4.9.13

“MỘT LỜI NHẮN” CHO “NHỮNG LỜI THƯA”



Lý ra tôi không tranh luận với Q.B làm gì vì không muốn làm một việc thừa khi mọi sự đã có “vật chứng” và “bằng chứng” nói lên rất rõ trắng đen nằm ở đâu.Trong âm nhạc nghe là đủ,nghe là hiểu(đơn giản vì nhạc viết ra là để nghe.Nghe để thưởng thức.Nghe để phê bình)Thế nhưng khi Q.B bắt đầu cao giọng dùng ngôn ngữ làm xiếc,cũng như trưng ra nhiều thứ học thuật ghi chép được ở đâu đó để tung hoả mù và lớn giọng đề cao cá nhân mình như một tài năng âm nhạc lớn cùng với phát biểu cho rằng mọi ý kiến đóng góp cho anh  đều là kém hiểu biết và tồi…thì tôi không cưỡng lại được châm ngôn của Hàng Công:”Biết mà không nói là bất nhân.Nói mà không hết là bất nghĩa”.Vì vậy tôi xin đươc nói.

    Theo tôi,một số hiểu biết của các bạn trên banyeunhac.com về âm nhạc thật là đáng nể khi phân tích khá hay về những bài hát giống nhau,nhưng tôi cũng xin được góp ý là các bạn chưa phải đạo lắm khi lại đóng vai một kẻ nặc danh trong lúc đang làm một công việc đòi hỏi phải chịu trách nhiệm chính danh(vì vậy các bạn đã đặt mình vào chỗ bất lợi khi đang ở thế thượng phong)Tôi đã tìm nghe lại rất kỹ những bài hát đó và buộc mình phải khách quan mà nói rằng:Phần lớn nếu những tác phẩm đó của Q.B là… vô tư thì việc sáng tác bài hát chỉ còn là thủ công và nạn đạo nhạc sẽ có một ngoại lệ để biện minh cho những nhạc phẩm copy!Tôi xin tranh luận từng phần một về từng điểm lý luận của Q.B thanh minh cho sự giống nhau của hai bài hát.

  1. Phần giai điệu chỉ là một thành tố, trong khi hòa âm, các phương tiện thu âm, giọng hát và hiển nhiên, ca từ, nhiều khi lại đóng vai trò chính trong việc diễn đạt cảm xúc.

Q.B đưa ra quan niệm như thế.(Hãy gạt bỏ bớt phần ca từ đi vì chúng ta đang phân tích đến yếu tố nhạc mà thôi)Tôi e rằng anh đã quá hốt hoảng khi đứng trước sự thật là có một số bài của anh có giai điệu na ná những bài hát khác mà vội đánh trống lãng.Bởi vì thành tố quan trọng của âm nhạc(trong ca khúc) chính là giai điệu và tiết tấu.Trong khi đó chúng ta biết rõ rằng một bài hát có thể có hàng chục lối hoà âm phối khí khác nhau.Vì vậy nói “hoà âm nhiều khi lại đóng vai trò chính” là buồn cười.Một giai điệu đẹp sẽ là một đắc dụng để sinh ra những hoà âm đẹp,còn vế ngược lại sẽ là một sự khiên cưỡng khó chịu.Có khi một giai điệu đẹp chỉ cần một nền hoà âm đơn sơ minh hoạ là đủ.Nếu quan niệm như Q.B thì nhiều nhạc sĩ hoà âm chỉ làm mỗi công việc là đi tìm giai điệu đẹp của ai đó rồi đặt vòng hoà âm của mình vào,tổ chức phối khí là có thể đứng tên cho toàn bộ bài hát đó!?(Bạn có chấp nhận một số giai điệu của Trịnh Công Sơn được hoà âm công phu lại rồi ký tên tác giả hoà âm?)Nhưng than ôi điều mà ai cũng biết rằng linh hồn và cũng là phần sáng tạo tối thượng nhất của ca khúc chính là giai điệu.Một giai điệu vô hồn thì không thể có một nền hoà âm,một phương tiện thu thanh hay giọng hát kiệt xuất nào có thể tạo nên cảm xúc được(Nếu có cũng chỉ cứu lấy được một phần rất nhỏ thôi)
Và đây là một minh chứng cho thấy chính Q.B tự phản biện mình qua những dòng sau:
“Tình Ca” được viết trên một nền phối khí có sẵn, đó là bản remix không giai điệu của cặp bài trùng xuất sắc Jam & Lewis. Bản mp3 được upload trên một website dành cho các DJs quốc tế, và đương nhiên, royalty-free (miễn tác quyền) cho members”… “Còn cảm hứng chủ đạo của “Tình Ca” thực ra nằm ở câu hát “Sẽ đánh thức tình em đấy, chắc em không ngại” chứ chẳng hề ở đâu khác; và nó chẳng hề vơi đi khi không có bản remix kia.”
Một nền hoà âm có thể free chứ một giai điệu không thể free được(ngoại trừ dân ca)cho thấy chưa bao giờ và không bao giờ một nền hoà âm là một thành tố quan trọng hơn giai điệu,và Q.B cũng tự khẳng định như thế:”nó chẳng hề vơi đi khi không có bản remix kia.”.

Sự đảo lộn 180 độ trong quan niệm của Q.B cho thấy anh đang nguỵ biện với chính mình!

  1. Khả năng trùng hợp hòa âm giữa hai hay nhiều bài hát là rất lớn; vin vào vòng hòa âm giống nhau để kết luận hai tác phẩm ăn cắp của nhau là lý luận tồi, kém hiểu biết.

 Hoà âm tuy không phải là thành tố quan trọng như giai điệu trong ca khúc nhưng nó vẫn đóng vai trò là một sản phẩm âm nhạc(hiểu theo nghĩa phải lao động bằng chất xám).Cho nên cũng rất tối kỵ cho việc hai bản hoà âm giống nhau như đúc nhất là với những bản hoà âm có đường hoà âm đặc biệt,mang nhiều yếu tố tim tòi,sáng tạo trong vòng công năng cũng như cách tạo hợp âm và cả cách giải quyết mối liên kết theo chiều ngang của hàng hợp âm(vì vậy mới có khái niệm hoà âm hay,hoà âm dở)Ta có thể sáng tác trên một nền hoà âm hay của các bài hát giá trị trên thế giới bằng cách lột bỏ giai điệu của nó đi(nhưng rất dễ xảy ra sự tương đồng về giai điệu)như vậy sau khi có một ca khúc mới ta không cần phải làm thêm công việc hoà âm nữa. Điều đó có nên không và các nhạc sĩ hoà âm sẽ phản ứng ra sao khi có một lối hoà âm ăn sẵn như thế?Nói ăn cắp e quá nặng nhưng ăn sẵn thì khá hợp lý hơn.

Nói tóm lại,chỉ cần một kiến thức cơ bản về hoà âm là có thể nghe hai bản hoà âm giống nhau là biết nó giống nhau vì trùng hợp(đường hoà âm đơn giản,cơ bản và bình thường)hay vay mượn,sao chép(đường hoà âm độc đáo,tính sáng tạo cao).Trong trường hợp Q.B, những bản hoà âm này có chất lượng sáng tạo cao theo đúng chuẩn nhạc Âu-Mỹ hiện đại mà các nhạc sĩ hoà âm Việt còn phải học hỏi nhiều.

3. Xu hướng “nhại lại”, “cắt dán” của trào lưu post-modernism

Nhiều năm trước tôi đã không lạ gì về phương pháp viết bài hát của Q.B. Đó là lối sáng tác theo mô hình và công thức đã được thiết kế sẵn theo từng thể loại thậm chí theo từng kiểu giọng.Mô hình và công thức đó được tham khảo và lấy làm chuẩn mực từ rất nhiều ca khúc đa thể loại và đa phong cách của Âu-Mỹ đã được Q.B làm đầu ra cho tác phẩm của mình theo kiểu sản xuất công nghiệp.Có một vài lần trò chuyện về nghề nhạc ,Q.B đã một phần hé lộ với tôi như thế.Lúc đó tôi có nói bóng gió với anh rằng tôi rất thán phục kiểu làm việc cần mẫn như con ong thợ của anh nhưng đứng về mặt cảm xúc nghệ thuật thì nên coi lại,và tôi cũng lưu ý anh hãy coi chừng trường hợp”tẩu hoả nhập ma”có thể khiến giai điệu của anh sẽ dẫm chân lên giai điệu của người khác.Lúc đó ns Đoàn Xuân Mỹ(người thời đó hay đàm luận với tôi và Q.B về âm nhạc do chúng tôi cùng cộng tác một thời gian ngắn với trang âm nhạc của báo Tuổi trẻ chủ nhật mà anh Mỹ phụ trách)cũng là người nêu lên quan ngại đó với tôi,bởi vì:”Sáng tác vừa không phải là một hành vi sao chép một công thức lại vừa không phải là một trò gieo xúc xắc. Việc ấy đòi hỏi tri thức về văn hoá và tư duy độc lập”(nhà soạn nhạc và nghiên cứu âm nhạc Trung quốc Chu Văn Trung-lấy từ nguồn Giai điệu xanh)

                  Sáng tác phải là một hành vi văn hóa và tư duy độc lập mới đáng được tôn vinh

Và hôm nay chuyện tất đến đã đến…

Còn trào lưu “nhại lại” và “cắt dán”?Một trào lưu nghệ thuật không thể nắm lấy bản chất nó qua vài từ hiểu theo nghĩa đen.Cũng có thể tin rằng sự “nhại lại”  hoặc “cắt dán” được đưa vào một ý niệm nghệ thuật chứ không phải theo lối “thủ công”và họ lấy thái độhành vi chứ không hẳn là tác phẩm để phản kháng lại một thời đại,xã hội quá rập khuôn và máy móc.Bởi vì đề cao trào lưu này theo kiểu sao chép đầu Ngô mình Sở thì thật tội nghiệp cho lao động của nghệ thuật sáng tạo quá.Và nghe Q.B qua một số bài nghi án,tôi đã thấy rõ anh “nhại lại” và “cắt dán”theo kiểu một người thợ hơn(dù là một người thợ giỏi nghề) là một cảm thức nghệ thuật hoặc đưa ra một thái độ xã hội ngoài “tác phẩm”nhại lại của mình
Tôi nhớ và mọi người còn nhớ hơn tôi khi anh đã từng viết báo phê bình lối viết bài hát nhái và sao chép nhạc Hoa,Hàn,Thái…của một số nhạc sĩ trẻ .Anh nghĩ sao khi tôi biện hộ dùm là họ cũng chỉ là con dân của trào lưu post-modernism( nhại lại và cắt dán)đáng kính của anh?Tuy nhiên ,cũng phải thừa nhận cách nhại lại và cắt dán cùa anh tinh vi và công phu hơn các tác giả trẻ kia nhiều,và đối tượng”nhại lại” của anh là các tác phẩm có giá trị cao chứng tỏ anh có thị hiếu thẩm mỹ cao hơn họ.

Có một điều rõ rệt như ban ngày mà chính Q.B đã đưa ra qua các biện minh về các bài hát của mình. Đó là:chủ tâm lấy nhiều chủ đề âm nhạc khác để biến tấu và phát triển trong nhiều bài hát của mình.Chính ở chủ tâm này cho thấy anh ít nghiêng về cảm xúc của nghệ sĩ mà lại ngã về hướng tinh xảo của người thợ hơn.Một nhạc sĩ dựa trên một chủ đề rồi phát triển thành một tác phẩm hoàn chỉnh của mình là chuyện bình thường và chấp nhận được nếu”quang minh chính đại”theo 3 điều kiện sau:
-Đừng quá lạm dụng trong nhiều sáng tác của mình(vay mượn quá nhiều cảm hứng của người khác cho thấy mình là người ít cảm xúc và ít khả năng tìm ra một chủ đề âm nhạc hay nên cần phải nhờ sự”mở đường” của người khác)
-Nếu chủ tâm vay mượn chủ đề thì phải nói rõ xuất xứ chứ không nên để mọi người có thắc mắc rồi mới dẫn chứng dễ bị hiểu là “mập mờ đánh lận con đen” (ở nước ngoài người ta có thể đi kiện nếu chủ đề âm nhạc bị người khác lấy mà không xin phép hoặc không ghi rõ nguồn gốc). Q.B không rạch ròi chuyện này trước đây.
-Thủ pháp phát triển như thế nào để cho thấy tính sáng tạo của mình ở phần phát triển tiếp theo của âm nhạc,khi đó chủ đề vay mượn chỉ còn là cái cớ để cảm hứng và sáng tạo của mình được khẳng định.Còn nếu ngược lại thì cái án đạo nhạc khó lòng buông tha.Nghe kỹ lại Q.B thì sự phát triển của anh ăn theo quá nhiều hấp lực của chủ đề nên hiệu quả sáng tác thì ít mà phóng tác thì nhiều.
Tôi chỉ có thể đứng về phía Q.B trong trường hợp bài “Còn ta với nồng nàn”với”Swan Lake”(Hồ Thiên Nga)của Tchaikovsky.Kết tội bài này là không đúng,bởi vì đúng như anh nói”nó chỉ là cái cớ cho bài phối khí”. Điều này nhiều nghệ sĩ Âu-Mỹ cũng đã từng làm với Romance hay Letter for Élyse.Và tôi cũng đính chính dùm báo Phụ Nữ TPHCM luôn khi so sánh bài”Promise me”(B.Craven hát) với bài “Còn ta với nồng nàn” mà thật ra là na ná với bài “Cám ơn một đoá xuân ngời”.Cách đây mấy năm khi Q.B mời Mỹ Linh hát thì Linh cũng đã đưa ra nhận xét là”giống một bài ngoại quốc nào đó”.


Tôi nghĩ Q.B thường nhắc đến hai chữ tình yêu thương khi bị người khác phê bình,tôi mong sao trong những bài phê bình của anh sau này cũng cố gắng làm được như thế thì mọi người sẽ quên đi  một Q.B trước đây thường phê bình kẻ cả,ngạo mạn và rất ác khẩu đối với những đối tượng bị anh phê bình.Tôi cũng tin Q.B vẫn và sẽ còn nhiều tác phẩm hay khác mang dấu ấn rõ rệt của anh hơn. Tôi xin hẹn không ngại ngần rằng sẽ có lúc viết môt bài ca tụng anh qua những gì anh dám nhận,sữa chửa để hoàn thiện mình hơn,bởi vì chúng ta là con người chứ đâu phải thánh nhân, đúng không?

T.M.P

CHUYỆN…ẾCH!



Chuyện “ ếch “ không liên quan gì đến chuyện nhạc nhái ì xèo gần đây cả . Nó là chuyện “ ếch ngồi đáy giếng “ và chuyện ếch muốn to bằng bò . Đó là chuyện dại mà tưởng khôn . Chuyện cuồng tưởng , tài năng mới nhú bằng cái…đuôi mà tưởng mình là vĩ đại , đã xảy ra trong làng nhạc của những “ tài hoa trẻ “ chưa qua thẩm định !

Ếch ngồi đáy giếng

Năm 1997, chính phủ Mỹ đã trao tặng National Heritage Fellowship (Di Sản Quốc Gia) về nhạc dân tộc Việt Nam cho nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thuyết Phong . Đây là một trong các giải thưởng quan trọng nhất của Mỹ dành cho những nhà nghiên cứu và có những công trình lớn , xuất sắc về nhạc dân tộc. Đó quả là một sự công nhận tài năng và tri thức cho nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong và cũng là niềm tự hào cho Việt Nam . Tuy nhiên , sau khi nhận giải ông nói : “ Dù nhận được vinh dự nầy, tôi vẫn còn thấy mình chưa thực sự hiểu hết truyền thống âm nhạc dân tộc. Vì nó to lớn qúa. Ai có thể tự hào rằng mình hiểu hết, trong khi cuộc đời người quá ngắn ngủi so với lịch sử âm nhạc dài của cả dân tộc?

Vậy mà ở Việt Nam , một tác giả có vài ba bài hát ăn khách nặng phong cách Tây như Q.B , chưa có một bằng cấp hoặc một công trình biên khảo , nghiên cứu dân tộc nhạc nào lận lưng lại phát biểu rất hùng hồn khi được phỏng vấn ( đại ý ) rằng : “ Theo tôi , ngũ cung Việt Nam đã được khai thác cạn kiệt , tôi sẽ không khai phá chất liệu đó nữa “ (?!)

                                                         Ngũ cung Việt đã cạn kiệt???

Không hiểu nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong nghĩ gì khi nghe nhận định đầy chất liệu “ ếch “ đó , nhưng chắc chắn rằng ngay cả những nhạc sĩ , những nhà nghiên cứu dân ca trong nước sẽ…kinh hoàng vì cái đầu óc tuyên bố câu này quá…bác học đã thâu thái hết tinh tuý dân ca , dân nhạc để thấy nó đã trở nên cạn kiệt !

Cũng kiểu tư duy “ ếch “ này tác giả Q.B đã hứng chịu cơn phẫn nộ của đồng bào Việt kiều tha hương khi đọc được nhận xét rất hàm hồ của Q.B về âm nhạc cũng như chất văn hoá Việt của Việt kiều được đăng lại trên báo mạng vnexpress . Họ đã gửi hàng trăm e-mail về để phản đối lại những ý kiến xấc láo và không có cơ sở đó . Xúc phạm đến cả một cộng đồng máu thịt của mình ở nước ngoài khi chưa hề bước chân ra khỏi nước , không sống ,   không thấu hiểu , mà cả gan đưa ra những nhận xét nông cạn thì chỉ có những con ếch nhìn thấy miệng giếng mà tưởng là cả vũ trụ mới dám huênh hoang !

Ếch muốn to bằng bò

Sau chuyện các người mẫu đua nhau với phong trào nói câu mở miệng : “ Tôi tự tin “ mà chưa có cơ sở cho bản lĩnh tự thân , đến lượt một số nhạc sĩ trẻ khác học đòi “ tự tôn hão “. Chẳng hạn Đ.B , một nhạc sĩ trẻ đang gây được chú ý ( Công tâm mà nói Đ.B có thực tài ở một mức độ nào đó ) đã tự đặt mình vào ngưỡng vĩ nhân khi ngạo mạn tuyên bố : Tôi sẽ tạo ra dòng nhạc mới B-Pop ( tên của anh ta + Pop ) (!?) . Một câu nói mong gây xì-căng-đan hay biểu hiện cho một sự cuồng tưởng về một chút tài năng mới chớm của mình ? ( mà tài năng ở mức độ đó không phải là hiếm ).Trời ạ , xin hãy nhìn lại một số nhạc sĩ lớn của Việt Nam được trong nước ái mộ và ngoài nước ngưỡng mộ , chưa có ai dám một lần tuyên bố kiểu “ hãnh tiến bốc đồng “ đó như sẽ tạo ra S-Pop hay D-Pop gì đó , trong khi cái bóng của họ rất to mà Đ.B trẻ tuổi nhà ta không biết bao năm nữa mới bắt kịp . Tự tin phải có cơ sở chứ đừng có ảo tưởng kiểu đòi bỏ tất cả Paris vào một cái …lọ ! Hãy cứ làm đi , chuyện vinh danh như thế hãy để cho lịch sử.

Nhạc sĩ T.K thì lại tự huyễn hoặc mình bằng lời tự xưng tụng : Rock của tôi là một thứ Rock mới có ở Việt Nam (!?) . Cơ sở của lời tự nhận xét hơi bị chảnh đó là do hai bài hát của T.K được MTV Châu Á “ chấm “ và đồng ý cho đưa vào chương trình phát sóng sau khi phải quay video lại . Than ôi , phải chi đó là sự công nhận của Grammy thì hay biết mấy nhưng đó chỉ là sự duyệt bài như hàng ngàn bài hát khác đã được duyệt với một tiêu chí thương mại và giải trí là chính yếu của kênh MTV - Một bản sao đươc nhái hơi bị mờ của MTV Mỹ ! Và trong hai đêm nhạc Rock cuối tháng 5-2004 khi được nghe hai nhóm 666 và MTV ( Lại nhái…MTV ) hát những bài Rock…” đời mới “ của T.K , người nghe chỉ thấy đó là một bài Rock rất bình thường

Than ôi ! Nhân tài như lá mùa thu mà hoang tưởng như nấm sau  mưa 

T.M.P

BẦU SÔ CA SĨ : MAY MẮN NHIỀU HƠN TÀI NĂNG



Nghề bầu ca sĩ tái xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thập niên 90 và nở rộ sau đó chỉ vài năm . Sỡ dĩ nói tái xuất hiện là vì nó đã từng tồn tại trước năm 75 ở Sài gòn - nơi đã từng làm quen với thương trường âm nhạc đầu tiên . Sau năm 75 âm nhạc nước ta không mang tính thị trường nữa vì thế vai trò bầu sô mất đi hoặc biến sang dạng thức khác . Điều này chỉ chấm dứt khi đến khoảng giữa thập niên 90 là thời điểm những yếu tố thị trường bắt đầu trở lại với âm nhạc .  Trong môi trường đó , nghề làm bầu tất yếu phải nảy sinh.

Tuy nhiên nghề bầu ca sĩ trước đây không rầm rộ như bây giờ , chủ yếu thường được xây dựng trên quan hệ thầy trò trong các lò đào tạo ca sĩ và đồng tiền chưa có giá trị vạn năng mà thường là do sự đam mê âm nhạc nhiều hơn . Bây giờ thì khác , âm nhạc đã trở thành một phương tiện kinh doanh hấp dẫn và ca sĩ sẽ là công cụ để nguời làm bầu hái ra tiền , đồng thời họ cũng quay trở lại làm bệ phóng/chống lưng cho ca sĩ leo lên những nấc thang kim tiền và danh vọng . Người làm bầu ở nước ta không cần hiểu biết gì về âm nhạc hoặc hiểu lơ tơ mơ cũng được mà chỉ cần có máu kinh doanh , nhanh nhậy với thị hiếu xã hội và có đồng vốn mạnh . Ở các nước phát triển nghề này được gọi là manager và có trường lớp hẳn hòi hoặc chí ít đó cũng là dân trong nghề hoặc có sự am hiểu thấu đáo về âm nhạc .

Nhìn lại khoảng nửa thập niên bầu sô ăn nên làm ra , điều lớn nhất in đậm trong tâm trí chúng ta là bầu sô có thể giúp người ta mua nhà lầu xe hơi nhưng chưa bao giờ nó thực sự là chuyên nghiệp mà hoàn toàn mang tính may nhờ rủi chịu , mặc dù những bầu sô thành công đều tranh nhau nói về những bí quyết , những thủ thuật lăng xê…thoáng nghe qua tưởng là những tư duy làm ăn rất khoa học và uyên thâm . Thực tế không phải như vậy . Hầu như không có ông/bà bầu nào có thể thành công với “ sản phẩm lăng xê “ thứ hai của mình . Chúng ta chỉ thấy duy nhất một hiện tượng một bầu-một ca sĩ .

Hoàng Tuấn sau thành công  Đan Trường , thừa thắng xông lên với hàng loạt dự án : Châu Hoàng Nhung , Lâm Vũ , Đăng Khôi…nhưng sau một thời gian làm việc không hiệu quả anh đành để cho những ca sĩ đó ra đi tay trắng . Hữu Minh tạo dựng được thương hiệu Cẩm Ly cũng nuôi tham vọng tiếp theo với Lê Uyên Nhi , Quang Vinh , Thanh Thanh , Vân Quang Long nhưng cũng đành xếp xó , ngoại trừ một Vân Quang Long mới về đầu quân với một chút ít chú ý như Nhi-Vinh-Thanh buổi đầu nhưng rồi chỉ dừng lại ở đấy ( Chỉ có Vinh là còn được nhắc đến chút ít còn những người kia hầu như lặng tăm ) . Đỗ Quang sau thắng lợi là người đầu tiên lăng xê đạt yêu cầu một nhóm hát theo mô hình boysband thời thượng là 1088 đã quay qua đầu tư cho Triệu Hoàng . Với “ Sản phẩm “ này không hẳn Đỗ Quang thất bại nhưng Triệu Hoàng chỉ là một hiệu quả trung bình mà thôi , chứ không có ép-phê như 1088 . Thuỷ Nguyễn đẩy được Nguyễn Phi Hùng lên hàng ca sĩ ăn khách song chị phải chịu bó tay sau đó với con bài Văn Thanh Tùng , nên đành phải buông cho ca sĩ này về núp bóng ông bầu Anh Khanh dưới bảng hiệu mới : Quách Thành Danh , nhưng cũng chưa thấy mùa xuân đâu . Quốc Bảo ” bơm “ người mẫu Ngô Thanh Vân lên hàng ca sĩ với những ấn tượng rất ồn ào, nhưng xem ra lần “ bơm “ thành công lần thứ hai là bất khả thi .

Những ví dụ kể trên đủ là một bài rao giảng của thực tế cho chúng ta hiểu rằng những thành công đến chỉ đến một lần thường là do may mắn , gặp hên nhiều hơn là do chính khả năng ( Người ta có câu : hay không bằng hên ) . Nếu có tài thực sự những thành công như thế sẽ là con số nhiều . Vậy thì những bí kíp , sự tài ba mà họ thường đề cao sao lại không giúp họ đi lại con đường “ nhung gấm “ đó lần thứ hai dù họ rất khao khát nhân đôi , nhân ba ánh hào quang này ? Thực tế này sẽ là một bài học đắt giá và là sự cảnh báo cho ca sĩ nào đó vội vã bám vào một ông/bà bầu vừa nổi tiếng bất chợt với một ca sĩ . Tâm tư đó vẫn còn là kỷ niệm ngậm ngùi khó quên của các ca sĩ làm người đến sau đã nêu tên ở trên.

Những nhân vật lớn của thế giới lăng-xê , thế giới showbiz Việt Nam dường như chưa thấy đâu mà chỉ là ló dạng những con người chơi trò xổ số với nghề bầu sô ca sĩ . Những gương mặt lớn như mong ước  sẽ giúp tạo ra một những sản phẩm của công nghệ lăng-xê có hàm lượng giá trị cao . Để nhiều người hiểu rằng nhạc thị trường không có gì xấu mà chỉ có sản phẩm thị trường xấu hoặc tốt mà thôi . Mariah Carey , Céline Dion , Whitney Houston , Madonna…cũng là sản phẩm lăng-xê , phát triển trong môi trường của âm nhạc tiêu thụ nhưng họ là những Divas , nghĩa là những siêu phẩm .Trong khi những sản phẩm khác như các nhóm boy/girl bands khác cũng ở nước họ lại chỉ là hàng chợ may sẵn , nghĩa là thứ phẩm.


     Mariah  Carey được lăng xê với hình ảnh gợi cảm nhưng vẫn có một chất giọng đẳng cấp

Còn ở ta ? Người ta thường thấy rằng những ca sĩ do bầu sô lăng xê thường chỉ là những ca sĩ tầm thấp hoặc trung bình , trong khi những ca sĩ ở tầm cao thì chính họ thường không dính dáng gì đến với ông/bà bầu nào cả . Họ tự toả sáng như một ngọn đèn giàu năng lượng nội tại chứ không phải là loại ánh sáng phản chiếu ra từ tấm gương nhờ vào một nguồn sáng vay mượn khác ./.

T.M.P

Lại Chuyện “Thầy Bói Xem Voi”

Sẽ không có một thứ suy diễn chung nào cho mọi nền âm nhạc hoặc từng thể loại âm nhạc,cũng như khộng thể lấy một quan niệm mỹ học của một nền văn hoá kia làm chuẩn mực cho nền văn hoá nọ.Ngay cả một hệ thống học thuật dù đã được chứng minh và đưa vào trong sách giáo khoa cũng bị lật nhào vì những giá trị mỹ học mới nhưng không phải vì thế mà nó trở nên vô giá trị.Chẳng hạn học thuật về Hệ thống bình quân luật của Bach vĩ đại là thế cũng đến lúc bị  musique sérielle (hệ thống 12 âm phi cung thể) được khởi xướng bởi A.Schönberg phủ định,rồi đến lượt nó bị âm nhạc nghiệm tác (experimental music)của John Cage không chấp nhận.Nhưng tất cả những phát kiến trên đều được xem là những tài sản văn hoá của nhận loại và giá trị của nó chẳng mất đi gờ-ram nào.

Bởi vậy vấn đề ở chỗ chúng ta cần chứng minh những công việc làm nhạc của ta có sáng tạo, có nghệ thuật không chứ không phải đi “cãi” giùm cho những nền học thuật,những hệ thống mỹ học đã được chứng minh giá trị sáng tạo tuyệt vời mà thế giới đã làm bởi những đầu óc vĩ đại hơn là cái khối óc(xin lỗi) đang rất nông cạn và lạc hậu của chúng ta ở cái xứ sở còn rất khiêm tốn trên bản đồ âm nhạc thế giới này.
 
Chuyện những nhạc sĩ tài hoa của phương Tây(mà không phải số đông,chỉ một số thôi) viết nhạc trên cơ sở lấy chất liệu phương đông (vậy mà có người ở Việt Nam chê các nền âm nhạc châu Á là xoàng,không đáng thâu nạp?!)để tạo nên một thứ âm nhạc mà người nghe không thể nhận ra quốc tịch của họ là chuyện xưa như trái đất và cũng không thể để biện bạch cho một người Việt Nam viết nhạc như Tây.Cái cốt tuỷ của vấn đề là Sting viết nhạc phương đông nhưng đó vẫn là nhạc của Sting chứ không phải là nhạc của tác giả nào ở phương đông!Còn ở ta thì nhạc sĩ “thâu tóm” nhạc Hoa,nhạc Tây đều có đủ cả(còn hơi bị nhiều) nhưng lại không nghe ra nhạc của Nguyễn văn X,văn Y nào cả mà lại giông giống với các tác phẩm có tên có tuổi của John X,Taylor Y nào đó!Trong khi  một vài nước châu Á khác các nhạc sĩ như:Ravi Shankar (Ấn Độ), Isang Yun( Hàn Quốc)Toru Takemitsu, Toshiro Mayuzumi(Nhật) Chou Wen-Chung(Trung Hoa)…vẫn tạo nên một cá tính sáng tạo của họ khi thủ đắc những chất liệu của âm nhạc phương Tây!

Chuyện tiết tấu bị vay mượn hay không và tại sao không gọi là “ăn cắp” như hai giai điệu giống nhau thì lại hơi bị…dở hơi.Nền lý luận nhạc học tiên tiến của thế giới đã công nhận tiết tấu giống nhau là chuyện nhỏ,vấn đề là ở chỗ giai điệu có bị”song sinh “với nhau hay không.Bởi vậy trong lịch sử âm nhạc thế giới người ta chỉ đề cập đến “sự cố”giai điệu và  chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến chuyện hai nhạc sĩ đưa nhau ra toà vì tiết tấu giống nhau.Vậy thì tranh luận làm gì chuyện tiết tấu xưa và nay khi nó đã có kết luận?Bạn có thấy rách việc không?Sao không lên mạng tìm kiếm tài liệu và chứng cứ về chuyện đó mà đọc?

Những lý luận không chính danh,việc nọ xọ việc kia trong nhận định về âm nhạc(và tất cả mọi việc)càng làm cho mọi việc trở nên hỗn mang hơn.Chẳng hạn vấn đề biến tấu trong thể loại Variation không thể áp đặt vào ca khúc.Một đằng là hình thức âm nhạc lớn và phức tạp,một đằng là hình thức nhỏ và giản đơn hơn nhiều.Trong Variation với hàng ngàn nốt nhạc được phát triển chỉ từ một chủ đề vay mượn khoảng từ mười đến vài mươi nốt nhạc được phát triển mênh mông ra với hàng loạt thủ pháp từ nhắc lại(đơn giản,có thay đỗi) đến mô phỏng(soi gương,chia cắt,tăng,giảm)rồi triển khai rồi đối tỷ…thì chất lượng sáng tạo phải cao và nặng ký hơn nhiều so với ca khúc chỉ có khoảng  trăm nốt nhạc khi phát triển trên một chủ đề đã chiếm đến gần một chục nốt hoặc hơn.Bởi vậy,trong khí nhạc có hình thức Variation nhưng trong ca khúc thì không(nó chỉ có thủ pháp biến tấu mà thôi).Cho nên viết ca khúc mà cứ chăm bẳm đi mượn chủ đề âm nhạc của người khác để làm”variation”chứ không tự mình tạo nên chủ đề độc đáo cho mình thì rất dễ bị khả nghi về “tư cách” người viết bài hát lắm.

Điều đáng lo là gần đây, lợi dụng một vài nhận xét sai lầm về một hai bài hát”song sinh”không có căn cứ, bắt đầu xuất hiện những luận điểm bênh vực cho những giai điệu giống nhau(ít hoặc nhiều)dựa trên cơ sở “trùng hợp ngẫu nhiên” hoặc là “điều không thể tránh khỏi”-đồng thời “khai quật” những tài năng âm nhạc lớn lên ngồi cùng chiếu với những tài năng âm nhạc nhỏ chưa được lịch sử thẩm định để làm bình phong- song song với thái độ khinh thị những nhận xét còn lại về các bài hát giống nhau(cho dù đó là những thẩm định của những vị nhạc sĩ mang hàm giáo sư khả kính)trong khi vẫn sang sảng cho rằng đạo nhạc là có thật.Một chiến dịch tung hoả mù và mỵ dân chăng?

Đã là ngẫu nhiên thì sự gặp nhau chỉ xảy ra một vài lần trong các sáng tác.Nhưng có còn ngẫu nhiên chăng khi mà sự tương đồng đó diễn ra nhiều lần trong cùng một tác giả trong khi những tác giả khác không ai đào ra được(hoặc rất ít)sự “ngẫu nhiên”khác?

Và có là quá đáng không, khi một đằng thì lên án nền ca nhạc nước ta đang sản sinh ra những bài hát na ná chất liệu âm nhạc của nhau thì một đằng lại khẳng định và ủng hộ một phương pháp sáng tác theo kiểu remix những chất liệu âm nhạc có sẵn mà không dám bàn đến remix theo trình độ nào?


Và phải chăng cần phải làm một cuộc đại phẫu thuật thứ hai về nạn đạo nhạc khi mà cuộc phẫu thuật thứ nhất đã tỏ ra bị”lờn” thuốc?Hay đó chỉ là sự dãy dụa của thây ma đạo nhạc và những “đồng thanh tương ứng” của nó trong hành trình”ngưu tầm ngưu,mã tầm mã”?

T.M.P

SỰ “CHÍNH DANH” VÀ “CHẤT LƯƠNG VIỆT”


(Nhân đọc bài” Âm nhạc phải là một sản phẩm công nghệ”)

Tôi là người thích sự chính danh.Bởi vậy,tôi muốn chúng ta nên phân biệt rạch ròi các khái niệm nhà soạn nhạc,nhạc sĩ với người viết ca khúc.Bởi gộp chung tất cả lại là một thì tôi sợ các nhạc sĩ sẽ tự ái,còn các ca khúc gia lại thấy mình bị áp đặt.

“Chính danh thì ngôn thuận”.Vì vậy,tôi đã từng công khai nói lại cho rõ tôi chỉ là một người viết ca khúc (Xem bài”Người tình của ca khúc”) còn danh xưng nhạc sĩ kia là một chiếc áo quá rộng với tôi.Và trong thói quen gọi nhạc sĩ một cách bao đồng như thế,tôi nghĩ người ta chỉ ám chỉ đến khái niệm nghề nghiệp hơn là trình độ nghề nghiệp(Dĩ nhiên,một ca khúc gia giỏi vẫn hơn một nhạc sĩ tồi)

Bởi lẽ đó đối với một ca khúc gia thì việc thượng tôn giai điệu là lẽ tất nhiên.Chẳng có tính tiểu nông nào trong việc đề cao một giai điệu. Đó chỉ một quan niệm mỹ học đương nhiên:Khi khen nhạc của một bài hát hay ta vẫn thường ca tụng:”Giai điệu bài này thật đẹp”.Tôi chỉ e tính tiểu nông trong phê bình hoặc nhận định âm nhạc sẽ lôi tất cả ra vĩa hè mà nói chuyện “to mồm” và không có căn cứ khi bỏ qua lối nhận xét chính danh.



Vì sao “giai điệu là tối thượng”trong ca khúc(tạm bỏ qua ca từ)?Nói như thế không phải đứng ở góc độ một sản phẩm toàn thể đã được” đóng gói”công nghệ dưới dạng một vật chất chứa đựng âm thanh mà nhìn ở góc độ sáng tạo của một người viết bài hát để tạo nên yếu tố đầu tiên trên tinh thần”có bột mới gột nên hồ”.Có bột tốt(giai điệu) thì các các yếu tố còn lại và phát sinh sau như hoà âm,phối khí,ban nhạc,ca sĩ,chuyên viên âm thanh…sẽ là những lao động sáng tạo tiếp theo đưa bài hát đến công chúng một sản phẩm âm nhạc cuối cùng.Vì lẽ đó chẳng có yếu tố nào bị coi thường hoặc không đáng giá, nhưng cái đầu tiên và cơ bản để tạo nên bài hát bạn đang nghe là giai điệu(Vì thế bạn có thể nghêu ngao hát một giai điệu mà bạn thích mà không cần nhạc đệm,hoà âm gì cả mà vẫn cảm thấy sự rung động thẩm mỹ của giai điệu đó mang lại).Trường hợp không có giai điệu thì ca sĩ lấy gì mà hát,hoà âm dựa trên cơ sở nào mà hình thành và tất nhiên các công cụ thu âm cũng tịt ngòi luôn!Bởi vậy ca sĩ thường than không có bài hay để hát(tất nhiên,một bài hát hay nhưng không có ca sĩ hát hay thì nó chỉ là một dạng tiềm năng đang cần giọng hát để thăng hoa),nhà hoà âm-phối khí phàn nàn ít có giai điệu hay để “phối màu” cho ca khúc.(Xin nhắc lại cho chính danh là chúng ta đang bàn đến ca khúc,còn ở lĩnh vực nhạc hoà tấu, khí nhạc,opéra… thì giai điệu sẽ có một mối quan hệ và tương quan khác với các yếu tố còn lại)

“Âm nhạc là sản phẩm công nghệ”?

Chuyện đó là tất nhiên khi chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi nền văn hoá đều chịu tác động bởi khoa hoc kỹ thuật.Tuy nhiên đứng ở quan niệm sáng tạo thì không thể chấp nhận kiểu sáng tạo theo dây chuyền công nghệ để cho ra sản phẩm hàng loạt mà “máy móc thay thế con tim,công thức thay thế cảm hứng,mô hình thay thế suy nghĩ”.Suy cho cùng tính công nghệ chỉ bao hàm tính công cụ như người viết nhạc sử dụng nhạc cụ(đàn piano,guitar…hoặc computer)để thể hiện và ghi chép lại cảm xúc,suy tư của mình.Cho nên không nên hiểu “sản phẩm công nghệ” như là một cảm thức sáng tạo nên bài hát mà chỉ nên hiểu đó là một công cụ liên kết chặt chẻ các công đoạn sáng tạo để cho ra một sản phẩm nghệ thuật cuối cùng(bài hát - hoà âm,phối khi -ban nhạc - ca sĩ - kỹ thuật âm thanh và quảng bá).



Còn tính tiểu nông?
Nếu nói đến tính tiểu nông theo quan niệm trình độ thì chắc chắn chúng ta sẽ không bàn cãi gì thêm vì mọi thứ ở Việt Nam vẫn đang ở tính tiểu nông hoặc đang chịu quán tính tiểu nông. Âm nhạc tiểu nông đã đành mà thị hiếu cũng tiểu nông, điện ảnh cũng làng xã,văn chương thiếu sinh khí,báo chí chậm tiến,phê bình-lý luận bạc nhược và cạn cợt,quản lý kinh tế yếu kém,quản lý hành chánh lạc hậu,luật pháp chồng chéo và thiếu hệ thống,Giáo dục phản khoa học…Nói chung tât cả là chậm phát triển. Đó là khi mang tất cả ra so sánh với các nước phát triển,giàu có hơn ta.Vậy thì âm nhạc trong mối tương quan giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc đó tất nhiên cũng nằm chung trong một nấc thang phát triển của “Chất lượng Việt”.Một chất lưọng đang cố và từ từ thoát ra chiếc áo tiểu nông,chậm phát triển.

Các nhạc sĩ,các ca khúc gia chân chính đang trăn trở trên tài năng chính mình(“có” hay “không có” như câu hỏi muôn thuở”tồn tại” hay “không tồn tại”) nhưng họ cũng có quyền đòi hỏi có được sự cảm thông và  cô ng bình (dĩ nhiên loại trừ phái “đạo nhạc” hoặc phái “ăn theo”)của người nghe nhạc và phê bình rằng : Hãy xem xét và đánh giá gíới viết nhạc trên tổng thể của “Chất lượng Việt”và trên sự chính danh.Vì vậy không nên lo lắng là melodist nhiều hoặc ít mà chỉ nên quan tâm giai điệu hay ít họăc nhiều,có cá tính hay vô bản sắc... Đó là bước đầu tiên để bước ra khỏi tính tiểu nông trong phê bình.

T.M.P

Một vườn hồng đơn điệu hay vườn hoa đa sắc?

Đúng là chúng ta luôn luôn lấy nhạc Tây làm chuẩn mực(Xem bài”Tại sao nhạc Tây hay”và”Bằng cách nào tôn vinh bản sắc Việt”),không phải chỉ có ở nhạc trẻ bây giờ mà nó đã đương nhiên có từ cách đây gần ¾ thế kỷ tính từ thời kỳ tân nhạc.Mà cũng chẳng riêng gì ta mà các nền nhạc trẻ châu Á khác cũng lấy nhạc học của Tây nhạc làm chuẩn mực.

Vì thế hãy bắt đầu từ cái gì gần gũi hơn và đơn giản hơn, đó là so sánh với nhạc trẻ Việt với nhạc trẻ Á châu thôi(Hãy tạm quên Âu-Mỹ đi đã).


                                                        Một nhóm GirlsBand Châu Á

Các bạn cũng như tôi không thể chối cãi rằng nhạc Hoa,Nhật ,Thái,Hàn,Indo… đã đổ bộ vào Việt Nam và được giới trẻ tiếp nhận nồng nhiệt như thế nào(Dĩ nhiên là ở các mức độ khác nhau)thậm chí còn đi vào cả sáng tác của một số người viết nhạc trẻ.Nhưng nhạc Việt có bao giờ làm được việc đó hay không-nghĩa là tìm được chỗ đứng trong trong các nước châu Á khác?Trong khi đó chúng ta cũng thừa biết những nền nhạc trẻ kể trên chưa là cái đinh gì trong mắt dân nhạc Tây!

Tôi cũng tin như đinh đóng cột rằng các bạn trẻ của các nước châu Á cũng luôn cho rằng nhạc Tây luôn hay hơn nhạc của họ nhưng họ có được một niềm tự hào là nhạc của họ vẫn có đất dụng võ ở các nước láng giềng Á châu.

Ở châu lục của chúng ta cách đây khoảng một thế kỷ chưa có khái niệm người viết nhạc hay nhà soạn nhạc bởi vì âm nhạc chỉ được truyền khẩu là chính và các hệ thống nhạc học còn khá sơ sài và ít được đặt trên một cơ sở lý luận có tính hệ thống và khoa học cao nào cả.Tuy nhiên,không phải vì thế mà nền âm nhạc Á châu không gây ảnh hưởng gì đến nền nhạc Tây. Đã từ lâu cây đàn Violon được coi là Hoàng tử của dàn nhạc cổ điển Châu Âu thật ra có quê hương từ Ả Rập, đó chính là cây đàn Rabab.Còn đất nước Mông Cổ nổi tiếng về Thành Cát Tư Hãn hơn là âm nhạc cũng được nhạc Tây ve vãn qua việc một số nhạc sĩ Mỹ học hỏi lối hát đồng song thanh để ứng dụng vào các tác phẩm của mình.Chưa hết,nhóm Beatles kỳ vĩ của nhạc Pop cũng từng se duyên với nhạc cụ Shi-ta của Ấn độ trong một số bài hát của họ.Trong khi đó ngũ cung của Nam Dương đã từng là niềm cảm hứng của Debusy để ông đẻ ra chủ nghĩa ấn tượng trong âm nhạc,và còn nhiều minh chứng nữa mà hiểu biết của tôi không nắm hết…

Cho nên cũng rất khó thuyết phục và hơi mang tính tự ti khi cho rằng một nền âm nhạc trong quá khứ không có những thành quả nào thì tương lai của nó mãi mãi cũng gần là con số không.Thử quay lại với nền nhạc Mỹ.Có thể nói nhạc trẻ Mỹ đang thống trị thế giới nhưng đất nước này trong dĩ vãng không có một phát kiến lớn nào về nhạc học như Đức tự hào về “hệ thống thang âm bình quân luật”của J.S.Bach,hoặc cây đàn guitar của niềm hãnh diện Tây Ban Nha.Một sản phẩm của Mỹ tạo nên một cuộc cách mạng trong nhạc trẻ thế giới là nhạc Rock’n’Roll cũng lấy một phần từ nhạc dân gian châu Phi là Ragtime.Và sau này cả Rap,HipHop-những sản phẩm rặt Mỹ cũng có dây mơ rễ má với âm nhạc của lục địa đen.Trong khi đó Đức chưa bao giờ là đối thủ xứng đáng của Mỹ trong nhạc trẻ,Tây Ban Nha cũng ít cống hiến cho thế giới một guitarist Pop-Rock lừng danh thiên hạ nào như Mỹ đã sản sinh ra.
Vậy thì đừng tự ti đến mức độ xấu hổ cho rằng nhạc Việt có một nền nhạc học đơn sơ và chỉ có được cây đàn bầu bé nhỏ mà lại…bất tiện để rồi nguyện làm mãi kiếp nô lệ trong âm nhạc.

Chúng ta đã nghe quá quen thuộc đến các cụm từ “nền văn hoá toàn cầu”,hoặc”đa văn hoá”, đó chính là một trong những xu hướng to lớn nhất của nhân loại đã và đang diễn ra .Tính đa văn hoá hoặc toàn cầu hoá này xuất hiện do sự giao thoa và giao lưu giữa các nền văn hoá nhưng hoàn toàn không có nghĩa cho phép một nền văn hoá này xoá sổ một nền văn hoá kia theo kiểu cá lớn nuốt cá bé mà ngược lại nó lại làm giàu có thêm cho mỗi nền văn hoá khi hoà quyện và thẩm thấu vào nhau như nền âm nhạc đương đại của Mỹ là một minh chứng.Cho nên làm gì có chuyện nhạc thuần Việt hay thuần Tàu,thuần Mỹ trong bức tranh toàn cầu hoá về văn hoá đó(chữ “thuần tuý”này nên hiểu theo nghĩa tương đối để chỉ một thứ âm nhạc của một quốc gia,một sắc tộc nào đó)nhưng cũng không thể có một nền âm nhạc của nước nhỏ này lại chấp nhận lấy một một nền âm nhạc của nước lớn khác làm nên diện mạo văn hoá của mình. Đó là một sự tự sĩ nhục.

