Chiều qua, 22/11, tại TP.HCM đã diễn ra buổi họp báo công bố một liên minh âm nhạc mới có tênSky Music giữa các website chia sẻ nhạc số có tiếng: nhacso.net, nhac.vui.vn và nhaccuatui.com. Bên cạnh đó, các trang nhạc này sẽ cùng với YanTV, các trang web VnExpress, Ngôi sao, 24h, Xzone tạo thành một ê kíp truyền thông để có thể trở thành một cầu nối vững chắc giúp ca sĩ đến gần hơn với công chúng.
Đại diện 3 trang nhạc nói trên cho rằng, hiện họ đang có 10 triệu người nghe và thị phần độc giả của các báo và trang tin của liên minh này chiếm tới 90% thị trường Internet. Ông Trịnh Hoàng Tuấn (nhacvui.vn), hiện là Giám đốc của Sky Music, nói rằng liên minh âm nhạc này sẽ chú trọng bước đầu vào 3 phần chính: Truyền thông cho các ca sĩ; sản xuất MV, album, live show và cho ra đời bảng xếp hạng âm nhạc để bắt đầu từ 2014 sẽ thành lập Sky Music Awards.
Sự ra đời của Sky Music dường như báo hiệu một cuộc cạnh tranh giữa các ông lớn trong thị trường nhạc số.
“Nghỉ chơi” RIAV
Một ngày trước cuộc họp báo ra mắt Sky Music, báo giới và các bên liên quan đã nhận được công văn của RIAV (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam) tố cáo các công ty 24h, FPT Online, Nhaccuatui đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng khi sử dụng bất hợp pháp những ca khúc từ kho nhạc hơn 40.000 ca khúc của RIAV. Cụ thể là nhac.vui.vn sử dụng không phép 1.255 bản ghi, nhaccuatui.com là 2.181 bản ghi và nhacso.net là 2.069 bản.
Cú bắt tay của các trang nhạc và một số trang web tạo ra Sky Music
Thật ra điều này đã âm ỉ từ hồi tháng 7/2013 khi RIAV ký hợp đồng ủy quyền cho Zing Mp3 (thông qua công ty VNG) khai thác độc quyền toàn bộ các bản ghi âm của RIAV. Trước đó cả 3 trang nhạc này đã làm việc với RIAV suốt 4 năm và không có vấn đề gì về bản quyền. Vấn đề nảy sinh khi 3 trang nhạc này không thể đàm phán được với VNG, suốt tháng 9 và 10/2013, các vấn đề không thể giải quyết và cuối cùng cả 3 trang nhạc này quyết định rút những ca khúc của RIAV ra khỏi trang web của mình.Phía Sky Music cho biết trong quá trình “dọn kho” thì vẫn còn nhiều ca khúc có trong nhạc mục của RIAV mà họ chưa thể thống kê là thuộc RIAV hay của nơi khác nên chưa thể rút hết, nhưng chắc chắn tất cả sẽ được dọn sạch sẽ và trong thời gian chờ đợi họ sẵn sàng trả phí cho phía VNG theo đúng luật.
Đây có thể xem là động tác “nghỉ chơi” với RIAV của Sky Music và việc không thể hợp tác với VNG đã khiến cho 3 trang nhạc trực tuyến này xích lại gần nhau và quyết định thành lập liên minh.
Đối đầu Zing Music?
Cho dù phía Sky Music tuyên bố họ thành lập liên minh này với mong muốn phát triển thị trường âm nhạc Việt và giúp đỡ các ca sĩ đến gần với công chúng hơn, nhưng nhìn vào các mục tiêu chiến lược mà liên minh này đề ra đã cho thấy cách họ làm không khác gì cách mà Zing Music đang làm và đã khá thành công, từ việc ký hợp đồng với ca sĩ, thu âm, giúp đỡ ca sĩ làm MV, tạo ra bảng xếp hạng và tổ chức giải thưởng âm nhạc…
Cần phải nói thêm rằng, nếu tính vào các hợp đồng mà các ca sĩ đã ký với Zing (90%) thì Sky Music hiện vẫn chưa có hợp đồng nào và cách thức chia chác giữa các bên vẫn chưa được công bố rõ ràng. Và việc hợp tác với Sky Music liệu có ảnh hưởng tới quan hệ với Zing hay không cũng là một điều khiến ca sĩ phải cân nhắc trước khi đặt bút ký. Ví dụ nếu Sky Music giúp ca sĩ ra MV thì họ sẽ độc quyền phát trong 2 tuần và sau đó nếu ca sĩ muốn đưa cho trang nhạc nào khác sẽ phải có sự đồng ý của Sky Music, đó cũng sẽ là một vấn đề…
Tuy vậy, cuộc cạnh tranh này vẫn có một lối để các bên tranh giành quyết liệt, đó là ký hợp đồng độc quyền. Theo Google AD Planner thì hiện nay Zing Music đang chiếm thế thượng phong với gần 50% thị phần, trong khi Nhaccuatui.com và Nhac.vui.vn cộng lại chỉ hơn 40% và nhacso.net là thấp nhất với chưa tới 10%. Nhưng về thị phần bản quyền thì Zing chỉ chiếm gần 20% và phần còn lại là giữa các hãng băng đĩa và các trang nhạc khác.
Sự có mặt của RIAV dù có số lượng phong phú với hơn 40.000 ca khúc nhưng về “chất” vẫn chưa bảo đảm là thế mạnh của Zing cho nên sự đua tranh ký hợp đồng độc quyền với ca sĩ sẽ báo hiệu một cuộc cạnh tranh gay cấn.
Rõ ràng đằng sau những câu chuyện gây ầm ĩ giữa các bên sử dụng nhạc số là biểu hiện của việc tranh giành thị phần nhạc số của thị trường âm nhạc. Và sự đối đầu giữa các công ty chia sẻ nhạc số sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt. Chỉ có điều, các cuộc cạnh tranh này có tạo ra lợi thế cho người dùng, tạo sự công bằng cho việc thu bản quyền nhạc số hay đơn thuần là các “ông lớn” tranh nhau trong việc phân định thị trường?
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa