20.11.13

Học nhạc để biết trân trọng những khác biệt


Tôi vốn là một người khá rụt rè trong đám đông, nhưng lại ít khi lo lắng rằng mình sẽ không có gì để bàn luận cùng người bạn mới trong một bữa tiệc. Đó là bởi ngay sau khi tôi giới thiệu rằng mình là một nghệ sĩ piano, thông thường Âm Nhạc sẽ trở thành chủ đề chính trong cuộc nói chuyện cởi mở tiếp nối mà chính họ là người chủ động dẫn dắt. Họ sẽ nói với tôi đầy hào hứng về bản nhạc mà họ ưa thích, nghệ sĩ mà họ tôn sùng, bộ đĩa mà họ mới mua, thậm chí playlist trong ipod mà họ mới lập. Âm nhạc thật thân thuộc trong cuộc sống của họ. Đôi lúc, nó trở thành một phần quan trọng của nhận diện bản thân (identity) họ đến nỗi không ít lần tôi phải bẽn lẽn xin họ giới thiệu tên tuổi và nghề nghiệp khi tiệc đã tàn. Âm nhạc lúc ấy giống thứ ngôn ngữ chung nối kết mọi tâm hồn, ngay cả khi tôi và người bạn mới đó không có bất kỳ một điểm chung nào khác.


Rất nhiều người cũng sẽ nói với tôi về sự luyến tiếc của họ khi đã bỏ dở hay chưa có cơ hội được học chơi nhạc cụ yêu thích. Họ kể về ước muốn một ngày nào đó có thời gian sẽ quay lại với guitar, piano, saxophone… Họ hỏi rằng một ngày tôi tập đàn bao nhiêu tiếng và nhìn tôi với vẻ kỳ thú như đang nhìn một người có khả năng đi xuyên tường. Có những người sẽ kiểm tra độ dài của ngón tay tôi và ngạc nhiên khi nó cũng bình thường như bao người khác. Đối với họ khi ấy, âm nhạc như đang tồn tại ở một xứ sở cao siêu và kỳ bí mà tôi là một công dân. Xứ sở ấy không chào đón khách vãng lai mà chỉ chấp nhận những người được sinh ra trên mảnh đất “năng khiếu thiên bẩm”. Đối với họ, dường như âm nhạc tồn tại ở hai thái cực khác nhau trong cuộc sống: rất gần gũi và cũng rất xa lạ.

Khi nhìn vào đời sống âm nhạc tại Việt Nam, ta cũng bắt gặp một câu chuyện tương tự. Các sàn diễn vẫn lên đèn, những trang web nghe nhạc vẫn phát triển mạnh mẽ, âm nhạc tràn ngập ở khắp nơi từ loa phát thanh phường đến cầu thang máy của những khách sạn cao cấp. Thế nhưng cũng không sai khi có người nhận định rằng chúng ta thực sự không có đời sống âm nhạc, khi mà sau chín năm học âm nhạc trong chương trình phổ thông, người Việt vẫn không thể đọc được nốt nhạc. Thậm chí, như một người bạn tinh ý của tôi nhận xét, sự yếu kém có thể thấy ngay ở các trận thi đấu bóng đá quốc tế của đội tuyển Việt Nam, khi chúng ta luôn hát trượt nhịp Quốc Ca vào đoạn cuối “Tiến lên, cùng tiến lên” vì không nghỉ đủ số phách giữa hai câu.

Vì đâu lại có hai thái cực trái ngược này của đời sống âm nhạc Việt Nam? Liệu đó có phải là do sự lệch lạc trong giáo dục âm nhạc phổ thông, khi mà việc trang bị kiến thức về âm nhạc không thực sự cho chúng ta được trải nghiệm âm nhạc, dù chỉ là trong một dàn hợp xướng - hình thức cơ bản và tiết kiệm nhất. Liệu đó có phải do sự yếu kém trong quản lý chất lượng giáo viên dạy nhạc cụ tại các trung tâm năng khiếu, nơi không giáo viên nào bị quy trách nhiệm vì thiếu năng lực sư phạm mà lỗi luôn nằm ở học sinh “thiếu năng khiếu”?

Âm nhạc là một loại ngôn ngữ mà thông qua nó con người có thể khám phá và thể hiện chính mình. Đó là bước đầu tiên dẫn đến sự hoà hợp với bản thân, một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống. Giây phút một đứa trẻ tự mình tạo ra âm nhạc cũng chính là lúc đứa trẻ ấy học cách thể hiện bản thân một cách tích cực, chân thật, và dũng cảm. Điều này không đòi hỏi một năng khiếu xuất sắc, mà cũng cơ bản và đơn giản như việc biết giải đề toán hoặc làm một bài văn ngắn. Nhà đầu tư, đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen chia sẻ: ”Âm nhạc cho ta sự tự tin vào khả năng sáng tạo: khả năng nhìn thấy và nhắm tới thứ chưa tồn tại và thể hiện bản thân theo một cách mới”. Sẽ thật nguy hiểm nếu như việc học nhạc chỉ dừng ở những lý thuyết khô khan mà không khuyến khích sáng tác và biểu diễn, bởi như vậy sẽ là đánh mất giá trị quý giá nhất của trải nghiệm âm nhạc.

