25.11.13

Văn hóa xếp hàng trong âm nhạc


Đã hơn một lần tôi tình cờ nghe thấy những cuộc vừa tranh luận vừa cãi vả giữa hai nhà thơ và nhạc sĩ về một chuyện rất nhỏ nhưng rất nhạy về văn hóa, đó là: tên nhà thơ hay tên nhạc sĩ để trước trong một bài hát phổ thơ?

Thường thì lý luận thế này:

Nhà thơ: Có thơ tôi thì anh mới có cái để phổ chứ?

Nhạc sĩ: Không có tôi phổ nhạc thì lấy ai hát thơ anh!?

Có lần, nhà thơ dỗi bảo: Cấm phổ thơ tôi. Nhạc sĩ bực: Tôi cóc thèm phổ thơ ông.


Tôi thì chưa phổ thơ ai và nghĩ tên đứng trước đứng sau cũng không hề gì. Nó không làm mình mất giá trị tự có. Mà Jesus có nói đại ý: Mình nâng mình lên thì có người đạp xuống. Mình hạ mình xuống thì có người nâng lên.

Nhưng nếu xét về văn hóa xếp hàng thì ai đến trước xếp trước. Ai đến sau xếp sau. Khi phổ thơ, tất nhiên thơ có trước rồi nhạc sĩ đọc thấy hay, thấy cùng hòa điệu với tâm thế mình, thấy nói hộ được điều mình cảm mà không biết thể hiện…nên mới đem phổ nhạc thành bài hát. Vậy đúng phép nhà thơ luôn luôn phải được để tên trước nhạc sĩ.

Phải chăng, người Việt mình thường kém về văn hóa xếp hàng nên có cái chuyện đơn giản này mà lại hay cãi nhau sao? Và không ít trường hợp tôi vẫn vẫn thấy văn bản hay tít giới thiệu ca khúc thường ghi tên nhạc sĩ trước.

Thấy buồn dùm cho những nhà thơ không thích cãi ai trước ai sau. Thấy chán cho văn hóa của những người đang làm văn hóa.


T.M.P
Back To Top