24.11.13
Đong đưa cùng Nhạc Muồi (phần 3)
Nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh
Files photos
Thôi em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để anh buồn như anh chàng làm thơ
(Chuyện hẹn hò - Nhật Trường) [1]
Lời ca hòa quyện khí nhạc, dù là "tone trưởng", có phần tươi tắn, tuy thế, vẫn thể hiện trọn vẹn "thần sắc" nhạc phẩm, nhằm phản ánh tâm trạng man mác buồn nhưng không bi lụy. Khi ca sĩ cất tiếng, bài hát như trình ra trước khán giả một chàng trai hiền lành và thơm thảo như hoa như lá! Bài hát như một lời "trách" mà không "móc" của tâm hồn dạt dào từ người đàn ông đậm tính trượng phu. Một tiếng lòng bàng bạc dấu yêu cùng mong ngóng.
Nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh [2] đã để lại cho đời nhiều tác phẩm bằng nhiều dòng nhạc, trong đó dòng Nhạc Muồi mang dấu ấn đậm nét của một người biết yêu và yêu tha thiết; "giận" mà không "hờn", "tủi" nhưng không "nhục", dù đó là tình yêu đôi lứa. Còn gì đẹp, quý phái, bình dị mà lại đằm thắm hơn với hò hẹn và ngóng chờ của tâm hồn chung thủy! Cay đắng thay! Ông Trời lại bạc đãi người nhạc sĩ tài hoa mà lận đận và vắn số! Quả là "Chữ tài liền với chữ tai một vần", không chỉ riêng Nhà Giáo - Nhạc Sĩ Nhật Trường.
Một cái chết thê lương hơn cả Nhật Trường, đó là Nhạc Sĩ Trúc Phương [3]. "Sau 3 lần vượt biên không thành công, ông không nhà cửa, không người thân, giấy tờ, sống lây lất khắp nơi, thậm chí phải đi chân không và mướn chiếu ngủ tại bến xe (các con trai của ông đã vượt biên thành công sang Mỹ & Úc trước đó). Tuy hoàn cảnh rất bi đát nhưng ông chưa hề ngửa tay xin ai một đồng nào, ngay cả những người quen của ông lúc trước. Ông mất ngày 18 tháng 9 năm 1996 vì bệnh sưng phổi, được gia đình an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu". Đó như nỗi ám ảnh về số phận đặt để nỗi thống khổ và bi thương của giới văn nghệ sĩ tài hoa bị cộng sản chà đạp không thương tiếc.
Nói đến Trúc Phương, hầu như ai cũng tỏ tường, ông là một trong những nhạc sĩ rất nổi tiếng với dòng Nhạc Muồi qua các nhạc phẩm : Ai Cho Tôi Tình Yêu, Nửa Đêm Ngoài Phố, Xin Cám Ơn Đời v.v...
Nhạc Sĩ Trúc Phương khoảng năm 1972 (trái) và khoảng năm 1994-95)
Nhạc Muồi và kỹ thuật hát.
Người không thuộc giới âm nhạc, đôi khi không biết rõ, ngoài điều mà người đời hay gọi là "nghiệp" khi gắn với thân phận "xướng ca vô loài", người ca sĩ đòi hỏi phải có "bộ ba" để hành nghề mà không bao giờ thiếu được: Tai - Mũi - Họng.
Nước lạnh và nước đá là "khái niệm", người ca sĩ luôn biết tránh xa, nếu họ muốn theo đuổi kiếp "đêm đêm dâng tiếng hát cho người người bỏ tiền mua vui". Họ cũng luôn nhớ lời khuyên bác sĩ để sao cho không bị viêm xoang, dù là xoang mũi, xoang sàng v.v..., chứ không chỉ riêng giữ một cổ họng tốt hay một đôi tai thật nhạy.
Đôi tai của người ca sĩ trở thành "nhạc trưởng" trong "dàn nhạc" để người ca sĩ điều khiển mũi với cổ họng "mở", biến hóa giọng ca đó độc đáo đến đâu.