Cái cuối cùng chính là tài năng và sức mạnh văn hoá của người nhạc sĩ sẽ quyết định.Vâng,nhạc Tây rất hay và rất tuyệt.Nhưng chúng ta phải biết tự nhủ mình rằng chính ra do tính sáng tạo và tài hoa của chúng ta còn quá kém để đánh thức,chấp cánh cho các làn điệu dân ca Việt cũng như chưa biết cách thâu tóm âm nhạc của họ để kiến tạo nên một nét âm nhạc đặc thù của chúng ta,tuy chưa hay được như Tây nhưng cũng nên hình nên vóc của một bản sắc đủ tư cách hội nhập một cách bình đẳng với”một muc tiêu gần”là âm nhạc của các nước trong khu vực châu Á.Thế thì làm một nhạc sĩ chân chính đâu phải là đơn giản như uống môt ly cà phê,nhâm nhi ly trà,và việc sản sinh ra vô khối nhạc sĩ như hiện nay sẽ chấm dứt khi người viết nhạc ý thức một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm về sáng tạo của mình.
Có thể ở giai đoạn, thế thế hệ này công việc kể trên là bất khả,nhưng chúng ta không được phép cho ta cái quyền phủ định bản thân và phải biết hun đúc tinh thần sáng tạo để truyền lại cho thế hệ sau và sau nữa cho đến khi việc làm đó trở nên khả thi.

Để kết thúc bài này,tôi xin kể chuyện về một vườn hoa. Ở đấy có rất nhiều loại hoa khác nhau nhưng đẹp nhất vẫn là hoa hồng được gọi là nữ hoàng của các loài hoa.Một ngày kia các loài hoa khác đều muốn mình trở thành hoa hồng vì muốn được gọi là nữ hoàng.Thế là vườn hoa trở nên một vườn hồng đơn điệu vì chỉ thuần là một loài hoa.Thương đế bèn quyết định trả mỗi loài hoa trở lại hình bóng cũ.Còn loài hoa nào yêu hoa hồng thì ngài cho chúng hôn phối với nhau để tạo nên một loại hoa khác tuy vẫn còn nét hồng hoa nhưng thực sự là một loài hoa mới.Từ đó vườn hoa trở nên tuyệt vời hơn vì tính đa sắc và đa hương của nó.

Nền âm nhạc vừa bản sắc vừa đa văn hoá của thế giới cũng tương tự như vườn hoa đó.

T.M.P

Cần có cái nhìn đúng đắn về ca khúc độc quyền

Thời gian gần đây lại rộ lên những rắc rối quanh chuyện tranh giành nhau ca khúc đã được bán độc quyền trên thị trường âm nhạc . Sỡ dĩ nói “ lại rộ lên “ vì đây không phải là chuyện bê bối lần đầu tiên xảy ra trong chuyện mua bán độc quyền ca khúc .

Thi thoảng mấy năm trước đây cũng thấy những người trong cuộc kéo nhau đi kiện tụng trên báo chí về những chuyện sỡ hữu bài hát . Chuyện phản ánh chi tiết về những vấn nạn đó nhiều bài báo đã đề cập nhiều , trong bài viết này không muốn nhắc lại nội dung đó . Người viết chỉ muốn đưa vấn đề ra bàn luận quanh chuyện nên hay không nên độc quyền ca khúc.

 Nhân việc không mấy đẹp mắt quanh chuyện mua bán độc quyền bài hát , có một số ý kiến gay gắt cho rằng một sản phẩm văn hoá - nghệ thuật thì không nên mua bán sòng phẳng , cân đong đo đếm như thế ; rằng trong lúc chúng ta đang chống độc quyền trong sản xuất kinh doanh thì cớ gì để xảy ra trường hợp tương tự như vậy trên thị trường âm nhạc ; và rằng một bài hát khi phổ biến thì nó được quyết định và vì thế thuộc về xã hội , cho nên ai hát cũng được cớ sao chỉ có duy nhất một ai đó được quyền hát?... Chúng ta sẽ bàn luận từng vấn đề một.

 Sản phẩm văn hoá-nghệ thuật (VH-NT) thì không nên mua bán? Hãy nhớ lại rằng chúng ta đang sống trong thời đại của thị trường và tiêu thụ . Mọi sản phẩm VH-NT,nhất là văn hoá nghệ thuật đại chúng như ca khúc chẳng hạn lại “ hướng tiêu thụ “ nhiều hơn hết thảy . Đó không chỉ là ý kiến riêng của những người làm văn hoá đại chúng , ngay cả những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm , bác học cũng có nhận định tương tự như quan điểm của nhạc sĩ Hans Zender-chỉ huy dàn nhạc quốc tế EIC , Paris : “ Âm nhạc hiện nay là một sản phẩm của một xã hội tiêu thụ “ . ( Nhận xét này đã được đưa ra cách đây hơn một thập niên rưởi ! ). Không ai có thể đi ngược lại những xu thế thuộc về quy luật của thời đại nếu không muốn đứng bên lề lịch sử , vậy thì ý niệm về mua - bán trong nghệ thuật không có gì phải mặc cảm hoặc xấu hổ hay e ngại sẽ làm giảm giá trị văn hoá của tác phẩm đi .


 Những tác phẩm hội hoạ của Van Goh , Picasso chẳng hạn , với giá bán được niêm yết hàng triệu đến hàng chục triệu đô la cũng không thể làm nó kém giá trị nghệ thuật khi so sánh với thời điểm nó được vẽ ra mà cha đẻ của nó chỉ đổi được vài ổ bánh mì hoặc chỉ bán được một số tiền kém hơn cả ngàn lần ! Một tác phẩm kiệt xuất có thể là vô giá về mặt giá trị nhưng về mặt hiện kim thì phải có mức hạn , và mức hạn này có thể dịch chuyển lên xuống tuỳ vào sự ưa chuộng của giới thưởng lãm trong một thời đại nào đó . Cho nên việc mua bán ca khúc hiện nay với những cái giá vài ba triệu đồng hoặc vài trăm đô , đến cả ngàn đô cũng không khác mấy chuyện mua bán tranh về mặt bản chất thương mại ( Người viết không hề có ý so sánh về mặt giá trị sáng tạo ).

 Mua – bán ca khúc còn giúp đẻ ra cái gọi là nền âm nhạc chuyên nghiệp . Và chỉ có cái gì chuyên nghiệp mới tạo ra được nhiều sản phẩm văn hoá ổn định và giá trị cao ( nghiệp dư vẫn có thể làm được như thế nhưng lại kém ổn định và số lượng ít hơn ) Muốn chuyên nghiệp thì một trong các yêu cầu quan trọng là người làm nghệ thuật phải sống được bằng tác phẩm của mình . Nhìn lại lịch sử nghệ thuật thế giới ta sẽ hiểu điều đó hơn , từ các nghệ sĩ cổ đại sống bằng bổng lộc của các vua chúa , thần quyền để “ hầu hạ “ họ cho đến các nghệ sĩ thời bao cấp được nhà nước nuôi bằng lương để phục vụ chính quyền và xã hội , rồi khi bước sang kinh tế thị trường thì chính cơ chế thị trường nuôi nghệ sĩ thông qua việc mua – bán tác phẩm VH – NT. Đang chống độc quyền trong kinh doanh sản xuất sao lại chấp nhận ca khúc độc quyền? Thoạt nghe câu hỏi thì tưởng là hợp lý nhưng xét đến bản chất thì không đúng.

 Chúng ta chắc chưa quên khoảng gần một thập niên trước , khán thính giả và báo giới từng than phiền về việc phải nghe một bài hát có quá nhiều ca sĩ “ nhai đi , nhai lại “ đến phát nhàm . Người ta gọi đó là nạn “ chung chạ “ một ca khúc và mong các ca sĩ hãy cố tìm bài hát riêng của mình chứ đừng thay nhau dẫm chân lên cùng một bài hát đang ăn khách . Trên cơ sở đó cộng với các yêu cầu khác của thị trường ( như muốn nghe bài hát nào thì chỉ có thể tìm thấy trong đĩa của ai đó ,hoặc của trung tâm , hãng sản xuất nào đó…) đã phát sinh ra hiện tượng độc quyền trong ca khúc . Thật ra , hiện tượng này cũng chỉ là học lại từ các nước có nền âm nhạc phát triển khác của Âu - Mỹ , như chúng ta từng biết Micheal JackSon đã mua lại độc quyền một số các bài hát của The Beatles hoặc một số hãng sản xuất băng đĩa đại gia như Sony chẳng hạn mua quyền sở hữu các bài hát nổi tiếng để kinh doanh…( Những ví dụ như thế là vô số.) Sự độc quyền này không phải là vô hạn vì nó nằm trong yếu tố vừa nói ở trên “ …để kinh doanh “. Vì vậy thắc mắc : “ Một bài hát khi phổ biến thì nó được quyết định và vì thế thuộc về xã hội , cho nên ai hát cũng được cớ sao chỉ có duy nhất một ai đó được quyền hát ? ” không có cơ sở . Bởi vì - đơn giản - bạn yêu thích bài hát nào bạn cứ hát thoải mãi bất kể bạn là ai , ở Trung Đông hay Trung Phi , ở Tân thế giới hay cựu lục địa , ở Hà nội hay ở Sài gòn…( Và tác giả những bài hát đều mơ ước được như thế ) nhưng khi bạn hát nó để thu tiền ( tất là hoạt động nghề ca sĩ ) thì không được phép . Bạn sử dụng nó cũng tuỳ nghi ở bạn ( cho ai nghe , nghe ở đâu , khi nào cũng được ) nhưng khi quyền sử dụng đó gắn với hoạt động kiếm lời ( nghĩa là kinh doanh âm nhạc gián tiếp hoặc trực tiếp ) thì bạn sẽ bị cản ngăn ngay. Những điều qui định này nằm trong bộ luật về bản quyền và nó được thiết lập trên cơ sở quyền lợi của tất cả mọi bên : chủ sở hữu , quần chúng , người kinh doanh – nghĩa là cho toàn bộ lợi ích của xã hội chứ không đặc quyền đặc lợi cho cá nhân nào. Ngoài ra , thông thường một ca khúc độc quyền luôn được giới hạn ở một thời gian sở hữu nhất định ( thường là 1 , 2 năm ) nên sẽ không có chuyện chỉ có một ca sĩ được vĩnh viễn hát nó , còn ca sĩ khác thì không . Ca khúc độc quyền vĩnh viễn hay không thuộc về tài năng người ca sĩ hát nó quyết định . Nếu anh ( chị ) ca sĩ nào hát thật tuyệt vời bài hát nào đó mà không có một cá nhân thứ hai nào đạt đến hoặc vượt qua thì tự nhiên bài hát thuộc về “ độc quyền “ của họ mà không cần phải “ ký độc quyền “ . Trong lịch sử âm nhạc chắc chúng ta quá biết nhiều cái tên ca sĩ – bài hát độc quyền đi đôi với nhau như thế nên không cần nhắc thêm trong bài viết này. Mua – bán và độc quyền ca khúc không có tội.

Qua những phân tích sơ lược ở trên chúng ta đã thấy phần nào sự cần thiết của mua – bán và độc quyền ca khúc trong cơ chế thị trường như thế nào . Còn những vấn nạn rắc rối quanh hiện tượng này không phải xuất phát từ bản chất của nó . Mua – bán và độc quyền ca khúc không có tội từ bản thân nó . Tất cả tội tình , nếu có , đều thuộc về những người thực hiện hành vi thương mại ca khúc . Đó là sự bất tín , vô lương tâm , thiếu tôn trọng pháp luật , sự tham lam đồng tiền quá trớn không đặt trên giá trị lao động của chính bản thân và là kết quả của một lối làm việc không khoa học , không giấy tờ , không hợp đồng , không khế ước .Tất cả chỉ dựa vào niềm tin mơ hồ - mà niềm tin trong thời đại thị trường hoá này luôn là kẻ yếu đuối trước đồng tiền vạn năng. Những hành vi như thế xảy ra chung cho cả mọi hoạt động thương mại chứ không chỉ riêng cho thương mại ca khúc.

T.M.P

CHIM PHƯỢNG HOÀNG BAY LÊN TỪ TRO TÀN?


