Rabindranath Tagore được biết đến
như một thi hào người Ấn, là người gốc Á đầu tiên đoạt được giải Nobel văn học
cho tác phẩm Gitanjali (Thơ Dâng). Nhưng không chỉ thế, cái bóng thi ca quá lớn
của ông làm người ta nhiều khi quên đi mất ông còn là một nhạc sĩ và ca sĩ với
hơn hai ngàn khúc ca tài hoa do chính ông sáng tác! Tất cả đều được xem là tuyệt
tác văn hóa của vùng Bengal nói riêng và Ấn độ nói chung.
Âm nhạc của ông là sự
hòa trộn và cải biên rất duy mỹ giữa các làn điệu dân gian Ấn độ lẫn phương Tây
vô cùng tài tình và đầy sáng tạo. Đến nỗi người ta đặt cho nó cái tên
Rabinrasangeet để nói đến phong cách âm nhạc riêng của Tagore. Các bài hát của
ông là môt sự hài hòa máu thịt rất điển hình giữa ca từ và giai điệu, mà như
ông nói nếu tách rời chúng ra thì mỗi phần lời ca và giai điệu sẽ chết hoặc vô
nghĩa. Giữa ông và Trịnh Công Sơn về điểm này tôi thấy có gì đó tương đồng
nhau, và ngày xưa khi còn sống nhạc sĩ họ Trịnh cũng có lần nói chuyện với tôi
về Tagore. Mà rõ nhất họ đều là những người hát rong, hát thơ cho thơ hát huyền
diệu và thi vị hóa ngôn từ mẹ đẻ lên một chiều cao trí tuệ và một độ sâu thiện
mỹ.
Tagore không chỉ viết ca khúc mà
ông còn viết nhạc kịch, và ở đây sự tài hoa của phù thủy ngôn từ đã giúp ông
đưa được những từ thông tục vào các tác phẩm của mình một cách hài hòa.
Các tác phẩm của ông có thể xếp
vào ba chủ đề: tình ca, nguyện ca và thiên ca. Đó là ba đối tượng tình yêu, tôn
giáo và thiên nhiên mà ông luôn hướng đến. Tuy nhiên, cũng có khi những chủ đề
như thế ta vẫn bắt gặp chúng hòa quyện với nhau trong cùng một tác phẩm, khó mà
phân biệt rõ.
Giai điệu và ca từ vừa duy mỹ vừa
duy cảm của ông đã khiến âm nhạc của ông luôn gần gũi với trái tim với mọi tầng
lớp người nghe. Một trong số đó còn được chọn làm quốc ca cho cả hai xứ Ấn Độ
và Bangladesh.
Hãy nghe Tagore nói về âm nhạc
như nói về căn nguyên của trái tim:
"Nếu em muốn, tôi sẽ ngừng tiếng hát. Nếu lời tôi ca làm tim em
rung động, tôi sẽ thôi không nhìn em nữa đâu. Nếu lời tôi ca bỗng dưng làm em sửng
sốt trong lúc đang đi, tôi sẽ rẽ sang một bên và bước theo ngả khác. Nếu lời
tôi ca làm em bối rối trong lúc kết hoa, tôi sẽ tránh không vào vườn em vắng lặng.
Nếu lời tôi ca làm nước sông rợn sóng, dại ngây, tôi sẽ thôi không chèo thuyền
lại gần bờ phiá bên em..."
Còn ở đây là gì nếu không phải là
câu mà chúng ta thường nói: Âm nhạc không biên giới?
“Âm nhạc lấp khoảng trống mù mịt vô hạn giữa hai tâm hồn”
Sự nhạy cảm và sự xa lạ với đám
đông nông cạn, đó là âm nhạc đích thực:
Khi nghe một bản nhạc, cây đàn sitar tôi cầm bắt được ngay làn điệu,
hòa nhập vào ban hợp xướng dễ dàng vì tôi là một ca sĩ. Giữa đám đông ồn ào cuồng
nhiệt, tôi mất giọng và thấy chóng mặt.”
Tagore tôn thờ giai điệu biết
bao:
một khúc ca không có nhịp điệu (melody) thì cũng chẳng khác gì một con
bướm bị bứt cánh.
Còn đây là một đoạn thơ trích nói
về một ca sĩ già. Cũng một lối khẳng định ca sĩ là chiếc cầu nối quan trọng giữa bài hát với người nghe:
Nhạc vốn xuất từ cõi lòng hoan lạc
......................................................
......................................................
Ca sĩ vốn không làm ra nhạc khúc
Nhạc hát lên cần đồng điệu tri âm
Cố làm chi khi khán giả chẳng thiết quan tâm !
Khi sóng tạt đúng bờ, dội dạt dào bắt dính hòa âm
Khi gió thổi rung rừng cây, tất lao xao tiếng lá
Ứng dụng cả hai, hợp hôn đôi sức
Nhạc tuôn trào trên cõi thế gian
Chẳng tình yêu, thính giả ngu muội
Lấy đâu ra làn hát đẹp chuỗi ca hay!
Còn những lời lẽ dưới đây của
Tagore như một triết lý âm nhạc của ông.
Âm nhạc là hình thức tinh thuần nhất của nghệ thuật, và do đó là diễn tả
trực tiếp nhất của cái đẹp…Lặng lẽ mà hữu hình.
Trong âm nhạc, con tim phát hiện tức thời, nó không chịu một sự ước
thúc nào do một yếu tố xa lạ đặt để cho hết
Trong cõi hòa âm của âm nhạc có một sự hoàn thiện vốn là phát hiện của
sự toàn mỹ trong cái chưa hoàn bị. Không có âm điệu nào là cùng tận thế mà mỗi
âm điệu lại phản ánh cõi vô cùng.
Âm nhạc, đó là sự mơn trớn vuốt ve từ cõi lòng thế gian tới và đến thẳng
cõi lòng của chúng ta.
Chúng ta hình như cảm thấy là sự biểu lộ của cõi vô hạn trong các sắc
tướng giới hạn của sự sinh hóa là chính là âm nhạc vậy, lặng lẽ mà hữu hình.
Âm nhạc phải chăng là vậy: Rất
trườu tượng mà rõ từng nét xúc cảm. Những
đường nét cảm xúc lại có gì đó mơ hồ không hiểu được. Điều này rất phù hợp với
trái tim.
T.M.P