Người ca sĩ, khổ nhất là việc... "học", như bất kỳ nghề nghiệp nào. Cái khó đối với họ lại ở chỗ: tự học, bởi hát là một nghệ thuật với ngạn ngữ "nghề chơi cũng lắm công phu".
Mỗi dòng nhạc có một kỹ thuật hát. Từ những kỹ thuật của từng dòng nhạc, người ca sĩ biết điều chỉnh âm lượng cho từng câu, từng nốt nhạc, biết lấy hơi, ngắt hơi đúng lúc, đúng chỗ cho mỗi bài hát; biết phả hồn như thế nào vào từng câu nhạc.
Ngay cả cùng trình diễn một nhạc phẩm, điều này lý giải, tại sao mỗi ca sĩ đều có cách hát khác nhau: từ cách "nhả chữ" cho đến ngắt hơi, "chẻ nhịp", chú trọng đến từng lời ca, cho đến cuối mỗi câu nhạc và cả toàn bài hát. Làn hơi cũng là của trời ban cho cùng việc rèn luyện và giữ lá phổi, thanh quản tốt. Do đó, đối với người ca sĩ, việc chơi thể thao, tập thể dục không chỉ giữ vóc dáng mà còn làm cho "bộ đồ lòng" của họ trở thành "tài sản đắt giá" và "cần câu cơm" bền bỉ trong suốt cuộc đời "nhả tơ". Điều đó tiếp tục giải thích, tại sao có những ca sĩ dù tuổi cao nhưng sức không yếu, như nữ ca sĩ Lệ Thu bước vào tuổi 70, mới đây chị vẫn tiếp tục đứng trên sân khấu [4].
Ca sĩ Hoàng Oanh (2011) Courtesy Trung tâm ASIA
Đó là một quá trình tự rèn luyện, tự gìn giữ, tự hoàn thiện đầy cam go, vất vả, nó phụ thuộc hầu như phần lớn thiên phú và sự ý thức nghề nghiệp cùng lương tâm trách nhiệm đối với nghề của người hát, mà không một thầy (cô) thanh nhạc nào có thể chỉ dạy hết, ngoài chính bản thân ca sĩ tìm tòi rồi dần dần khám phá ra nét đặc trưng, sở trường, sở đoản trong giọng ca của mình. Ở đây, chỉ bàn về kỹ thuật hát dành cho dòng Nhạc Muồi.
Có lẽ tiếng Việt khác lạ với các ngôn ngữ trên thế giới ở chỗ, có các..."dấu" (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng). Đó chính tạo ra nét đặc biệt, không những trong ngôn ngữ đời thường mà còn là nét độc đáo, để người ca sĩ lột tả giọng ca riêng biệt nhằm có được chỗ đứng nào đó trong lòng khán thính giả. Điều không đơn giản chút nào.
Một điều khó phủ nhận, lại dễ thấy: khi một giọng ca cất lên, không cần nhìn mặt, chúng ta biết đó là giọng của ca sĩ ABC hay XYZ. Chỉ có những ca sĩ như thế mới tồn tại theo thời gian và làm khán giả không thể nào quên. Điều này trở nên quá hiếm hoi trong giới ca sĩ trẻ hiện nay, bởi dù đầy "nội lực" - như họ hay khen tặng lẫn nhau - nhưng khi cất tiếng, không hề thấy bóng dáng riêng biệt trong giọng ca của họ khi thể hiện ca khúc.
Hoàng Oanh là Hoàng Oanh, Thanh Tuyền là Thanh Tuyền, cho đến Chế Linh, Bảo Yến v.v... Sau này, ca sĩ trẻ có giọng hát riêng biệt có thể điểm qua: Ngọc Sơn, Như Quỳnh, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Đan Nguyên, Quang Lê, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên v.v... Có thể thích hay không thích, khen hay chê hoặc tạm chấp nhận giọng ca cùng cách "ăn ở" mỗi ca sĩ, nhưng ở đây chúng ta đang bàn về giọng hát riêng biệt mà khi họ cất lên không thể lẫn lộn vào đâu. Đó gọi là "âm sắc". Đó cũng là điều kỳ diệu mà ông Trời đã...quyết định, không thể thay đổi được.
Nữ ca sĩ Khánh Ly nói [5]:
Ca sĩ Khánh Ly (2011) Photo SBTN
"Chúng tôi, lớp người đã được quần chúng chấp nhận trước 75, thật sự đã trải qua bao nhiêu khó khăn, bằng chính năng khiếu của mình. Chỉ có một ít may mắn đủ trình độ văn hoá Đại học và tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Đức Huy, Quỳnh Giao, Mai Hương…. Còn lại, đa số chỉ đến Trung học, chưa bao giờ bước chân vào Quốc Gia Âm Nhạc. Lên sân khấu, với năng khiếu Trời cho và may mắn được chấp nhận.
Thời đó, ca sĩ rất ít và không phải bất cứ ai bước lên sân khấu, là đều được coi là ca sĩ…. Quần chúng phải chấp nhận. Các ca sĩ phải chấp nhận. Các trung tâm thâu băng, đĩa phải chấp nhận. Các đài phát thanh phải chấp nhận, chúng tôi mới có được… tạm coi như là ca sĩ và vẫn nằm trong sự kiểm soát, nghe ngóng, chăm sóc của các Trung Tâm mà trung gian là nhạc sĩ".
Cũng vì thế, từ những cuộc "thi hát thi hò" sau này, khán giả trẻ dễ bị tâm trạng "cả thèm chóng chán" với cái gọi là "hiện tượng âm nhạc", "ngôi sao mới nổi" v.v... lấn át sự bền vững của những giọng ca riêng biệt mà người ca sĩ cần có?! Vâng, có lẽ vì vậy, cho đến nay, người ta vẫn dễ dàng và tiếp tục chủ trương "quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Khi "cá nhân" bị "quét sạch" thì cá tính trong âm nhạc cũng trôi tuốt luốt ra từng đống rác bên vỉa hè, như nhiều người từng thấy sau 1975, bởi giới mộ điệu lúc bấy giờ, giữ những bản nhạc vàng như giữ thứ hàng quốc cấm và tất nhiên Nhạc Muồi cũng không tránh khỏi số phận như các dòng nhạc khác, cùng tất cả tiểu thuyết, tập san, phim ảnh v.v...
Đó chẳng phải tính đa nguyên đã bị ép uổng vào "ngục tù", từ đó dẫn đến sự mai một cá tính trong lĩnh vực ca hát - ngỡ như chẳng dính dáng gì lắm đến "sự an nguy chế độ"? Vậy là lại tiếp tục động đến đặc trưng "đồng phục" tư tưởng được biển lận thời nay mà người cộng sản đã khiên cưỡng áp đặt cho dân Việt mấy mươi năm qua.
Trong Nhạc Muồi, nhạc sĩ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm không những hay mà còn đầy sáng tạo với kỹ thuật "đảo phách" (hay còn gọi là "nhịp chỏi"), ví dụ nhạc phẩm "Mong Chờ" [6] của nhạc sĩ Châu Kỳ qua giọng ca Hoàng Oanh.
Nhạc phẩm này, qua giọng ca Hoàng Oanh càng chứng tỏ kỹ thuật hát Nhạc Muồi chẳng dễ dàng chút nào. Trong giọng hát của chị, người ta bắt gặp một sự tinh tế, đầy cảm xúc với đôi tai nhạy bén để điều khiển dây thanh đới linh hoạt, làm bật lên tiếng ca thật chan chứa nỗi lòng. Những lời ca cất lên từ chị, có những đoạn, những nốt, những chữ làm người nghe liên tưởng đến bàn tay mềm mại và điêu luyện từ một nghệ sĩ đàn bầu uyển chuyển với cần rung, nhấn nhá, luyến láy một cách mượt mà, đằm thắm. Bái hát này có thể xem là sự thách đố đối với những giọng ca "nhạc viện" thời nay, dù miệt mài nhiều năm trong môi trường "bác học", chưa chắc họ được khán giả chấp nhận như Hoàng Oanh.
