11.5.14

Đêm nhạc Khánh Ly: Hồi quang & Hồi niệm

Đêm nhạc tiếng hát Khánh Ly sau 39 năm trở về đất nước và 60 năm tại nơi ra đời đã có phần hơi lạc lõng giữa không khí sôi sục của các cuộc biểu tình xuống đường chống bành trướng đại Hán nhân vụ giàn khoan HD-981. Hầu như chỉ có khoảng 4,5 tờ báo có bài đưa tin và tường thuật. Tất nhiên, khi đọc qua thì có thể cảm nhận được đó là những bài tường thuật chất lượng không cao, nhiều cảm tính nhất thời và không sâu về cảm quan âm nhạc.


Nghe một vài clip chất lượng âm thanh kém trên mạng cũng có thể nhận rằng giọng hát của bà chỉ còn khoảng 7/10 nội lực. Điều đó là tất nhiên. Những ngôi sao ca nhạc bất hủ trên thế giới khi về già như bà khi có một buổi trình diễn trong hồi quang đều không thể thắng được sự bào mòn của thời gian. Nhất là cộng thêm một khoảng thời gian dài ít hát nên sự vấp váp hay đôi chút vụng về là không thể tránh. Tuy nhiên, điều nổi bật nhất là độ sâu rung cảm và chất nhựa liêu trai trong giọng hát Khánh Ly khi cất lên hầu như vẫn giữ nguyên không gian âm thanh huyền hoặc và cô tịch thuở nào. Nhưng sức công phá nội tâm của giọng ca của bà thì hình như còn hơn xưa nhờ ở đặc điểm của hoài niệm thanh âm: Ngoài sự rung động của tiếng hát, nó còn đưa người nghe chìm đắm trong những tháng ngày hồi niệm của riêng mỗi người hoặc những khoảnh khắc đã trở thành”kỷ vật”. Nói cho cùng đó mới là giá trị của những đêm nhạc dạng như thế: Hồi quang của người hát và hồi niệm người nghe gặp nhau tạo nên một sắc mầu âm nhạc đặc biệt mà ngay thời điểm đang vàng son cũng chưa chắc có được!

Tôi nghĩ nếu có những khoảnh khắc hơi sượng chính là sự xuất hiện của vài ba giọng ca trẻ trong đêm hồi quang này. Không biết việc làm này của người tổ chức mang ý nghĩa hay thông điệp gì nhưng tôi thấy nó là…vô duyên. Vô duyên vì nó phá vỡ một đôi chút cấu trúc giao thoa giữa hồi quang và hồi niệm như đã nói ở trên và vô duyên vì nó là những nốt phô giữa chất giọng của một thứ đồ cổ quý hiếm với chất giọng của những món đồ công nghiệp đang còn bóng loáng nước sơn!

Mặc dù bà có nói đại ý: Tôi không còn thanh xuân nên thích làm việc với người trẻ. Nhưng có thể là bà nói vui, nói xã giao với người trẻ chứ qua những gì bà đã nói đã làm hàng mấy mươi năm nay bà thừa biết chất của Khánh Ly và TCS chưa bao giờ là cái trẻ trung kiểu xanh non mơn mởn, lướt thướt bề mặt mà nó là một chất xanh đậm tím của một tuổi trẻ đã chín và già dặn nồng đượm bóng triết gia buồn bên trong.

Một chút hụt hẫng của tôi và có lẽ là của không ít người khi tự hỏi: Tại sao trong thời điểm đêm nhạc này diễn ra, đang xảy ra một vấn đề về đất nước đang bị ngoại nhân xâm lấn và nhiều tiếng nói trong chánh quyền lẫn các tổ chức dân sự đang đề cập đến mấy chữ hòa giải, hòa hợp thì đêm nhạc hồi quang này chỉ hát về những tình khúc mà thôi, trong khi gia tài âm nhạc của TCS từ thời Khánh Ly đã có những ca khúc rất phù hợp với tính thời sự đó? Nếu nó vang lên lúc này thì ngoài hình bóng đẹp buồn của sự đan kết hồi quang và hồi niệm thì nó sẽ bật lên một cung bậc suy tư tươi mới hơn và chuyển được một thông điệp ý nghĩa thời sự bên cái bóng hồi vọng của thời gian…


Trần Minh Phi
Back To Top