Câu nói quá khích này là của
Albert Einstein. Hơi quá khích nhưng không sai. Lịch sử cho thấy mọi phát minh,
phát kiến đều thuộc về một cá nhân, và thậm chí có lúc có nơi số đông lại tìm
cách khai tử cả những phát kiến của vi thiểu số ưu tú, là cản ngại cho chân lý
nữa.
Ngọc thì ít, sỏi đá thì vô số.
Nhưng sỏi đá có thể che lấp, chôn vùi ngọc.
Vậy mà âm nhạc đương đại đều hầu
như phụng sự số đông và lấy đó làm thước đo giá trị. Bởi nó không có chọn lựa
nào khác khi âm nhạc đã trở thành hàng hóa. Tính thương mại không phân biệt
ngu hay khôn, sáng tạo hay không sáng tạo, ngọc hay đá miễn tạo được nhu cầu số
đông. Ngọc mà không chiều lòng số đông cũng vô dụng. Đá mà được lòng số đông
thì hữu dụng. Nhiều khi sự hữu dụng đó chỉ là một quả lừa. Nhưng không sao. Càng
đông càng tốt, càng tiệm cận đắc thắng.
Cũng có câu châm ngôn: Sư tử đi một mình, chó sói đi bầy đàn.
Sư tử uy nghi và mạnh mẽ nhưng một
mình có khi phải thua một lũ đông chó sói yếu ớt và hèn kém hơn nhiều. Cho nên
vì thế chó sói sống bầy đàn để chiến thắng sư tử.
Người nghệ sĩ chân chính và tài
hoa thường cô độc. Đám văn nghệ nửa mùa, đội lốt nghệ thuật thường tụ hội và bè
cánh để lấy quy luật đa số thắng thiểu số làm bùa hộ mệnh. Không chỉ buôn có
phường mà nay làm văn nghệ cũng có phường, bởi văn nghệ đương đại cũng là một dạng
buôn.
Cho nên âm nhạc đắc lợi và chiến
thắng là âm nhạc thuận đa. Chiều lòng công chúng dưới phương châm phục vụ nhu cầu.
Nghệ sĩ có hai lối đi. Lối đi đầy hoa và hào quang tuy chật hẹp, kẹt xe và mòn
vẹt là con đường phụng sự nhu cầu số đông. Lối đi thênh thang mà hoang vắng, có
thác gềnh và chỉ có ánh sáng tự nhiên là con đường sáng tạo vì sáng tạo, phụng
sự cái đẹp vì cái đẹp.
Đám đông như nước. Nó vừa yếu ớt
vừa mềm lụn. Nhưng khi đạt đến số lượng cần thiết thì mạnh mẽ vô địch. Nước tạo
lũ kinh hồn và tàn phá kinh hồn, nhưng biết dụng nước thì nước lại tạo nên điện
năng hữu ích. Người tài cán như cỏ rác thì dạt đời theo nước để mà trôi nổi
cùng đời bon chen danh lợi hạ cấp. Người thực tài thì biết hướng dẫn nước thành
lưu lượng thủy điện. Họ tạo ra dòng chảy mới cho dù có lúc bị nước cuốn phăng
nhưng cuối cùng lũ kia cũng ngoan ngoãn theo dòng.
Đấy là 2 con người nghệ sĩ tài lẻ
và nghệ sĩ thực tài.
Hiện nay những nghệ sĩ tài lẻ
đang chiều lòng số đông như phận cỏ rác để được tung hô như đang có. Họ đứng về
số đông của những người ngu như Einstein nói nên đắc thắng và hãnh tiến. Còn những
nghệ sĩ cưỡng lại đám đông nông cạn đang bị hất văng vào chốn cô độc. Nhưng đó
chỉ là giá trị nhất thời và tầm thường. Cuối cùng như lịch sử đã cho thấy sẽ có
lúc dòng nước sẽ được hướng vào một dòng chảy giá trị bởi đám đông bản chất là
theo đuôi khi đã có một cái lề vững chãi để theo hùa sau khi đã vỡ mộng về những
cuộc bon chen mông muội.
“Văn hóa Like” của cuộc sống mạng
và âm nhạc mạng như hiện nay chỉ là văn hóa của một số đông không thông minh, không trưởng thành và không biết tự
mình định hướng. Và nghệ sĩ nào chỉ biết lấy “văn hóa Like” làm thước đo và mục
tiêu cho hoạt động nghệ thuật của mình thì họ cũng là một nghệ sĩ có trình độ
tương đương với đám đông đó mà thôi.
T.M.P