Câu "Mọi sự so sánh đều khập khiễng" được một số người xem là "chân lý" khi tự ái nghề nghiệp nổi lên. Đơn giản vì họ không chịu chấp nhận cái chưa hoàn thiện của mình, cũng như họ rất dở khi lấy sở đoản làm sở trường, bởi tự đặt bản thân lên ngôi "ông hoàng", "bà chúa" trong làng nhạc. Thử hỏi, những cuộc thi hát từ quốc tế cho đến trong nước, không phải để thực hiện phép so sánh nhằm tìm ra những "viên kim cương" trong làng nhạc, thì đó là gì (?). Vì thế, khi không đồng ý so sánh trong nghề nghiệp, đồng nghĩa với sự ngụy biện để trốn tránh sự thiếu hụt trong chuyên môn, do lười biếng và khi đã có chỗ đứng trên sân khấu, những ca sĩ này trở nên thiếu trách nhiệm tu dưỡng chuyên môn và huyễn hoặc về điều gọi là "tài năng". Chính vì vậy, thay vì là "ánh sao", họ trở thành ánh "ma trơi" nhằm để hù dọa khán giả hơn là phục vụ công chúng.
Nhạc Muồi và kiếp nghèo.
Hồi trước 1975, khi nghe nhạc phẩm "Nó" [7] của nhạc sĩ Anh Bằng, tôi rất xao xuyến và rưng rưng, khi nghĩ về những thân phận tuổi thơ bất hạnh. Bài hát này đã làm cho người ta đau với nỗi đau trần thế, trong lúc chiến cuộc ngày càng dữ dội.
Nhiều mảnh đời trôi dạt về Sài Gòn để tránh bom đạn và người ăn xin cũng từ đó ngày càng nhiều hơn. Tuy thế, tôi nhớ hoài những hình ảnh đẹp của những người khốn khó khi phải hành nghề "bị gậy", vì nhà tôi lúc bấy giờ, gần một ngôi chùa nổi tiếng ở Sài Gòn. Người ăn xin vẫn giữ được cốt cách văn hóa của mảnh đất hiền lành mang tên "Hòn Ngọc Viễn Đông". Mỗi độ lễ lạt hay xuân về, dù là ăn xin, những người nghèo khổ vẫn gọn gàng, xếp hai hàng ngay ngắn tả hữu, ngồi dọc trước cổng chùa, tùy bá tánh cho nhiều ít hay cho ai cũng được. Có vị khách hào phóng còn đưa cả số tiền lớn để mọi người chia nhau. Không có cảnh chen lấn, bốc hốt hay trà trộn để móc túi, cướp giựt.
Dù lúc bấy giờ, tại Sài Gòn không phải không có trẻ ăn xin, nhưng không đến nỗi đói meo như bài nhạc diễn tả mà tôi cho là quá lố, cho tới khi ca sĩ hát đến đoạn "miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ", tôi bèn hỏi ba tôi. Ông gạt phắt đi và nói đó là những tuyên truyền lừa bịp để nói xấu "cách mạng" từ những "tên Bắc Kỳ di cư", phản bội Tổ quốc (!).
Còn bây giờ thì... không phải miền Bắc điêu tàn nữa mà cả nước, đâu đâu cũng môt màu ảm đạm trong những ngày cuối năm 2013. Điêu tàn và điêu đứng, không chỉ cho người dân nghèo mà cho cả người cộng sản với tình hình kinh tế ngày một tả tơi, khi "Hết chịu nổi, ngân hàng phơi ra bộ mặt thật" [8]. Miền Trung đang hứng chịu sự giận dữ của Trời Đất [8A], thêm một dấu hiệu điêu tàn vào những ngày cuối năm. Thật đau lòng cho người dân - "nghèo còn mắc cái eo"! Thiên tai và nhân tai! Sao cứ mãi trút xuống đầu dân tôi, biết bao giờ người dân nghèo lam lũ mới có được cuộc sống bình an?!
Nhạc Muồi có vẻ gắn nhiều với kiếp nghèo, bởi những vần điệu, tiết tấu đa số chậm buồn, như là nơi nương tựa, để người nghèo gởi gắm tâm trạng, cất lên nghêu ngao, tạm khỏa lấp nỗi buồn chán trong cảnh đời chật vật, khốn khó mà tạm quên chốc lát với lời ca tiếng hát. Nó cũng là nơi mà người nghèo bám vào trong cuộc mưu sinh sống còn.
Nhạc Muồi với thanh niên nghèo, ngày càng trở nên nhiều hơn trên các con phố. Nó biến thành chiếc phao cho thanh niên ngày nay nắm lấy để tiếp tục ngoi ngóp trong "dòng sông xã hội" ô nhiễm nặng "mùi tiền".
Có thể là ngay bên một nhà hàng sang trọng hay trong một tửu lầu nguy nga, chúng ta vẫn thoáng nghe thấy tiếng hát của họ với xe kẹo kéo cùng những giọng ca chuyên nghiệp "cạnh tranh" trên những chiếc xe ba gác chở đầy đĩa nhạc, phim bán dạo. Từ đó, "nghề hát rong" sống lại. Đúng hơn, phải gọi đi bán hàng rong gắn với chút tài lẻ để dễ mời chào và gây chú ý hơn.
Thật thương cho thanh niên Việt Nam với sức dài vai rộng, lẽ ra họ có thể làm được nhiều hơn, tốt hơn nếu họ sống trong một xã hội dân chủ - nơi mọi tài năng cá nhân đều được bộc lộ tối đa và được ghi nhận, nâng đỡ cho họ phát triển tài nghệ.
Mời quý độc giả thưởng thức giọng ca mộc mạc lại rất truyền cảm của chàng thanh niên hát rong này [9]. Mặc dù, không được ai chỉ dạy cho cách hát, nên đôi chỗ còn "phô", cách phát âm chưa "chắc" và đẹp lắm, nhưng với giọng ca thiên phú, chàng trai này chỉ cần khoảng một năm học hành bài bản, đủ khả năng trở thành một tên tuổi hát Nhạc Muồi đúng nghĩa của nó. Tất nhiên, tiềm năng và tài năng là hai khái niệm khác
Kiếp nghèo vẫn không kém phần lịch lãm và hào sảng; kiếp nghèo không chỉ biết khổ đau mà còn biết san sẻ. Kiếp nghèo không khuyến khích con người trở nên bủn xỉn và lừa lọc. Bạn chưa tin ư? Xin mời nghe "Kiếp Nghèo" của nhạc sĩ Lam Phương, qua giọng ca Thanh Tuyền [10].
Nếu bạn lưu luyến một "Kiếp Nghèo" mà vẫn đầy ắp sự Sang Trọng và Giàu Có của cô gái bình dân giản dị, trong bộ áo dài đơn sơ cùng nhạc cảnh dàn dựng tỉ mỉ và chăm chút đến từng chi tiết nhỏ, thì bạn hãy vui lòng bỏ thêm vài phút để xem một "Kiếp Nghèo" khác [11] do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thể hiện.
Với áo pardessus sang cả, cùng nhiều nam thanh nữ tú đầy màu sắc chói chang, sặc sỡ vây quanh, nó như nói lên sự "vinh quy bái tổ" của người đàn ông nghèo ngày xưa, sau bao năm lận đận, nay rực rỡ thành công về lại xóm cũ để... "khoe mẽ" trước những người hàng xóm vẫn đang...lây lất kiếm sống!
Không những thế, về chuyên môn, Đàm Vĩnh Hưng với giọng hát yếu, hụt hơi đã rất "nghèo" trong tư duy khi chọn bài không những không phù hợp, lại còn phô bày ra tất cả những điểm yếu chết người trong chất giọng mà một ca sĩ thành danh và khôn ngoan như anh, lẽ ra nên biết tránh.
Hai "Kiếp Nghèo" khác hẳn nhau về bản chất. Đó cũng là sự khác nhau về đẳng cấp chuyên nghiệp trong âm nhạc, không chỉ riêng ca sĩ mà cả ê-kíp tạo ra những nhạc cảnh này. Há chẳng phải là sự khác nhau về văn hóa? Và khác cả về giáo dục được nuôi nấng và hấp thụ của "người phụ nữ nghèo" so với "người đàn ông nghèo", bởi họ xuất phát từ hai môi trường quá cách biệt về tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng trong âm nhạc và về lòng nhân ái để từ đó họ lớn lên?