                                                     Nhạc Việt xưa
       Ngày 6/7/1938 bài hát “Kiếp Hoa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (đồng thời cũng là giọng ca ténor đầu tiên của cả Đông Dương đương thời)đã được trang trọng đăng trên tờ báo Ngày Nay.Lịch sử âm nhạc Việt Nam đã đánh dấu đây là tờ giấy ”khai sinh”ra nền ca khúc Việt Nam hiện đại mà ta vẫn quen gọi là tân nhac hay âm nhạc cải cách.Tính từ đó cho đến nay nền âm nhạc đó đã được hơn 65 tuổi.Trong suốt một chặng đường dài bằng cả đời người này,ca khúc luôn là gương mặt đại diện cho cả một nền âm nhạc(những thể loại âm nhạc bác học như nhạc thính phòng,giao hưởng…thì phát triển với qui mô hẹp hơn) của đất nước với nhiều dòng chảy khác nhau và trãi qua 3 thời kỳ phát triển chính:thời kỳ nhạc tiền chiến,thời kỳ phân chia đất nước với 2 dòng rẽ lớn(dòng ca khúc cách mạng,yêu nước rực rỡ ở miền Bắc và dòng ca khúc ở các đô thị miền Nam thuộc Mỹ)và thời kỳ sau giải phóng miền Nam.Mỗi thời kỳ đều có những đặc trưng và thành tựu riêng.Riêng nhạc trẻ tuy chỉ là một nhánh chảy của ca khúc -xuất hiện vào khoảng thập niên 60 ở SàiGòn –đã trở thành một thể loại âm nhạc chi phối phần lớn các “kênh”nghe-xem nhạc lúc đó và cho đến sau này ,bỡi một lẽ đơn giản người thưởng thức ca nhạc đông nhất vẫn là giới trẻ.

Đến khoảng giữa thập niên 90 nhạc trẻ Việt Nam đạt đến một cao trào mới được cả nước tụng ca là:”Cuộc lên ngôi của nhạc Việt”. Để hiểu cụm từ lên ngôi này phải nhìn lại thị hiếu và thị phần ca nhạc trước đó hầu như bị chi phối của nhạc ngoại và nhất là nhạc Hải ngoại(của cộng đồng người Việt ở nước ngoài)nhưng sau đó nó phải nhường”ngôi vị” của mình lại cho những ca khúc và một thế hệ nhạc sĩ,ca sĩ mới trong nước.Tuy nhiên cao trào này chỉ tồn tại khoảng hơn nửa thập niên và bắt đầu thoái trào vào những năm đầu thiên niên kỷ mới.

Khi bình tĩnh nhìn lại cao trào này là lúc người nghe nhận ra những hạn chế của nó bên cạnh những đóng góp mang tính kỹ thuật hiện đại mà nó đã mang đến cho nhạc Việt.Và cơn bùng phát dữ dội nhất mang tính bước ngoặt là sự lên án về sự “sản sinh vô tính” những bài hát và nặng nề hơn là nạn “đạo nhạc” đã chính thức tước đi”ngôi vị” của nhạc trẻ Việt trong lòng khán giả yêu nhạc.

Vậy bản chất của nền nhạc trẻ Việt vừa qua và hiện nay là gì?

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của nó đã kéo người nghe nhạc trở lại với chính dòng nhạc trẻ “made in Việt Nam” cũng như đã tạo ra những gương mặt nhạc sĩ và ca sĩ tiêu biểu của giai đoạn này mà chắc chắn sẽ được ghi lại trong nhạc sử Việt Nam.Song,khi phân tích tận cùng bản chất của nó sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy ánh hào quang ngắn ngủi đó chỉ như sự lung linh ngũ sắc nhưng dễ vỡ của bong bóng xà phòng.Vâng,nền nhạc trẻ đó thực ra mới phát triển được ở diện rộng nhưng còn thiếu chiều sâu ở sự thẩm thấu văn hoátài năng cũng như là lòng tự trọng sáng tạo.


                                              Hào quang như bong bóng của nhạc Việt

Văn hoá
Đó chính là sự thâu tóm hiệu quả “cái ta có” và “cái của người ta” và sau đó là tính giao thoa của các thành tố đó để tạo nên cái nền văn hoá mà ta vẫn thường hô hào là dân tộc-hiện đại.Một số nhạc sĩ làm tốt”cái ta có”với sự kế thừa triệt để nhưng không phát triển gì nhiều cũng như thiếu vắng hơi thở của thời đại nên không còn hấp dẫn mấy với giới trẻ.Một số khác lại quá nhiệt tình với “cái của người ta” tạo nên một diện mạo rất đương đại nhưng lại vất đi các yếu tính Việt nên các tác phẩm của họ khá lai căng dù có được biện minh là học hỏi,thâu thái các dòng nhạc tiên tiến của thế giới.Do vậy nó chỉ sinh ra một dòng chảy ca khúc mang tính chất” ốc mượn hồn” mà thôi.Nếu chỉ có vậy thì khó được xem là một tác phẩm hoàn chỉnh và giá trị.

Tài năng
Thước đo đồng thời là điều kiện cơ bản để tạo ra những tác phẩm xuất sắc,tiếc thay lại rất thiếu hiện nay đã khiến cho nền nhạc trẻ Việt kém chiều sâu chinh phục.Chúng ta thiếu những nhạc sĩ phối hợp tốt việc thâu tóm dân tộc tính và các giá trị ngoài biên giới để hoà trộn lại thành những tác phẩm hiện đại mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân.Khi đã có một dấu ấn cá nhân thì tất yếu sẽ có một dấu ấn văn hoá mà chính gốc rể dân tộc của cá nhân đó mang lại trong tác phẩm của họ.Chúng ta thiếu đến độ nhiều khi sự học hỏi của chúng ta chỉ dừng lại ở cấp bậc vay mượn không qua một tầng lớp thẩm thấu nào.Chúng ta thiếu đến mức bất lực trước kho tàng âm nhạc dân gian còn đang chìm dưới tầng sâu của quên lãng và thờ ơ,mà có người còn ngộ nhận nó không còn gì để khai thác cho các ca khúc đương đại nữa(!?).Chúng ta kém đến nỗi ngây thơ chỉ biết thu phục những giá trị âm nhạc kém cõi thay vì những tinh hoa thực sự, đó là sự “ăn”những hoa trái sượng sùng của họ mà cứ ngỡ là đỉnh cao;hoặc đó là việc chạy theo trào lưu “cắt,dán” âm nhạc vô tội vạ mà chỉ biết thực hành như một anh thợ thủ công chứ không phải là một quá trình sáng tạo.

Lòng tự trọng sáng tạo.
Bài học đầu tiên của người sáng tác là gì? Đó là viết không lặp lại người khác và chính mình. Đó là tự trọng sáng tạo của mình và tôn trọng sáng tạo của người khác.Nhân tố này chúng ta cũng chưa được trang bị đầy đủ nên đã dẫn đến hệ quả tất yếu là “sự kiện long trời lỡ đất” vừa qua.Thôi không nói đến sự đạo nhạc trắng trợn làm nên những đứa con song sinh,vì đó chỉ là một số rất ít,chúng ta chỉ nói đến xu hướng cắt,dán được một số nhạc sĩ cổ xuý và bắt chước nhưng tiếc thay nó chỉ là sự nguỵ trang cho sự vay mượn,hợp pháp hoá việc đạo nhạc mà sau này bị phát hiện họ mới công khai lấy trường phái cắt dán tung ra để biện minh.

Nên lưu ý khi xảy ra trường hợp cắt,dán trong các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ trên thế giới,họ đều để tên tác giả kép(nhạc sĩ có tác phẩm bị “cắt” và ns có tác phẩm được“dán”).
Ví dụ: Bach - Gunô trong bài hát Ave Maria (Gunô chỉ lấy phần hòa âm trong Prelude cung đô trưởng của Bach rồi viết một giai điệu khác,vậy mà ông vẫn đàng hoàng để tên Bach ở phía trước).
Mozart-Lizst : trong tác phẩm Don Giovani (Phóng tác của Lizst viết cho piano trên chủ đề opera Don Giovani của Mozart.Trong bài này Lizst chỉ “dán” một ít giai điệu và hòa âm từ Don Giovani của Mozart rồi biến tấu khác đi tới 9 phần 10 nhưng vẫn trang trọng ghi tên Mozart)…
Còn các tác giả ở Việt Nam?Xin thưa hoàn toàn không mà có khi tác phẩm của họ “dán” tới 40,50% của người khác!

Cho nên cơn địa chấn trong làng nhạc trẻ vừa qua là một đường dây nhân-quả không thể tránh.Tuy nhiên như câu nói nổi tiếng của Henri de LuBac:”Thời đại nào xấu nhất thì chính đó là thời đại đẻ ra những việc lớn lao”.Qua cái nhìn lạc quan có thể thấy một vận hội mới đang đến với nhạc Việt từ những cuộc phê phán lớn vừa qua dù có người bi quan cho đó là một cuộc lật đổ các giá trị(các giá trị nào!?thật hay ảo!?) sẽ dẫn đến việc thui chột một thị trường âm nhạc trong nước(!?). Điều đó là không thể!vì chính qua biến động này,người nghe nhạc sẽ nâng dần thị hiếu mình lên với những yêu cầu cao hơn so với cuộc lên ngôi nhạc Việt trước đây.Còn giới viết nhạc,nhất là các nhạc sĩ trẻ,sẽ thấm thía cho mình một bài học về sáng tạo đắt giá cũng như những ý thức về sự thẩm thấu văn hoá,tính thâu thái,học hỏi và lòng tự trọng của nghệ sĩ để viết ra những tác phẩm và góp phần vào nền nhạc trẻ Việt thời kỳ mới mang được dấu ấn cá nhân,văn hoá dân tộc hài hoà với tính đa văn hoá trong thời đại toàn cầu hoá này.Một lực lượng người viết tài hoa và có lòng tự trọng nghề nghiệp cao sẽ được gạn lọc.Tất cả sẽ thành hiện thực khi những điều kể trên được dần dần thay đỗi và cải thiện đi để chúng ta được chứng kiến cảnh chim phượng hoàng bay lên từ tàn tro hôm nay.Tất cả nằm trong tay các nhạc sĩ hiện tại và thế hệ ngày mai cũng như trong cái nhìn của công chúng ngày một sâu sắc hơn về nền nhạc trẻ Việt đương đại.

T.M.P

(-Bài liên quan:
http://www.tin247.com/ca_nhac_den_co_the_gay_ung_thu_ve_tam_hon-8-21258797.html)

Chuyện máy hát và thợ viết nhạc

Nhạc trẻ Việt Nam sau những giai đoạn thăng trầm khác nhau đã đạt đến một giai đoạn phát triển mới có thể gọi là hoàng kim vào hậu bán thập niên 90 (khoảng năm 96,97)và chỉ kéo dài được hết năm thứ nhất của thiên niên kỷ mới.Thời kỳ này là “thời đại vàng”của các giọng ca xuất thân từ Hà Nội nhờ một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện cộng với những làn hơi mạnh mẽ đến mức có thể “làm xiếc” với giọng hát của mình, và sau đó là sự đổi ngôi cho một thế hệ ca sĩ ở Sài Gòn muốn làm sống lại lối hát chân phương của người miền Nam cộng với lối thể hiện của cơn sốt”TeenPop”đang là thời thượng trên thế giới.Còn những nhạc sĩ của giai đoạn này có khá nhiều người  cố gắng tạo được những phong cách riêng ở những trình độ khác nhau đã góp phần tạo nên một dòng chảy tươi mới mà họ đã học hỏi,hấp thu hoặc bắt chước một cách khéo léo từ các loại ca khúc hiện đại trên thế giới(Chủ yếu là Âu-Mỹ và sau này là một phần của Bắc Á).Sự tương tác giữa “người hát” và “người viết” khá điệu nghệ đã đưa nền nhạc trẻ giai đoạn này đạt đươc một thành công nhất định với một gương mặt đa diện có thể gọi là một sang trang mới giúp đẩy lùi bớt dòng nhạc hải ngoại đã từng chiếm lĩnh những chiếc máy Cassett-CD một thời gian dài trước đó.
     Tuy nhiên,thời”trăng mật”của nhạc trẻ qua mau dưới những cơn sóng cuồn cuộn của thị trường.”Người viết” và “người hát”mới xuất hiện một hai năm trở lại đây đã không còn đủ tỉnh táo,bản lĩnh và tâm hồn để duy trì một phong độ viết và hát rất nghệ sĩ như lúc ban đầu nữa.Nhạc trẻ sinh ra từ thị trường và trở thành nạn nhân của thị trường bởi tính thụ động và sớm vội hưởng thụ của người hát và viết nhạc mà đa phần họ còn quá trẻ và vô tâm để nhận ra điều đó.



