết phải làm sao chinh phục những người nghe tử tế và có hiểu biết nhất định trong nước trước đã, rồi hãy mơ chuyện xa xôi là ve vãn ngoại quốc. Làm cho chỗ đứng hiện tại của mình cho đàng hoàng sạch sẽ rồi hãy chọn hướng đúng để đi xa. Nó như cái bệ phóng vậy. Bệ phóng còn ngổn ngang và dang dở mà vội phóng thì rớt ngay vào chỗ cũ và càng làm hiện trường ngổn ngang hơn!

T.M.P


Back To Top