29.11.13

Hoài niệm nhạc Pháp & Cơ hội bị bỏ lỡ



Thanh Lan - ca sĩ Việt nổi tiếng với những bản nhạc Pháp

Đêm nhạc Christophe - Live Concert (23/11) với sự hiện diện của danh ca một thời Christophe vừa diễn ra tại TP.HCM chắc chắn là một dịp tốt để những hoài niệm nhạc Pháp ở Việt Nam trỗi dậy.

Ngày nay, nhạc Pháp “xưa” vẫn thu hút một số khán giả không nhỏ vừa có ký ức một thời chưa quá xa, vừa được thẩm thấu văn hóa francophone. Và từ đây, một câu chuyện khác được mở ra, câu chuyện về một ước mơ bị bỏ quên, một cơ hội bị mất…

Người ta sẽ còn nghe nhạc Pháp tới khi nào?


Xin giới hạn “nhạc Pháp” trong bài viết này, đó là dòng nhạc nhẹ Pháp từ khoảng giữa những năm 1980 trở về trước. Nhạc Pháp sau này thì vẫn hay, nhưng những cái tên thời thượng nhất hiện nay như Mylene Farmer, Benjamin Biolay, M. Pokora, Isabelle Boulay hay Celine Dion, Lara Fabian, Natasha St. Pier, Garou…, họ trình diễn một thứ nhạc Pháp hoàn toàn khác với những gì đã thuộc về “hoài niệm nhạc Pháp” từng thịnh hành ở Việt Nam với những ca khúc như: Bang Bang, Aline, Nàng đẹp như mơ, Tuyết rơi, La vie en rose, Tous les garçons et les filles, Ôi tình yêu… (nhiều lắm không thể nào kể hết).

Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của một tên tuổi rất lớn - Christophe - của thời “hoài niệm” này chắc cũng đủ gây ra xôn xao vừa phải, nhất là với những người có thời tuổi trẻ ở Sài Gòn trước hoặc sau 1975 không lâu.

Hoài niệm nhạc Pháp ở Việt Nam kéo khá dài, vài chục năm sau thời đỉnh cao những năm 1960, khi nhiều ca khúc đã bị xếp vào danh mục “nhạc xưa” ở Pháp, thì ở Việt Nam nhạc này vẫn còn được nghe khá nhiều. Một phần phải kể tới sự góp sức tưng bừng của ca nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Nhạc hải ngoại dù nảy nở ở những thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới, nhưng nó không tìm đường ra với quốc tế mà quay về, dừng lại, trung thành với những giá trị cũ. Cho dù Christophe mới đây nói rằng, ông đã hoàn toàn quên bài Aline thì người Việt vẫn hát “Ngồi họa hình người tình, vào bãi cát vàng…”, trên video hải ngoại vẫn hát bài này như một “hit” thời thượng.

Ca khúc nhạc Pháp “xưa” xuất hiện rộn ràng trong các show đại nhạc hội quay hình, và lại dội về trong nước. Vì thế cho nên dù hiện nay ở Việt Nam, số người hát nhạc Pháp “chuyên nghiệp” như Thanh Lan hay Lệ Thu ngày nào hầu như không còn thì nhạc Pháp xưa vẫn được cập nhật các phiên bản ghi âm mới, dù không quá đều đặn nhưng cũng không khan hiếm.

Về sâu xa, sở dĩ nhạc Pháp được ưa chuộng ở Việt Nam vì ở giai đoạn nó bắt đầu tràn vào, nó rất giống… nhạc Việt (ở miền Nam trước 1975). Từ giai điệu, nội dung ca từ (phiên bản lời Việt bám theo nguyên gốc hoặc lời Việt được phóng tác), có ca khúc giống nhạc Việt tới một chín, một mười. Vậy nên, cùng lúc với những Adamo, Jacques Brel, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Claude François, Christophe… trở thành thần tượng ở khắp các nước Pháp ngữ, thì cũng có một loạt ca sĩ ở Sài Gòn và sau này ra hải ngoại nổi tiếng với các bài nhạc Pháp, tiêu biểu là Thanh Lan, Elvis Phương, Jo Marcel, Paolo, Julie… rồi tới Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ý Lan, Lệ Thu, Kiều Nga, Ngọc Lan… Đó đều là những tên tuổi lớn của nhạc trẻ Việt Nam, ảnh hưởng của họ hôm nay vẫn còn rất sâu đậm, cho nên, hoài niệm nhạc Pháp, chắc chắn sẽ còn tiếp diễn cùng với họ cho tới vài thế hệ tiếp sau.



