27.11.13

Số 5 và số 95


Đó là con số phần trăm về người nghe có kiến thức âm nhạc : 5% và người nghe không có kiến thức âm nhạc: 95%. Đây là thống kê chung trên thế giới và đã được thực hiện cách đây hơn một thập niên. Thời điểm hiện nay chưa thấy có thống kê tương tự để cho thấy tỷ lệ trên có thay đổi gì không. Nhưng có lẽ con số trên nếu có đổi thay thì chắc không nhiều trong một thời gian chỉ hơn 10 năm với trong một tình hình âm nhạc càng lúc càng nghiêng về đơn thuần chỉ để giải trí và chú trọng mục tiêu thương mại trên cả toàn cầu.


Nhưng đó là con số cào bằng chung. Có thể thấy dân trí cao một số nước phát triển chắc chắn cao hơn nhiều con số 5 về kiến thức âm nhạc và ngược lại dân trí thấp các nước kém phát triển sẽ thấp hơn con số 5 không ít, trong đó hiển nhiên là có Việt Nam. Điều cần nhắc , đây chỉ là thống kê người nghe chứ không bao gồm luôn những người làm nghề âm nhạc. Tại sao người làm nghề âm nhạc lại không có kiến thức âm nhạc? Cái điều vô lý này lại có một số ở những người làm nghề âm nhạc của nước ta mà truyền thông đã từng đưa thông tin khiến mọi người ngỡ ngàng.

Bên cái vô lý lại là một nghịch lý.

Có một sự thực là người Việt cũng rất quan tâm đến âm nhạc và trên hết là rất mê hát hò. Chỉ cần nhìn qua số lượng rất nhiều các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc và số lượng đông đảo thí sinh tham dự là có một cơ sở để kết luận. Gần nhất đã có thêm một cuộc thi tương tự lại nhập khẩu vào VN, lần này nó là phiên bản có nguồn từ Hàn quốc[Ngôi sao Việt – Lotte VK-Pop Super Star, nghe nói số tiền của giải thưởng có thể mua được siêu xe]

Có một sự thực khác có thể thấy bằng cảm tính mà không qua thống kê chắc ít ai phản đối là khá nhiều thanh thiếu niên Việt dành thời gian cho các phòng karaoke và các công việc vô bổ của fan club trong những lúc rảnh rỗi hơn các việc học thêm để nâng cao kiến thức phụ trợ nhưng không kém quan trọng, trong đó có âm nhạc. Và một sự thực nữa không phải là bằng cảm tính là trong khi các trường dạy nhạc trên toàn quốc đang ngày vắng bớt các học viên, trong đó có những trường tên tuổi nay có số lượng học viên giảm xuống đến hơn 1/3 thì số lượng người hát karaoke, người đăng nhập các trang mạng nghe và thông tin nhạc thị trường  cùng việc ghi danh các cuộc thi ca hát ngày càng tăng.

Cũng là yêu và mê âm nhạc nhưng sao lại thích chơi và thích thi đấu âm nhạc hơn là học âm nhạc? Câu hỏi này chắc không khó trả lời.

Người Việt yêu âm nhạc thực ra phần lớn chỉ là mê hát và thích xem hát. Sự đam mê âm nhạc của quần chúng chỉ giới hạn đến đó, và động cơ chính của mê hát và thích được hát là bọc lộ của tiềm thức thực dụng hơn là một tâm hồn nghệ thuật. Bởi lẽ, nghề ca sĩ kiếm ra khá tiền mà lại được có danh, có phù hoa mơn trớn. Sự biểu lộ vật chất như một con nghiện của showbiz và sự mê cuồng của công chúng trên các trang mạng về đời tư tình tiền và hào nhoáng hào quang của ca sĩ cho thấy cái tiềm thức và động cơ mê âm nhạc đó. Nó phản ánh một khía cạnh xấu xí của người Việt đã được nói đến nhiều: Đi học không phải vì nhu cầu mở mang kiến thức để làm giàu đời sống tinh thần mà vì mảnh bằng để tạo dựng quyền thế và danh lợi là chính. Nhưng với nghề ca sĩ thì lại khác: Mảnh bằng không làm nên ca sĩ ăn khách và thu nhập cao. Vì vậy, động cơ đi học không còn cho nên không cần phải đi học nhạc vì nó không phải là tiền đề để nổi tiếng và làm giàu.

Đáp ứng thực tế nhu cầu đó cho nên nguồn cung của nó là các cuộc thi ca hát ngày càng phình ra về số lượng nhưng lại teo dần về chất lượng giọng ca trên cái cơ sở nguồn nhân lực dồi dào và nghịch lý : rất yêu nhạc mà chấp nhận mù nhạc hoặc nghèo nàn kiến thức âm nhạc.

Âm nhạc bị méo mó cũng vì thế. Âm nhạc bây giờ chỉ có thể là trở thành ca sĩ ăn khách và thần tượng. Âm nhạc chỉ là những giây phút buông thả trong phòng karaoke dễ chịu và một giấc mơ ca sĩ. Và không gì ngắn, nhanh và ít cực nhọc hơn việc phải ngồi học nhạc nghiêm túc và mất nhiều thời gian là các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc. Nó nhanh nổi tiếng và nhanh có nhiều tiền. Yêu âm nhạc nhiều khi chỉ vì thế: tiếng và tiền.

Mà yêu âm nhạc chỉ vì tiếng và tiền thì theo định nghĩa của Việt Nam, âm nhạc bây giờ là loại hình gì vậy?

T.M.P





Back To Top