     Người hát từ vô tình đến tự nguyện biến hình tượng người ca sĩ trở thành cái máy hát đầy năng lượng gom tiền và săn lùng danh vọng tột độ bằng mọi giá.Họ bị biến thành một con rối đúng nghĩa trên sân khấu.Ban đầu là cái mini-disk nhiệm mầu phù phép một con chim sẻ thành hoạ mi và biến khán giả thật thà trở thành người nghe đĩa với phần “múa minh hoạ” của người nhép miệng.Tuyệt vời quá, lip-sync !!! Sau đó,mini-disk bị kết án”đồng phạm”với lip-sync giúp ca sĩ ”móc túi” khán già và biến mình thành ngôi sao ảo.Có hề gì người hát vẫn cứ hát và bây giờ khi buộc phải chia tay với “cái đĩa nhỏ phù thuỷ” họ tìm cách lấy lòng khán giả trẻ bằng chiêu bài ”FansClub”để huyễn hoặc người nghe trẻ(cũng rất non nớt đến quá vô tư) và tự “bơm mình”để”tăng trọng”như những con gà thịt bị bơm nước ở ngoài chợ.Trình độ âm nhạc và sự chạy show liên tục, sự tính toán quỷ quái để cạnh tranh,giành giựt fan không phải bằng giọng ca làm sao có thể giúp người hát có được trái tim xúc cảm và nhân cảm để hát không giống như một robot hoặc con rối duới sự điều khiển của cơ khí hoặc một người nào khác không phải chính họ?

                                          Fans là lá bài lật ngửa của ca sĩ-thợ hát ngày nay

    Trong tình hình đó đáng buồn thay”những cái máy hát” lại đi tìm sự hợp tác từ những “nhạc sĩ” đang biến mình thành một “người thợ viết nhạc”.Sự kết hợp giữa hai cái “gien” này tất yếu đã tạo ra những đứa con nhợt nhạt,ốm yếu là 9/10 những”sản phẩm”đang lưu hành trên thị trường hiện nay được đánh giá là một loại hàng hoá rẻ tiền chứ không được coi như là hàng hoá cao cấp, là “hàng hiệu” như vài năm trước đây!
     Chỉ có ai cực đoan mới ngộ nhận và phê phán tính thị trường của nghệ thuật.Đó là một yếu tính của mọi thứ trong xã hội hiện đại.Trong khi nền điện ảnh đang loay hoay tìm một lối ra trong thị trường,coi đó như một cái phao cứu sinh tạo một bước nhảy vọt để lôi kéo khán giả đến xem phim Việt Nam ở các rạp hát và trước màn hình vô tuyến, thì hà cớ gì chúng ta lại tìm cách “ngáng chân” một thị trường ca nhạc đã được tạo lập ở đây?Không có sự huỷ hoại nào đáng kể ngoài chính những người trong cuộc là những người viết nhạc trẻ!Vâng,sự thật cay đắng đã chỉ ra chính những bài hát ngày càng khô cạn về cảm xúc và nghèo nàn về sự sáng tạo và cá tính của chúng ta là một trong những nguyên nhân chính đã đưa giá trị và danh dự của nhạc sĩ ca khúc đến bờ vực thẳm.
     Từ một vài bài hát xuất thần,được cưu mang và sinh thành ở trái tim đưa một số trong chúng ta lên đỉnh vinh quang rồi từ đó duới áp lực của “đơn đặt hàng”và sự mê say danh tiếng và cạnh tranh với nhau xem ai giành giựt “miếng bánh” nhiều hơn,cái chữ “sĩ ” kia đã vơi bớt hoặc không còn nữa trong tâm niệm của người viết.Sự chai sạn cảm xúc,sự lười biếng tư duy đã tăng tốc sự thoái hoá từ học hỏi,bắt chước đi dần đến việc chấp nhận “chôm chĩa âm nhạc” do vô ý thức hoặc có ý thức chẳng giúp chúng ta nổi tiếng hơn mà chỉ là tai tiếng hơn,làm cho vai trò người viết nhạc trẻ trở nên rẻ tiển như chính những bài hát sản xuất hàng loạt mang màu sắc sinh sản vô tính của mình.
     Tôi nhớ mãi hình ảnh “đau lòng” trong lần trao giải Làn Sóng Xanh gần đây nhất.Những kỳ trao giải của mấy năm trước ,lễ trao giải diễn ra tương đối trang trọng dành cho người viết với việc xướng tên và trao giải cho từng người được giải.Lần này thì không,cả “một đống”tác giả được nêu tên và xếp hàng lên nhận “huân chương”cùng một lúc.Cảnh lộn xộn đã diễn ra và các tấm giấy khen đã trao nhầm tên tác giả lung tung!Chao ôi,một giải thưởng như của LSX,được xem như chỉ là một sân chơi cục bộ,là thị hiếu nhất thời, là thị trường nay cũng không còn trân trọng mấy dành cho những người viết ca khúc thương mại như xưa nữa huống hồ gì là những giải thưởng nghề nghiệp uy tín khác.Chẳng trách được ai vì khi mình kém tự trọng thì người khác cũng bớt tôn trọng mình mà thôi.
      Có lẽ còn lại một niềm an ủi và hy vọng chăng khi nghĩ rằng thà chúng ta có những “người máy hát” nghe xuôi tai còn hơn nghe ca sĩ dở hát;và thà làm một anh thợ nhạc “khéo tay hay làm” còn hơn một chàng nhạc sĩ vụng về không biết xu thời,biết xoay sở lăng-xê?
  
T.M.P

1.9.13

Ca từ một số ca khúc đã phổ biến


Bồ Câu Phương Xa


Mưa ơi mưa về đây với tôi nghe mưa chiều
Con chim câu về tôi trú mưa nhìn bong bóng mưa nghe chuyện tình
Bồ câu phương ấy xa mờ
( Hú hu hu hù ngát ngàn phương xa )
Tình yêu tung cánh bay rồi
( Hú hu hu hù chuyện tình trong xanh )
Phố thương nhớ con đường
( Trời mưa trắng miên man )
Phố em đến buồn không
( mà mưa ướt tim tôi )
Mưa bờ vai em trắng
Trắng đôi cánh bồ câu

Em phương xa
Hạt mưa nhớ em hạt mưa nhớ em rơi bên thềm
Xa bao xa hạt mưa rất xa
Vì thương nhớ em mưa lại về
Bồ câu phương ấy xa mờ
( Hú hu hu hù ngàn phương xa )
Gửi trong mây trắng mưa buồn
( Hú hu hu hù chuyện tình trong xanh )
Phố mưa phố chiều nay
( Bồ câu trắng nơi đâu ) Hú hù
Phố mưa hết thời gian
( Ngày nao áo em bay ) Hú hù

Mưa bờ vai em trắng
Trắng đôi cánh bồ câu
=================


Góc Phố Dịu Dàng


1. Hỡi chiếc lá me xanh rơi trên đường xưa nắng hoa.
Còn nhớ góc phố thân quen bâng khuâng chờ nhau thiết tha.
Hỡi góc phố dịu dàng và hàng me anh đưa em đi ăn kem mỗi chiều.
Hỡi góc phố dịu dàng và nụ hôn tan êm rất mau trong ly chè kem.

ĐK:
Phố có nhớ đôi mèo con năm xưa
Vẫn hay nô đùa mỗi ngày
Và hay hái me cho nhau.
Phố có biết câu chuyện yêu vu vơ
Như thể con mèo dịu hiền
Thường hay cắn đôi tay tôi.
Hỡi góc phố dịu dàng,
Mà giờ đây sao con miu ơi đi hoang nơi nào
Hỡi góc phố dịu dàng,
Và tình yêu ngây thơ vẫn thơm hương ly chè kem

2. Hỡi những chú chim xưa đang bay về đâu với ai
Còn nhớ góc phố thân quen bâng khuâng chờ nhau thiết tha.
Hỡi góc phố dịu dàng, và hàng hoa anh mua cho em bông hoa học trò.
Hỡi góc phố dịu dàng và hàng cây với những đóa sao xoay xoay thời gian
===============

Email Tình Yêu


Nhận được email phương xa của em
Giữa một chiều mưa mênh mang thật buồn
Từng dòng tin em nơi đâu gần lại tình tôi xôn xao
Dù lời yêu kia nghe như vô hồn.

Đợi chờ email trong bao ngổn ngang
triệu triệu dòng tin trôi qua lạnh lùng
Tìm một dòng thư riêng tư
Giữa dòng đời đang phô trương
Là một tình yêu vô danh lặng lẽ.

Những trang web không làm thôi nhớ
Những trang web hôm nào giữa cô đơn
Triệu thông tin vẫn nghe lạc loài
Thèm một mùi hơi ấm người.

Những khi nhớ khi buồn tôi hát
Cố quên hết căn phòng trống tin em
Chờ email lãng du một mình
Một mình cùng trang web buồn.
E... e..... email tình yêu
===========

Hôn Môi Xa


La la la lalá.., lá la-la-la lalà...
La la la lalá.., lála- la- la_...

Những mùa thu đến muộn
Những ngày yêu dấu cũ
Con đường năm xưa mưa rơi ngàn lá me buồn
Những loài hoa bé dại
Những tình yêu áo trắng
Mưa phố êm đềm bên hiên nhà bâng khuâng

Hôn môi xa hôn những nỗi nhớ ngút ngàn
Hôn môi xa yêu thương gởi gió bay về
Hôn môi xa hôn những nỗi nhớ ngút ngàn
Hôn môi xa yêu thương gởi gió bay về

Và ta ước... mơ rằng
Những yêu dấu như đóa hoa hồng
Mãi... không tàn

Những mùi hương đóa hồng
Với người yêu dấu hỡi
Bây giờ nơi nao thu sang nhìn phố thu vàng
Có loài chim rất lạ
Hát lời yêu dấu cũ
Ôi vắng xa rồi đôi môi hoa hồng...!
Ôi vắng xa rồi đôi môi hoa hồng...!

La la la lalá.., lá la-la-la lalà...
La la la lalá.., lála- la- la...
===============

Gởi Ðôi Mắt Nai


Chiều nay tôi như mây trên trời, bay lãng du
Một mình ngồi mơ đôi mắt nai
Hôm qua em đi, đi xa rồi, buồn vắng chút hương ngọc lan
u ù ú u ù, u ù ú u ù....

Ð.K.:
Những trang giấy thơm trâm em cài còn đây
Những cây bút ghi ghi thư tình vẫn xanh
Bánh xe vẫn lăn lăn trên đường nhà em
Cánh tay vẫn ôm bao kỷ niệm xanh khó quên
Sáng trưa suốt đêm em đi về lòng anh
Cũng như búp bê ôm cây đàn ngẩn ngơ
Hỡi đôi mắt nai em bây giờ ở đâu
Nhớ không nhớ không bao kỷ niệm xanh khó quên

Anh gởi hết thơ tâm hồn, cho màu mắt nai hiền ...
Em còn nhớ haỵ.. quên rồỉ Ôi màu mắt nai hiền ...
Anh gởi hết thơ tâm hồn, cho màu mắt nai hiền,
Em còn nhớ haỵ.. quên rồỉ Ôi màu mắt nai hiền ...!

--o0o--

Chiều nay sân mưa mưa mưa nhiều
Không có em giận hờn làm anh xa cách em
Chia tay chia tay em không còn
Hạnh phúc vỡ tan thành mưa
u ù ú u ù, u ù ú u ù....
=========

Đồng Nội

Mùa gió xuân êm đềm ru ngọt nồng bông lúa
Chờ hết xuân sang hè em rộn ràng chờ mong...
Màu áo xưa còn hương, và còn thương,
một mùa đông, quả còn xanh,
trên đường bụi trắng ớ ơ ờ...

