Ngày 14-7-1930 Tagore đã đàm luận với nhà bác học A.Einstein ở Berlin về vật lý, triết lý và nhất là về âm nhạc. Qua cuộc đàm luận có ghi lại này, Tagore tỏ ra rất am tường âm nhạc Tây phương và là một bậc thầy của nhạc truyền thống Ấn/Bengal. Vật lý nguyên tử cho thấy vũ trụ vừa tuân theo luật nhân-quả vừa có phần tự do bất định, vừa trật tự vừa vô trật tự, từ đấy hai người bàn luận trao đổi về âm nhạc, một nghệ thuật vừa cố định vừa bất định.
Sau đây là phần phỏng dịch tóm lược theo mạng schoolofwisdom:
Einstein: Tôi tin rằng bất luận chúng ta làm gì hay sống thế nào cũng đều theo luật nhân quả (causality), tuy vậy cũng may là chúng ta không hiểu thông suốt nó.
Tagore: Trong nhân gian, có yếu tố co dãn, có sự tự do trong giới hạn nào đó giúp ta biểu lộ nhân cách riêng. Cũng như nhạc Ấn Độ không cứng nhắc cố định như nhạc Tây phương. Ở Ấn người soạn nhạc có thể đưa ra một cái khung tổng quát, một hệ thống âm điệu (melody) và nhịp điệu (rythmic arrangement), nhưng vẫn dành phần nào cho người trình diễn được linh động tự do…Chúng tôi tán thưởng người soạn nhạc với thiên khiếu tạo dựng những âm điệu phong phú tuyệt mỹ, nhưng chúng tôi vẫn mong người trình diễn mang tài riêng của mình vào để tạo nên những giai điệu uyển chuyển tô điểm thêm cho bản nhạc.
A.Einstein:…..Ở Âu châu âm nhạc đã tách rời quá xa nghệ thuật bình dân và tâm tư quần chúng, nó trở thành một nghệ thuật bí hiểm-secret art- với rất nhiều ước lệ và truyền thống cổ điển…ngay cả thay đổi uyển chuyển-variations- cũng được qui định sẵn…Thế lời lẽ trong bài ca Ấn có được tự do không ?
Tagore: Có chứ, ở Bengal chúng tôi, ca sĩ có thể chêm vào lời bình hay câu chuyện giữa bản nhạc, khán giả đôi khi rất thích thú nếu ca sĩ có thêm đôi lời xuất ý hay, duyên dáng.
A.Einstein: Còn hình thức âm độ-metrical form- có chặt chẽ lắm không ?
Tagore: Rất chặt chẽ-không thể đi quá đà uyển chuyển được, người hát phải giữ nhịp phách-rhythm and the time- Nhạc Tây phương thì có tự do về thời-time- nhưng không có tự do về âm điệu-melody.
A.Einstein: Nhạc Ấn có thể hát mà không cần lời không ?
Tagore: Có chứ, chúng tôi có loại ca với những lời vô nghĩa (songs with unmeaning words), âm thanh chỉ là con tầu chuyên chở nốt nhạc. Ở Bắc Ấn âm nhạc là một nghệ thuật riêng, không phải là để diễn Lời hay Ý như ở Bengal, âm nhạc ở đấy vô cùng phức tạp và vi diệu, một thế giới âm điệu riêng...Nhạc cụ được dùng để giữ nhịp, khuếch đại và xuống sâu thăm thẳm, chứ không dùng để hòa âm. Nhạc Tây phương thì âm điệu bị hòa âm áp đảo phải không ? ( melody suffered by the imposition of harmony.)?
A.Einstein: Đúng thế, đôi khi bị áp chế nặng, có khi hòa âm nuốt luôn âm điệu.
Tagore: Âm điệu với hòa âm cũng ví như thể nét vẽ với mầu sắc ( lines and colors) trong một bức tranh. Một bức tranh toàn nét vẽ cũng có thể đẹp, tô mầu sắc vào có khi làm bức tranh trở nên mơ hồ, vô nghĩa. Nhưng mầu sắc hòa hợp với nét vẽ cũng tạo được bức họa tuyệt mỹ, miễn là đừng che mất đừơng nét và phá mất giá trị riêng của chúng.
A.Einstein: Tiên sinh so sánh rất đẹp, đường nét có trước mầu sắc. Dường như âm điệu nhạc Ấn rất giầu trong cấu trúc hơn nhạc Tây phương, nhạc Nhật Bản hình như cũng thế.
Tagore: Rất khó phân tích tác động nhạc Đông lẫn nhạc Tây lên tâm trí. Tôi rất rung động khi nghe nhạc Tây phương, đồ sộ, tạo dựng thật vĩ đại. Lời ca trong nhạc Ấn rung cảm tôi xâu xa hơn, nhạc Tây phương hùng hồn, phông nhạc rộng lớn với cấu trúc Gothic…Tiếng dương cầm làm tôi băn khoăn bối rối, nghe vĩ cầm tôi thích hơn nhiều (1)
A.Einstein : Âm nhạc thật hay thì dù Đông hay Tây, cũng không thể phân tích mổ xẻ được.
Tagore : đúng thế, mà người nghe cảm nhận thế nào thì cũng ngoài suy luận…
A.Einstein:..bông hoa đỏ trên bàn kia, tôi với tiên sinh mỗi người thấy một khác.
Tagore: Tuy vậy vẫn có sự dung hòa (reconciliation), mỗi người thưởng thức theo một tiêu chuẩn chung ( the individual taste conforming to the universal standard)
nguồn: Cánh đồng truyền giáo.
Ghi chú (1) A.Eistein, 1879-1955 kém Tagore 18 tuổi, Nobel 1921, chơi violin rất hay, thuyết vũ trụ thống nhất trường của ông hẳn áp dụng trước tiên vào các bộ môn đa dạng, ở mức độ cao, khoa học vật lý hay nghệ thuật chỉ là một, đồng nguyên. Tagore nhắc tới nhạc Bắc Ấn có thể là loại nhạc kèn đồng âm vang giữa núi cao Hy Mã, Tây Tạng, sâu thăm thẳm, không cần lời.