Nhạc Muồi và Quê Hương
Nói về Nhạc Muồi mà không gắn nó với tình tự quê hương, quả là thiếu sót lớn không thể chấp nhận được. Vậy thì mời quý độc giả [12] hãy ngậm ngùi, hãy rưng rưng và nếu ai xót xa không cầm lòng nổi, thì xin hãy cứ khóc. Khóc cho thỏa thuê với nỗi đau quê hương hôm qua. Và cho cả hôm nay.
Còn gì em? Còn gì đâu? Còn gì trên Quê Hương mịt mùng này? Như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã thống thiết kêu lên! Nắng hạ, cái nắng chói chang, gay gắt, nhưng trong nhạc phẩm "Đưa Em Vào Hạ", người nghe không thấy một chút gì biểu lộ sự bực tức hay căm phẫn, trước nỗi đau quê hương bị chia cắt, thay vào đó, người ta cảm nhận sự đìu hiu và tang thương trong ánh hoàng hôn nhạt nhòa, hắt những tia nắng cuối ngày trên dòng Bến Hải:
Quê hương đau, nắng hạ cũng buồn
Nước sông ngăn đôi sơn hà.
Còn gì em? còn gì đâu?
Mùa hạ qua mau đi nữa đi, em đến con đường quê hương mịt mùng
Thương những chiều nắng rọi bờ sông
Trong bài hát còn thầm thì những lời bịn rịn của người lính chia tay bè bạn, tình nhân để "rứt áo tìm vui nơi chiến trường".
Chiến tranh! Nó cướp hết tất cả những niềm vui nhỏ nhoi, những ước mơ bình dị của các chàng trai, cô gái. Những chiến cuộc vô nghĩa đã xô đẩy họ vào chiến địa mà nhiều người trong đó, chẳng bao giờ còn cơ hội trở về để thực hiện lời hứa "đưa em vòng khắp cả hý trường" để "nghe người ca, bài ca lời thương lời nhớ". Thật thẩm mỹ và chan chứa ân tình!
Còn gì khắc họa sống động hơn, trước nỗi đau cắt ruột vì chiến tranh, thông qua khối óc mẫn tiệp của người nhạc sĩ đầy lòng trắc ẩn - Trầm Tử Thiêng?! Nhạc phẩm này, được viết ra trong nỗi khắc khoải, khi ông ở độ tuổi ngoài 30, lứa tuổi mà các nhạc sĩ trẻ ngày nay, thật khó để đuổi kịp ông với tuyệt phẩm, vừa sâu lắng, vừa day dứt, pha lẫn nỗi ngọt ngào và cả đắng cay cuộc đời của thế hệ lớn lên trên quê hương điêu linh. Nó đủ để cứa vào lòng người những vết thương đau nhói cho đến hôm nay. Nỗi đau vẫn vẹn nguyên. Nỗi đau của đất nước vẫn chưa bình yên như ông mong ước:
Trăm họ ước mơ, mơ mái nhà chiều khơi lửa ấm
Lứa tuổi tròn hai mươi tìm lại những đêm ân tình.
Kết
Bao nhiêu lời cho vừa, khi trút tâm sự về dòng Nhạc Muồi? Một kho tàng âm nhạc đầy ăm ắp những nỗi buồn đau, xót xa khi Quê Hương vẫn chìm trong vũng lầy tội ác ngày càng ngập ngụa và sóng sánh. Cả vận nước đang nguy khốn nữa!
Dù thế nước nguy nàn, dù dân tình đau khổ, nhiều nhạc sĩ dường như không có thời gian, không trăn trở, không thao thức nên đã bỏ qua, đã thờ ơ đến nỗi không lần đâu ra được vài sáng tác nói thay người dân nỗi thống khổ "nước sắp mất, nhà đang tan"! Chẳng lẽ chỉ còn mỗi Việt Khang cất tiếng kêu đơn độc [13] "Việt Nam tôi đâu"?!. Lẻ loi và trơ trọi đến thế sao, hỡi các nhạc sĩ Việt Nam!
(Hết)
Nguyễn Ngọc Già, Việt Nam 17-11-2013