Một sớm mai trên đồng mưa lại về hôn lá
Giữa giấc mơ hoang đường em đã về ngoài mưa...
Người vẫn đi và đi, tìm tình thương,
tìm tình yêu, và ngủ say trên đồng mộng cùng cỏ rơm

Chiều về êm cánh diều
Chiều về êm gió ngàn
Từng loài chim sẽ sàng
Đồng nội ai hát buồn... khi hẹn cùng trái xanh...

Gọi người vang tiếng đời
Tìm người qua mấy mùa
Để lại cây trái lành

Rồi ngàn sao cuối cùng... rơi chìm vào lãng quên.
========


Ngày xa

Mênh mang biển xanh tiếng cười hạ xưa

Xôn xao hàng dương tiếng yêu ban đầu

Êm êm biển hạ ơi cát mềm dấu yêu,Cát vàng dáng em bao thiêng đàng mộng mơ

Tan vào sóng xanh tan vào năm tháng

Rồi mây khóc biển khô cằn, ngày em khuất xa chân trời

Anh yêu biết bao dáng xưa êm đềm

Trên vai biển xanh sóng ru lời hát

Bay bay tóc em rối trong mây chiều

Ru con bướm thơ ngủ trên tay hiền

Này sóng hạ và biển xanh hạ
mây nơi phương nào
Khóc ngày xa hạ
=================

Cổ tích chuyện tình


Tim em, tim em như nàng Tấm hiền

Môi em môi em như mùi hương hoa thị

Em mơ, em mơ một giấc chiêm bao

Bên em, bên em hoàng tử khôi ngô

Yêu em, yêu em chàng rất yêu em

Cho em, cho em cá bống ca dao

Vàng anh, vàng anh ca hát trong em

Vàng anh vàng anh của đôi tình nhỏ

Tình em tình em, hương cốm trăng non

Tình em tình em ngàn sao trên trời

A...a... a.. ơi.. a..a.. a... a ơi......

Tình tang tính tính tình tính tang

Tang tang tang tang tang tình tính ( 2 )

Tính tính tính tang tình, tang tang tang tình tính…

Đọc Rap:

Chàng yêu em thắm thiết trong mùa xuân

Chàng yêu em dịu êm trong mùa hạ

Chàng yêu em nồng nàn trong mùa thu

Chàng yêu em ấm áp khi đông về

Bốn mùa chàng mãi yêu em

Bốn mùa hoàng tử yêu em


Yêu em……
=================

Kỷ Niệm Thời Gian
Tháng sáu thương nhớ mưa sớm mưa chiều
Tháng sáu thương nhớ xa ngút xa ngàn
Buổi chiều mưa ra đi vỡ đầy năm tháng
Từ đó thời gian rụng tím hạ mưa

Kỷ niệm màu kỷ niệm thời gian
Tháng năm và tháng năm mình ta
Kỷ niệm màu kỷ niệm thời gian
Tháng năm màu nắng trong màu mưa
Thời gian hay mưa ơi hạ vàng
Chờ em miên man thời gian ơi
Cầm tay chia tay bao giờ

Thời gian rơi rơi vào kỷ niệm
===================

Chiếc Xích Đu Ngày Thơ


Ngày thơ bên thềm sứ trắng
Chiếc xích đu ngoài vườn chim hót
Thời ta tắm mưa quê nhà
Với cô bạn bé thơ

ĐK: Chiếc xích đu ngày thơ ơi
Ðã ru ta thật vô tư
Vào yêu thương vừa chớm
Chiếc xích đu còn đong đưa
Trái tim ta nhịp quê hương
Và thân mến ngày thơ

Tuổi thơ tan thành bóng nước
Chiếc xích đu nhịp buồn năm tháng
Lòng ta vẫn chơi năm mười
Với kỷ niệm bé thơ
===================

 Sông Ngân Êm Đềm

Chuyện rằng có cô bé lạc trên phố mộng mơ
Tìm hoài thấy đâu mái nhà yêu dấu êm đềm.
Rồi một dòng sông biếc xanh
Hiện về nằm quanh hè phố
Tìm đường cho em đi đến ngôi nhà yên bình.
Giọt lệ là sông nhớ thương
Ngậm ngùi hoen mi cậu bé
Là vì cô bé ơi! Khóc em ngày qua.

Trời buồn thấy thương tấm lòng thơ bé hồn nhiên
Rồi Người mới mang cả dòng sông ấy lên trời
Từ đó có dòng sao sáng.
Chuyện kể có dòng sông Ngân.
=====================

Phiêu Du


Từ khi em đến mây bỗng xanh quanh đời tôi
Mùa hoa tim tím cũng theo em trên bờ vai
Mắt thu em hiền, hoa mộng xưa bỏ đi năm nào
Nay về đây cười bên hiên vắng

Thời gian như gió mang giấc mơ đi thật xa
Làm mây phiêu lãng cho bóng em nay là mưa
Tháng năm đi về phai nhạt mau bóng em trong hồn
Mưa buồn tênh ngàn mưa cây lá

Những cánh bướm hoa hồng trở về cùng em cho tôi ngẩn ngơ
Hoa bâng khuâng dưới mưa thơm như môi hồng gửi về mộng mơ
Giấc mơ vẫn quay đều, chiếc hôn giữa mây trời

Thời gian như gió mang giấc mơ đi thật xa
Làn mây phiêu lãng cho bóng em nay là mưa
Tháng năm đi về phai nhạt mau bóng em trong hồn
Mưa buồn tênh ngàn mưa cây lá

Những cánh gió muôn trùng trở về cùng em bao nhiêu lãng quên
Trăm hoa xưa ước mơ phiêu du muôn trùng chỉ còn niềm đau
Giấc mơ vẫn quay đều, giấc mơ đã xa rồi

Đời xa khuất em rồi buồn tênh
Chim hót khan nhung nhớ cây đàn
 ======================

Xa Mùa Ô Mai


Sáng nay bỗng nghe trái tim như rung động
Một thoáng bâng khuâng ô mai đã vương mùa
Buổi sáng đến lớp chợt mưa rơi
Nhặt cánh hoa tím trong tâm hồn
Từng cánh hoa tím ngày hôm qua
Ngủ êm đềm trên cỏ non hiền

ĐK :

Những con búp bê giờ mơ mộng
Chiếc chong chóng xoay, xoay vòng thơ dại
Bay vào yêu thương
Tháng năm tuổi thơ giờ xa vời
Trái tim biếc xanh, xa mùa hoa mộng
Xa mùa ô mai
========================


Những Mùa Dấu Yêu


Những mùa dấu yêu ơi xa rồi ngàn xa kỷ niệm
Những mùa mắt nai xưa đi cùng trời mây xa lắc
Như những con sông dài nhớ hoài về suối nguồn xưa
Trôi dần về phiá đại dương bao giờ ngày tháng quay lại

Hỡi mùa dấu yêu ơi đâu còn vì sao giấy màu
Xếp ngàn ước mơ cho một tình yêu mây trắng
Như ánh pha lê buồn vỡ rồi thành kỷ niệm tuổi thơ
Muôn ngàn giọt nắng giọt mưa tan vào vòng tay năm tháng

ĐK:
Hỡi những nhánh sông xa về muôn hướng
Hỡi những đoá môi son mùa sao sáng
Một mùa yêu dấu tình như trang giấy
Mà ta đã ghi lên dòng thương nhớ

Hỡi những cánh sao bay mùa mưa lá
Hỡi mắt biếc pha lê ngày xanh ngát
Vĩnh biệt thời gian dòng sông trôi mãi

Lòng ta chẳng phai mùa dấu yêu đầu
=========================

Những khúc ca ngày ta yêu


Thời gian rơi bao chiếc lá
Ngỡ quên đi theo bao mùa thu rồi
Mà đôi chim còn đến hát
Những khúc ca ngày ta yêu

Em không nhớ mùa mưa sao
Hay mây trắng thời ô mai
Mới biết yêu la xa
Em không nhớ lời ca xưa
Bao ca khúc ngày ta yêu
Những giấc mơ cỏ non

Mối tình đầu đã trôi qua
Những chuyện buồn xanh mãi
Kỷ niệm đầu vẫn quay về
Nhưng người còn đi mãi

Đâu giây phút đầu ta yêu
Đâu mưa nắng bình minh xưa
Đã ngủ quên mộng mơ
Ôi ca khúc ngày ta yêu
Xanh xanh mắt bờ môi êm
Những dấu yêu đầu tiên
================

Tình yêu ca l lem


Chuyện tình yêu rất buồn nhưng rất đẹp ai cũng thương Lọ Lem.

Chuyện một cô gái nghèo nhưng rất hiền mang trái tim thiên thần.

Một ngày kia hết buồn em bỗng đẹp trong chiếc phone tình yêu.

Rồi ngày nay có nhiều cô gái nghèo mang giấc mơ Lọ Lem.

Ước muốn sang giàu dù cho trái tim vô tình.

Đánh mất tâm hồn vùi trong phấn son ngựa xe.

Hỡi những thiên thần tình yêj hãy mang em về.

Ước muốn chân tình hồn nhiên trái tim Lọ Lem.


Cho em những giấc mơ hoa hồng,

cho em những tấm lòng sáng trong.

Tình lên ngôi với người dấu yêu.

Em mang mãi trái tim yêu người,

như mong ước mối tình Lọ Lem.

Hạnh phúc đến với em êm đềm

==============

Điện Thoại Cô Đơn

Đã lâu không nghe ai gọi đến nữa
Chiếc phone trong tay buồn như lá khô
Ngoài sân chim hót véo von
Gọi nhau xôn xao mái hiên
Như hồi chuông nhớ

Đã mấy hôm liền tôi mong chờ không thấy
Những tiếng chuông reo vang em đêm hôm ấy
Chắc đã quên quên thôi không còn nhớ chi
Cuộc đời rồi lãng quên mau

Sáng mai thức dậy còn mơ được nghe tiếng chuông
Tiếng ai xa gần dịu êm rộn vang trái tim
Trái tim mong chờ hồi âm buồn nhu lá khô
Lá rơi bên nhà lặng yên thời gian vỗ về

================


Mưa Nhớ Mưa Xưa

Mưa, tiếng mưa kỷ niệm,
Mưa trong chuyện tình, ngày mưa thuở xưa
Mưa hát trong chuyện tình buồn,
Hát trong cuộc tình, mưa trong trời mưa
Hạt mưa, mưa rơi mưa rơi,
Trời cao mưa mãi tí tách, tí tách
Mưa xa, mưa gần một lời tình đầu,
Làm sao quên hết những phút giây thắm thiết
Mưa trong chuyện tình, một ngày thật dài,
Ngồi bên nhau nói mãi mãi, mãi mãi,
Mong không bao giờ ngàn trùng cách xa
Đừng mãi xa. Hạt mưa, mưa rơi mưa rơi,
Buồn như nuớc mắt tí tách, tí tách
Nghe mưa năm nào ngậm ngùi một mình,
Dạo mưa trên phố, gió cuốn nỗi nhớ
Mưa ghi chuyện buồn, một ngày thật buồn,
Người xa phương ấy mãi mãi, mãi mãi,
Mưa hai phương trời ngàn trùng cách xạ
Mộng xưa vỡ tan.

==============

Tình Yêu Long Lanh

Đây phố xưa hàng cây sao
Em đến thăm ngày yêu anh
Và dàng hoa giấy như tiếng dương cầm chiều mây trôi
Ngày yêu dấu đã theo thời gian xa phố xưa
Mà tình yêu âu yếm chưa thể phai nhòa bao kỷ niệm
Rồi tình yêu long lanh
Giọt lệ trong mắt em
Lòng em vẫn yêu anh mà thôi

Cuộc tình trong sáng mong manh buồn
Khi chia tay chia tay
Mưa long lanh, long lanh
Em khóc âm thầm anh nào biết
Ngàn lời âu yếm em dành cho anh
Gởi về cho phố xưa êm đềm
Em vắng anh vắng anh
Mưa long lanh, long lanh
Mưa đến khi nào em về với anh

Còn tiếp...
Back To Top