21.11.13

Nhân Christophe đến Việt Nam nghĩ về nhạc Pháp xưa


Ông lão Christophe đến VN biểu diễn tuần cuối tháng này khiến tôi sống lại cảm xúc nhạc Pháp xưa trong lòng.

Nhạc Pháp xưa là khoảng thập niên 50 và 60. Ngoài Christophe với cây đinh Aline mà Phạm Duy Việt hóa rất hay với tựa đề “Gọi tên người yêu” thì hầu như nhạc Pháp giai đoạn này đều khiến tôi mê. Không ít thì nhiều. Lúc bắt đầu võ vẽ học đàn guitar thùng , mấy bài vỡ lòng của tôi tám chín phần đều là mấy bài nhạc Pháp. Thầy của tôi là thằng bạn thân. Nó bảo: nhạc Pháp hay, tình cảm mà lại rất đơn giản. Và mấy thập niên đã trôi qua chưa bao giờ tôi thấy nhận xét đó là sai mà càng ngày tôi càng chín tôi thấy nó càng nói đúng. Nó chỉ dừng lại ở đó nhưng tôi lại đi tiếp và bỏ nó lại rất xa ở con ngõ hẻm nào đó của âm nhạc. Nhưng nó thì để lại trong lòng tôi hạt nhân tâm hồn rất xanh.



Mà đâu phải gì tôi. Mấy thằng con trai cùng lứa dậy thì, râu mép lơ thơ trên khuôn mặt gầy còm vì bo bo và khoai sắn mà chế độ dành cho thế hệ đó càng làm cho chúng tôi mê nhạc Pháp hơn nữa. Khi biết mê gái thằng nào cũng tìm cho mình một vũ khí riêng để tỏ tình. Khi đó, cây đàn guitar và mấy bản tình ca Pháp là tuyệt nhất và phù hợp nhất. Dù lúc này những loại nhạc như vậy đồng nghĩa với đồi trụy và phản động nhưng cũng mặc.

Thế là lỏm bỏm vài ba hợp âm ba trưởng- thứ - bảy với cái vòng át-co 1,4,5 là chính, quanh quẩn với vài ba điệu slowRock, slowSurf, popBallade…là cứ chơi bài nhạc Pháp nào cũng dính mà lại nghe mùi mẫn và sang. Nỉ non mà không sến. Buồn mà không bi. Lãng mạn mà không phiền lụy. Nước mắt mà không thảm sầu. Nói chung, đúng chất đàn ông hào hoa, lãng mạn, đa tình mà chung thủy, đa cảm mà vẫn rất chuẩn men.

Thời điểm xưa, dĩ nhiên là không hát tiếng Pháp được rồi mà chúng tôi hát bằng những bản Việt hóa của những nghệ sĩ như: Trường Kỳ, Nam Lộc, Phạm Duy, Kỳ Phát,Tuấn Dũng…Phải nói những bản Việt hóa này quá tốt, lời và nhạc quyện với nhau như máu thịt. Đến độ, khi đó có những bài tụi tôi cứ ngỡ là nhạc Việt, sau này giỏi hơn mới biết. Ca từ đơn giản và xúc cảm như giai điệu, dễ hiểu và thân thiện. Tất nhiên là ở thời điểm đó thôi, chứ bây giờ mà viết như vậy là viết mòn, viết sến và viết dở. Điều hay nhất là phần lớn nó được Việt hóa theo lối tự do, không tuân theo ca từ gốc, đúng theo nghĩa là viết lời mới nhưng lại có vẻ như được sinh đôi cùng lúc với nhạc.

Nhạc Pháp lúc đó ảnh hưởng thấy rõ một phần trong nhạc Vàng. Nhưng sự ảnh hưởng đó rất dịu dàng và tinh tế. Cái bao trùm của nó chính là cái hồn nhạc. Đừng có khai thác được gì kỹ thuật sáng tác hay hòa âm của chúng. Quên đi, vì nhạc Pháp xưa không phải là chỗ người ta thể nghiệm để khoe khoang kỹ năng sáng tác. Kỹ năng sáng tạo nó nằm chỗ khác, không phải ở bộ não mà trung tâm của nó là ở trái tim. Gì chứ, kỹ thuật thì cần cù, chịu khó học một thời gian cũng xong, nhưng cái kỹ năng tâm hồn nhiều khi cả đời không chạm tới được. Mà đặc biệt nó không truyền dạy được như kỹ thuật. Nó chỉ là sự truyền đạt như cảm nhận. Là sự gợi ý qua trải nghiệm, và cuối cùng là cái tư chất tâm hồn con người đó có hay không, ít hay nhiều, nông hay cạn.

Thế là thuở đó tôi hay đàn hát nhưng bài nhạc Pháp đó như tự nó chảy từ trong tâm ra mà không phải là bên ngoài tác động vào dù thực tế là như vậy. Tôi còn nhớ những bài này [ Tên tiếng Pháp đa phần sau này mới biết, nay ghi lại cho đầy đủ]

Một thời để yêu ( "Les Amoureux Qui Passent"), Phút bên em ("L’Amour Avec Toi") của Nam Lộc. Trong Nắng Trong Gió- Dans Le Soleil Et Dans Le Ven, Em Ðẹp Nhất Ðêm Nay- La Plus Belle Pour Aller Danser, Tiễn Em Nơi Phi Trường- Adieu Jolie Candy, Gọi Tên Người Yêu- Aline, Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Tình cho Không Biếu Không (L'Amour c'es Pour Rien) của Phạm duy, Đêm Đen - La nuit của Trường Kỳ…Ghi lại thế thôi, những bài mà tôi còn nhớ tên Việt-Pháp và tên người Việt hóa, chứ bộ sưu tập của tôi lúc đó cũng lên đến gần 50 bài tôi thích nhất và khoảng hơn 100 bài tiêu biểu.

Về nhạc sĩ Pháp thì tôi thích Eric Charden, đồng thời kết hợp với Stone thành một cặp song ca ăn khách. Những bài như Made in Normandie, J’ai un problème, Désir désir, Paroles paroles, L'Avventura…rất đươc ưa chuộng và sống đời sống kiếp với ai đã từng nghe nó.


Christophe chỉ là một trong những ca sĩ Pháp tiêu biểu thời đó. Nhưng dịp ông sang thăm Việt Nam mình thì ta hãy nghe một mình ông lại đã. Mà nếu chọn chỉ một bài tủ của Christophe thì chắc chắn đó là Aline rồi. Và ông không thể không đồng ý như vậy.



Còn đây là bản tiếng Việt do Elvis Phương hát.



TMP
Back To Top