Khi còn là sinh viên tại Anh, tôi có quan hệ thân thiết với một gia đình bình dị ở ngoại ô London. Cô con gái cả trong gia đình là một người bạn tôi tình cờ quen khi cùng tham gia một hoạt động từ thiện. Tôi có nhiều dịp được đến nhà họ ăn tối. Không chỉ có tai nghe sành sỏi, người cha của bạn tôi còn tự sáng tác các bài hát. Vợ ông tham gia một dàn hợp xướng của các bà nội trợ. Bạn tôi là sinh viên kinh tế nhưng thổi sáo flute và em trai của bạn ấy thì biết chơi trống. Cứ mỗi lần tôi đến, họ lại cho tôi niềm vui đặc biệt là được nghe họ biểu diễn hay tập luyện một bản nhạc nào đó. Niềm vui của họ và cách họ tương tác với nhau luôn khiến tôi xúc động, thậm chí ghen tị. Có điều gì đó đặc biệt và kỳ diệu khi trải nghiệm sự hoà hợp giữa những tính cách trái ngược, những cách biệt thế hệ, tư tưởng. Thật thú vị khi người cha mạnh mẽ nhẹ nhàng đệm đàn piano theo nhịp của đứa con trai mấy phút trước còn bị ông mắng vì vứt cặp bừa bãi, và người mẹ vốn kiệm lời trở thành nhân vật chính khi cất lên tiếng hát. Sự hoà hợp đến thăng hoa ấy có lẽ chỉ có thể tồn tại trong một trải nghiệm âm nhạc, khi mà mỗi cá nhân có một màu sắc riêng, giai điệu riêng, nhưng cùng một lúc hoà âm với nhau trong không gian và thời gian để tạo nên một tác phẩm thống nhất, đẹp đẽ. Rõ ràng, đối với gia đình của bạn tôi, việc chơi được một nhạc cụ nào đó không phải để trở thành nghệ sĩ. Nó đơn giản là một điều mang lại niềm vui, và cũng là một công cụ để trao đổi, chia sẻ, gắn kết các thành viên trong gia đình. “Ngoài việc cầu nguyện cùng nhau thì chơi nhạc với nhau là các tốt nhất để làm lành sau xung đột” - bạn tôi nháy mắt nói với tôi vào sinh nhật của cậu em trai ở tuổi dậy thì.

Năm 2007, tôi có may mắn được tận mắt chứng kiến dàn nhạc thiếu niên Venezuela, trưởng thành từ hệ thống giáo dục âm nhạc El Sistema biểu diễn tại London. Trước mắt tôi là những bằng chứng sống về sức mạnh kết nối cộng đồng của âm nhạc: tạo ra một tập thể những công dân biết cách sống hoà hợp, lắng nghe mà vẫn có chỗ đứng, bản sắc riêng. Hơn 800.000 trẻ em Venezuala đã trải nghiệm hệ thống giáo dục miễn phí này và nhận định họ trở nên tự tin vào giá trị của bản thân mặc dù phần lớn đến từ những gia đình rất nghèo khó. Dr. Aubreu, người sáng lập ra hệ thống giáo dục này nói "Hãy dạy cho các em vẻ đẹp của âm nhạc, và âm nhạc sẽ dạy cho các em vẻ đẹp của cuộc sống – việc học nhạc và hoạt động trong dàn nhạc, nhóm hát giống như tham gia vào một xã hội thu nhỏ, nơi các em nhận biết được tầm quan trọng của sự hoà hợp. Giáo dục âm nhạc mang lại là sự nhận thức về giá trị của của cái đẹp, sự lắng nghe và tôn trọng những cảm xúc cá nhân của từng cá thể và khả năng thể hiện cảm xúc của chính mình, những điều hết sức quan trọng trong việc xây dựng một xã hội văn minh” Wolfensohn, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cho rằng âm nhạc nhấn mạnh khả năng "tư duy và kết nối những ý tưởng khác biệt, thậm chí đối nghịch". Còn Steve Hayden, nhà quảng cáo truyền thông tài ba cho rằng: "việc chơi nhạc với bạn bè dạy cho ta cách kết hợp, lăng nghe, nhận biết lúc nào nên dẫn đường (solo), và lúc nào nên hoà theo (follow)” Tất cả những điều này chỉ có thể xảy ra khi bản thân chúng ta đang trải nghiệm âm nhạc trong một tập thể.

Tôi rất thích từ d’accord (đồng ý) trong tiếng Pháp, với nghĩa gốc giống với từ hoà âm (harmony). Sự đồng ý không cần thiết lúc nào cũng phải là sự đồng nhất. Một xã hội tốt đẹp phải là nơi mà các ý tưởng khác biệt có thể tự do tồn tại trong sự hoà hợp, nơi mà “Tôi đồng ý” cũng là “Tôi hoà âm”. Âm nhạc là môi trường lý tưởng để trải nghiệm sự hoà hợp ấy. Và chỉ khi chín năm của chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông cho phép trẻ em được trải nghiệm âm nhạc thực sự, chúng ta mới có thể nối liền được hai thái cực trái ngược của đời sống âm nhạc tại Việt Nam.

Trang Trịnh- dienngon.vn
Back To Top