Album nhạc Pháp đầu tiên của Anggun

Cửa ngõ nước Pháp cho nhạc Việt

Việt Nam từng có thời gian dài là thuộc địa của Pháp, tiếng Pháp được dùng rộng rãi, văn hóa Pháp đủ lan tỏa và thấm đẫm vài tầng lớp xã hội. Nên từ đó mà nhạc Pháp có sự “cắm rễ” sâu hơn vào đời sống nhạc Việt, không hời hợt lớp vỏ bề ngoài như nhạc Mỹ.

Mặc khác do mối liên quan giữa Pháp với các thuộc địa cũ, người Pháp không quá lạ lẫm với những loại âm nhạc đến từ các vùng đất xa xôi, như châu Phi, Trung - Cận Đông và Viễn Đông. Chính điều này tạo thuận lợi để world music phát triển rầm rộ tại Pháp với lực lượng ban đầu là các nghệ sĩ gốc châu Phi, sau này bổ sung thêm đội ngũ tới từ châu Á. Không những thế, cơ hội còn mở ra cho cả những nghệ sĩ nhạc pop. Và từ đây, câu chuyện mới mở ra: Tại sao chúng ta không tranh thủ những điều kiện này để mở một cửa ngõ ra quốc tế cho nghệ sĩ Việt Nam?

Từ trường hợp thành công bất ngờ của ca sĩ Anggun (Indonesia) và Tina Arena (Australia) tại thị trường Pháp và các nước thuộc khối Pháp ngữ, chúng ta có được những gợi mở rất đáng giá cho việc tìm hiểu cơ hội ra thế giới qua cửa ngõ nước Pháp.

Việc giỏi tiếng Pháp là yếu tố lợi thế chứ không phải đòi hỏi cao nhất cho một cuộc chinh phục. Anggun và Tina Arena khi bắt đầu thu âm các bài hát Pháp, tiếng Pháp của họ mới chỉ ở mức võ vẽ, trình độ không thể sánh được với những người tiếng Pháp giỏi ngang tiếng Việt như Thanh Lan.

Với Anggun, giọng hát của cô có chút lạ lẫm của Á Đông chứ không xuất sắc theo tiêu chuẩn… diva, nhưng cô đã tìm được nhà sản xuất phù hợp, tìm được một thị trường âm nhạc không câu nệ xuất thân nghệ sĩ, chấp nhận dấn thân. Sau này, một số nghệ sĩ từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã tìm tới Pháp và rất thành công trong dòng nhạc jazz, trở thành những người có số đĩa bán ra đáng kể, được yêu thích, tên tuổi ít nhất đã ra khỏi biên giới và láng giềng.

Một lợi thế nữa của người muốn chinh phục thị trường Pháp là bản thân tiếng Pháp có thể coi là phương tiện hỗ trợ giọng hát cực kỳ hiệu quả. Một người có giọng hát tầm tầm, nếu biết hát tiếng Pháp thì hiệu quả được nâng lên gấp nhiều lần so với hát tiếng Anh. Một giọng hát kiểu Vanessa Paradis, từng đi vào rất nhiều truyện cười của Pháp châm biếm giọng hát quá thường mà lại nổi tiếng được, đúng là chỉ có thể thành công khi hát bằng tiếng Pháp, khi cô hát tiếng Anh, bao nhiêu cái dở lộ ra hết.

Một người trình độ tiếng Pháp tầm tầm, thậm chí không biết chút nào, nếu được hướng dẫn các nguyên tắc phát âm cơ bản, cộng với nhạc cảm có sẵn và một chút tiểu xảo vẫn có thể hát nhạc Pháp rất hay. Khoảng hơn chục năm trước, mỗi năm Sứ quán Pháp tại Việt Nam vẫn tổ chức các đêm nhạc Pháp, họ mời toàn ca sĩ ngôi sao như Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Thanh. Các ca sĩ chỉ cần tập vài ngày là họ có thể hát ngon lành. Điều này rất khác với tiếng Anh, là có thể ai đó rất giỏi tiếng Anh, nói rất lưu loát, nhưng khi hát vẫn có thể thành… thảm họa.

Bởi vậy, nếu các nghệ sĩ Việt Nam nuôi ý định đưa giọng hát của mình ra với quốc tế mà vẫn bỏ qua nơi từng có nhiều duyên nợ với đất nước chúng ta thì cũng rất nên tiếc. Bởi có lẽ Pháp là nơi hiếm hoi mà nghệ sĩ Việt chỉ cần… hát tiếng Việt và chọn lựa thứ âm nhạc phù hợp cũng đã có thể gây dựng tên tuổi với khán giả Pháp, như trường hợp rất đặc biệt của nghệ sĩ Hương Thanh.

NGUYỄN MINH 
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Back To Top